Dâng hoa Đức Mẹ: Phục hồi và cách tân kho báu của tổ tiên

Lễ hội dâng hoa Đức Mẹ đã và mãi mãi sẽ là một phần trong di sản văn hóa nghệ thuật của nhà Đạo. Việc đi tìm và giới thiệu lại Lễ hội dâng hoa trong tình hình công nghiệp, hiện đại hóa ngày nay xem ra có vẻ đi ngược dòng.

Hằng năm, cứ độ này, khi Bắc bộ đang rộn ràng vụ chiêm Xuân và Nam bộ hừng hực nắng nóng chuyển mưa thì con dân nhà đạo mình cứ là nôn nao cả lên để vào tháng 5, Dâng Hoa Đức Mẹ. Lễ gần lễ xa, lễ ta lễ mình. Nó vừa là ký ức, vừa là hiện thực văn hóa – đức tin của người Công giáo Việt Nam.

Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, không có nơi nào tổ chức dâng hoa kính Đức Mẹ. Những người nhớ đến tháng dâng hoa chỉ còn biết khoả khuây nỗi nhớ bằng những hình ảnh cũ hoặc xem lại những video ghi lại của những năm trước.

Lịch phụng vụ và lịch đồng áng cứ nương vào nhau

Tháng Giêng, ăn Tết ở nhà
Tháng Hai, ngắm đứng, tháng Ba ra mùa.
Tháng Tư, tập trống, rước hoa…

Quanh năm, trong khi người Việt mình ở ngoài đời có đến 356 lễ hội (về truyền thống lịch sử , giáo dục đạo đức, vãn cảnh vui chơi) thì nhà Đạo mình xem ra cũng chẳng kém cạnh gì. Nào Mùa Vọng, Giáng sinh, Mùa Chay, Tuần Thánh, Phục sinh, chầu lượt. Mùa nào thức nấy. Ở đây, chỉ xin nói về Lễ Hội Dâng Hoa Đức Mẹ, diễn ra rộn ràng suốt tháng Năm.

Lễ hội dâng hoa là cung cách diễn tả đức tin về lòng thơm thảo của con cái dâng lên Mẹ hiền. Trong ảnh: Dâng hoa tại GX Kẻ Bền, GP Thanh Hóa. Ảnh: Gpthanhhoa.org

Ngày xưa, trong bối cảnh làng quê, xứ đạo sau lũy tre xanh, lịch phụng vụ và lịch đồng áng cứ nương vào nhau mà vận hành sau trước, rất đỗi nhuần nhị, hài hòa. Hình như trời đất cũng chiều lòng người và cỏ cây hoa trái tứ thời bát tiết cứ tươi tốt, sinh sôi.

Câu ca “Tháng Tư, tập trống, rước hoa” là cách tính ngày tháng theo âm lịch, trùng với tháng 5 dương lịch. Làng xóm, dâu giáp xập xình kèn trống, rước sách, kiệu hoa.

Sách Sử ký Địa phận Trung (Phú Nhai đường, 1916, trang 223) mô tả rõ nét: “Trong tháng 5 Tây, quen gọi là Tháng Hoa Đức Bà thì trong các họ nhà xứ và trong nhiều họ lẻ, tối nào bổn đạo cũng đến nhà thờ mà dâng hoa kính Đức Bà.

Lại các tối thứ Bảy và hôm trước các ngày lễ trọng trong tháng ấy thì rước hoa cùng kiệu tượng ảnh Đức Bà. Trong những làng to, thường rước hoa và kiệu tượng Đức Bà một tuần lễ hai lần. Song những họ nhỏ, có khi đến tối dâng hoa đổi lượt, một tối có, một tối không”.

Một dân tộc nặng lòng với thi ca, diễn xướng và lễ hội

Sốt sắng, kính mến Đức Mẹ là một trong những tâm tình đạo hạnh đặc trưng của người Công giáo Việt Nam. Người ta bảo, quan hệ tình cảm máu thịt giữa mẹ con cũng là cái lẽ tự nhiên sẵn có trong đạo thờ Mẫu của tín ngưỡng dân gian (Mẹ sông, Mẹ núi, Mẹ đất, Mẹ nước, Mẹ ngàn).

Hai mệnh đề, hai lối nghĩ. Tôi chỉ mới để bụng, dự cảm, mà chưa dám quy nạp hoặc suy diễn điều gì. Chỉ biết rằng người bên Đạo mình có rất nhiều cách bày tỏ và nhiều hình thức diễn đạt cái tâm tình ấy.

Từ kinh nguyện đến ca vãn, từ các đoàn hội, nghi thức đến múa hát, rước sách, kiệu cờ. Lễ là phần nghi thức trang nghiêm thánh thiêng của phụng tự và Hội là những biểu hiện của cầu thiêng kiêng lành. Cả hai tạo thành hai mặt, tĩnh và động đan xen nhau trong một tâm tình.

Cái gì cũng thành bài bản, lớp lang. Đúng là một dân tộc nặng lòng với thi ca, diễn xướng và lễ hội. Một nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận xét:

“Dân Việt vốn ưa ca hát. Tiếng Việt vốn có nhạc tính phong phú, ngay trong những lời kinhh nguyện. Nhật tụng cũng đã là những cung điệu trầm bổng, nhịp nhàng. Cao hơn một bậc nữa là những cung ngân nga khi đọc sách Thánh, những điệu bi ai Mùa Thương Khó, những bài vè vãn dâng tiến Đức Bà.

Tất cả đều thấm nhuần hồn nhạc, lời thơ cổ truyền của dân tộc và sống động đức tin. Sốt sắng và đặc sắc hơn hết là những bài Vãn Dâng hoa, tổng hợp được ba nghệ thuật: Thi, Vũ, Nhạc trong niềm kính mến Đức Mẹ” (Võ Long Tê, Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam, Sài Gòn 1965).

Đền vàng quỳ trước dâng hoa
Trông lên tháp bảo thấy tòa Ba Ngôi
Mười hai nhân đức gương soi
Kính thân Đức Mẹ đời đời ngửa trông.

Trên đây là trích đoạn từ bài vãn dâng hoa mang tên Nghinh hoa tụng kỳ chương gồm 112 câu thơ lục bát và song thất lục bát của cụ cử Phạm Trạch Thiện (Giáo xứ Cổ Ra, Bùi Chu) biên soạn năm 1852, đời Vua Tự Đức và đã trở thành kịch bản phổ biến rộng rãi trong hầu hết các cộng đoàn xứ đạo ở đồng bằng Bắc bộ. Về cấu trúc, Nghinh hoa tụng kỳ chương được viết theo thể loại một tấu khúc trong âm nhạc, gồm ba phần rõ rệt:

Mở: Giáo đầu, Thăng đường, Ngũ bái.

Thân: Dâng hoa: Tiến Hoa ngũ sắc đỏ, trắng, vàng, tím, xanh và tiến hoa cổ điển (quỳ, sen, lê, cúc, mai và mẫu đơn).

Kết: Cảm tạ, xin ơn.

Về nghệ thuật, Nghinh hoa tụng kỳ chương là một bản trường thiên diễn ca không những giàu tính thi ca (ngôn ngữ, hình tượng, tu từ), được xướng diễn, biểu đạt bằng những làn điệu ngũ cung trong dàn nhạc truyền thống Việt Nam (hát ví, dặm hò, ru, quan họ, ca trù, lưu thủy, hành vân…), mà còn phát triển và biến tấu lên cao trào qua những chương hồi, xen cảnh được phụ đệm bằng sắc màu, động thái của vũ đạo, phục trang, đạo cụ của một sân khấu mang tính dân gian.

Đức Bà thờ Chúa một bề
Hoa quỳ chăm chắm hướng về thái dương
Tội nguyên không nhiễm, khác thường
Hoa sen trên nước chẳng vương bùn lầm
Lòng đầy thánh sủng giáng lâm
Hoa lê tuyết đượm mùi thơm khác vời
Tuổi cao phúc đức càng dầy
Lạ lùng hoa cúc nở ngày vãn thâu
(Nghinh hoa, 65-72).

Phân tích toàn văn Nghinh hoa tụng kỳ chương, người ta dễ dàng bắt gặp thứ ngôn ngữ riêng rất trang trọng, rất thánh thiêng, mà cũng rất quen tai quen miệng trong kinh sách, nguyện ngắm, tu đức của nhà thờ – nhà đạo.

Đồng thời, người ta cũng nhận ra được đấy là tiếng nói, là ngôn ngữ chung của đời sống văn học Việt Nam đã mượt mà dàn trải trong những tác phẩm cùng thể loại “ca, vãn, khúc, ngâm”. Chẳng hạn, Côn Sơn ca, Quỳnh Uyển cửu ca, Tứ thời ca, Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, Tự tình khúc, Ngọa long cương vãn, Tư dung vãn, Ai tư vãn, Hạnh thục ca, Hà thành chính khí ca…

Diễn tả đức tin về lòng thơm thảo của con cái dâng lên Mẹ hiền

Trên chuyến đi thăm thú điền dã đó đây qua khắp các vùng miền, giáo phận, giáo xứ, chúng tôi đã may mắn phát hiện ra, còn khá nhiều kịch bản (bản văn, cung điệu) cùng mang chủ đề về dâng hoa Đức Mẹ.

Đôi khi Lễ hội dâng hoa đã nhen nhúm trở thành một cuộc trình diễn về âm nhạc tạp kỹ , về y trang, cử điệu màu mè , về diện mạo của một tụ điểm sân khấu phù phiếm, xa lạ.

Sưu tập, dàn dựng và chắt lọc lại có khả năng sẽ xây dựng được một mảng văn học rất đặc thù và sâu sắc về Đức Mẹ, một tham khảo rất phong phú đa dạng về cung cách diễn tả đức tin, lòng đạo của người Công giáo Việt Nam xưa.

Nhìn chung, bầu khí lễ hội dâng hoa suốt cả tháng 5 dương lịch vừa thánh thiêng, sốt sắng, vừa rộn rã nghĩa tình. Người người, nhà nhà, thôn trên xóm dưới thật sầm uất đông vui. Nhiều nơi, đồng bào bên lương và cả nhà chùa cũng tham gia bằng cách mở cửa cho người bên giáo vào hái hoa trong vườn chùa hoặc rủ nhau đến nhà thờ xem hội rất ư là cung kính, trang nghiêm.

Thế rồi, cuối tháng giã hoa, hội vãn. Dâu giáp nào cũng có khen thưởng, chè cháo, xôi vò, cơm rượu, cỗ bàn, cứ y như vào mùa hội làng. Trộm nghĩ, trong chừng mực nào đó, Lễ hội dâng hoa đã nuôi sống và làm giàu đức tin, lòng đạo của các cộng đoàn Công giáo bấy lâu. Sức sống của lễ hội Việt Nam là vậy.

Ngày nay, tất cả con người, không gian, thời gian, đời sống đã hoàn toàn khác xưa. Việc phục hồi nguyên trạng một Lễ hội dâng hoa theo đúng bài bản phải được hiểu và được làm như thế nào để vừa phát huy được những tinh hoa của truyền thống, lại vừa đáp ứng được những nhu cầu cách tân trong sinh hoạt phụng tự của người Công giáo Việt Nam.

Cải biên và cách tân không có nghĩa là xóa sổ một quá khứ, để lắp ráp vào đấy một cách ngẫu hứng tùy tiện, nghèo nàn hoặc, như thói quen đang phổ biến, một liên khúc chắp nối, nhạt nhẽo, lai căng, vô cảm, vô hồn.

Nói gì thì nói, Lễ hội dâng hoa đã và mãi mãi sẽ là một phần trong di sản văn hóa nghệ thuật của nhà Đạo, một cung cách diễn tả đức tin về lòng thơm thảo của con cái dâng lên Mẹ hiền. Việc đi tìm và giới thiệu lại Lễ hội dâng hoa, trong tình hình công nghiệp, hiện đại hóa ngày nay xem ra có vẻ đi ngược dòng.

Tuy nhiên, dưới ánh sáng của Công đồng Vaticano II, với trăn trở và thúc bách của Giáo hội để “Đức tin hội nhập văn hóa”, chúng tôi, trong điều kiện lẻ loi và hạn hẹp của mình, vẫn gối lên sóng mà bơi. Nhưng mong có được một sự quan tâm, đầu tư cụ thể nào đó để cái gia tài quý báu trên đây của tổ tiên không những không bị phủ bụi, lãng quên, mà còn được tiếp nối, gạn đục khơi trong bởi các đấng bậc bản quyền, những thế hệ kế thừa.

LÊ ĐÌNH BẢNG

>> Bồi hồi đọc kinh vãn Mùa Chay