Chuyện xứ đạo: Nói muôn đời không hết

Những năm 1960, khi cộng tác với các tờ báo Thẳng Tiến, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Sống Đạo, Xây Dựng, nhiều người nói với tôi là chuyện xứ đạo có gì để viết. Tuy nhiên, với riêng tôi, xứ đạo tiềm tàng sức sống, nói và viết cho căn cơ, đến muôn đời cũng không hết chuyện.

Trong bài viết ngắn ngủi này, tôi chẳng dám triết lý, thần học gì cao xa, vì quá tầm tay với của mình. Chỉ xin nhàn đàm đôi chút về chuyện xứ đạo, chuyện những người giáo dân bên cạnh đời sống cơm áo gạo tiền được gọi mời góp công góp sức góp của vào công việc chung của xứ đạo mình.

xứ đạo thì có gì để nói, để viết đây? Quanh năm suốt tháng biết bao chuyện, nào hát lâu chầu mỏi, chuyện cha cố, bổn đạo, chuyện lễ lạy, kinh hạt…!

Xứ đạo hình thành trên cơ sở làng Việt cổ

Nhớ giữa thập niên 1980, trên tờ Công giáo và Dân tộc, suốt 52 tuần lễ, tôi đã thực hiện đều đặn trang mục Vòng quanh các xứ đạo và đã được nhiều bạn đọc đồng cảm, có lẽ do họ đọc thấy, soi thấy chân dung xứ đạo, chân dung của chính họ trong ấy.

Thế mới biết các thế hệ chủ chiên xưa đã say mê ghi nhận những sự kiện buồn vui của xứ đạo là chuyện có thật. Từ Đắc Lộ, Majorica đến G.Amaral, Phi-lip-phê Bỉnh. Từ Tissanier, Marini, Louvet đến Taberd, Trương Vĩnh Ký, Launay, Cadière Lê Thiện Bá… Nhiều người đi, đã thành đường.

Việc hình thành, tổ chức và sinh hoạt xứ đạo ở bên Tây bên Mỹ như thế nào không rõ. Chứ ở Việt Nam ta, theo tôi hiểu từ nguồn tư liệu cũ và dựa vào thực tế đời sống của các bậc tiền bối, chỉ là những gặp gỡ, những trao đổi rất êm ái, nhẹ nhàng, dựa trên lòng tin, bất thành văn.

Không kể một vài trang huyền sử ở thế kỷ XVI với việc theo đạo của Bà Chúa Chàm (Maria Flora), toàn bộ lịch sử truyền giáo Việt Nam là một lịch sử bị phủ bóng bởi những đám mây cấm cách triền miên. Nói khác đi, vô tình hay hữu ý, đạo Chúa đã rơi vào đúng cái điểm rơi nghiệt ngã, vào một vùng xoáy lịch sử nhiễu nhương chung từ Lê, Mạc, Trịnh đến Tây Sơn và triều Nguyễn.

Trong tình hình ấy, việc hình thành, tổ chức, sinh hoạt xứ đạo ở Việt Nam phải tùy cơ mà ứng biến. Chủ yếu để đáp ứng nhu cầu khao khát đức tin của một vùng đất mới khai phá.

Nói chung, xứ đạo Công giáo Việt Nam ở Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong đều được hình thành trên cơ sở làng Việt cổ. Mọi sinh hoạt đạo đời diễn ra trong khung cảnh làng quê, với lũy tre xanh, cây đa bến đò, đồng áng, vườn tược, ao chuôm. Mỗi nơi, mỗi cách, mỗi vẻ, rất đơn giản.

Chẳng hạn năm 1679, giáo đoàn Đa Minh đến Bắc bộ, thường cập bến Phố Hiến và dừng chân tại Ngọc Đồng, trước khi lên Thăng Long. Thế là giáo xứ Ngọc Đồng ra đời. Chẳng hạn ở giáo xứ Vanno (Vân No, Văn Nho thuộc Thanh Hóa), theo cha Đắc Lộ (Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài), ban đầu chỉ là chuyện một bà lão nhà quê rất sùng Phật. Sau khi được rửa tội, bà đã làm cho nhiều người theo đạo quy tụ thành xứ.

Họ đã dùng tất cả sức lực để làm việc thiện. Nhà cửa họ trở thành nơi cho bổn đạo làm các việc đạo đức: Đọc kinh, nghe sách, chữa bệnh người nghèo… Chẳng hạn giáo xứ Nam Định (thuộc Giáo phận Hà Nội), một giáo xứ có lịch sử trên 200 năm, được tạo nên theo lối “tòng nhân”, chứ không “tòng địa”, nghĩa là chia thành nhiều giáp, mỗi giáp gồm nhiều dâu và làm một nghề truyền thống theo kiểu làng nghề Việt Nam.

Giáp Đông Mạc với nghề khắc chạm gỗ quy tụ ở phố Hàng Tiên; Giáp Kim Phô là một vạn chài quanh năm lênh đênh với thuyền lưới, chỉ Tết đến mới vào tuần đại phúc để bổn đạo đỗ bến lên bờ, xưng tội rước lễ.

Cũng thế, giáo xứ Kẻ Vồi (nay là Hà Hồi, Hà Nội) ra đời nửa sau thế kỷ XVII. Ban đầu, Kẻ Vồi chỉ là một Giáp giáo sống đoàn kết yêu thương với các Giáp lương. Đa số các họ tộc trong làng đều sống pha trộn cả lương lẫn giáo. Ngoại trừ các sinh hoạt tôn giáo, dân làng đều tham gia sinh hoạt văn hóa chung, có chung một bản hương ước làng Hà Hồi.

Hà Hồi tục tốt, dân thuần
Giáo ba, lương bảy, mười phần ở chung.

Đặc biệt trong thời buổi cấm cách, loạn lạc, các thừa sai được bổn đạo che giấu, di chuyển đi khắp nơi để làm mục vụ. Nhà bổn đạo nào thuận tiện thì cử hành thánh lễ, thường là lúc nửa đêm.

Từ cơ sở ấy, một họ đạo được hình thành từng bước, có cả ban chức việc lo nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cha sở, dạy giáo lý, giúp kẻ liệt, giữ giềng mối tinh thần đạo đức trong ấm ngoài êm (Missions Catholiques, 1877 Histoires de la Religion Chrétienne 1598-1665).

Thậm chí, còn một thực tế khá thú vị. Cuối thế kỷ XIX, sau cơn giông tố bách hại, giáo – lương hiểu nhau hơn. Họ muốn tách bạch cả thánh thần bằng cách thương lượng với nhau để chia đình, chia chùa. Trong quá trình trao đổi ấy, đã có nhiều văn bản Hán – Nôm đạo cũng được phân chia.

Theo khảo sát điền dã, hiện nay trong một số nhà thờ Công giáo còn sử dụng quả chuông đồng được đúc ở những cơ sở Phật giáo, là những sở hữu ban đầu của nhà chùa, có niên đại rất cổ.

Tại xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, một số gia đình bên lương còn lưu giữ được khá nhiều sách đạo. Hỏi ra mới hay, tổ tiên họ vốn có đạo, song vì nhiều lý do khách quan của thời thế, đến nay con cháu không đi lễ nhà thờ nữa. Nhưng sách đạo thì cứ giữ, cứ trân trọng như là vật gia bảo, xin không cho, mua không bán (Tư liệu Hán – Nôm viết về Công giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo).

Ngay từ đầu đã hình thành các tổ chức tông đồ giáo dân

Trong quan hệ làng xã Việt Nam, thầy chùa, thầy đồ và thầy thuốc đóng vai trò trí thức, được mọi người kính mến. Cũng vậy, trong giáo xứ làng quê, không ai mà không biết cha xứ, thầy giảng, thầy xứ, dì phước và ông trương, bà quản, ông câu, ông biện.

Như trên đã nói, ngay từ khi hạt giống Tin Mừng được ươm gieo trên mảnh đất này, Giáo hội đã bắt tay ngay vào việc Công giáo tiến hành, điển hình là các tổ chức tông đồ giáo dân: Thầy giảng và chức việc hàng xứ.

Trước hết là chuyện thầy giảng, một tổ chức mang tính sáng tạo độc đáo của cha Đắc Lộ. Theo lời kể của Marini năm 1663 thì “thầy giảng được giáo dân lo liệu tươm tất. Họ rộng rãi biếu các ông nhiều vật dụng, lương thực như cải, tiền, gạo, đặc biệt vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch mỗi năm” (Launay, Memorial de la Sociéte.́ MEP, 1916).

Chính cha Đắc Lộ đã đưa ra nhận xét: “Tổ chức hành chính và pháp luật của họ (Việt Nam) còn hơn cả các nước phương Tây, vì không có những nghi thức rườm rà, những giấy tờ lôi thôi, làm tổn phí thời giờ và tiền bạc”.

Hành trình và Truyền giáo

Ở những nơi thiếu linh mục, cũng theo Launay, thầy giảng đi từng nhà, dạy dự tòng, mời giáo dân đi lễ, đọc kinh, nghe sách, thông báo giữ chay kiêng thịt, nghỉ việc phần xác, giúp kẻ liệt, làm sổ sách rửa tội, hôn phối, di dân.

Còn về chức việc thì tổ chức theo mô hình ban bệ một hội đồng kỳ mục của làng xã. Năm 1660, Tissanier viết: “Họ có tổ chức nội bộ chặt chẽ trong tỉnh, trong xã thôn. Trong mỗi làng, chọn lấy 3 người nam, 3 người nữ, ở kẻ chợ thì chọn 16 nam, 16 nữ”.

Công nghị Hải Phố (Faifo, Hội An) ngày 19-1-1672 khai mạc với Quyết Nghị 10 điều, trong đó nhấn mạnh về việc bầu Trùm trưởng và điều 4 viết: “Nơi nào có nhiều bổn đạo mà không có linh mục hoặc thầy giảng thì phải chọn một người khôn ngoan, đức hạnh – Ông Trùm – để viếng thăm kẻ liệt lào, rửa tội cho trẻ thơ hoặc những kẻ rình sinh thì và phải gửi tên người ấy về cho Giám mục hoặc bề trên địa phận”.

Càng vào Đàng Trong, danh xưng ban chức việc các họ đạo lại càng mang đậm tính hành chính sự vụ hoặc quân cách cơ binh của làng xã Việt Nam. Đọc hồ sơ nghị án các thánh chứng nhân thời Tự Đức, bên cạnh trùm trưởng, câu biện, quản giáo, ta còn thấy những lý trưởng, đội phó, hương cả, hương chánh, hương giáo, hương quản, thủ bộ, hương hào, biện lại tham gia vào ban chức việc của họ đạo.

Có nghĩa là vừa làm việc ngoài đời, vừa làm việc trong đạo. Cụ thể đã có hàng chục trường hợp sống, làm việc và chết trong ơn nghĩa trung thành với chức việc của mình.

Đạo Chúa vào Việt Nam, làng xã thêm sinh động

Sống có họ hàng, chết có làng nước. Nhà làng nước, dân quan vua đã trở thành một thứ trật tự kỷ cương, một tổ chức chính trị hành chính rất tự nhiên của xã hội Việt Nam từ xa xưa. Nhà nhà sống với nhau trong tình cảm huyết tộc. Làng xóm là nơi đất lề quê thói và trên hết là có luật nước, phép vua. Bên lương bên giáo sống chan hòa với nhau trên cái nền tảng văn minh nông nghiệp thủ công và văn hóa làng xã.

Việc đi chùa lễ Phật hay cúng kiếng thành hoàng, nghiệp tổ, hội hè ở đình miếu cũng chỉ diễn ra Xuân Thu nhị kỳ. Đến khi đạo Chúa vào Việt Nam, bức tranh làng xã thêm phần sinh động, chuyển biến rộn rã hẳn lên, khác với cái vẻ u trầm bình lặng xưa cũ.

Thêm một chút sắc màu, thêm một chút âm thanh của tiếng chuông giáo đường. Lại áo lụa quần điều. Lại dập dìu tài tử giai nhân. Lại cờ đèn kèn trống. Lại vang rền nền nảy. Lễ hội của làng xã và lễ hội của xứ đạo đan xen vào nhau. Phụng vụ vừa diễn ra theo lịch của Giáo hội, lại vừa bước đi theo nhịp thở với thời vụ, mùa màng, với con nước, tuần trăng.

Từ làng xã hương thôn đến giáo xứ, họ đạo. Từ tín ngưỡng dân gian đến đức tin lòng đạo. Từ lũy tre, đồng áng, từ chùa chiền đền miếu đến phố thị, quần cư, nhà thờ, nhà xứ, nhà chung, nhà dòng, nhà phòng, nhà hội. Một quy hoạch rất dân dã, rất Việt Nam, rất đạo đời đã hình thành, bất thành văn.

Sức sống của một xứ đạo tập trung ở các đoàn thể. Tùy theo điều kiện của mỗi nơi, mỗi lúc, tùy theo định hướng mục vụ của mỗi đấng bản quyền, các đoàn thể Công giáo trong xứ đạo vô cùng sinh động mà chúng tôi xin được gác lại, sẽ nói trong một dịp khác.

LÊ ĐÌNH BẢNG

>> Bồi hồi đọc kinh vãn Mùa Chay