Bồi hồi đọc kinh vãn Mùa Chay

NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM HÁT HÒ, RU CON BẰNG CA DAO TỤC NGỮ, NÓI KIỀU, NGÂM KIỀU, LẨY KIỀU... ĐỒNG THỜI NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM ĐỌC KINH VÃN, NÓI KINH, TỤNG KINH, NGÂM NGỢI VÀ CA HÁT NHỮNG LỜI KINH.

Xưa nay hình như người ta vẫn hay gán ghép câu Kinh nhà đạo, gạo nhà chùa hoặc Hát lâu chầu mỏi mỗi khi nghe và nói về kinh vãn nguyện ngắm.

Nói như thế, khác nào bảo kinh vãn chỉ là chuyện tầm thường, vẽ vời của những người bình dân ít học, ăn không ngồi rồi.

Ngắm nguyện mùa Chay tại Giáo phận Hải Phòng.

Phai nhạt dần việc đọc kinh

Đặc biệt, những năm gần đây, việc đọc kinh chung trong nhà thờ đã và đang trên đà giản lược hóa, phai nhạt dần, nếu không muốn nói là bị xóa sổ!

Thậm chí, khi đến nhà thờ, đã có khá nhiều người cảm thấy bị hụt hẫng, trống rỗng, ngồi trơ như thổ địa. Hệt như những ông đầu rau hoặc kiềng ba chân bên cạnh những bếp gas, bếp điện ở thời buổi công nghiệp hóa này.

Có lẽ, trong phút chốc, người ta đã quên bẵng đi cả một quá trình đầy gian nan của các thế hệ tiền bối khi chuyển dịch từ Sách Kinh hằng ngày bằng tiếng Latin (Exercitum Quotidianum) để có được những bộ Thánh giáo kinh nguyện, Toàn niên, Kinh nguyện và Mục lục, Nhựt khóa...

Những quyển sách này đã theo ta đi suốt cuộc đời người tín hữu. Nào, mảng kinh vãn chiều hôm ban sáng ngày thường, kinh nghĩa đức tin các Chúa nhật, lễ trọng. Nào mảng ngắm lễ Misa, ngắm Rosa, ngắm bảy sự đau đớn Đức Bà, Ngắm 15 sự thương khó, ngắm lễ đèn, viếng đàng thánh giá, dâng hoa, dâng hạt, than thánh giá, than mồ…

Đọc và phân tích kỹ từng câu chữ, từng đoạn mạch, từng chương hồi và gẫm suy từng kiểu cách biểu đạt mới cảm nhận được sự thông tuệ về tín lý, thần học… của cha ông ta trong quá trình hội nhập.

Tất cả được biên tập có bài bản, sắp xếp theo lịch phụng vụ và mùa vụ, hợp với tâm thức sùng mộ của người Việt mình, một dân tộc vốn trân trọng lễ nghĩa đạo hạnh, lại ưa hát xướng ca ngâm, lễ hội.

Đành rằng kinh kệ, ca vãn ấy, đến nay chỉ còn là một di sản đức tin – văn hóa, chỉ dừng lại ở trong cái phạm trù “lòng đạo đức dân gian” của người Công giáo Việt Nam.

Đành rằng đấy chỉ là một số vận dụng sáng tạo hoặc mô phỏng đáp ứng nhu cầu trong một thời điểm nhất định, cần phải được chắt lọc và cập nhật hóa sao cho phù hợp với sự đổi mới về phụng vụ của Giáo hội, đồng thời theo kịp bước đi chuyển động và tiếp biến trong đời sống ngôn ngữ của dân tộc.

Nghệ thuật chuyển tải tài hoa của cha ông ta

Nhưng dù sao, ở một góc độ nào đó, chúng vẫn tồn tại khách quan như một đối tượng nghiên cứu về mặt giáo dục đức tin cũng như hội nhập văn hóa.

Bởi vì, có đọc và phân tích kỹ từng câu chữ, từng đoạn mạch, từng chương hồi và gẫm suy từng kiểu cách biểu đạt, diễn tả, từng dụng ý thác ngụ của mảng kinh văn, mới cảm nhận được sự thông tuệ về tín lý, thần học, mới khẩu phục tâm phục sự tài hoa thần tình về nghệ thuật chuyển tải của cha ông ta trong quá trình hội nhập để chu ển dịch, sáng tác hoặc biên soạn.

Một trong những giá trị không thể phủ nhận được đó là tập thể tác giả ấy đã làm được cái công việc to lớn của một Ban Tu Thư, một phần vụ không thể thiếu của Ủy ban Phụng tự. Họ đã dụng công “thi ca hóa”, đã chuyển thể bằng cách “diễn ca” gần như toàn bộ kinh kệ sang hệ thống văn vần, đưa chúng vào khuôn khổ mẹo luật, niêm vần và cấu trúc của văn chương thi phú Việt Nam.

Một tổng hợp thể loại, từ tứ tự, ngũ ngôn, cổ phong, Đường luật, Đường phú, văn sách, kinh nghĩa cho đến các thể loại thuần túy Việt Nam như lục bát, song thất lục bát, phức hợp, hát nói… Rất dễ đọc, dễ nhớ, dễ thuộc, như thói thường hay đối đáp, ví von có vần điệu của người mình.

Nói một cách khác, kinh đã hóa ra thơ và thơ đã chuyên chở kinh. Cả hai chắp cánh cho nhau, rước lòng trí người ta bay bổng lên cõi thánh thiêng. Để lặng thinh, chiêm niệm hoặc mở lời ca vãn nguyện cầu.

Đó là cái vốn sống có thật, vẫn ngồn ngộn, tiềm tàng trong từng trang sách, trong tầng bậc ký ức và cả trong máu thịt, hồn vía của người Việt Nam con Chúa hàng mấy trăm năm qua.

Như vậy, chẳng hóa ra là người Công giáo Việt Nam mình đã sớm hạnh ngộ, đã đồng cảm với thánh Tiến sĩ Âu Tinh khi Ngài viết “Oremus cantando et Orando cantemus” sao?

LÊ ĐÌNH BẢNG

> Những Mùa Thương Khó… khó quên