Lò đậu hủ của các linh mục Việt Nam tại Thuỵ sĩ

Việc làm đậu hủ ban đầu được các linh mục xác định để là phục vụ cho nhà dòng, sau đó phục vụ cho cộng đồng người Việt Nam và bán ở các siêu thị...

Đan viện Xitô Đức Mẹ Fatima (Fribourg Notre-Dame de Fatima) là một trong những dòng mới nhất của Thụy Sĩ, được thành lập từ năm 1979 với 18 tu sĩ đầu tiên đến từ Việt Nam. Hiện cộng đoàn có 108 linh mục và tu sĩ. Ngoài cầu nguyện, công việc của các tu sĩ nơi đây là làm in ấn, sản xuất đậu phụ và đón khách hành hương.
Mới đây tờ Lorraine Fassler, thuộc Le Matin Dimanche (Thụy Sĩ) đã có bài viết về nghề làm đậu hủ tại Đan viện Xitô. Chúng tôi xin giới thiệu trích lược nội dung bài báo này.

Bài báo trên tờ Lorraine Fassler, thuộc Le Matin Dimanche.

Đậu hủ giúp trang trải 1/3 nhu cầu của cộng đoàn

Một trăm bao đậu nành chất cao đến trần nhà trong căn phòng. Tuy không cao lắm, nhưng Linh mục Martin Tuấn vác một bao 25 kg đậu nành trên vai mà không gặp khó khăn gì. Cha Tuấn làm quen rồi, mặc dù đã 63 tuổi nhưng dường như ngài chẳng thấy mệt mỏi.

“Mỗi năm, chúng tôi mua 10 tấn đậu nành trong một siêu thị lớn ở Valais. Hạt giống hữu cơ đấy!”, cha Tuấn hãnh diện nói. Đậu nành được dùng để chế biến sản phẩm hàng đầu của tu viện: Đậu hủ.

Đây là một trường hợp độc đáo ở Thụy Sĩ, ở ngay trong Đan viện Đức Mẹ Fatima thuộc làng Orsonnens. Nơi đây ban đầu có 18 tu sĩ Việt Nam tuổi từ 30 đến 73 sinh sống. Việc bán đậu hủ giúp các linh mục trang trải một phần ba nhu cầu của cộng đoàn. Phần còn lại được tài trợ bởi dịch vụ cho thuê phòng trọ, đóng sách, in ấn và quyên góp.

Vào năm 1918, nhà truyền giáo người Pháp Benoît Thuận đã thành lập tu viện Xitô đầu tiên ở Huế, Việt Nam. Cha Gioan Baotixita Chuyên, 67 tuổi, bề trên hiện nay của tu viện, cho biết mình đã rời khỏi Việt Nam sau năm 1975. Cha đã đi học tại tu viện Hauterive nổi tiếng và cùng với ba cha khác thành lập tu viện Đức Mẹ Fatima vào năm 1979.

Các cha và các thầy Đan viện Xitô Đức Mẹ Fatima, Thụy Sĩ.

Mỗi tuần sản xuất 300 kg đậu hủ

Ý tưởng làm đậu hủ đến với các cha hơi muộn. Cha Gioan Baotixita Chuyên vừa cười vừa nói thân thiện: “Ban đầu, chúng tôi sản xuất đậu hủ chỉ để dùng cho cộng đoàn, nhưng sau đó những người đồng hương đã hưởng ứng ngay. Một cặp vợ chồng người Việt sống ở vùng Thụy Sĩ nói tiếng Đức đã dạy chúng tôi mọi bí quyết sản xuất”. Vậy mà đã hơn hai mươi năm rồi. Từ đó đến nay, cơ cấu hoạt động cũng được phát triển tốt hơn.

Các cha, các thầy làm việc ở tầng trệt của tu viện. Hôm nay là ngày thứ Hai như mọi ngày đầu tuần khác, đó là buổi sáng làm đậu hủ. Phòng thí nghiệm sản xuất trông thật tương phản qua hình ảnh thiết bị hết sức tối tân so với phần còn lại của các phòng trong tòa nhà.

Tại ngày hội các dòng Thụy Sĩ, chỉ riêng các cha Xitô Đức Mẹ Fatima bán đồ ăn Việt.

Sự tương phản còn được thấy ở các cha: Các ngài thay đổi trang phục làm việc cho phù hợp, đeo găng tay cao su màu và đầu đội mũ. Tổng cộng có sáu cha, thầy làm việc chung với nhau trong thinh lặng, bởi theo phương châm của tu viện, “Làm việc cũng là cầu nguyện”.

Thầy Emmanuel Khánh thức dậy lúc 4 giờ 30 sáng để bắt tay làm việc, thầy chịu trách nhiệm sản xuất đậu hủ: Xay 5 kg đậu nành vàng đã ngâm trong nước cả đêm. Đến 7 giờ 30, các cha khác đến tham gia với thầy Emmanuel Khánh.

“Sau đó là công việc của dây chuyền sản xuất”, cha Martin Tuấn mỉm cười nói. Khi chiết xuất, sữa đậu nành được đun sôi ở 95 độ trong 45 phút. Sữa nóng được đổ vào thùng, sau đó đổ thêm muối và hỗn hợp nước giấm vào. Khi dung dịch này đã nguội, bột nhão được đổ vào khuôn để qua khâu chính là ép đậu.

Hai cha cẩn thận cắt những khối đậu cho vuông thành, sắc cạnh. Cứ hai ký được phân thành bốn khối 500 g, đặt trên một khay để dễ di chuyển, ngâm nước lạnh trong 30 phút. Hàng tuần, tu viện sản xuất cả thảy 300 kg đậu hủ.

“Chúng tôi không phải nhân viên nhà máy”

Cứ đến thứ Ba và thứ Tư, các tu sĩ lại tự lái xe giao đậu hủ cho khách hàng giữa Fribourg, Bern và Lausanne. Cha Gioan Baotixita Chuyên cho biết đây là những nhà hàng và cửa hàng châu Á. Các cha còn bán cả chả giò tự làm và giá đậu xanh được trồng ở Orsonnens.

Tu sĩ Xitô trong lò đậu hủ: Chúng tôi không phải là nhân viên nhà máy.

Việc sản xuất đậu hủ không nhất thiết phải phát triển dù cho nhu cầu có cao. Cha Gioan Baotixita Chuyên vừa mỉm cười vừa nhấn mạnh: “Làm việc là cần thiết nhưng chúng tôi vẫn là tu sĩ, chứ không phải nhân viên nhà máy”. Không có gì được phép “qua mặt” việc phục vụ Đức Chúa Trời!

LM TRẦN VĂN LONG, O.CIST

>> Xuất khẩu… ơn gọi