Dòng thơ nuôi dưỡng đức tin Công giáo

Người Việt Nam sống với thơ, hít thở cùng thơ, trưởng thành bằng thơ và tất nhiên, đức tin cũng được nuôi dưỡng bằng thơ...

Lễ trao giải cuộc thi thơ Công giáo Hoa núi rừng 2016 do Ban Mục vụ Văn hóa GP Kon Tum tổ chức. Ảnh: Ban Mục vụ Văn hoá Giáo phận Kon Tum

Có lần tôi được nghe nhà thơ Công giáo lão thành Lê Đình Bảng chia sẻ: “Một số văn thi hữu đã từng nói với tôi: Bên đạo của ông làm gì có truyện ngắn hay tiểu thuyết Công giáo có tầm cỡ!”.

Ừ thì cũng phải! Ngẫm lại từ khi có chữ Quốc ngữ đến nay (cũng đồng thời với nền văn hóa Công giáo phát triển tại Việt Nam), đã có nhiều học giả và nhà văn Công giáo để lại những tác phẩm lớn cho đời nhưng tác phẩm văn xuôi Công giáo có giá trị thì hầu như rất hiếm! Đổi lại, mảng văn vần thì phát triển mạnh mẽ và liên tục: Thơ đi vào kinh vãn, thơ đi vào giáo lý, thơ minh họa dụ ngôn, thơ diễn hạnh các thánh…

Những câu thơ đi vào tuổi thơ

Nhớ hồi mới học giáo lý vỡ lòng, những câu thơ giáo lý đã đi vào hồn tôi một cách tự nhiên và khắc sâu vào tâm khảm:

Kìa xem cảnh cuộc đất trời
Nếu không Thiên Chúa, vậy thời ai sinh?
Và thêm nhiều chứng đinh ninh
Hiền nhơn ghi chép, sử kinh di truyền
(Đức cha Hồ Ngọc Cẩn)

Ngày rước lễ vỡ lòng, tôi được cha mình tặng cuốn Sấm truyền ca của LM Lữ Y Đoan (Lu-y Đoan). Nhờ đó, những câu chuyện Kinh Thánh Cựu Ước dễ dàng thẩm thấu vào ký ức vốn non nớt của một đứa trẻ. Và có lẽ các bà mẹ Công giáo sinh khoảng đầu thế kỷ 20 trở về trước đều thuộc nằm lòng truyện Thánh A-lê-xù bằng thơ mà cho đến nay vẫn chưa biết tác giả.

Thỉnh thoảng, tôi được mẹ ngâm nga mấy câu dỗ dành giấc ngủ:

Lê-xù mặt khó dàu dàu
Gối quỳ tạ Chúa nguyện cầu chưa thôi
Lạy bà bào chữa cho tôi
Chúa Cha giúp sức trước mai chẳng hề.

Và còn nữa, nền thánh ca Việt Nam hiện nay rất phong phú và phát triển cũng là một minh chứng cho sức mạnh của dòng thơ ca Công giáo Việt Nam. Có thể nói thơ Công giáo như đôi dép gắn bó và nâng đỡ người tín hữu Việt Nam vững bước trên hành trình đức tin của mình.


Từ năm 2012, nhà thơ Trăng Thập Tự và một số bạn hữu thực hiện bộ sưu tập Có một vườn thơ đạo, bao gồm 140 tác giả từ thời Hàn Mặc Tử đến nay.

Từ thơ chữ Nôm đến thơ chữ quốc ngữ

Ngay từ buổi bình minh của Giáo hội Việt Nam, đã có những tác giả thơ Công giáo dùng chữ Nôm như công nương Catarina, thầy giảng Phanxicô, thầy giảng Gioan Thanh Minh. Thậm chí một giáo sĩ người Ý là cha Girolamo Majorica, Dòng Tên…

Tuy nhiên, thi phẩm được biết tới nhiều nhất là bộ Sấm truyền ca của cha Lữ Y Đoan viết bằng chữ Nôm. Đây là bộ trường ca viết theo thể lục bát với hơn 5.000 câu diễn ý Sáng thế ký và sách Xuất hành.

Cha Lữ Y Đoan làm mục vụ thầy giảng và được thụ phong linh mục tại Quảng Ngãi. Ngài sáng tác tác phẩm này khoảng trước năm 1670. Tuy nhiên, do điều kiện in ấn chưa phổ biến ở thời đó nên chỉ lưu truyền bản viết tay và số phận lênh đênh đã khiến nó lưu lạc đến tận đồng bằng sông nước Cửu Long.

Tại đây, vào đầu thế kỷ XIX, nó được một giáo dân uyên bác và đạo đức là ông Simon Phan Văn Cận viết lại bằng chữ Quốc ngữ. Người bi quan thì nói việc đó báo hiệu nỗi thăng trầm của nền thi ca Công giáo Việt Nam sau này.

Thi sĩ Hàn Mặc Tử – niềm tự hào của nền thi ca Công giáo Việt Nam. Ba nhân đức đối thần tin-cậy-mến trào tuôn ra mạnh mẽ phi thường trong thơ của ông. Ông như được ơn khải thị để có những câu thơ tuyên tín mang màu sắc của siêu nhiên và huyền nhiệm…

Người lạc quan thì tin vào thánh ý Chúa: Nếu Sấm truyền ca không lưu lạc vào miền Nam thì có lẽ không được viết ra bằng Quốc ngữ mà sẽ nằm ẩn đâu đó trong thư tịch của Giáo phận Đàng Trong (Quy Nhơn). Bởi vì người miền Trung vốn dĩ sành chữ Nôm và có khuynh hướng trân trọng di tích, di chỉ… Còn người miền Nam ở thế kỷ XIX đã xa lạ với chữ Nôm và gần gũi với chữ Quốc ngữ hơn.

Kế tục cha Lữ Y Đoan, ở thời cận đại có thánh Philipphê Phan Văn Minh, cha Gioakim Đặng Đức Tuấn, cha Phêrô Trần Lục, Alexis Tống Viết Toại, Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn, cha Giuse Trần Văn Trang… Các tác giả này hầu hết thường dùng thể thơ lục bát, thể loại dễ đi vào lòng người Việt Nam để chuyển tải Tin Mừng, huấn đạo và giáo lý.

Một thi phẩm lớn hiện nay mà tôi mong mọi gia đình Công giáo nên có trong nhà là quyển Sứ điệp Tình thương của LM FX Nguyễn Xuân Văn. Tác phẩm diễn ý trọn bộ Tin Mừng nhất lãm bằng 9.764 câu thơ lục bát được chăm chút vần điệu và sử dụng cả những thủ pháp nghệ thuật. Ta thử đọc một đoạn ngắn diễn ý Tin Mừng Mt. 7, 24:

Ăn làm sao? Nói làm sao?
Đất không nhận diện, trời nào điểm danh
Nghe lời Ta biết thực hành
Khôn ngoan nên mẫu, trung thành nên gương.

Ta dễ nhận ra phép đối ý, đối xứng và cách tạo nhịp để tránh sáo mòn. Đây còn là một sách “giáo khoa” về thơ lục bát cho những ai muốn học làm thơ. Vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào rằng nền thi ca Công giáo Việt Nam cũng có một tác phẩm không hề kém về hình thức, tư tưởng lẫn dung lượng.

Nở rộ những vườn thơ mới

Trong cuộc sống bộn bề lo toan, những tưởng không còn ai mặn mòi với thơ Đạo. Nhưng không, trong hành trình “góp nhặt thơ” của cha Phêrô Võ Tá Khánh (thi sĩ Trăng Thập Tự), chúng tôi bắt gặp những gương mặt thơ nghe chừng lạ lẫm vẫn còn thầm lặng nương náu bên bóng giáo đường.

Những câu thơ đẹp dần lộ ra, những gương mặt thơ mới lại xuất hiện. Năm 2008, thi sĩ – nhạc sĩ PM Cao Huy Hoàng lập trang Đồng Xanh Thơ trên trang mạng Dũng Lạc để quy tụ các tác giả thơ Công giáo.

Tiếc thay, sau khi cha Anrê Trần Cao Tường – người thành lập trang Dũng Lạc, về với Chúa, trang mạng này đã đóng cửa. Song nhờ trang này, các tác giả thơ hiện đại được quy tụ, một số câu lạc bộ thơ Công giáo lấy tên là Đồng Xanh Thơ đã được thành lập ở các Giáo phận Qui Nhơn, Nha Trang, Xuân Lộc và Sài Gòn.

Giọng thơ của các tác giả hôm nay cũng đã khác xưa. Họ không còn đóng khung trong việc truyền rao Tin Mừng hay giáo lý cho người Công giáo qua lời thơ hoặc chỉ chia sẻ cảm nghiệm đức tin với người đồng đạo, mà còn là thể hiện vai trò chứng nhân cho người ngoại giáo bằng những hình ảnh rất đời thường được thể hiện qua chất thơ hiện đại.

Một số tác giả có bút lực sung mãn hiện nay có thể kể đến PM Cao Huy Hoàng, Mạc Tường, Trầm Thiên Thu, Dã Tràng Cát, Mặc Trầm Cung, Cao Danh Viện, Vũ Thủy, An Thiện Minh, Lưu Minh Gian… Nhiều người bạn ngoại giáo của tôi cũng rất thích đọc thơ của các tác giả này.

Không thiếu những thi sĩ – linh mục, thi sĩ – giáo dân
Khi còn là một chủng sinh, tôi thường say sưa đọc các trang thơ trên báo Đức Mẹ Hằng Cứu GiúpĐức Mẹ La Vang. Nhờ đó tôi được biết đến những thi sĩ Công giáo như Xuân Ly Băng, Lê Đình Bảng, Trăng Thập Tự, Nguyễn Thế Thuấn, Sao Vườn Dầu… Cho đến thời kỳ này, phần lớn các tác giả thơ đều là linh mục hoặc tu sĩ.
Có lẽ công việc mục vụ thôi thúc các ngài trong cách rao giảng làm sao dễ đi vào lòng người nhất. Cũng có một số thi sĩ giáo dân nổi tiếng nhưng không hiểu sao thơ Đạo của họ ít được phổ biến như Bàng Bá Lân, Hồ Dzếnh, Phạm Đình Tân (bào đệ của cụ Phạm Đình Khiêm, tác giả Người Chứng Thứ Nhất)…

LÊ HỒNG BẢO

>> Chuyện xe pháo của các cha