Bờ đá xanh tạ tội: Bài hát gây “cớ vấp phạm” cho nhiều người

Là tác giả của nhiều ca khúc thánh ca nổi tiếng Lời kinh nguyện trầm, Lời vọng tình yêu, Calve chiều tím buồn, Trở về bên Chúa, Từ rất xa khơi... nhưng không nhiều người để ý các sáng tác đó là của Đỗ Vy Hạ. Song khi nhắc đến Bờ đá xanh tạ tội là người nghe gần như nhắc ngay đến cha đẻ Đỗ Vy Hạ của nó và ngược lại. Cả hai như “đồng hóa” lẫn nhau

Nhạc sĩ Đỗ Vy Hạ tại Dallas, Texas, Hoa Kỳ

Mỗi khi nhắc đến Nhạc sĩ Đỗ Vy Hạ, người ta nhắc đến Bờ đá xanh tạ tội. Để minh chứng cho điều này, tôi vào Google tìm chữ Bờ đá xanh tạ tội, và tôi đã đếm được 45 website có nói đến hoặc lưu trữ bài hát này. Nhiều website đã có những bài hướng dẫn cách cầu nguyện khi tĩnh tâm và đề nghị dùng bài hát này cho phần thống hối hòa giải.

“Có một website của đạo Tin Lành xếp bài hát này sau phần bài giảng của vị mục sư”, một sư huynh đồng môn của nhạc sĩ Đỗ Vy Hạ, đã kể lại một kỷ niệm về vị nhạc sĩ Công giáo tài ba này như vậy.

Cả Phật tử cũng thuộc

Nhạc sĩ Đỗ Vy Hạ, tên thật Đỗ Văn Hiệp, người con của miền cát trắng Nha Trang. Một mẩu chuyện có thật, từng làm anh xúc động. Đó là vào một lần nọ, một anh bạn của anh ở Houston cho biết, cô thư ký của anh ấy vốn là một Phật tử cũng thuộc bài hát. Trong những giây phút hát cho lòng mình, cô cũng đã ngâm nga những lời “như viên đá xanh ngủ yên giấc mộng lành”.

Anh tỏ ý không tin, anh bạn đã yêu cầu cô ấy hát qua điện thoại. Lạ thật! Cô ấy hát câu: “Vâng, vâng Chúa ơi, dương trần đầy chơi vơi” nghe chẳng ngập ngừng tí nào cả! Vậy mà, số phận của bài hát thật nghiệt ngã. Câu hát “Như viên đá xanh ngủ yên giấc mộng lành” đã bị bình phẩm là kiểu nói trần tục. Theo tác giả, điều khôi hài cho riêng mình là đã cảm xúc hình ảnh này ở một nơi chẳng trần tục chút nào!

“Trong số không ít những ca sĩ đã sử dụng bài hát này,
chỉ duy nhất
có LM Nguyễn Sang gần đây đã email xin phép tác giả mà thôi!”.

Cũng như nhiều sáng tác khác của anh, Bờ đá xanh tạ tội được viết thiên về gam thứ, mỗi khi cất lên nghe nó trầm buồn làm sao ấy!

Đỗ Vy Hạ tự sự: “Nó phù hợp với cá tính riêng của tôi và đồng thời đó cũng là kết quả của những trải nghiệm, những suy tư về thân phận của con người”.

Thuở còn ở Việt Nam, phục vụ tại giáo xứ Thanh Hải (Giáo phận Nha Trang), linh mục chính xứ của anh đã tặng cho anh danh hiệu “Nhạc sĩ của Mùa Chay”. Chính tác giả của Bờ đá xanh tạ tội cũng phải công nhận những tâm tình và cảm xúc về Mùa Chay trong năm phụng vụ dễ gây cho mình nhiều xúc động. Đặc biệt, người con xứ trầm hương được sinh ra và lớn lên trong xứ đạo có truyền thống tổ chức những lễ nghi về Mùa Chay và Phục Sinh rất long trọng.

Nổi tiếng từ bài thánh ca này, vang danh cũng bởi giai điệu trầm lắng, ca từ thổn thức của Bờ đá xanh tạ tội thế nhưng bài hát ấy cũng gây cho tác giả quá nhiều trăn trở. Anh đã từng công khai đòi “khai tử” đứa con tinh thần của mình bởi không muốn nó trở thành “tảng đá” làm “cớ vấp phạm” cho nhiều người…

“Viên đá xanh” là viên đá nào?
Như viên đá xanh ngủ yên giấc mộng lành
Con say tiếng ca quên tình người bao la.
Trong nỗi ước mơ bờ môi khẽ tạ tội
Vâng, vâng Chúa ơi! Dương trần này chơi vơi…

Từng ca từ trong lời nhạc của bài hát đều tràn đầy một tâm tình tha thiết, nguyện cầu, không bóng bẩy, đẩy đưa câu chữ nhưng kỳ thực rất chân tình, dịu ngọt pha chút trầm lặng, suy tư…

Lúc ấy, phần đông các thầy đại chủng sinh trở về nhà bố mẹ “tu tại gia”, và Đỗ Vy Hạ nằm trong số ấy.

“Nhà bố mẹ tôi nằm bên kia đường, đối diện với mặt tiền nhà thờ Giáo xứ Thanh Hải, Nha Trang. Hình ảnh “trơ như đá” của những viên cuội xanh được dát đầy mặt tiền nhà thờ hằng ngày đập vào mắt tôi, để rồi một thoáng nào đó gợi lên cho tôi tâm tình của một tội nhân, một thân phận người qua lời Thánh vịnh 50 tôi vẫn đọc trong các giờ kinh phụng vụ: “Ngày mới sinh, tôi mắc tội rồi. Trong lòng mẹ, tôi đã là bất chính”, Nhạc sĩ Đỗ Vy Hạ xâu chuỗi lại ký ức về nguồn cơn sự thai nghén nên đứa con “trơ như đá”, tức Bờ đá xanh tạ tội ấy.

Nhà thờ Thanh Hải, Nha Trang, nơi có “bờ đá” và những “viên đá xanh ngủ yên giấc mộng lành”

Chẳng mấy chốc, bài thánh ca nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Khi chia sẻ với chúng tôi, Đỗ Vy Hạ cho biết không thể nhớ nổi nó được bao nhiêu ca sĩ hát và thu âm, anh chỉ nhớ mỗi điều: “Trong số không ít những ca sĩ đã sử dụng bài hát này, chỉ duy nhất có LM Nguyễn Sang gần đây đã email xin phép tác giả mà thôi!”.

Anh không viết nhiều dòng nhạc vào đời, chỉ dăm bảy bài gì đó cho đến nay thôi. Bờ đá xanh tạ tội thuộc dòng nhạc vào đời này. Vậy mà nó từng được nhiều ca đoàn hát trong phụng vụ. Và đó chính là “cớ vấp phạm” mà anh đã từng nói.

Chậm rãi sau một ngụm nước mát, trầm lòng trong đôi phút suy tư, những hoài niệm một thời chất chứa bắt đầu hiện về. Đỗ Vy Hạ say sưa: “Bờ đá xanh tạ tội là một trong những sáng tác đầu tay của tôi được in trong tập nhạc vào đời Ca Khúc Trường Sinh 1 của nhóm Ca Lời Hằng Sống. Tôi thừa nhận rằng đúng như thể loại vào đời của nó, Bờ đá xanh tạ tội không bao giờ thích hợp với phụng vụ và chưa bao giờ được phép sử dụng trong phụng vụ!”.

Về sau, lấy cảm hứng từ dụ ngôn Người cha nhân từ (Lc. 15, 11-32), tôi giữ nguyên nhạc, viết lại lời ca cho 3 phiên khúc, đổi tựa đề thành Lời kinh tạ tội rồi gởi đi xin phép “Imprimatur”.

Bài ca Lời kinh tạ tội, không còn lời ca “Như viên đá xanh ngủ yên giấc mộng lành…”, nhận được phép sử dụng trong phụng vụ của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hoà và được in trong Tuyển tập Ca khúc lên đền cũng của nhóm Ca Lời Hằng Sống và trong tập nhạc Phụng vụ Thường Niên năm A của Giáo phận Nha Trang.

Nhắc lại kỷ niệm, Đỗ Vy Hạ như càng thấu hiểu và thấm thía hơn cái nguyên nhân nào đã khiến cho lời ca của Bờ đá xanh tạ tội vốn không phải là một bài ca phụng vụ vẫn bị phê bình trong thông cáo của Ban Thánh nhạc Giáo phận Nha Trang. Rồi như một lời thú tội, tác giả Bờ đá xanh tạ tội đấm ngực: “Một sai lầm của tôi (xin Chúa tha tội, tôi chỉ vừa mới nhận ra gần đây thôi!…), đó là tôi đã vô tình du nhập một bài ca vào đời (của chính tôi) vào trong phụng vụ.
Phải! Mặc dù Lời Kinh Tạ Tội đã được thay đổi lời ca cho phù hợp, đã được phép chuẩn nhận, nó vẫn là “hậu duệ” của một bài ca vào đời vốn chỉ được sử dụng bên ngoài nhà thờ mà thôi! Quả thật là sai lầm.

XUÂN THÁI

>> Bài thánh ca gây nhiều tranh cãi về thần học