Chuyện xe pháo của các cha

Tôi may mắn có nhiều dịp đi lại cùng các cha. Bà con dòng tộc cũng được vài linh mục. Trên con đường thiên lý, sau chuỗi kinh Mân Côi cũng lắm điều to nhỏ về chuyện xe pháo của các cha...

Lâu nay hay nghe thiên hạ xì xào: “Cha này đi xe đời mới, cha kia sắm xe siêu sang…”. Ừ thì thiên hạ cũng biết trước khi nhận chức thánh, các cha đều có lời khấn vâng lời, khiết tịnh và khó nghèo. Người độc mồm độc miệng thì nói trại ra khó mà… nghèo! Của đáng tội, các cha có miệng giảng trên tòa giảng nhưng lại không có miệng để phản biện mấy vụ như thế này.

Chừng hai chục năm trước, các cha sắm chiếc Dream Thái cũng nghe lắm chuyện xầm xì. Giờ lại đến chuyện xe hơi.

Cha nhà giàu

Cha chánh xứ S. tâm sự: “Mấy anh chị nhà em đều ở nước ngoài, nhà có cửa hàng vật liệu xây dựng do cô em gái út quản lý. Ông bà cụ nhà em cũng đóng góp cho việc xây nhà thờ khá nhiều. Giờ lại thuyết phục em sắm cái xe để đi lại cho tiện, đỡ mưa gió, ít rủi ro, lại có điều kiện giúp đỡ các cha xung quanh, các tu sĩ và cả giáo dân lúc ngặt nghèo”.

“Từ hồi sắm tới giờ, có ai mượn xe cha không?”. “Thật ra thì… em chỉ có chở các cha lân cận đi tĩnh tâm hoặc lễ này, lễ nọ. Còn tu sĩ và giáo dân thì… hình như họ ngại mượn, lỡ gặp trục trặc gì. Bữa nay, xe dịch vụ cũng nhiều nên họ mướn tiện hơn…”.

Cha T. hiện là giáo sư chủng viện có vẻ tích cực hơn: “Mình chỉ lãnh lương giáo sư nên đâu có nhiều, nhưng mình cố vận động gia đình giúp cho một chiếc vừa phải để mấy anh em đi chung cho vui. Mình không rượu bia gì nên thủ vô lăng, để anh em uống 1-2 chai khỏi phải lo lắng”.

Cha P. thì vô tư: “Không sắm thì thôi, sắm thì phải sắm xe xịn luôn. Đi đâu cũng tới, không lo “pan” dọc đường. Đến nơi, vô dâng lễ ngay cũng thoải mái”.

Cha xứ nghèo

Ông anh con cậu của tôi lại là cha xứ nghèo, xứ anh tới cả tám giáo họ ở rải rác trên một địa bàn mấy trăm cây số vuông.

Ước gì giáo dân nhận thấy khuôn mặt Đức Kitô nơi quý cha chứ không cần phải… lấy đức tin bù lại khi giác quan không cảm thấy sự gì!

Đức Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt

Dạo đó, anh cũng ráng kiếm một chiếc 4D mà tôi hay nhạo là “đi đâu đẩy đó”. Tuy nhiên, nó cũng giúp cho công việc mục vụ của anh khá nhiều.

Nhờ nó mà anh có thể bôn ba đi xin tiền xây thêm được cái nhà thờ vừa vừa. Sau này, khi về xứ mới, dòng đời phát triển, anh cũng phải đổi xe tuy không phải bôn ba nhiều như trước. Lý do đơn giản của anh là: “Lâu rồi không đi xe máy, bây giờ lớn tuổi rồi ngồi lên xe máy lại… lạng quạng!”.

Cha M. lại là người may mắn: “Em có anh bạn học thời cấp 3, nay là chủ một doanh nghiệp gỗ đang ăn nên làm ra. Ảnh muốn đổi xe nhưng bán rẻ lại chiếc này thì tiếc, thế là ảnh cho em luôn. Em nhận nhưng không sang tên, để rủi em có bề gì thì xe lại trở về nguyên chủ, khỏi sợ tranh chấp. Vì vậy mà xe em vẫn mang bảng số tỉnh khác”.

“Ảnh có giúp các bạn bè khác không?”. Cha M. cười: “Em không biết nhưng chắc chắn ảnh cho em chiếc xe này vì em là… linh mục!”. “Vậy là người ta kỳ vọng nơi cha nhiều lắm đó. Áp lực không nhỏ đâu!”.

Nhu cầu thực hay ảo?

Một hôm, cha P. gọi tôi: “Có đi dự lễ đặt viên đá đầu tiên ở xứ… không? Đi với mình cho vui!”. Hai cha con chễm chệ trên chiếc Fortuner 7 chỗ cùng với tài xế, tôi hỏi: “Còn đón ai nữa không cha?”. “Chỉ có hai anh em mình thôi! Không có chiếc bốn chỗ nên họ chạy chiếc này”.

“Vậy là sang quá hén!”. Cha cười: “Anh thử làm một phép tính coi. Nếu mình có 800 triệu bỏ ngân hàng, một tháng lãi được mấy triệu? Mua chiếc xe về, tiền bảo hiểm, đăng kiểm, lệ phí… mỗi tháng ngót nghét chục triệu. Rồi còn phải chăm sóc, tu bổ… Một thời gian sau hao mòn, trượt giá… Đi đâu cũng phải nắm tay lái, lại thêm lắm điều thị phi. Mỗi tháng mình đi xa chừng ba, bốn chuyến, a lô một phát có người đến đón có phải sướng hơn không. Muốn đi đông thì gọi xe lớn, đi ít thì xe nhỏ: Năm chỗ, bảy chỗ và thậm chí 16 chỗ cũng không chênh lệch bao nhiêu”.

Chừng hai chục năm về trước, các cha sắm chiếc Dream Thái cũng nghe lắm chuyện xầm xì như thế. Rồi xã hội đi lên, chiếc Dream Thái giờ thuộc loại dành cho “cha nghèo”. Nhưng cũng có người bảo: “Không có lửa sao có khói?”.

Ừ thì cũng có cha “chạy đua vũ trang” như một kiểu thời thượng. Thậm chí, có cha còn chơi chiếc Jeep mui trần có cần ăng-ten hẳn hoi. Sắm xe có giá trị lớn thì càng phải o bế, chăm sóc nhiều hơn. Từ ngày cha D. sắm xe, nhà xứ vắng vẻ dần. Các chú giúp lễ hay vào chơi bóng thường bị cha la do để bóng đập vào xe cha nên… lẳng lặng rút lui.

***

Của cải các ngươi ở đâu thì lòng các ngươi ở đó (Mt. 6,21). Cách đây gần 800 năm, Thánh Phanxicô khó khăn đã không cho anh em trong dòng sở hữu thứ gì riêng tư kể cả một quyển Kinh Thánh. Ngày nay, Giáo hội Công giáo cũng có một vị Giáo hoàng mang tên và tinh thần của Thánh Phanxicô. Ngài không hề có xe riêng nhưng vẫn chu toàn sứ vụ cho đến khi đắc cử Giáo hoàng.

Chắc chắn ngài có ơn riêng mới thực hiện được việc này nên chúng ta không thể đánh đồng với các linh mục, giám mục khác. Nhưng có lẽ các ngài nhận thấy nguy cơ của những tài sản riêng trong đời tận hiến.

Ở một vài trường hợp, nó có thể khiến khoảng cách giữa chủ chăn và đàn chiên tăng lên. Tôi còn nhớ cách đây vài năm, trong một lễ phong chức linh mục tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt đã gửi gắm đến các tân chức: “Ước gì giáo dân nhận thấy khuôn mặt Đức Kitô nơi quý cha chứ không cần phải… lấy đức tin bù lại khi giác quan không cảm thấy sự gì!”.

Là một giáo dân, tôi cũng từng nghe chia sẻ của một vị niên trưởng: “Ngày nay, chúng ta rất dễ dàng phê phán các linh mục, nhưng đã mấy ai thực sự cầu nguyện cho các linh mục chưa?”.

Vâng, các ngài rất cần lời cầu nguyện của chúng ta!

LÊ HỒNG BẢO

>> Mùa phong chức nghĩ về thân phận linh mục