Vị nhạc sĩ ngoại đạo sáng tác thánh ca

Giới âm nhạc chẳng mấy xa lạ với Phó Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Hoàng Cương, nguyên Giám đốc Nhạc viện TP.HCM. Ông có một gia tài sáng tác đồ sộ gồm nhiều thể loại, từ ca khúc cho đến tác phẩm khí nhạc. Trong số các sáng tác ấy, có những bản thánh ca được ông viết ra từ những cảm xúc rất đặc biệt của người ngoại đạo cảm nhận về tình yêu Thiên Chúa và Mẹ Maria.

Nhắc về buổi hòa nhạc Những giai điệu vĩnh hằng diễn ra vào năm 2008 tại nhà thờ Đa Minh – Ba Chuông, nhiều người trong giới âm nhạc trong và ngoài Công giáo vẫn còn nhớ phần trình diễn bản canon Ave Maria của một nhạc sĩ ngoại đạo. Tác giả chính là Phó Giáo sư Hoàng Cương.

Ông theo đạo Phật, nhưng lại sống trong một gia đình khá đặc biệt bởi vợ và hai con đều là người Công giáo. Tuy vậy, những bản thánh ca mà ông viết, lại ít chịu tác động từ “phe” có đạo trong nhà mà theo ông, phần lớn nó được nung náu từ những cảm nhận từ ơn trên.

Nhạc sĩ Hoàng Cương với MC – LM Yuse Tiến Lộc giao lưu trong chương trình Giai điệu vĩnh hằng tại nhà thờ Đa Minh – Ba Chuông, năm 2008. Ảnh: Tư liệu

“Vì tôi thấy Đức Mẹ”

Nhạc sĩ Hoàng Cương viết nhạc thánh ca không nhiều, nhưng trong số đó hầu hết lại viết về Đức Mẹ. Tôi hỏi tại sao, ông trả lời khá dè dặt: “Vì tôi thấy Đức Mẹ”.

Đó là câu chuyện ông được thị kiến Đức Mẹ mà ông giấu kỹ, ít khi ông kể lại cho ai vì “chưa chắc người ta tin”. Ông kể, gia đình ông gốc Huế, theo Phật giáo. Hồi đó ông đi gặp một ông thầy để khai nhỡn.

Lúc ra về thầy dặn, đêm về thấy gì thì mai đến cho thầy biết. “Tôi thấy Đức Mẹ”. Hôm sau ông gặp thầy báo kết quả, thầy phán: “Thế là đúng rồi, đó là ngày Đức Mẹ lên trời”.

Nhạc sĩ Hoàng Cương lý giải thêm: “Có lẽ vì bà nhà tôi là người Công giáo. Bà ấy vẫn thường xuyên đọc kinh, đi lễ. Có lần bị ốm, tôi lấy Kinh Thánh ra đọc nên cũng biết chút chút về đạo. Nhưng tôi cũng không nghĩ ra được khi khai nhỡn lại thấy Đức Mẹ”.

Có lẽ từ đó ông có cái duyên viết về Đức Mẹ và viết từ những cảm nhận tâm linh. Nhạc sĩ Hoàng Cương cho hay, bản Ave Maria được ông viết từ sự thôi thúc xung quanh chuyện cô con gái (Nghệ sĩ Violin Hoàng Linh Chi) làm thủ tục lấy chồng.

“Tôi viết bản canon Ave Maria bốn bè vào khoảng năm 2007, năm 2008 trình diễn tại nhà thờ Ba Chuông. Lúc mà tôi viết Ave Maria, có một cảm hứng như một lời khẩn cầu. Bản nhạc dễ hát, lời rất dễ, chỉ là gọi tên Đức Mẹ”.

Ông kể, con gái ông sống ở Tây Ban Nha và yêu một anh chàng người Tây Ban Nha, gia đình có đạo, cả nước cũng có đạo vì ở Tây Ban Nha Công giáo là quốc giáo. Ở đất nước này, góc phố nào cũng có nhà thờ.

Do vậy, nếu làm thủ tục cưới theo nhà thờ thì rất nhanh. Còn nếu đăng ký kết hôn theo dân sự thì phải xếp hàng chờ tới ba năm. Tây Ban Nha có một điểm rất đặc biệt, nếu làm các thủ tục hôn nhân trong nhà thờ thì đương nhiên nó được luật pháp công nhận. Tức là nếu làm thủ tục và lễ cưới ở nhà thờ rồi thì không phải dẫn nhau ra chính quyền để đăng ký kết hôn nữa.

Tuy nhiên, dù làm theo thủ tục nhà thờ thì vẫn không hề đơn giản với hoàn cảnh một cô gái Việt Nam như Hoàng Linh Chi. Chi đã gặp không biết bao nhiêu khó khăn khi trong sổ Gia đình, ở phần chịu phép Thêm sức lại ghi thiếu năm… Rồi thì có những văn bản bằng tiếng Tây Ban Nha cần phải dịch để công chứng, nhưng ở ngoài các dịch vụ họ không thể dịch được những từ ngữ về đạo.

May thay có một linh mục từng học ở Tây Ban Nha dịch giúp. “Ở đây có sự giúp đỡ rất nhiều từ các cha và tôi cảm nhận nếu không có sự trợ giúp từ ơn trên thì không thành”, Nhạc sĩ Hoàng Cương tâm sự.

Bản concerto viết từ cảm hứng rước kiệu Đức Mẹ

Khi sang Tây Ban Nha dự đám cưới con gái, Nhạc sĩ Hoàng Cương được chứng kiến không khí đạo hạnh của xứ sở quốc giáo. Một trong những điều ấn tượng nhất đối với ông là chứng kiến buổi rước kiệu Đức Mẹ. Tượng Đức Mẹ trên kiệu với những ngọn nến lung linh cao ngất ngây.

Những người khiêng kiệu đứng khuất trong tấm vải che kiệu. Họ bước nhẹ nhàng từng nửa bước, nửa bước một khiến chiếc kiệu di chuyển rất êm như có một bộ máy vận hành và di chuyển bằng bánh xe.

Kiệu Đức Mẹ đi đến đâu thì dân chúng đứng trên các ban công dọc theo đường phố hát vang những bản thánh ca xen lẫn tiếng chuông nhà thờ réo rắt. Đoàn kiệu cứ vậy di chuyển mấy tiếng đồng hồ mới quay trở lại sân nhà thờ.

Từ không khí đầy cảm xúc thánh thiêng đó, Nhạc sĩ Hoàng Cương đã viết bản Concerto cho Violin và Oboa tặng cho con gái và chàng rể (là nghệ sĩ kèn Oboa). Mở đầu bản nhạc là tiếng chuông nhà thờ trung tâm thành phố Cordoba.

“Ở đấy chuông nhà thờ không là chuông, mà nó là một câu guitar, cho nên tôi đưa câu nhạc của guitar đó vào mở đầu bản nhạc mô phỏng phần đầu của buổi rước kiệu Đức Mẹ. Cuối bản nhạc lại trở lại tiếng chuông đó và kết thúc trong đêm tối”, Nhạc sĩ giải thích.

Cho đến nay, bản Concerto này đã được trình diễn ở nhiều chương trình hòa nhạc và trên truyền hình. Mỗi lần xuất hiện trên truyền hình để giới thiệu về tác phẩm này, Nhạc sĩ Hoàng Cương đều giới thiệu rõ đây là tác phẩm viết về Đức Mẹ.

Nhạc sĩ Hoàng Cương. Ảnh: HMH

Viết về Chúa Giêsu nhưng lại cũng là viết về Đức Mẹ

Trong số những bản thánh ca của Nhạc sĩ Hoàng Cương có bản Đêm trong ngần đã được Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh duyệt Imprimatur và được in trong tập Hát dâng tình Chúa (NXB Tôn giáo).

Bài này ông lấy cảm hứng từ một bức tranh Giáng sinh có hình ảnh Chúa hài đồng nằm trong máng cỏ, các Thiên thần hát ca, Đức Mẹ và thánh Giuse ngồi quanh đống lửa hồng ấm áp. Đây là một trong những bản nhạc hiếm  hoi ông viết về Chúa Giêsu, nhưng thực ra cũng lại là viết về Đức Mẹ.

Lần đầu tiên phổ biến ca khúc này, ông đưa cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (ông Nguyễn Đình Đầu là ông dượng của Nhạc sĩ Hoàng Cương). Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu gửi cho Báo Công giáo và Dân tộc đăng trong  số đặc biệt Giáng sinh.

Sau này Nhạc sĩ Hoàng Cương cũng đưa cho nhiều người Công giáo, trong đó có nhiều học trò ông. Thế  nhưng “không hiểu sao họ cứ né né, không sử dụng. Có lẽ vì họ ngại tôi là người ngoại đạo”, Nhạc sĩ thổ lộ.

Ông cho biết, ông có đưa cho một cậu thanh niên hàng xóm để hát chơi. Rồi anh ấy mang đến nhà thờ Vườn Chuối và ở đó nhiều năm nay vẫn hát.

PGS-NGND Hoàng Cương

  • Học Nhạc viện Carl Maria von Weber – Dresden, Đức.
  • Học đại học tại Nhạc viện Tchaikovsky
  • Cao học tại Nhạc viện Warszawa – Ba Lan.
  • Nguyên Giám đốc Nhạc viện TPHCM

LM ANRÊ ĐỖ XUÂN QUẾ, OP:
Không có quy định quyền sáng tác dành cho người trong hay ngoài Công giáo
Theo truyền thống, người sáng tác thánh ca, trước hết, là người có đức tin Công giáo và việc sáng tác là đề để ca tụng Chúa. Sau Công đồng Vaticano II, ngày càng có nhiều nhạc sĩ ngoài Công giáo viết thánh ca.
Cần phân định rõ thánh ca dùng trong phụng vụ với bài ca mang đề tài tôn giáo. Ở bài ca mang đề tài tôn giáo (đại chúng thường gọi chung là thánh ca) không có quy định quyền sáng tác dành cho người trong hay ngoài Công giáo.
Ở thánh ca dùng trong Phụng vụ cần lưu ý chỉ dùng những sáng tác mang nội dung tôn giáo được xác nhận “không có gì ngăn trở” (Nihil Obstat) và “được phép in” (Imprimatur)…
Bài Ave Maria của Hoàng Cương là một canon bốn bè tôi đã nghe Ban Hợp xướng Suối Việt trình bày trong đêm nhạc Giai Điệu Vĩnh Hằng tại nhà thờ Thánh Đa Minh Ba -Chuông và o năm 2008. Trong đó, ca từ chỉ là Ave Maria, chắc chắn là không có gì ngăn trở.

HOÀNG MẠNH HÀ

>> Thầy Đại Chủng sinh viết vọng cổ cho Lời Chúa