Thầy Đại Chủng sinh viết vọng cổ cho Lời Chúa

Vốn xuất thân từ xứ vọng cổ Cà Mau, lại là người biết đờn cổ nhạc, nhiều năm qua Thầy Đại Chủng sinh Mát-thêu Phan Văn Khắt đã từng bước dệt nên những bản vọng cổ lấy cảm hứng từ Kinh Thánh.

Thầy Mát-thêu Phan Văn Khắt (bút danh Thiên Tình Khắt) là Đại chủng sinh Đại Chủng viện Thánh Quý, Cần Thơ. Thầy vừa hoàn thành chương trình chủng viện, hiện đang đi giúp xứ ở Phụng Hiệp. Tranh thủ những thời gian rảnh sau giờ học, thầy đã chuyển thể những đoạn Lời Chúa thành những bản vọng cổ, bài dân ca, những câu hò, điệu lý…

Mỗi bài hát là một bài học giáo lý nhỏ

Ban đầu thầy Khắt chỉ viết với mục đích để dạy giáo lý. Nhưng nay được sự khích lệ và giúp đỡ của các đấng, thầy đã thu âm, phát hành CD và sách để phổ biến rộng rãi, ước mong Lời Chúa lan tỏa đến nhiều người hơn.

Thầy Mát-thêu Phan Văn Khắt:

Bổn đạo mới, chịu Phép rửa năm 1999, lúc 14 tuổi.

Bà cố rửa tội được 11 năm, nhân ngày thầy vào chủng viện.

Bác ruột của thầy là trụ trì ở một ngôi chùa

Thầy Khắt cho biết, ngay từ đầu khi đặt bút viết những bản nhạc này, thầy xác định đây là nhạc sinh hoạt chứ không phải là nhạc phụng vụ.

“Sống trong vùng truyền giáo, tôi nghĩ mình nói thì cũng được nhưng mà hát thì sẽ dễ đi vào lòng dân chúng hơn. Và ngay từ đầu tôi đã chọn cánh đồng truyền giáo của miền Tây Nam bộ, Bến Tre, là để họ có thể hát trong sinh hoạt chứ không để hát trong phụng vụ.

Tại vì khi hát trong phụng vụ nó sẽ mang nhiều ý nghĩa thần học trong đó. Nhưng khi hát trong sinh hoạt thì tôi sẽ dùng đúng lời Kinh Thánh, gọt giũa mượt mà hết sức có thể. Sau đó sẽ có một câu giáo lý, như một bài học, bài suy niệm vậy.

Mục đích là cho người ta học biết về đoạn Kinh Thánh đó và có một bài học nho nhỏ. Ví dụ như bài Chớ trả thù có đoạn nhắn nhủ rằng: “Lòng ta không oán hận, không giận hờn vì ai. Đời của ta sau này trọn đời tin yêu thôi”.

Đạo Ki-tô của mình là đạo tình yêu nên tôi chọn hai câu đó làm câu kết cho bài. Mỗi bài có một vài câu nhỏ nhỏ như vậy”, Thầy Khắt tâm sự.

Thầy Mát-thêu Phan Văn Khắt

Tính tới nay, thầy Khắt đã viết được hơn 40 bài và đã thu âm được hai CD. CD1 viết theo các chủ đề từ biến cố Truyền tin, Chúa trừ quỷ, rồi Chúa đi rao giảng… CD2 bắt đầu từ khi Chúa Giê-su bị bắt.

Thầy cho biết, việc chọn điệu lý nào cho từng nội dung trong Kinh Thánh cũng được cân nhắc kỹ lưỡng. Chẳng hạn, khi Chúa vô vườn Cây Dầu thì Chúa sẽ hát cái gì? Thầy đã chọn đưa vào một điệu lý buồn là Lý con sáo của Nam bộ. Đến câu hát Ôi cha ơi, con thao thức nguyện cầu, Cha hãy tha cho con khỏi uống chén này… thì thầy đưa điệu ca da diết nhất của cải lương vọng cổ vào. Như vậy nó sẽ hợp với ngữ cảnh…

Để thu âm những CD này, ngoài giọng ca của các thầy, các sơ và một số anh chị em giáo dân còn có các nghệ sĩ từ Đoàn Cải lương Tây Đô. Nói chung, CD chiếm khoảng 60% ca sĩ chuyên nghiệp hát.

Tuy nhiên, những nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Tây Đô đa số là ngoài Công giáo. Thầy Khắt muốn mời họ hát cũng là mục đích truyền giáo, ít nhất một lần trong đời họ cũng được kêu tên Chúa. Thầy kể: “Hát xong họ thích lắm, xin bài và file ghi âm về nhà để nghe, hát lại nữa”.

Viết trong những ngày Hè đi giúp xứ

Ý tưởng viết những bài giáo lý Thánh Kinh bằng ca cổ thầy đã nung nấu từ gần 10 năm trước. Thế nhưng từ khi vào chủng viện thì thầy mới bắt tay viết bộ này.

Bản Hai người về Emmau vừa được Thầy Mát-thêu Phan Văn Khắt viết và thu âm nhân Mùa Phục sinh. Soạn giả: Thiên Tình Khắt
Trình bày: Hoàng Thắng

Ở trong chủng viện, lịch học dày đặc và thời gian biểu được quản lý chặt chẽ, vậy lấy thời gian đâu thầy viết?

“Bước chân vô chủng viện, tôi chỉ viết trong mấy tháng Hè. Vả lại, mình quan niệm như thế này: Thường ngày, nếu để đầu óc mình trống thì cái khác nó sẽ nhảy vô, thay vì vậy mình để lời Chúa nhảy vô.

Mặc dù mình biết để Lời Chúa vô lúc đó là không kính trọng, nhưng mà có Chúa ngự trị trong lòng còn hơn là để cái khác. Cho nên là ấp ủ lời Chúa tối ngày như vậy. Cứ suy đi nghĩ lại xem Chúa muốn nói gì, Chúa nói làm sao…”, thầy Khắt giải thích.

Tuy nhiên, Hè đối với một chủng sinh cũng không hẳn được rảnh như sinh viên ở bên ngoài. Thông thường thời gian nghỉ hè, các thầy vẫn thường đi giúp xứ. Trong thời gian đi giúp xứ, Thầy Khắt vẫn cố gắng hoàn thành công việc. Khi có thời gian rảnh, thay vì giải trí bằng những môn khác thì thầy lại tìm đến với âm nhạc, với Lời Chúa. Viết vọng cổ thầy chỉ làm trong những khoảng thời gian rảnh.

LM TÔ-MA NGUYỄN VĂN THƯỢNG, nguyên Giám đốc Chủng viện Thừa sai Kontum:
Cuộc đời Chúa Giê-su được diễn tả bằng điệu lý sẽ là một tác phẩm độc đáo
Về việc áp dụng dân ca và sáng tác thánh nhạc, trước đây Nhạc sĩ Hùng Lân đã từng lấy làn điệu quan họ để viết một bộ lễ cho Bắc Ninh. Tuy nhiên, bộ lễ này chỉ có Bắc Ninh hát chứ ở nơi khác hiếm thấy.
Những bài của Hùng Lân như
Chúa Chiên lành, Bà Maria ơi viết theo kiểu vận dụng một số thang âm của dân ca, chứ không lấy nguyên nhạc từ một bản dân ca rồi đặt lời đạo vào. Giả sử một nhạc sĩ nào đó lấy nguyên thể bài Lý con sáo quan họ Bắc Ninh rồi đưa lời đạo vào, chắc là khó được chấp nhận!
Do đó, vấn đề đặt ra là cách dùng các điệu lý Nam bộ để đưa vào nhạc đạo ở trong Nam dễ tiếp nhận hơn. Tôi nói tâm lý tiếp nhận của người miền Nam và tâm lý người miền Bắc rất khác.
Cha Văn ở ngoài Quy Nhơn đã viết cả cuốn Phúc Âm bằng thơ. Mong làm sao Thầy Khắt chuyển toàn bộ Kinh Thánh vào các điệu lý này. Cả một công trình vĩ đại suốt đời thầy.
Toàn bộ cuộc đời Chúa Giê-su từ đầu tới cuối mà được diễn tả bằng điệu lý thì thật tuyệt vời. Đó sẽ là một tác phẩm cực kỳ độc đáo, chưa ai làm… Thầy Khắt đang đi những bước đầu tiên ấy.

HOÀNG MẠNH HÀ

Đức cha Nguyễn Văn Bản: Cộng đoàn là nơi thanh lọc thánh ca