Cảnh tu và cõi tục

Các chủng sinh, tu sĩ, linh mục cũng là những người sống giữa thế gian như người đời nhưng lại không như người đời: Không có gia đình, sống độc thân và có những kỷ luật riêng điều khiển đời sống của mình. Đó là sự khác biệt giữa cảnh tu và cõi tục.

Cảnh tu là cảnh sống trong các chủng viện hay các dòng tu, còn cõi tục là nơi sống của những người ở giữa thế gian.

Giáo dân Việt Nam phần đông đều quý trọng các linh mục, tu sĩ nam nữ. Trong ảnh: Lễ phong chức phó tế tại nhà thờ Xã Đoài, Giáo phận Vinh. Ảnh: daichungvienvinhthanh.com

Phong trào rời bỏ chức linh mục và đời tu

Ngày trước ranh giới giữa cảnh tu và cõi tục khá rõ rệt khiến người ta dễ nhận ra ngay ai là người đi tu, ai là người ở đời. Bây giờ ranh giới ấy vẫn còn nhưng không nổi bật qua những dấu hiệu bên ngoài như áo dòng hay tóc tai…

Ngày nay linh mục, tu sĩ khi ra đường nhiều khi cũng ăn mặc như người ta, không có dấu hiệu gì bên ngoài phân biệt, ngoại trừ dáng vẻ hiền lành, cách ăn nói có phần lịch sự. Tuy vậy, cũng có những người ăn mặc và nói năng hơi “ngầu” khiến người ta không nhận ra đó là người nhà tu. Nhưng điều cốt yếu hệ tại tinh thần tu ở bên trong phát ra bên ngoài, qua cách sống và lối hành xử.

Các tu sĩ nam nữ thuộc nhiều hội dòng khác nhau trong xã hội, phần đông đều không giống các tín hữu. Dù muốn dù không, họ vẫn có cái gì khác biệt khiến vô hình trung họ trở nên tách biệt.

Ở Tây phương, sự khác biệt này làm cho người đương thời thấy kỳ và nhiều tu sĩ cảm thấy ngột ngạt, tìm cách giống như mọi người nên những người ấy, nếu không hoàn tục thì cũng tự thế tục hóa trong tâm tưởng và lối sống.

Đó là điều đã xảy ra vào sau thời Công đồng hồi những năm 1970. Bấy giờ có phong trào rời bỏ chức linh mục và đời tu hàng loạt, tạo nên một cơn khủng hoảng ghê gớm. Trước tình cảnh này, hai trong bảy nhà thần học nổi tiếng nhất thế kỷ XX – Linh mục Henri de Lubac, Dòng Tên và Linh mục Yves Congar, Dòng Đa Minh (sau cả hai vị đều là hồng y), đã phải lên tiếng trong hai tác phẩm Une Eglise cassée (Một Hội thánh bị bẻ nát) và Au milieu de l’orage (Giữa cơn bão táp) để báo động.

Ở Việt Nam chưa đến nỗi như vậy nhưng đã có những dấu hiệu biến chất về đời tu. Tại đất nước này, đời tu còn được kính nể và trọng vọng, giáo dân Việt Nam phần đông đều rất tốt đối với linh mục, tu sĩ nam nữ nên người ta còn đi tu nhiều. Nhưng khi xã hội thay đổi, đời sống vật chất và văn hóa của dân chúng được nâng cao, không chắc tình trạng này có còn mãi như thế.

Dù phong trào tục hóa khởi phát từ Âu châu và đang lan rộng khắp nơi nhưng vẫn không thể chối bỏ là phải có một hình thức làm cho tu sĩ khác với người đời, tuy vẫn phải ở đời hơn nhưng lại ít thuộc về đời hơn (Yves Congar).

Mọi người ai cũng được kêu mời nên thánh. Vì thế tu sĩ không phải là những người nắm độc quyền về phương diện này. Nhưng họ vẫn là những người theo đuổi và tuân giữ các lời khuyên Phúc âm (LG 39) và noi gương bắt chước Chúa Giêsu cách gần hơn (Ánh sáng muôn dân số 45). Sự khác biệt căn bản giữa tu sĩ và giáo dân xuất phát từ Đức Kitô qua lối sống của Người và các tông đồ.

Tu sĩ thuê nhà ở giữa dân chúng

Trước Công đồng, sự tách biệt giữa cảnh tu và cõi tục rất lớn. Vì quá tách biệt như vậy nên vào thời sau Công đồng, nhiều thành phần trong giới tu sĩ ở Âu châu phản ứng lại cách mạnh mẽ và đòi giảm thiểu hình thức cách biệt và tách biệt này, để tu sĩ trở nên gần gũi và đỡ xa lạ với người đời hơn.

Đó cũng là một trong các lý do góp phần vào việc hình thành Sắc lệnh Perfectae Caritatis (Đức ái hoàn hảo). Cũng vì thế vào những năm 1970, do sáng kiến của Dòng Tên ở Fourvières (Lyon), một số tu sĩ các hội dòng tổ chức các cộng đoàn nhỏ chừng vài ba người, gọi là “Antennes” (Cột thu âm), thuê nhà ở giữa dân chúng, làm ăn và chia sẻ nếp sống như họ cho gần gũi.

Thí nghiệm này chỉ kéo dài được ít lâu và sau đó bị coi như thất bại. Các tu sĩ lại trở về hình thức cũ nhưng với ý thức sống đơn giản và có trách nhiệm hơn. Những người chủ trương phá bỏ sự ngăn cách lý luận rằng:

– Thời đại bây giờ đòi phải có tình huynh đệ, đối xử với nhau một cách thân tình. Theo họ, phải phá đổ bức tường ngăn cách. Một trong những cơ may của Kitô giáo là tính đại đồng của nó. Thế mà xem ra lại có những phe phái, đẳng cấp trong đó. Như thế chẳng phải là điều trầm trọng hay sao? Phari-siêu chẳng phải là loại người tách biệt đã bị Chúa Giêsu cảnh cáo đó ư?

– Tách biệt như vậy đưa tới kiêu ngạo, giả hình, tự phụ, cho rằng mình chẳng phải như những người khác (Lc 15,11). Từ bao đời nay, tu sĩ vẫn được coi như thuộc hạng người khá đặc biệt và thường làm cho người ta có cảm giác như thế. Một lý do khác nữa khiến nhiều tu sĩ trẻ thế hệ mới chống lại hình thức tách biệt là ý thức về mầu nhiệm nhập thể. Chúa Giêsu đã xuống thế làm người để chia sẻ thân phận con người và thăng tiến nó như thánh Irênê viết: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động”.

Vì thế, nhiệm vụ của Kitô hữu là đi theo con đường nhập thể, nghĩa là làm cho mình hóa ra không như Chúa Cứu Thế (Pl 2, 7): đơn sơ, bé nhỏ ở giữa mọi người.

Xét cho cùng, lập luận này đúng nhưng đi quá xa trong những áp dụng mà thôi. Chúa Giêsu có làm cho mình hóa ra không thật nhưng Người vẫn là Chúa chứ không phải chỉ là người thôi đâu.

Việt Nam: Giới tu trì còn được quý mến

Ở Việt Nam, hoàn cảnh xã hội khác nên phong trào tục hóa chưa mạnh và giới tu trì trong các tôn giáo còn được quý mến, nể trọng khiến hiện tượng trên chưa thấy bộc phát. Nhưng có lẽ tình trạng này không kéo dài mãi như trên đã nói và đến một lúc nào đó xã hội sẽ thế tục hóa đời tu.

Riêng đối với các tu sĩ nam nữ trẻ hiện nay, cơn cám dỗ theo đuổi công trình của Chúa trên trần gian có phần mạnh mẽ, lôi cuốn hơn công việc theo Chúa. Người ta theo ai và theo đuổi cái gì. Cái khác là ở đối tượng mình theo. Theo người thì khác và theo đuổi công kia việc nọ thì khác. Theo và theo đuổi lại cũng có thể hiểu về sự vật như theo ơn gọi, theo chí hướng, theo đuổi mục đích, theo đuổi sự nghiệp, theo đuổi công trình…

Vì quá nhấn mạnh đến sự theo đuổi công trình của Chúa hơn là theo chính Người nên nhiều tu sĩ làm lệch cán cân thăng bằng, nghĩa là quá thiên về hoạt động cho những công việc đời mà lơ là công việc đi theo Chúa.

Tu sĩ chọn sống ba lời khuyên Phúc Âm không phải vì không biết hay khinh chê những nhu cầu đó nhưng vì muốn vượt lên trên những thứ đó để lòng được tự do, thanh thản đi theo Chúa. Ảnh minh hoạ: PHẠM TÂN

Nói tóm lại, đi tu là vì Nước Trời. Nước ấy thuộc thời cánh chung nhưng đã bắt đầu ngay ở trần gian này. Cái nhìn mang tính cánh chung về Nước Trời là cái nhìn bình thản và phấn khởi, vì tin rằng thời thịnh trị của Trời Mới, Đất Mới sẽ xuất hiện trong tương lai và cuộc đời của mình bây giờ là một hành trình, một cuộc chuẩn bị tiến tới con đường đó.

Bởi vậy đời tu chỉ có nghĩa khi tu sĩ hướng lòng về Đức Kitô và theo đuổi công trình của Người ở trần gian này, để góp phần thực hiện và sở đắc thời cánh chung. Điểm khác biệt giữa cảnh tu và cõi tục là ở chỗ theo Đức Kitô một cách triệt để hơn, như các tông đồ đã theo Người.

Những định hướng phát xuất từ ba lời khuyên Phúc Âm
Con người có ba nhu cầu về tình cảm, tiền bạc và tự do trong các lựa chọn và quyết định của mình. Ba lời khuyên Phúc Âm như đi ngược lại với các nhu cầu đó.
Tu sĩ chọn sống ba lời khuyên Phúc Âm không phải vì không biết hay khinh chê những nhu cầu đó nhưng vì muốn vượt lên trên những thứ đó để lòng được tự do, thanh thản đi theo Chúa.
Quả thật, trải qua lịch sử, các lời khuyên này được coi như những phương thế hiệu nghiệm để đi theo Chúa một cách triệt để. Ngay từ đầu, trong cảnh sống thân mật với Đức Kitô, các tông đồ đã khám phá và nếm cảm được sự cần thiết và hiệu lực của các lời khuyên ấy. Tiếp đến thời Thượng cổ, các nhà ẩn tu, các vị đan sĩ lừng danh cũng đều căn cứ vào đó mà sống và xây dựng giáo thuyết về con đường theo Chúa của mình. Tuy vậy, mãi đến thế kỷ XII, các lời khuyên mới thành lời khấn công khai và trọng thể.
Ngày nay cả bên Thệ Phản cũng công nhận các lời khuyên Phúc Âm là hữu ích và cần thiết để theo Chúa, điều mà trước kia họ phủ nhận. Có những tu hội Thệ Phản cũng giữ nghiêm chỉnh các lời khuyên này như tu hội Taizé chẳng hạn.

LM ANRÊ ĐỖ XUÂN QUẾ, OP

>> Lần theo cuốn sách nổi tiếng của Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận