Nữ tu: Đời Osin… trong nhà Chúa

Từ Osin này đã từng vang lên tại một Đại hội Dân Chúa cấp giáo phận cách đây vài năm, do một linh mục mạnh dạn lên tiếng về vai trò của nữ tu, nhưng có lẽ vẫn chỉ là tiếng kêu trong sa mạc!

Theo thống kê của Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam năm 2016, có đúng 110 tổ chức đời sống tu trì dành cho nữ giới. Con số này hiện nay chắc hẳn đã tăng nhiều.

Hiện nay vấn đề đào tạo, tu học của các nữ tu cũng rất bài bản, được trang bị kỹ lưỡng. Trong ảnh: Lễ khấn tại Dòng Mến Thánh Giá Xã Đoài.

Một lực lượng đông đảo và không thể thiếu

Trong đó có 17 hội dòng thuộc quyền Giáo hoàng, 56 dòng thuộc quyền giáo phận, ba tu hội đời thuộc quyền Giáo hoàng, 13 tu hội đời thuộc quyền giáo phận và 11 tổ chức tu trì thuộc đời sống tông đồ khác.

Số cơ sở các dòng nữ này ở rải rác khắp các địa phận trong cả nước, với con số hơn 150 (có dòng có nhiều cơ sở ở các nơi). Số lượng các tu sĩ thuộc các dòng, tu hội nữ này theo thống kê chưa đầy đủ có hơn 19.100 người. Trong đó có những dòng chỉ dưới 10 người, có dòng có cả nghìn người như Mến Thánh Giá, Đa Minh…

Sự đóng góp của các nữ tu trong sứ vụ rao truyền và làm chứng về Đức Ki-tô và Giáo hội giữa lòng thế giới nói chung và cách riêng tại Giáo hội và xã hội Việt Nam quả thực là rất lớn, rất đáng trân trọng.

Nhiều hội dòng đã có mặt tại Việt Nam từ rất lâu như Mến Thánh Giá (1670), nữ Đa Minh (1715) Cát Minh Sài Gòn (1861), Phaolô Chartres (1861). Có những hội dòng mới được thành lập khoảng 10 năm gần đây.

Các nữ tu này hoạt động, phục vụ trong rất nhiều lĩnh vực, tùy theo tôn chỉ mục đích của dòng hay tu hội của mình. Có những lĩnh vực đặc thù như điều hành, chăm sóc các trại phong, in ấn, xuất bản mà rất ít người biết đến.

Hiện nay, phần nhiều giáo dân chỉ biết đến các nữ tu trong việc giáo dục các lớp mầm non, mẫu giáo. Thường nhất là chỉ biết các nữ tu có tham gia giúp đỡ các giáo xứ trong việc dạy giáo lý, cắm hoa, dọn bàn thánh, thừa tác viên thánh thể trong các thánh lễ… Một vài nơi nữ tu kiêm nhiệm cả vai trò huynh trưởng thiếu nhi (!)

Chưa được nhìn nhận đúng mức

Về mặt xã hội, đã có lễ quốc tang vinh danh một nữ tu như Ấn Độ đã làm cho Mẹ Thánh Theresa Calcutta, hay đầu tháng 8 vừa mới đây Pakistan dành cho nữ tu Ruth Plau… dù tại các quốc gia này Công giáo chỉ là thiểu số.

Còn về phía Giáo hội ở một số nơi, có lẽ chỉ những dịp hoan hỷ, kỷ niệm lớn, hay vào các dịp lễ khấn long trọng của nhà dòng, các đấng bậc trong giáo phận mới tổ chức, thăm viếng, ca tụng, gọi mời các nữ tu tiếp tục cầu nguyện và phục vụ. Còn những nhu cầu bức thiết, những vấn đề có liên quan tới cơ sở vật chất, cuộc sống của các dòng nữ… ít được quan tâm thường xuyên.

Ngay cả chuyện tu sửa đơn giản như chống dột, cơi nền nhà ở của các cộng đoàn nữ tu phục vụ giáo xứ, nhiều nơi cũng chẳng trợ giúp hay kêu gọi giáo dân hỗ trợ công sức, tiền bạc. Các linh mục quản xứ đó cho rằng đó là quyền, là bổn phận, trách nhiệm của các Nhà Mẹ, giáo xứ vô can!

Có nữ tu thật thà nói chuyện mà rân rấn nước mắt: “Chúng con bị coi như là những Osin mặc áo dòng. Chị em chúng con vì đức vâng lời nên chịu lụy tất cả!”.

Còn đó chuyện trọng nam khinh nữ

Một số không ít giáo dân cũng tỏ ra ít tôn trọng, kính quí các nữ tu hơn so với các nam tu sĩ hoặc linh mục. Phần đông vẫn nghĩ rằng các chị, các dì thua xa các cha, các thầy về mặt học hỏi, đào tạo, nên chỉ xứng đáng trong các công việc lặt vặt của nhà thờ, của giáo xứ.

Họ đâu biết rằng hiện nay vấn đề đào tạo, tu học của các nữ tu cũng rất bài bản. Các nữ tu được trang bị kỹ lưỡng về tu đức, giáo lý, thần học… bên cạnh các khả năng chuyên môn về các ngành nghề như sư phạm, y khoa hầu có thể phục vụ đắc lực và hiệu quả trong từng môi trường Chúa đặt để.

Về mặt đời sống, chắc chắn các nữ tu sống khó nghèo, giản dị, khiêm nhu hơn nhiều. Rất ít nếu không nói là họa hiếm trường hợp “phá giới”, nêu gương mù gương xấu cho giáo dân hay phản chứng trước lương dân về thói ăn, nết ở.

Thực tế, cũng có một số chị em do hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh sống của mình ở những vùng sâu xa khó khăn trong sinh kế đã chọn cuộc sống tu hành. Tuy nhiên số đó không nhiều và phần lớn cũng bị đào thải sớm trong thời gian còn tìm hiểu ơn gọi hay tập sinh.

Bên cạnh đó cũng không ít người xuất thân từ bậc nữ lưu, sang quí, học hành đến nơi đến chốn đã dấn thân theo ơn gọi, sẵn sàng đi nhận nơi xa xôi, thiếu thốn mọi mặt để phục vụ Giáo hội trong âm thầm, không lễ lạc đón đưa, không trống kèn, cờ quạt. Thậm chí, khi về già, hưu dưỡng còn thiếu thốn mọi điều, khi nằm xuống ngoài chị em trong cộng đoàn có mặt, lễ an táng giản đơn chứ không có hàng chục, hàng trăm linh mục đồng tế nguyện cầu.

Họ là những người rốt hết, nhưng sẽ được ân thưởng cao nhất từ Cha trên trời! Tôi tin điều này.

Có lẽ tới hơn 10 năm kể từ ngày qua đời, dì Isave (Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm) vẫn còn được cha sở nơi dì phục vụ nhắc đến trong kinh nguyện mỗi thánh lễ hằng ngày. Ngày dì qua đời, cha sở đã tổ chức các lễ nghi long trọng, đưa thi hài dì vào nhà xứ cho các đoàn thể trong giáo xứ đến thăm viếng, cầu nguyện. Suốt hơn 20 năm, dì và mấy chị em đã phục vụ giáo xứ, được cha sở và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ quan tâm cả về tinh thần lẫn vật chất, với tất cả sự trân trọng và biết ơn…

PHẠM HÙNG NGHỊ

>> Điều giáo dân trông đợi nơi linh mục