Hành hương về nơi truyền giáo… ngược

Khắp Thụy Sĩ hiện có sáu cha Xitô và sáu cha triều người Việt coi sóc các xứ đạo. Việc truyền giáo được đặt vào vai các cha Xitô Việt Nam vì ngày càng thiếu trầm trọng người bản xứ dâng mình cho Chúa. Xưa các giáo sĩ thừa sai châu Âu truyền giáo sang Việt Nam. Ngày nay các tu sĩ Xi-tô lại truyền giáo... ngược trở lại châu Âu.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Dòng Xitô Thánh gia Việt Nam (1918 – 2018) chúng tôi ghi lại những trải nghiệm thực tế về một nơi được coi là trung tâm của các chuyến hành hương tại châu Âu: Tu viện Citeaux Việt Nam Orsonnens,ThụySĩ.

Các cha Dòng Xitô dâng thánh lễ hàng ngày tại tu viện Orsonnens.

Từ bốn tu sĩ Việt Nam ban đầu

Đón chúng tôi tại nhà ga chính của thủ đô Berne là một người đàn ông trang phục hết sức đơn giản, trong khi chúng tôi lại run cầm cập dù mặc nhiều áo ấm. Người tài xế hết sức thân thiện và đơn sơ này là linh mục Martin Lê Quốc Tuấn. Trông cha giống như một người đàn ông lao động, cần cù của đời thường hơn là một linh mục.

Sau gần một tiếng đồng hồ chạy xe qua các xa lộ, đường làng phủ đầy tuyết, xe chúng tôi leo con dốc nhỏ để vào sân tu viện mang tên Đức Mẹ Fatima tại vùng Orsonnens. Theo tinh thần và truyền thống Xitô, mọi tu viện của Dòng đều được dâng hiến cho Mẹ Maria. Tu viện nằm trên một quả đồi nhỏ cách nhà ga làng Romont khoảng vài cây số.

Mặc dù đã được xem trước những hình ảnh của tu viện này trên các trang web với những ngọn đồi xanh ngát bao quanh với các ngôi nhà nhỏ, xinh xắn, với những sắc hoa rực rỡ trong vườn, bầu trời xanh ngát mùa hè, những nhóm sinh hoạt Công giáo từ khắp nơi đổ về… nhưng chúng tôi khá ngạc nhiên trước cảnh ngôi nhà trên 100 tuổi sơn vôi trắng, các cánh cửa sổ màu đỏ và nổi bật trên màu trắng của cả trời tuyết như thế này. Thật đẹp và vắng lặng một cách thánh thiện.

Quang cảnh làm chúng tôi liên tưởng đến tu viện Xitô Orsonnens lúc mới được hình thành vào ngày 15-8-1979 với sự hiện diện của chỉ bốn anh em tu sĩ Xitô Việt Nam, những thành viên đầu tiên của Cộng đoàn.

Tòa nhà này vốn là một ký túc xá của trường chuyên dạy nữ công gia chánh cho các nữ sinh do các soeurs Ursulines địa phương điều hành. Xã hội hiện đại khiến cho ngày càng thiếu vắng người gởi con vào học ký túc xá đến nỗi các soeur phải quyết định bán trường. Nhưng khi biết các cha Xitô Việt Nam đang tìm nhà để lập dòng, các soeur đã sẵn lòng cho mượn sử dụng trong 20 năm đầu và sau đó, ngôi nhà đã hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Dòng Xitô.

Về hình thức vật chất bên ngoài, đan viện Đức Mẹ Fatima không được như các đan viện đàn anh đàn chị Xitô khác, không có những tòa nhà đồ sộ, không có sân nội cấm nằm ở giữa lòng đan viện như hầu hết các tu viện Xitô trên cả châu Âu.

Ngày nay, tu viện Orsonnens là một nơi tuyệt vời, phù hợp với việc tĩnh tâm, cầu nguyện, linh thao cho nhiều cá nhân, đoàn thể từ khắp nơi đến chứ không chỉ tại châu Âu, đặc biệt trong mùa Chay. Cộng đoàn Fatima Orsonnens vẫn duy trì được bầu không khí thinh lặng với lý tưởng chiêm niệm đan tu.

Hành hương trong bầu khí thanh bình, vui tươi

Ngay từ năm 1980, tu viện này đã mở rộng cửa đón khách hành hương đến Thụy Sĩ, hoặc chỉ ở lại một vài ngày trước khi đi hành hương Roma, Lourdes, Fatima hay những nước châu Âu khác. Phòng ốc với tiện nghi khá đầy đủ và mang rõ màu sắc tập thể của một ký túc xá. Sống cộng đoàn là một đặc điểm quan trọng của tinh thần Xitô.

Cộng đoàn đan viện được coi như một đại gia đình nhưng tu sĩ vẫn có những giờ riêng tư của mình để cầu nguyện, đọc sách, giải trí và cả những giờ thinh lặng tuyệt đối cho cuộc sống riêng.

Đây là điều mà chúng tôi nhận ra ngay từ lúc mới bước vào nhà, chào cha viện trưởng Gioan Baotixita Trần Văn Chuyên và gặp gỡ một số linh mục khác trong cộng đoàn. Một đại gia đình với Viện trưởng là người cha với bầu không khí thanh bình vui tươi nhưng đơn sơ, lặng lẽ.

Có vẻ như cuộc sống của tu sĩ Xitô là để bù đắp lại cho cuộc sống rộn ràng, vội vã bên ngoài xã hội… Cha Tuấn chúc chúng tôi ngủ ngon để sáng mai dậy sớm tham dự thánh lễ. Gọi là sớm tức 6 giờ sáng đối với khách chứ các cha, các thầy trong nhà hằng ngày vẫn dậy từ 4 giờ 30 sáng để cầu nguyện, đọc kinh.

Chúng tôi đi thật nhẹ bước vào nhà nguyện vì không khí hết sức thinh lặng. Cảnh trí bên trong thật lạ mắt với chúng tôi. Tất cả còn giữ nguyên kiến trúc, trang trí từ cả thế kỷ trước. Thay vào những dãy băng ghế dài thường thấy trong các nhà thờ là hai dãy ghế lớn, bằng gỗ đối diện nhau, được kê sát vách, để ra một khoảng trống lớn như cảnh bái triều thời Trung đại.

Cộng đoàn có chín linh mục và tám thầy. Tất cả đều có mặt trong thánh lễ sáng nay. Lâu rồi, chúng tôi không được tham dự một thánh lễ trong tu viện và đặc biệt càng sốt sắng hơn khi ở đây các đan sĩ Xitô hát bộ lễ bằng tiếng Latin. Đây cũng là một nét trong tinh thần Xitô: Trở về nguồn của Dòng Biển Đức.

Những linh mục lái xe như Fast Furious

Các tu sĩ Orsonnens phân công nhau luân phiên lao động để kiếm sống, từ làm giá, chiên đậu hủ, quấn chả giò bỏ mối cho các tiệm thực phẩm lân cận đến thiết kế, in ấn sách, tạp chí.

Sáng hôm sau có thêm linh mục Giuse Trần Văn Long làm tài xế đưa cha Tuấn và chúng tôi đi Genève,vừa để làm lễ cho cộng đoàn giáo dân Việt Nam tại đó, vừa đưa chúng tôi đi hành hương tại nhà thờ nhỏ Bourguillon (có từ thế kỷ XIII, được dâng kính Đức Mẹ và cho tới nay vẫn “chưa thấy ai kêu cầu mà Mẹ không thương giúp”), viếng nhà thờ chính tòa Saint-Nicolas trên đường đi Fribourg.

Xe chúng tôi dừng lại ở đại học Công giáo Fribourg. Bước ra khỏi xe, đầu chúng tôi hơi quay cuồng vì cha chạy xe không khác gì trong các bộ phim Fast Furious. Khi nghe chúng tôi nói như vậy, cha Long cười hiền hòa “Mình lái xe đi giao hàng quen rồi!”. Có ai ngờ rằng các linh mục Xitô Việt Nam đầu tiên đến Orsonnens đều tốt nghiệp từ đại học bách khoa Công giáo danh tiếng bậc nhất Thụy Sĩ này.

Trước năm 1975, đại học Fribourg là nơi lựa chọn hàng đầu của những gia đình danh giá muốn gửi con đi học về kinh tế, hoặc những ai muốn học về thần học, tôn giáo. Vậy mà để trở về nguồn của tổ phụ Biển Đức: Sống một cuộc sống đơn sơ, nghèo khó, các tu sĩ ở Orsonnens đã tự lo kế sinh nhai, không nhận một sự giúp đỡ vật chất hay kinh tế gì từ giám mục địa phương tuy vẫn giúp việc mục vụ và phụng vụ cho các giáo xứ ở Thụy Sĩ. Có lẽ vì thế mà các cha Xitô Việt Nam ở đây rất được giáo dân và các đấng bản quyền địa phương nể trọng, quý mến.

Ki-tô giáo được truyền vào Việt Nam trên 450 năm rồi và đất nước hình chữ S này đã từng là nơi truyền giáo được các cha thừa sai ngoại quốc nhắm đến từ giữa thế kỷ XVI. Ngày nay chúng tôi được chứng kiến sự kiện truyền giáo… ngược khi biết trên khắp Thụy Sĩ hiện có sáu cha Xitô và sáu cha triều người Việt đang giúp coi sóc các xứ đạo địa phương.

Ngay từ thế kỷ XIII, XIV đến XVI, trong nhiều nước ở châu Âu, cách riêng những vùng nói tiếng Đức, các tu sĩ Xitô đã từng là những cha xứ, giáo lý viên nhiệt thành giúp cho Giáo hội địa phương rất nhiều. Giờ đây, việc truyền giáo ấy được đặt ngược vào cho các cha Xitô Việt Nam vì ngày càng thiếu trầm trọng những người bản xứ dâng mình cho Chúa.

Tu sĩ Xitô phải tìm được quân bình giữa kế sinh nhai với đời sống tinh thần, giữa đời sống cộng đoàn với cuộc sống cá nhân. Vì vậy, như tất cả các tu viện Xitô khác, Đan viện Xitô Đức Mẹ Fatima được tổ chức theo luật của Thánh Biển Đức: Kết hợp lời cầu nguyện và lao động chân tay.

Các tu sĩ Orsonnens phân công nhau luân phiên lao động để kiếm sống, từ làm giá, chiên đậu hủ, quấn chả giò bỏ mối cho các tiệm thực phẩm lân cận đến thiết kế, in ấn sách, tạp chí với một nhà in nhỏ nhưng chuyên nghiệp. Một đan sĩ Xitô phải làm việc đàng hoàng, làm để sống chứ không phải như một hobby, giải trí tiêu khiển, làm cho qua ngày, đoạn tháng. Người ta tìm ở đâu ra được một người bán chả giò, làm giá đậu mà thông thạo tiếng Latin, Pháp và Đức, thậm chí đã tốt nghiệp đại học tại Fribourg như ở tu viện Orsonnens!?

Cuộc sống của các đan sĩ Xitô phải là “ora et labora” (vừa làm việc vừa cầu nguyện) để tôn vinh Chúa và thực thi tinh thần bác ái với tha nhân. Qua những công việc rất tầm thường như bao giáo dân khác, tùy khả năng của các tu sĩ và nhờ cuộc sống cộng đoàn, họ sống như những chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa.

Xe chúng tôi đi dọc theo hồ Léman, qua các thành phố nổi tiếng là Montreux, Vevey và Lausanne trước khi vào Genève.

Tìm được sự an vui nội tâm để gặp Đức Kitô
Sau bữa điểm tâm đơn giản ngày hôm sau, chúng tôi nán lại phòng ăn, chờ gặp cha Chuyên, Tu viện Trưởng để chào từ biệt. Khi nghe chúng tôi cảm ơn sự đón tiếp chân tình của mọi người trong cộng đoàn Orsonnens như “cho khách đỗ nhà”, ngài cười đơn sơ: “Đối với Dòng Xitô, đón tiếp khách phải như tiếp đón Đức Kitô vậy”.
Nhìn lại quang cảnh tu viện trước khi ra đi, chúng tôi suy nghĩ đến lời nói của linh mục viện trưởng và nhận thấy rằng, tuy đan viện Đức Mẹ Fatima ở Orsonnens không có hình thức bên ngoài với những tòa nhà đồ sộ, sân nội cấm nằm ở giữa lòng đan viện như hầu hết các tu viện Xitô trên khắp châu Âu, nhưng qua những ngày lưu lại đây, khách hành hương đã có được sự an vui nội tâm để gặp được Đức Kitô.

NGUYỄN BÁCH

>> Lộ Đức – thành phố xe lăn