Quán cơm Nụ Cười: Bán gạo 1.000 đồng cho người nghèo

Tại Quán cơm Nụ Cười, gạo được bán cho người nghèo với giá 1.000 đồng/suất. Đây là gạo bán chứ không phải là cho, vì vậy người nghèo sẽ không bị tủi thân.

Trong những ngày tâm điểm cách ly đại dịch Covid, Luật sư Lê Nguyễn Lê Vi chia sẻ: “Cũng theo mô hình hoạt động tại Quán cơm Nụ Cười 2.000 Phan Rang, tôi quyết định bán gạo với giá 1.000 đồng/phần. Bán chứ không phải cho”.
Anh lý giải, người lao động xếp hàng mua một phần gạo 1.000 đồng, họ tự bỏ tiền vào thùng. “Tôi tin rằng họ sẽ bớt cảm giác mặc cảm tự ti, nếu có” Luật sư Vi tâm sự.
Thời gian phục vụ mở của bán gạo theo giờ của Quán cơm Nụ Cười: Từ 10 giờ đến 12 giờ mỗi ngày, từ thứ Hai đến thứ Sáu trong tuần. Địa chỉ: 36A Ngô Gia Tự, Tp Phan Rang Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Cũng trong thời gian này, mỗi suất ăn tại Quán cơm Nụ Cười Phan Rang chỉ bán với giá 1.000 đồng (trước đây là 2.000 đồng/suất). Mỗi ngày quán phục vụ 100 suất ăn với đầy đủ các món canh, xào, mặn.

SƠN HOÀNG

Những cú rẽ bất ngờ của ông chủ Trường Liên cấp Hoa Sen

ĐỨC HIỂN

Lê Nguyễn Lê Vi là một doanh nhân với những dự án mà ngay cả anh em bạn bè còn choáng mỗi khi nghe Vi bàn chuyện làm ăn. Gia đình Vi thuộc Giáo xứ Hộ Diêm, Phan Rang, Giáo phận Nha Trang.

1.

Năm 19 tuổi, ở nhà có cái nhà máy xay xát, một bầy em lóc nhóc, nó học xong cấp ba lăn ra đời làm đủ nghề để sống. Quốc lộ 1 sửa đường, anh em nó ra bán mía ghim, nước đá cho mấy cái xe dừng đỗ vì kẹt đường.

Doanh nhân Lê Nguyễn Lê Vi luôn có những ngã rẽ bất ngờ trong kinh doanh.

Rồi lân la bỏ mối rau xanh, thực phẩm cho mấy đơn vị quân đội, lại lấy cơm thừa về nuôi heo. Siêng làm, nhanh nhẹn và đặc biệt nhìn đâu cũng thấy cơ hội kiếm tiền chính đáng và tích cóp tằn tiện, đời sống ngày một ổn.

Vay mượn người này người kia rồi ông già nó cũng mở được một cây xăng gần Cà Đú. Cũng thời điểm này, các đoàn xe thương hiệu bắt đầu ra đời. Các chủ xe sợ nhất hai chuyện: Tài xế tự ý dồn thêm khách dọc đường dẫn đến nhồi nhét và trễ chuyến hoặc kê vẽ thêm tiền dầu.

Rất nhanh, nó nhận kiểm khách và kiểm tra dầu cho bất kỳ xe hãng nào đổ cây xăng nhà mình. Coi đó như một khoản giá trị gia tăng, chăm sóc khách hàng, tiền dầu thì mấy chuyến hoặc hàng tháng tính một lần.

Mình tin người ta thì người ta tin mình. Ngày nghỉ anh em nó thay nhau đi mở thị trường, tìm tới và đàm phán với các chủ hãng xe đò. Vì thế, cây xăng nằm cách thị xã mấy cây số, ngoài đồng ruộng nhưng luôn đắt khách.

Nó làm mọi cách, hỗ trợ nhà xe hết cỡ. Dĩ nhiên, thời điểm ấy, người chỉ huy và điều hành đám con mới lớn vào cuộc kinh doanh là ông già nó, một ông trung niên hiền lành và ngoan đạo. Còn sắp xếp trật tự gia đình là bà già, rất có uy với tụi nhỏ.

Làm ăn đang ngon, nó đang học đại học có lệnh gọi nhập ngũ. Không biết địa phương làm ăn sao, xã không chấp nhận giấy hoãn, còn nó tin vào thủ tục của mình ổn nên không khám tuyển. Vậy là bị bắt và mang án tù. Hết một năm tù hôm trước, hôm sau nó đã đứng điều hành cây xăng, không gián đoạn ngày nào.

Việc làm ăn đang ngon thì nó nói với ông già: Con đi học tiếp. Học gì hả con? Học luật. Thế là nó thành sinh viên ĐH Luật Hà Nội, lớp liên kết với ĐH Đà Lạt.

2.

Tỉnh mở cảng cá, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Doanh nghiệp tư nhân nhà nó đầu tư một cây dầu cung cấp cho ghe tàu. Nộp tiền xong trước tiên, chừng ra giấy thì vị trí đất bị đẩy tuốt luốt bên trong cầu cảng.

Chỗ đó tàu ghe không cập mạn được sao mà bơm dầu? Kiện mãi, tỉnh không giải quyết. Nó mới học tới năm thứ ba trường Luật, nói với cả nhà: Có chỗ để vận dụng kiến thức pháp luật rồi.

Lê Nguyễn Lê Vi tại quán cơm Nụ Cười.

Ngày ấy Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức chương trình Đồng hành cùng doanh nghiệp. Báo đứng ra làm cầu nối, tổ chức hội thảo để doanh nghiệp phản ánh những vướng mắc về chính sách với cơ quan nhà nước.

Hai cha con nó vào toà soạn xin gặp người phụ trách chương trình và đăng ký tham gia chương trình hội thảo. Nó dùng chính câu chuyện cây xăng cảng cá, nói có ngần có lớp về việc bị o ép và sai hứa dẫn đến doanh nghiệp bơ vơ khi đã đóng tiền sử dụng đất.

Câu chuyện quá sinh động của một doanh nghiệp nhỏ lăn lội từ Phan Rang vào thu hút sự quan tâm của các nhà báo, ngay hôm sau xuất hiện trên trang Kinh tế của các báo. Tỉnh mời lên, nhận lỗi và do vị trí đất ở cái cảng nọ không thể xáo trộn, sẽ hỗ trợ lại doanh nghiệp vị trí đẹp tại một cảng cá lớn sắp mở. Tỉnh đồng thời gửi công văn cho báo chí như một cam kết. Vậy là thắng, chưa cần xài đến kiến thức luật.

3.

Về Phan Rang, nó rủ đi cà phê ở một quán nọ, mình khen quán đẹp, nó nói mai mốt em làm quán đẹp hơn. Nghĩ nó nói dóc. Sáu tháng sau nó a lô anh ơi về dự khai trương quán.

Mình không về được nhưng tết đó về ra coi thử thì thấy cái quán đẹp long lanh ngay quảng trường. Quản lý nói anh ơi tối nay anh có đặt bàn chưa, hết chỗ rồi. Mừng nhưng tính quay đi thì nó chạy ra nắm tay dẫn vào tham quan trên lầu xuống dưới rồi dọn nước ngay bàn điều hành vì quán hết chỗ thiệt.

Hai anh em chạy xe lòng vòng qua ngã năm. Nó nói em muốn có cây xăng chỗ này. Mình nghĩ bụng mày làm như mày thần đèn. Ai ngờ bốn tháng sau nó a lô anh ơi về dự khai trương cây xăng. Hỏi chỗ nào, nó nói chỗ bữa em nói với anh đó. Ra là nó nhắm vụ đấu giá khu đất ở đó.

4.

Thấy Hà Nội, Sài Gòn tổ chức Hội hoa Xuân, không biết chừng nào tỉnh mới có, nó nói chắc em làm quá. Nói năm trước thì năm sau nó mở luôn công ty tổ chức sự kiện, không chỉ hội hoa Xuân bài bản, làm luôn cả Festival Vang Nho.

Nó nói mình đầu tư thì cũng nhỏ lắm anh, làm sao kêu gọi người ta đầu tư kìa. Nó ra trường rồi mở văn phòng luật sư. Giữa lúc luật sư đổ về thành phố lớn, nó vô Đồng Nai mở văn phòng. Đồng Nai có Hội Doanh nghiệp Đài Loan khá mạnh, nó thông qua đó tư vấn đầu tư và kéo họ về Ninh Thuận. Về ghé thăm nó, choáng khi thấy nó bật máy cho xem hình nó complet dự các hội thảo và họp bàn của các doanh nghiệp ở Đài Bắc với tư cách nhà tư vấn đầu tư.

Thầy Vi trong một sinh hoạt ngoại khóa với các em học sinh Trường Liên cấp Hoa Sen

Nó nói người nghèo dễ bị hèn, dễ bị ăn hiếp. Mà khi họ có hành vi phạm tội thì cơ hội tự bảo vệ cũng hạn chế. Vậy là mở công ty luật xong nó nhận trợ giúp miễn phí cho người nghèo. Một trong những vụ nó nhận bảo vệ là vụ tướng cướp chặt tay Hồ Duy Trúc. Chuyện này, nhiều báo đã viết.

Năm kia mình về Tết, nó nói tỉnh mình chưa có một trường tư nào chất lượng, chắc em làm. Nó xin đầu tư vào giáo dục, Trường Mầm non Hoa Sen của nó có hồ bơi, có camera để phụ huynh có thể theo dõi con mình bất kỳ giờ nào qua smatphone, đầu tư giáo viên bài bản.

Giờ sau bốn năm, Trường Hoa Sen đã thành trường liên cấp, gồm cả cấp 1, 2 và cấp 3. Chưa hết ngạc nhiên thì hôm sau về quê thăm ông bà già đã thấy nó mở thêm Văn phòng công chứng.

Tết mình lại về, đi thăm trường của nó rồi thăm Hội Hoa xuân rồi dạo chợ. Nó nói anh coi cổng chợ Phan Rang làm cái màn hình quảng cáo bự vài ngàn inches được không. Mình nói ma nó quảng cáo chỗ này, nó nói có nhu cầu, có công chúng, lo gì.

Ba tháng sau nó gọi anh ơi làm cho em cái slide, em quảng cáo miễn phí cho, em lắp màn hình ngay chỗ đó rồi.

Ông Nam Đồng, Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM, nghỉ hưu. Nghe ổng nói về Quán cơm 2.000 có tên Nụ Cười mới mở, nó nghĩ lung lắm. Lần sau gặp mình, nó nói mình làm chuyện tốt chắc nhiều người ủng hộ. Rồi nó đi vô Sài Gòn gặp ông Năm bàn bạc. Chuỗi Nụ Cười hỗ trợ nó về kỹ năng quản lý và cách lan toả. Lãnh đạo tỉnh cũng ủng hộ.

Tôi gọi điện cho nó: Mày định làm cái gì nữa nói nghe đi, năm nào mày cũng nghĩ ra cái mới để làm mà làm ngon lành, tao ngốt quá. Nó nói chắc tạm thời vậy đã anh. Nhưng từ nay anh về quê tắm biển thì ghé lại chỗ em, em mới mua cái khách sạn 20 phòng đẹp lắm, mà quên chưa nói với anh là trước đây em cũng đã xây một cái rồi!

ĐỨC HIỂN

>> Anh cựu chủng sinh đi buôn đàn