Sống chứng tá qua từng miếng đậu phụ sạch

Gần 40 năm làm đậu phụ (đậu hũ), vợ chồng anh luôn tuân thủ một nguyên tắc là không dùng thạch cao hay hóa chất khi chế biến. Điều gì đã khiến anh giữ vững lương tâm cho dù đó là điều rất khó khăn giữa một xã hội mà vấn đề an toàn thực phẩm trở thành vấn đề nhức nhối? Anh đơn sơ trả lời: “Vì tôi là người Công giáo và hơn thế nữa tôi còn là một cựu chủng sinh”.

Dù quanh năm lao động vất vả, vợ chồng anh Nguyễn Văn Phước vẫn sống ấm êm, hạnh phúc và nuôi dạy ba con tử tế.

Lập gia đình năm 1995 với một cô gái xuất thân trong một gia đình làm nghề chế biến đậu phụ, anh Nguyễn Văn Phước, thuộc Giáo xứ Chính tòa, Giáo phận Nha Trang, có cơ hội để nối tiếp và gìn giữ nghề làm đậu phụ do người cha truyền lại.

Không chạy theo lợi nhuận

Là người có kinh nghiệm lâu năm, anh Nguyễn Văn Phước cho biết, để làm đậu phụ chỉ cần ít giấm nuôi hoặc chính nước chua của lần làm đậu phụ trước. Dễ dàng là vậy, nhưng những người trong nghề chẳng mấy ai áp dụng công thức này. Bởi lẽ với cách làm này thì 1 kg đậu nành thường chỉ được khoảng 800 g đậu phụ. Như vậy, người bán sẽ không thể thu được lợi nhuận cao.

Thêm nữa, đậu phụ là thứ rất dễ bị nhiễm khuẩn, khi bảo quản ở nhiệt độ bình thường thì phải dùng trong ngày. Anh Phước ví von vui rằng: “Đậu phụ cũng giống như hoa vậy, cũng sớm nở tối tàn, vòng đời rất ngắn”.

Do vậy, làm đậu phụ không thạch cao, không chất bảo quản sẽ không thể tiếp tục bán qua ngày hôm sau nếu lượng đậu phụ sản xuất không tiêu thụ hết trong ngày. Đây cũng là thiệt thòi mà không một người làm kinh doanh nào muốn đối diện.

Đó là chưa nói về hình thức, đậu phụ không thạch cao, không dùng chất tẩy trắng nhìn không bắt mắt, không trắng trẻo, lại thiếu độ cứng. Nói chung là không đáp ứng được thị hiếu chung của người tiêu dùng.

lấy câu Lời Chúa “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì” làm kim chỉ nam hướng dẫn lương tâm trước những hấp lực, lôi cuốn của vật chất, tiền tài.

Do vậy, có nhiều hôm vợ anh chỉ mang ra chợ bảy cây đậu phụ mà cũng không bán hết. Anh Phước nhắc đến điều này bằng một giọng nói đầy xúc động bởi sự yêu thương, đồng cảm với sự khó nhọc của người vợ.

Mệt mỏi, chán nản là điều không thể tránh khỏi, thế nhưng vợ chồng anh vẫn không chạy theo lợi nhuận để bán rẻ lương tâm. Mặc dù thừa biết rằng thạch cao vào cơ thể sẽ gây mầm bệnh, thế nhưng như lời tiết lộ của một chủ lò đậu phụ rằng: “Bán ế quá! Mà không có thạch cao thì làm sao ra đậu phụ?”, và như thế người tiêu dùng sẽ nuốt thạch cao vào bụng.

Rao giảng Tin Mừng một cách thiết thực và sống động

Công đồng Vaticano II dạy: “Giáo dân phải hợp tác vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh, là những chứng nhân và đồng thời là những công cụ sống động, họ chia sẻ sứ mạng cứu rỗi của Hội Thánh” (Ad Gentes, 41).

Quả thật, giữa một xã hội khi người ta đặt lợi nhuận lên trên hết, trong khi thực phẩm bẩn đang là vấn nạn nóng bỏng, bằng đời sống chứng tá một cách đơn sơ và chân thành, anh chị đã rao giảng Tin Mừng một cách thiết thực và sống động.

Tôi cảm nhận một điều, anh chị không hoàn toàn đơn độc trong việc giữ đức công bằng giữa cuộc mưu sinh nhọc nhằn này. Anh vẫn có những đồng nghiệp cùng chung suy nghĩ, tất cả đều chấp nhận thu nhập khiêm tốn miễn sao giữ được lương tâm nghề nghiệp trước Chúa. Sự đồng hành này giúp anh an tâm với lựa chọn của mình.

Đồng thời, một yếu tố rất quan trọng khác giúp anh nói không với thạch cao và hóa chất khi chế biến đậu phụ đó là vẫn có những “người tiêu dùng thông minh”. Họ biết chọn lựa thực phẩm tốt cho sức khỏe chứ không chạy theo thị hiếu chung.

Dù chưa phải là con số đông nhưng nguồn khách hàng này đang tăng dần vì mọi người đã giật mình trước tình trạng thực phẩm độc hại đang tràn lan. Một số quán chay cũng lựa chọn tiêu thụ đậu phụ do vợ chồng anh sản xuất. Có lẽ chủ quán chay là người có tâm nên đã không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì sức khỏe của khách hàng.

Muốn làm đậu phụ sạch phải có tâm hồn sạch

“Theo Chúa là dám chọn Thánh Giá” và Chúa cũng quan phòng mọi sự cho những ai tín thác vào Ngài. Dù quanh năm lao động vất vả, vợ chồng anh chị vẫn sống ấm êm, hạnh phúc và nuôi dạy ba con tử tế, trong đó có hai người con đã vào đại học. Người vợ là ca viên của một ca đoàn phục vụ giáo xứ.

Nghề chế biến đậu phụ là nghề khá nhọc nhằn, lam lũ. Anh thổ lộ rằng chỉ có hai vợ chồng anh theo nghề cùng với sự phụ giúp của người em trai kết nghĩa. Không người con nào của anh theo cái nghề khá cơ cực này. Cực mà lại kiếm ít tiền trong khi chỉ cần bất chấp sự an toàn sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng thì anh sẽ thu lợi nhiều hơn. Điều này càng cho thấy việc giữ được sự lương thiện trong nghề của anh quả là không dễ dàng, cần một sự hy sinh bền bỉ.

Giữa những bánh “đậu phụ thạch cao” đang chiếm lĩnh thị trường, những bánh đậu phụ của vợ chồng anh và những người cùng ý hướng được gọi là “đậu phụ sạch”. Đậu phụ là món ăn thanh mát, giản dị và bình dân. Nó giản dị như chính công việc mà hai vợ chồng chị đã theo đuổi suốt 34 năm qua.

ĐIỀN PHƯƠNG THẢO

>> Giáo phận Qui Nhơn viết i ngắn hay y dài?