Những ca đoàn vang bóng một thời – Bài 1: Châm ngòi lửa phong trào thánh ca trẻ

Cùng với phong trào Thánh ca Vào đời của Dòng Chúa Cứu Thế, phong trào Thánh ca trẻ từ Ca đoàn Đắc Lộ Trẻ của Dòng Tên đã tạo thành một dòng nhạc phổ biến trong làng thánh ca miền Nam thập niên 1970.

10 năm trước, khi còn hoạt động ca đoàn ở nhà nguyện Thánh I-nhã tại Trung tâm Đắc Lộ, chúng tôi được giới thiệu với anh Trần Hải Vân. Anh từ Paris về đã nhiều lần và lần nào cũng dành ít nhất một buổi ăn sáng với Ca đoàn Đắc Lộ Trẻ.

Chúng tôi cũng được mời tham dự những lần gặp gỡ đó để thấy được một ca đoàn lâu đời của Tổng giáo phận Sài Gòn với truyền thống nhiều thăng trầm như chính nơi họ đang phục vụ.

Từ ca đoàn “không tên nhưng nhiều thành viên” ban đầu

Trung tâm Đắc Lộ nằm trên đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng), là nơi hoạt động tông đồ và mục vụ chính của Dòng Tên Việt Nam tại Sài Gòn từ năm 1957. Tại đó, đã từng có nhiều hoạt động sinh viên nổi bật, thu hút và ảnh hưởng sâu rộng trong giới trẻ Sài Gòn trước năm 1975.

Đáng chú ý nhất là Cư xá Sinh viên Đắc Lộ, được hình thành vào năm 1960, từ những căn nhà lụp xụp đến khu nhà khang trang với 30 phòng lớn dành cho 60 sinh viên nam được hoàn tất vào năm 1962.

Mười năm sau, nhóm Sinh viên Công giáo Cư xá Đắc Lộ đã ra đời, phụ trách việc hát lễ Chúa nhật hàng tuần. Thời đó còn dâng thánh lễ Chúa nhật bằng tiếng Pháp. Nhóm sinh viên này được tập hợp bởi anh Trần Hải Vân, dân tu xuất, nên có nền tảng âm nhạc tốt hình thành từ nhà dòng.

Nhóm tập hát vào mỗi tối thứ Năm. Để chuẩn bị cho lễ Giáng sinh năm 1974, anh Hải Vân đã bỏ công đi đến từng nơi trong năm cư xá sinh viên khác của Sài Gòn để tập hát. Qua đó, quy tụ được gần 250 sinh viên thành một ca đoàn tổng hợp.

Sau lễ Giáng sinh năm đó, ca đoàn “không tên nhưng nhiều thành viên” này được chọn lọc lại để hình thành Ca đoàn Đắc Lộ Trẻ dưới sự chỉ huy của ca trưởng tiên khởi Trần Hải Vân và thành phần ban đầu khoảng 80 ca viên lẫn nhạc công, chuyên hát lễ 6 giờ 30 sáng Chúa nhật hàng tuần.

Đưa nhạc phụng vụ đến gần giới trẻ hơn

Năm 1975, Linh mục – Nhạc sĩ Khuất Duy Linh về nước. Với tinh thần đưa nhạc phụng vụ đến gần giới trẻ hơn, cha khuyến khích ca đoàn sử dụng những nhạc cụ phổ thông đương thời cùng với những bài thánh ca đang thịnh hành trong giới trẻ Pháp của Odette Vercruysse, Sr. Sourire cũng như loại thánh ca của các Linh mục Thành Tâm, Nguyễn Văn Trinh.

Một luồng gió mới đã thổi bùng lên thể loại thánh ca trẻ mang đầy tiết tấu, với những sáng tác của các tác giả ngoại quốc nói trên được phổ lời Việt. Trong đó, tên gọi Bầu trời xanh mơ (Tout au long du mon chemin của Odette Vercruysse) đã trở thành một nick name thân thương của Ca đoàn Trẻ Đắc Lộ.

Cùng với phong trào Thánh ca vào đời của Dòng Chúa Cứu Thế, phong trào Thánh ca trẻ Đắc Lộ của Dòng Tên đã tạo thành một dòng những bài rất phổ biến trong làng thánh ca miền Nam lúc đó, gắn liền với các tên tuổi nhạc sĩ là thành viên của ca đoàn như: Đức Dũng, Văn Khoa, Quang Lạc, Bá Liêm…

Dòng Tên có lẽ là một trong ít cơ sở Công giáo đầu tiên của Việt Nam đi sâu vào lĩnh vực truyền thông, dùng truyền thông như một phương tiện truyền giáo. Tại Đắc Lộ đã từng có Truyền hình Đắc Lộ là kênh truyền hình tư nhân của Giáo hội Công giáo được phát trên Đài truyền hình miền Nam từ năm 1972. Nhờ tinh thần đó, Ca đoànCa đoàn Đắc Lộ Trẻ là ca đoàn đầu tiên của Sài Gòn có tổ chức thâu âm tại chỗ để lưu lại những bài thánh ca của mình.

Không chỉ sinh hoạt âm nhạc, Ca đoàn Ca đoàn Đắc Lộ Trẻ còn có những hoạt động thể thao nổi bật. Ca viên của ca đoàn đã từng là sáng lập viên, huấn luyện viên và vận động viên đầu tiên của môn bóng ném của Việt Nam. Năm năm cuối cùng của thập niên 1970 chứng kiến những biến động lớn đưa đến việc ca đoàn ngừng hoạt động.

Một buổi thu âm của Ca đoàn Đắc Lộ năm1979. Ảnh tư liệu.

Giải tán và hồi sinh

Khoảng thời gian tiếp theo là giai đoạn “trầm” sau bước “thăng” của ca đoàn. Đã có lúc ca đoàn nằm trong… hội phụ huynh trường Lê Thị Hồng Gấm (trước kia là Regina Mundi). Cũng có giai đoạn ca đoàn về tạm trú ở nhà thờ Tân Định để thay thế Ca đoàn Phụng Ca vừa giải tán.

Đến năm 1983, ca trưởng Trần Hải Vân đi định cư tại Paris, một bộ phận lớn của ca đoàn chính thức “di dân” sang nhà thờ Mạc Ty Nho (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1), đổi tên thành Ca đoàn Đắc Lộ Mạc Ty Nho, dưới sự chỉ huy của ca trưởng Nguyễn Thị Bạch Lan.

Một số ít thành viên còn ở lại Tân Định góp phần hình thành ca đoàn Emmanuel ngày nay. Ngoài ra, một số cựu ca viên khi đi xa, còn thành lập những ca đoàn hoạt động như hình ảnh nối dài của Ca đoàn Đắc Lộ Trẻ như: Ca đoàn Vọng Lên Cao do thầy Nguyễn Ngọc Quyền thành lập ở giáo xứ Bùi Phát hay Anh Trần Hải Vân với ca đoàn phục vụ tại giáo xứ Việt Nam ở Paris.

Một bước ngoặt lớn, đánh dấu sự hồi sinh Ca đoàn Đắc Lộ Trẻ là sự kiện Tu viện Dòng Tên tại Đắc Lộ được mở cửa lại vào năm 2008. Người cha tinh thần (nay đã quá cố) của ca đoàn, Linh mục – Nhạc sĩ Khuất Duy Linh, đã kêu gọi con cái trở về hát cho nhà nguyện Dòng Tên.

Đây là “viên đá góc tường” để xây dựng lại Ca đoàn Đắc Lộ Dòng Tên như Linh mục Đinh Trung Nghĩa (phụ trách phụng vụ ở đây) đặt tên. Tuy nhiên, các thành viên thường thích dùng tên gọi Ca đoàn Đắc Lộ Yên Đổ hơn.

Dù qua nhiều thăng trầm nhưng tinh thần của buổi họp mặt mỗi tối Chúa nhật giữa sinh viên cư xá Đắc Lộ với cha Giám đốc Henri Forest vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đó là “bổn phận của sinh viên là phải học để có một nghề vững chắc, để phục sự xã hội, đem lại đời sống tốt đẹp hơn cho dân chúng”. Tinh thần đó được tóm tắt trong khẩu hiệu Estor Vir – Hãy thành nhân và đã tạo nên bao con người có ích cho xã hội và Giáo hội.

Ca đoàn Đắc Lộ Trẻ ngày nay chỉ gọi tên ngắn gọn là Ca đoàn Đắc Lộ, vẫn phục vụ tại Trung tâm Đắc Lộ,  171 Lý Chính Thắng, Q.3, Sài Gòn. Ca đoàn được đặt dưới sự chỉ huy của một tổ gồm các ca trưởng cựu trào.

LM AN-TÔN NGUYỄN CAO SIÊU, SJ
Chính khi tập hát, họ đã bắt đầu cầu nguyện rồi
Ở Nhà nguyện Đắc Lộ, Ca đoàn Đắc Lộ được coi là kỳ cựu. Theo tôi, một ca đoàn thành công là một ca đoàn có khả năng dùng tiếng hát của mình để giúp cộng đoàn dân Chúa cầu nguyện. Để được thế, ca đoàn cũng phải hát như đang cầu nguyện vậy.
Tôi thấy Ca đoàn Đắc Lộ cầu nguyện nghiêm túc trước khi tập hát, nên tôi nghĩ chính khi tập hát, họ đã bắt đầu cầu nguyện rồi…

LM VINH SƠN NGUYỄN NGỌC QUYỀN, Nhà thờ Plei Jơdrap, Kontum, thành viên Ca đoàn Đắc Lộ Trẻ từ năm 1977:
Mừng vì vẫn còn người kế thừa
Hồi đó, Đức Dũng học sáng tác bên thầy Hùng Lân. Mặc dù thầy cũng
có nhóm nhạc phục vụ cho lễ thử nghiệm của Hoàng Sỹ Quý (Dòng Chúa Cứu Thế) nhưng những sáng tác của Dũng lúc ấy lại được mọi người biết đến qua tiếng hát của Đắc Lộ Trẻ như Lo gì, Chúa ơi giữa đêm dài, Mừng xuân sang, Trong nắng Xuân hồng
Ngày nay, những bài thánh ca xuất phát từ Ca đoàn Đắc Lộ Trẻ vẫn còn được nhiều nơi sử dụng từ trong Nam đến ngoài Bắc.
Tôi rất nhớ Ca đoàn Đắc Lộ Trẻ và rất mừng là vẫn còn người kế thừa cho dù đã trải qua hơn 40 năm với biết bao thăng trầm…
Tôi thích bài Bầu trời xanh mơ và cũng thích ca đoàn lấy bài này như tín hiệu để nhận nhau.

NGUYỄN BÁCH

>> Bài 2: Trùng Dương: Nửa thế kỷ thăng trầm