Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản: Cộng đoàn là nơi thanh lọc thánh ca

Sau nhiều nỗ lực thực hiện, tuyển tập Thánh ca Việt Nam quyển II đã ra đời. Đức Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc – Hội đồng Giám mục Việt Nam, chia sẻVề việc xét tuyển các ca khúc vào tuyển tập.

“Tuyển tập Thánh ca Việt Nam có những nguyên tắc để lựa chọn. Quyển I tuyển chọn những bài hát từ giai đoạn 1954 – 1975, là giai đoạn bắt đầu nền thánh ca Việt Nam. Quyển II chúng tôi lấy mốc thời gian từ năm 1975 đến nay. Thường những bài nào được các cộng đoàn đón nhận thì người ta sẽ hát đi hát lại. Có những bài người ta hát một lần rồi bị rơi vào quên lãng. Vì vậy, chính cộng đoàn là nơi thanh lọc những bài thánh ca” – Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản cho biết.

ĐGM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản: Khi cộng đoàn gặp gỡ Chúa thì có người thích hợp với dòng nhạc này, có người thích hợp với dòng nhạc kia. Ảnh: Ban Văn hóa – Truyền thông GP Ban Mê thuột

Không phải tất cả các bài hát đều được tuyển chọn

Đồng hành: Xin Đức cha cho biết các nguyên tc tuyn chọn mà Ủy ban Thánh nhạc đã đề ra khi thc hin các tuyn tp Thánh ca Việt Nam?

+ Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản: Nếu tính hết các bản thánh ca sáng tác từ năm 1975 đến nay, theo ước tính của cha giáo Kim Long, có khoảng 500.000 bài. Vì thế, không phải tất cả bài của các nhạc sĩ sáng tác đều được lựa chọn.

Trước hết, những bài được tuyển chọn phải là những bài được nhiều cộng đoàn hát và được các trưởng ban Thánh nhạc của các giáo phận, các chủng viện, các dòng tu giới thiệu lên. Qua việc được cộng đoàn chấp nhận, Ủy ban Thánh nhạc mới thẩm định về nội dung, âm nhạc, thần học. Chứ đâu phải cứ Ủy ban Thánh nhạc đưa ra là người ta chấp nhận.

“Trong nghệ thuật, mỗi người đứng một góc, có quyền nhìn một vấn đề ở những góc độ khác nhau. Chính nhờ cái chiều kích ấy, nó bổ sung cho nhau”.

Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

Đồng hành: Thực tế thì có những nhạc sĩ Công giáo có số lượng tác phẩm rất lớn và những tác phẩm ấy đều đạt chất lượng. Trường hợp này “định mức” cho từng tác giả sẽ như thế nào, thưa Đức cha?

+ Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản: Trường hợp điển hình về nhạc sĩ viết nhiều tác phẩm có thể kể đến cha Kim Long. Gia tài sáng tác của ngài tất cả có khoảng trên 3.000 bài thánh ca, nếu kể cả các tác phẩm thánh ca vào đời là khoảng 500 ngàn bài. Vì thế, để cộng đoàn có nhiều lựa chọn, chúng tôi chọn nhiều tác giả và nhiều khuynh hướng.

Cứ mỗi tác giả như thế, các trưởng ban thánh nhạc giáo phận, dòng tu, chủng viện đề nghị về thì Ủy ban Thánh nhạc sẽ duyệt xét theo từng khuynh hướng, giai đoạn.

Đồng hành: Ngược lại, có một số ý kiến đặt vấn đề rằng tại sao một số tác giả không được biết đến mà lại có tới năm bài trong tuyển tập này?

+ Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản: Khi coi lại thì tôi thấy có thể những bài hát này được biết đến ở vùng này nhưng còn xa lạ với những vùng khác. Thế nhưng ở vùng miền mà có nhiều anh em trong ban duyệt xét thì họ biết rõ. Đó cũng không phải là vấn đề lớn.

Nếu xét về khuynh hướng âm nhạc, có thể mình không chấp nhận người ta ở điều này, điều kia. Nhưng theo tôi, các bài thánh ca phụng vụ có mục đích giúp cho cộng đoàn cầu nguyện để gặp gỡ Chúa. Khi mà cộng đoàn gặp gỡ Chúa thì có người thích hợp với dòng nhạc này, có người thích hợp với dòng nhạc kia. Quan trọng là những bài hát đó được viết theo đúng tinh thần của phụng vụ.

Kiểm tra về từ ngữ, âm nhạc

Đồng hành: Thưa Đức cha, việc xuất bản tuyển tập đâu chỉ là công việc tuyển chọn, sàng lọc tác phẩm như người ta thấy ở bề nổi?

+ Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản: Đúng vậy, ngoài việc tuyển chọn thì còn nhiều vấn đề khác nữa. Ủy ban Thánh nhạc đã gửi thư đến các nhạc sĩ tác giả để xin các vị cho sửa đổi một số điểm trong tác phẩm cho thích hợp với phụng vụ và thần học. Nếu các nhạc sĩ đồng ý cho sửa thì mới sửa. Có những vị yêu cầu khi sửa phải cho họ xem trước.

Ví dụ bài Trên con đường về quê của nhạc sĩ Nguyễn Khắc Xuyên. Đây là bài hát rất hay, nổi tiếng cả trong và ngoài Giáo hội. Nhưng xét về mặt thần học và đối thoại tôn giáo thì nó có một số điểm cần xem lại. Trên con đường về quê mà chỉ có Mẹ, tâm tình này hơi chủ quan. Điểm nương tựa chính của chúng ta là Chúa, Mẹ là một phương thế mà Chúa dùng để giúp chúng ta. Nếu giữ nguyên lời này thì có nhiều điểm cần phải giải thích.

Cho nên Ban Biên tập tuyển tập phải sửa đổi, mặc dù lời gốc rất hay. Tuy nhiên, khi sửa rồi thì hát lên nó không được như tâm tình của bài cũ. Bởi vậy có những vị đề nghị lấy nguyên lời cũ để đưa vào.

Lần hội thảo thánh nhạc sắp tới, chúng tôi lên chương trình là sẽ mời các chuyên gia về Thánh Mẫu học, thần học và chuyên gia về phụng vụ để phân tích. Ủy ban Thánh nhạc sẽ cùng với các chuyên gia phân tích xem bài hát có ảnh hưởng gì trong đời sống đức tin hoặc trong vấn đề đối thoại tôn giáo, đặc biệt là trong phong trào đại kết hay không? Sau đó chúng tôi mới quyết định. Mỗi một chuyện nhỏ như vậy mà anh em thấy, nó là cả một vấn đề.

“Những bài được đưa vào tuyển tập là những bài đã được Ban Thánh nhạc kiểm tra về từ ngữ, về nội dung và về âm nhạc”.

Đồng hành: Khi đã ra mắt hai tuyển tập Thánh ca Việt Nam thì những bài hát chưa được tuyển chọn có được sử dụng không, thưa Đức cha?

+ Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản: Vừa rồi tôi đã nhấn mạnh rằng không phải chỉ những bài có mặt trong tuyển tập thì mới được hát. Nhưng mà tất cả bài đã được Imprimatur (được phép in) thì vẫn được hát chứ đâu có sao!

“Tôi cố gắng điều hợp các anh em nhạc sĩ ngồi chung với nhau, biết lắng nghe nhau để có những bài hát cầu nguyện một cách đúng đắn”.

Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

Chúng ta phải hiểu rằng những bài được đưa vào tuyển tập là những bài đã được Ban Thánh nhạc kiểm tra về từ ngữ, về nội dung và về âm nhạc. Sau tuyển tập này sẽ còn những tuyển tập khác nữa.

• Đồng hành: Đức cha vừa nói về việc Imprimatur. Hiện nay việc này được thực hiện thế nào, thưa Đức cha?

+ Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản: Các thành viên trong Ủy ban Thánh nhạc thực sự là làm việc quá tải, bởi ai cũng phải có công việc riêng. Một tuần mới dành riêng một ngày để duyệt xét. Mà một buổi làm việc có khi chỉ duyệt được một, hai bài thôi. Cho nên người ta cứ thắc mắc sao thời gian duyệt cứ kéo dài. Nếu sau này các linh mục và các anh em nhạc sĩ của mình phong phú hơn thì sẽ có nhiều người dành riêng để chuyên lo việc đó.

Ngay cả bây giờ, đã ít nhất hai kỳ đại hội về thánh nhạc, anh em đề nghị làm trang web riêng cho Ủy ban Thánh nhạc, để đưa lên đó những thông tin, bài mới để anh em cập nhật nhưng chưa làm được. Nếu sắp xếp riêng một người để lo trang web thì không có kinh phí. Chúng tôi cố gắng thu xếp để có một người thường trực lo trang web này, vấn đề tài chính tuy khó nhưng vẫn có thể thu xếp được nhưng vấn đề con người thì khó hơn.

Đồng hành: Xin cảm ơn Đức cha!

Ca trưởng phải biết thánh lễ dành cho ai
Thánh ca phải giúp cho mọi người cầu nguyện. Khi giúp cho cộng đoàn cầu nguyện thì có bài do ca đoàn trình bày, cộng đoàn lắng nghe, có bài thì cộng đoàn phải tham gia.
Nếu anh đến tham dự một thánh lễ mà ca đoàn làm hết mọi sự, anh như một vị khách thì anh đâu có tham dự tích cực. Cho nên tôi khuyến khích các ca trưởng khi lựa chọn các bài hát thì phải biết thánh lễ đó dành cho ai.
Ví dụ thánh lễ đó dành cho thiếu nhi thì phải lựa chọn những bài đơn giản, chỉ tập một lần là các em hát được. Tôi thấy một thánh lễ thiếu nhi ở nhà thờ Xóm Thuốc (TGP Sài Gòn), cả ngàn em thiếu nhi đều hát, tôi cảm nhận sức sống của một cộng đoàn.
Tôi từng góp ý với một ca đoàn, khi tôi về ban phép Thêm sức cho thiếu nhi mà ca đoàn cứ chọn những bài bốn bè hát. Các em thiếu nhi hôm ấy cứ như những người khách lạ nhìn ngơ ngác. Ngay cả bài hát kết lễ mà các em cũng không được tham gia nữa thì làm sao?!
Đức Giám mục Vinh Sơn NGUYỄN VĂN BẢN

LÊ LINH DUY thực hiện

>> Kinh Thánh nói gì về âm nhạc?