Đâu phải ai cũng được cầm dù cho các đấng

Hình ảnh các cuộc đón rước Đức Giám mục về thăm mục vụ giáo xứ hay trong các lễ hội, hầu như bao giờ cũng có một vị đi kèm để cầm dù che nắng, che mưa hay xách cặp. Điều trớ trêu là không phải ai cũng có được “cái vé” cầm dù, xách cặp cho đức cha!

Điểm tin Giáo hội Công giáo Việt Nam thời gian vừa qua, có hai thông tin khá ngắn gọn nhưng lại gây trong tôi một ấn tượng đẹp về nhân cách lớn của hai vị mục tử. Thứ nhất là thánh lễ tạ ơn Chúa nhân dịp kỷ niệm 17 năm giám mục của Đức Tổng Giám mục (TGM) Phao-lô Bùi Văn Đọc tại nhà nguyện cổ trong khuôn viên Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn. Thứ hai là cách tạ ơn Chúa và tri ân mọi người nhân dịp kỷ niệm 25 năm linh mục của Đức TGM Giu-se Ngô Quang Kiệt tại Đan viện Châu Sơn, Ninh Bình.

Lễ ngân khánh đơn sơ âm thầm

Đồng tế với Đức TGM Phao-lô Bùi Văn Đọc trong thánh lễ tạ ơn chỉ có cha Tổng đại diện I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Đức ông Giu-se Trịnh Minh Trí – Chủ tịch Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ và một số linh mục thân hữu. Tham dự thánh lễ có các tu sĩ và nhân viên làm việc tại Tòa TGM, thân nhân Đức TGM Phao-lô, cùng một số giáo dân thường xuyên tham dự thánh lễ tại tòaTGM.


Đồng tế với TGM Phao-lô Bùi Văn Đọc chỉ có cha Tổng đại diện I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Đức ông Giu-se Trịnh Minh Trí – Chủ tịch Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ và một số linh mục thân hữu. Ảnh: tgpsaigon.net

Điều này khá khác biệt với những thánh lễ kỷ niệm ngân khánh, ngọc khánh linh mục hoặc khấn dòng thật long trọng với đoàn đồng tế có khi lên đến cả 100 linh mục không chỉ trong mà còn cả ngoài giáo phận, với những nghi thức quan trọng, những băng hình quay xong rồi cất.

Điều này vẫn thường xảy ra tại các giáo xứ, giáo phận, nhất là thời điểm mùa hè, được xem là “mùa gặt” của các tu sĩ với những lễ truyền chức và khấn dòng.

Cũng vậy, 25 năm là khoảng thời gian dài so với đời người và càng dài đối với sứ vụ linh mục. Bởi vậy, đối với nhiều linh mục, dịp này sẽ được tổ chức lớn để tạ ơn Chúa và tri ân mọi người.

Thế nhưng Đức TGM Giu-se lại chọn cách âm thầm, không tổ chức, không thông tin, không thiệp mời. Ngài khiêm tốn cho biết: “Ở trên đất Phát Diệm, học Đức cha Phát Diệm mừng ngân khánh linh mục âm thầm”.

Một thực tế không thể phủ nhận là không khó khăn gì để nhìn thấy những hình ảnh rước xách lễ lạt hoành tráng trong các lễ tạ ơn khấn dòng hay mừng tân chức linh mục, giám mục trên trang web của các giáo phận tại Việt Nam hiện nay.

Do vậy việc tổ chức lễ mừng 17 năm giám mục của Đức TGM Phao-lô Bùi Văn Đọc và 25 năm linh mục của Đức TGM Giu-se Ngô Quang Kiệt một cách đơn sơ, âm thầm quả là những tấm gương cần có, nhất là trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.

Coi tấm thiệp mời như một bảo chứng

Trộm nghĩ, điều này không chỉ là nhu cầu của chính các tu sĩ, nhưng còn có nguyên nhân sâu xa từ sở thích của nhiều giáo dân. Với những người này, thiệp mời tham dự các lễ mở tay của các tân linh mục, kim khánh, ngân khánh… chẳng khác nào tấm căn cước chứng minh họ là công dân Nước Trời trong tương lai. Được xuất hiện trong những buổi tiệc mừng như thế là một cách tự giới thiệu mình là ngườI đạo đức, được thân thiết vớI các tu sĩ, linh mục.

Một giáo dân có đức tin trưởng thành là người hiểu rằng thước đo đời sống đạo đức của một tín hữu là việc sống và thực thi lời dạy của Thiên Chúa qua Kinh Thánh, chứ không phải việc khẳng định vai trò của mình trong đời sống của các tu sĩ, linh mục. Chúa Giê-su nói: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được” (Mt 20, 20-23).

Đó là chưa nói đến hiện tượng sùng bái cá nhân, kính mến thái quá của giáo dân đối với các bậc tu sĩ, đặc biệt là linh mục, giám mục dẫn đến một số trường hợp tổ chức những buổi lễ kỷ niệm ngày “làm đầy tớ phục vụ anh em” thật tưng bừng, hoànhtráng.

Mối tương quan linh mục – giáo dân chưa trưởng thành

Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội chuyền nhau bức ảnh Tổng thống Obama tự tay che dù khi đứng trú mưa trên một con phố ở Hà Nội. Thậm chí có cả một bức ảnh ghi lại cảnh Ngài Tổng thống che dù cho cả các cộng sự viên đang đi chung với mình. Chợt nhớ lại hình ảnh các cuộc đón rước đức giám mục về thăm mục vụ các giáo xứ hay trong các lễ hội, hầu như bao giờ cũng có một vị đi kèm để cầm dù che nắng, che mưa hay xách cặp.

Đoan chắc rằng phải là một vị trong Hội đồng Mục vụ của giáo xứ, nghĩa là người được cầm dù che, xách cặp cho đức cha phải là người có nhiều đóng góp cách này, cách khác đối với giáo xứ và dĩ nhiên trong cái nhìn của mọi người đó phải là người có đạo đức, có đời sống gương mẫu.

Thật ra không phải là các đấng bậc không có khả năng tự cầm dù, tự xách cặp đựng áo lễ nhưng bởi do cách nhìn nhận mối tương quan giữa các linh mục và giáo dân chưa thực sự trưởng thành.

Là thành phần của đàn chiên Chúa, người giáo dân có bổn phận kính trọng, quý mến và biết ơn người chủ chăn của mình, có bổn phận cầu nguyện và nâng đỡ ngài về tinh thần cũng như vật chất nhưng tất cả phải trong tinh thần dân chủ và bình đẳng.

Hè là thời điểm Giáo hội gặt hái được nhiều tâm hồn tận hiến để phục vụ Chúa và tha nhân. Xin cho mỗi người giáo dân trong chúng ta hãy yêu quý, trân trọng những bông hoa thánh thiện này bằng một thái độ trưởng thành.
Đó cũng là phương thức rất hữu hiệu giúp các linh mục, các tu sĩ sống đúng tinh thần phục vụ như Chúa Giê-su đã từng dạy: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người…”. (Mt 20, 17-28).