Khi nào được gọi là “thành hôn”?

Chúng ta thường thấy tại các tư gia hay tại nhà hàng ghi tấm bảng “Lễ Thành hôn”. Trên các tấm thiệp cưới, ta cũng đọc thấy câu: “Trân trọng mời khách đến dự lễ Thành hôn của...”. Tại nhà trai hay ở nhà hàng người ta cũng hay ghi như thế. Vậy các đôi bạn trẻ Công giáo thành hôn khi nào?

Theo phong tục, trước khi lễ cưới hay lễ thành hôn diễn ra, thường có những lễ như: Lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi. Ngoài bữa tiệc mừng và văn nghệ liên hoan, diễn tiến buổi lễ thành hôn này, có thể khác nhau chút ít về hình thức tùy theo phong tục tập quán của từng miền, nhưng nội dung thường giống nhau.

Đôi nam nữ người Công giáo đã thực sự thành hôn khi cử hành bí tích Hôn phối với nghi thức Hôn phối.

Thành hôn qua nghi thức Hôn phối

Đối với tín hữu Công giáo, như được ghi trên các tấm thiệp cưới, lễ thành hôn vẫn thường được cử hành tại thánh đường giáo xứ. Đúng vậy, đôi nam nữ người Công giáo thực sự trở thành vợ chồng, nghĩa là đã thành hôn qua nghi thức Hôn phối, nói một cách chính xác, qua bí tích Hôn nhân mà chính họ cùng nhau cử hành trước thừa tác viên của Giáo hội là linh mục hoặc Phó tế và cộng đoàn hiện diện.

Một giáo dân trong trường hợp được ủy quyền cũng có thể chứng hôn (Chỉ dẫn số 25, Nghi thức Cử hành Hôn nhân của Ủy ban Phụng tự).

Sau những lời cam kết “nhận nhau làm vợ, làm chồng” và nghi thức trao nhẫn cưới để diễn nghĩa, hai người nam nữ đã chính thức thành hôn.

Hôm 18-1-2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chứng hôn cho ông Carlos 41 tuổi và bà Paula 39 tuổi trên một chuyến bay từ Santiago đến Chi Lê, trước hai nhân chứng. Dù đã có hai con, nhưng họ chưa chính thức thành vợ chồng Công giáo do trận động đất ở Chi Lê vào năm 2010.

Nghi thức Hôn phối có thể được cử hành ngoài thánh lễ, nhưng thường diễn ra trong một thánh lễ. Người ta quen nói: “Đức Thánh cha cử hành lễ cưới, vị linh mục làm lễ cưới”. Thực ra, Đức Thánh cha chỉ xác nhận sự ưng thuận của hai ông bà và chúc lành cho họ.

Linh mục dâng thánh lễ hay cử hành thánh lễ Hôn phối, chứ linh mục không cử hành Bí tích Hôn phối hay làm lễ cưới. Linh mục là người, cùng với cộng đoàn chứng hôn, nghĩa là xác nhận sự thành hôn của đôi hôn phối và là vị chúc phúc lành của Thiên Chúa cho hai người.

Chính đôi bạn mới là người “làm lễ cưới” hay “cử hành bí tích Hôn nhân”. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 1623 giải thích rõ hơn: “… Chính đôi bạn là thừa tác viên ân sủng Đức Kitô; họ ban bí tích Hôn phối cho nhau khi họ tỏ bày sự ưng thuận kết hôn trước mặt Hội Thánh”. Việc cử hành này chính thức và khởi đầu với nghi lễ Hôn phối và sẽ tiếp tục được cử hành bằng việc “yêu thương nên một tâm hồn và cả thân xác” trong suốt cuộc sống tương lai của hai người, “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi khỏe mạnh cũng như khi đau yếu”.

Những tập quán dễ bị ngộ nhận

Nhiều gia đình theo Công giáo, cách riêng tại miền Bắc, do ảnh hưởng bởi những phong tục và cách sử dụng từ ngữ của xã hội ngoài đời, nên đã có sự ngộ nhận rằng con cái của họ chỉ được thành hôn sau khi “lễ cưới” với những thủ tục thường được tổ chức tại tư gia hay nhà hàng.

Chúng tôi được biết, có những đôi nam nữ dù đã “làm phép cưới” tại nhà thờ, nhưng vì chưa có điều kiện “ăn cưới” hay “tổ chức lễ cưới” trong đó có việc “rước dâu”, cho nên phải chờ nhiều ngày, có khi cả một tháng sau, họ mới về sống chung, nghĩa là “được ăn ở với nhau”.

Trên thiệp cưới của người Công giáo nên ghi: “Trân trọng báo tin quyết định sống ơn gọi hôn nhân của con em chúng tôi là…”.

Cũng nên biết thêm, hầu hết các gia đình, cách riêng tại miền Bắc, ngay cả người Công giáo lo việc “lập gia đình” cho con em đã phải chi phí khá nhiều cho những bữa ăn. Nhà gái ngày hôm trước rồi hôm sau đến nhà trai, luôn có bữa tiệc quen gọi là áp rạp (một số nơi ở miền Tây gọi là bữa ăn nhóm họ). Bữa tiệc này cũng có rất nhiều thực khách được mời, phần nhiều là người hàng xóm và bạn bè thân quen của đôi bạn, cách riêng của cô dâu.

Sau khi dùng tiệc, luôn có chương trình văn nghệ bằng những bài hát karaoke, kéo dài đến 10 giờ đêm. Tại nhà gái sau ngày áp rạp là ngày lễ ăn hỏi, còn được gọi là lễ vấn danh: Hai họ giới thiệu và nhận họ của nhau. Sang tối ngày hôm sau tại nhà trai, cũng là bữa tiệc áp rạp rất hoành tráng để chuẩn bị cho ngày chính tiệc cưới vào buổi trưa hôm sau với nghi thức đón dâu.

Trước khi đón cô dâu về nhà trai, tại nhà gái luôn có nghi thức làm lễ gia tiên: Bố cô dâu hay một vị đại diện thắp hương và kính vái. Người Công giáo thường vái bốn vái: Ba vái có ý tôn kính Chúa Ba Ngôi và một vái kính tổ tiên. Rước dâu về đến nhà trai, nghi thức này được làm lại một lần nữa. Sau việc đón dâu về nhà chồng với các nghi lễ như thường làm, đôi bạn mới được mọi người nhìn nhận là thành hôn.

Đúng ra, như nói trên đây, đôi nam nữ người Công giáo đã thực sự thành hôn khi cử hành bí tích Hôn phối với nghi thức Hôn phối. Tiệc cưới hay những “tổ chức hoành tráng” sau đó chỉ với mục đích diễn tả niềm vui lớn lao vì được Thiên Chúa kết hợp hai người bằng giao ước thánh nghĩa là “được Thiên Chúa thánh hiến” qua bí tích Hôn nhân.

Gia đình hai họ, bạn hữu thân thương cũng như chính đôi tân hôn, qua những bữa tiệc mừng, họ chỉ muốn nói lên hạnh phúc tuyệt vời vì hồng ân Thiên Chúa ban, qua đó đôi tân hôn trở thành dấu chỉ tình yêu của Đấng đã trao hiến thân mình cho Hội Thánh và cho cả nhân loại. Đôi bạn trở thành chứng tá cho người khác nhận biết về hạnh phúc của Nước Trời mai sau.

Hôn nhân, một ơn gọi của Thiên Chúa

“Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con…” (Ga 15,16) Những câu Tin Mừng này thường được nghe đọc trong các dịp lễ truyền chức hay khấn dòng. Thế nhưng điều này cũng được công bố trong các thánh lễ hay nghi thức Hôn phối.

Ý thức rằng đời sống Hôn nhân là một “ơn do chính Thiên Chúa chọn gọi”, có những tấm thiệp cưới, thay vì chỉ đơn giản “báo tin Hôn lễ được cử hành” thì được ghi như sau: “Trân trọng báo tin quyết định sống ơn gọi hôn nhân của con em chúng tôi là…”. Thật ý nghĩa và đúng với Thánh ý của Thiên Chúa.

Người chọn một người nữ cho một người nam và người nam cho người nữ để trở thành vợ chồng với những sứ mệnh cao cả mà những lời nguyện cầu trong thánh lễ Hôn phối nêu bật. Qua đời sống Hôn nhân Công giáo, “Thiên Chúa làm nên hai điều kỳ diệu là cho đôi bạn sinh con và cho con cái họ được tái sinh để Hội Thánh ngày thêm đông số” (Kinh Tiền tụng thánh lễ hôn phối).

Các nam nữ tu sĩ khi tuyên khấn dâng cuộc đời cho Chúa, đã ý thức thật rõ tiếng gọi của Thiên Chúa từ muôn thuở và cam kết “mãi mãi chọn Chúa làm gia nghiệp” để yêu thương phục vụ Chúa nơi cộng đoàn và tha nhân. Những đôi bạn kết hôn còn được nhận một trong bảy bí tích Chúa Kitô và Hội Thánh thiết lập. Họ phải ý thức thật rõ tiếng Chúa gọi và cam kết đáp lại bằng cách “mãi mãi chọn Chúa”, chọn Chúa nơi người vợ hay chồng của họ và chỉ có Chúa, nghĩa là chồng hay vợ của họ mà thôi. Như những người sống đời thánh hiến, các đôi hôn phối còn được cắt cử, ra đi, sinh hoa trái… Những hoa trái mà đời sống hôn nhân có được, không chỉ là những đứa con thánh thiện được sinh ra, mà còn là những gương sáng và việc bác ái tỏa lan ra cho người xung quanh cũng như cho cả xã hội mà họ đang sống. Hôn nhân Công giáo, một ơn gọi và sứ mệnh thật cao quý!

LM VINH SƠN NGUYÊN HOÀ, SSS

>> Gia đình bền vững: 13 lời khuyên của Đức Giáo hoàng Phanxicô