Cây Thánh giá và chiếc xe đạp của tuyển thủ Út Tâm

Mùa xuân năm đấy, Xuân 2003, Út Tâm, tên gọi ở nhà của tuyển thủ xe đạp Đỗ Xuân Tâm, đi lễ giao thừa ở nhà thờ Mai Khôi và rút đúng câu lộc: “Hãy phó thác cuộc đời cho Chúa và luôn tin tưởng nơi Ngài”.

Hành trang của Út Tâm trong những chuyến đi tập huấn hay thi đấu xa nhà bao giờ cũng là cây Thánh giá được xếp một cách kính cẩn trong vali ngay bên cạnh câu lộc mà Tâm thuộc nằm lòng.

“Lo phần hồn trước rồi mới tính đến phần xác”

Bạn bè đồng nghiệp với Tâm thường kể lại thói quen của người tuyển thủ này: Mỗi khi nhận phòng, bao giờ Tâm cũng kính cẩn để cây Thánh giá ở góc bàn bên cạnh câu lộc mà Tâm bốc trong lễ giao thừa rồi làm dấu Thánh và lẩm bẩm đọc kinh cầu nguyện.


Hình ảnh cuối của Út Tâm trên đường đua khắc nghiệt trước lúc đột quỵ mà trước ngực vẫn còn cây Thánh giá cùng ánh mắt đầy nghị lực. Ảnh: Q.TUẤN

Đã là một thói quen của Tâm, dù mệt mỏi và bận bịu cỡ nào nhưng bao giờ trước khi đi ngủ Tâm cũng hôn cây thánh giá và đọc kinh, cầu nguyện. Sáng dậy cũng thế, mở mắt là Tâm lại làm phần việc quen thuộc mà Tâm hay chia sẻ với các bạn khác tín ngưỡng là lo phần hồn trước rồi mới tính đến phần xác…

TÔI TỪNG CÓ NHIỀU HỌC TRÒ CÓ ĐẠO, NHƯNG Đỗ Xuân Tâm thì đời sống tâm linh rất đặc biệt. Đi tập huấn ở xa bao giờ em cũng tìm nhà thờ, hỏi giờ lễ và không đi được sáng ChÚA nhật thì em tranh thủ xin các thầy cho được đi lễ bù vào chiều thứ Bảy. Tôi còn nhớ ngày em được gọi vào đội tuyển xe đạp địa hình Việt Nam thì câu đầu tiên ở cửa miệng em là tạ ơn Chúa…”

Huấn luyện viên TRẦN VĂN THÔI

Trong đội tuyển xe đạp Việt Nam khi ấy cũng có nhiều người có đạo như Tâm cùng tập trung ở Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Nhổn, nhưng cậu út này nổi tiếng là con chiên ngoan đạo. Ngoại trừ những giờ kinh sách sáng tối, Út Tâm bao giờ cũng đeo cây Thánh giá trên cổ và trước mỗi buổi tập hay trước vạch xuất phát. Bao giờ Út Tâm cũng cầm cây Thánh giá hôn một cách kính cẩn rồi mới lên yên xe.

Cái chết định mệnh trên đường đua

Đến tận bây giờ mẹ Nguyễn Thị Hoa của Xuân Tâm vẫn nhớ mãi cái khoảnh khắc tử thần diễn ra vào lúc 19 giờ tối 10-10-2003. Trong ngôi nhà ọp ẹp ở sâu trong hẻm đường Điện Biên Phủ, Sài Gòn, tiếng chuông điện thoại reo lên và đầu dây bên kia, một giọng hoảng hốt chợt thông báo với mẹ Hoa:

“Em Tâm bị chấn thương trong cuộc đua địa hình hiểm trở tại Hòa Bình. Chắc bác phải thu xếp ra Hà Nội gấp…”.

Mẹ Hoa rụng rời hết chân tay cầm chiếc điện thoại không vững vì có bao giờ con đi tập huấn hay thi đấu xa mà không gọi điện thoại được cho mẹ phải nhờ người khác, lại còn nói ra gấp. Mẹ Hoa kể lại: “Út Tâm bắp đùi to, cánh tay săn chắc khỏe mạnh thế làm sao chấn thương được”.

Rồi mẹ Hoa nhớ lại cái Tết năm đấy, trước ngày lên đường ra Hà Nội tập trung, Út Tâm còn cầm tay mẹ khuyên: “Mẹ yếu rồi! Thôi ở nhà nghỉ đi đừng bán nữa. Con thi đấu giải Quốc gia rồi SEA Games này chắc chắn có thành tích và có nhiều tiền sẽ về giúp mẹ để mẹ bớt vất vả buôn gánh bán bưng nữa…”.

Mẹ Hoa còn kể cái dây chuyền có cỗ Thánh giá bạc mẹ đeo cho Út Tâm cả hơn 10 năm qua và lúc nào Út Tâm cũng mang trên cổ rồi động viên mẹ là: “Lúc nào Chúa cũng ở bên con soi sáng và phù hộ con nên mẹ yên tâm đừng lo lắng…”.

21 giờ, rồi 22 giờ, tiếng chuông điện thoại đanh thép lại reo lên. Lần này thì đầu dây bên kia là người cháu đang sống ở Hà Nội nói trong nghẹn ngào: “Con đang cầm tay Út Tâm trong bệnh viện bác ơi. Em đang từ từ ra đi…”.

Nghe đến đây thì mẹ Hoa sụp đổ thật sự. Mẹ khóc nấc lên và không tin vào tai mình. Út Tâm của mẹ mới 21 tuổi, cái tuổi đầy hoài bão và tràn trề sức sống, cùng nhiều ước mơ với cuộc sống và với gia đình. Cái tuổi mà vài ngày trước Tâm còn gọi điện thoại hứa với mẹ sẽ lấy huy chương vàng tặng mẹ. Thế mà…

Sống có ích cho đời, chết cũng có ích cho đời

Ngày ra nhận xác con tại Bệnh viện Bạch Mai, có rất nhiều quan chức ngành thể thao. Ở đó cũng có nhiều người đề nghị phải làm rõ nguyên nhân về sự đột tử của Tâm trên đường đua ở giải tiền SEA Games tại Hòa Bình. Giải đua mà Tâm đang dẫn đầu một cách thuyết phục thì xe bể bánh và thế là em nhảy xuống đẩy xe rồi vác xe chạy về đích.

Ngày chuyển linh cữu Út Tâm từ Hà Nội về Sài gòn, trời mưa dữ dội đến nỗi chiếc máy bay mang theo linh cữu Tâm cứ phải bay vòng trên bầu trời mãi gần một tiếng mới hạ cánh. Một tiếng ấy với mẹ Hoa là một tiếng như chết từng khúc ruột”.

Tấm ảnh của các phóng viên ghi lại vẫn còn giữ được khoảnh khắc Tâm cố gắng tìm mọi cách đưa chiếc xe về đích với ánh mắt dại đi vì mệt. Chưa đến đích thì Tâm đã đổ xuống bên cạnh chiếc xe và nhiều người nói tuyển thủ tài hoa này chết có phần oan uổng do lực lượng y tế cấp cứu không kịp thời…

Gia đình quyết định không mổ tử thi để truy tìm nguyên nhân cái chết, bởi xem cái chết của con mình là sự an bài của Bề trên. Họ nói: “Con tôi không chết đi, con tôi về với Chúa!”. Rồi gia đình lo các thủ tục nhận xác và đưa con về Sài Gòn an táng.

Cùng thời điểm đó, những người thân của Tâm ở Sài Gòn đã đến Trường Đại học Y Dược làm thủ tục hiến xác với suy nghĩ, Tâm sống có ích cho đời thì chết cũng phải có ích cho đời.

Cha mẹ Tâm bên linh cữu con với niềm tin “Con tôi không chết đi, con tôi về với Chúa”. Ảnh: Q. TUẤN

Thánh lễ an táng cho Tâm tổ chức tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế do cha Thành Tâm – người mà Út Tâm hay gọi là bố – phụ trách. Nhà thờ đấy cũng là nơi Út Tâm đã trưởng thành và sinh hoạt từ bé, cùng tham gia giúp lễ bên các linh mục lẫn dạy giáo lý cho các em nhỏ. Cũng với những công việc có ích cho đạo, cho đời đấy, Tâm cũng tham gia thêm ở nhà thờ Mai Khôi…

Ngày đài truyền hình VTV đến làm phóng sự về cái chết của Út Tâm, khi đến nhà hài cốt Dòng Chúa Cứu thế viếng cốt em và quay những nơi Tâm từng sinh hoạt thì trời cũng mưa tầm tã. Cơn mưa y hệt như ngày mang xác Tâm về.
Từ nhà hài cốt, đạo diễn Đỗ Bình đề nghị lấy máy quay từ tháp chuông đổ xuống thì trước ống kính hiện cả hình cầu vồng bảy sắc đẹp huyền ảo và lung linh trong làn khói trầm hương mà ê-kíp làm phóng sự của VTV thắp cho Tâm…