Điểm tựa thiêng liêng của sinh viên xa nhà

Hà Nội có hàng trăm trường đại học, với hàng chục nghìn sinh viên Công giáo theo học. Ý thức được tầm quan trọng của việc đào tạo nhân bản, giáo lý bằng những trải nghiệm thực tế, các giáo phận đều tổ chức những nhóm sinh viên Công giáo.

Đời sinh viên sống xa nhà có biết bao sóng gió cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong đó, điểm tựa về tinh thần, đức tin đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, ngay khi đặt chân đến Hà Nội, nhiều bạn đã tìm đến với những nhóm sinh viên Công giáo. Những gương mặt mà Đồng Hành giới thiệu sau đây đã tìm thấy những giá trị Ki-tô giáo từ sinh hoạt nhóm Sinh viên Công giáo Phát Diệm của mình.

“Ngôi nhà thứ hai”

Lê Văn Tuấn, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, đã rất lo lắng khi phải xa gia đình, xa giáo xứ La Vân (Hoa Lư, Ninh Bình). Tuấn lên trọ học giữa thủ đô, chỉ cách nhà khoảng 100 km. Trước đó, Tuấn đã học ngành công nghệ thông tin nhưng vì nhận ra mình chọn ngành không phù hợp với khả năng và đam mê, Tuấn quyết định ngừng học.

Đức cha Giu-se Nguyễn Năng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm là người rất quan tâm đến giới trẻ Công giáo. Ngài thường xuyên dành thời gian để gặp gỡ và chia sẻ với sinh viên về những suy nghĩ, tâm tư của mình trước tương lai của giới trẻ và Giáo hội. Ảnh: Nhóm SVCG Phát Diệm cung cấp.

Năm 2014, Tuấn tiếp tục theo đuổi đam mê sau khi đã ở nhà một năm phụ giúp gia đình và ôn thi đại học. Ngày trở lại thủ đô, Tuấn vẫn cảm thấy mình chưa thể quen được với những ồn ào, xô bồ chốn thành thị. Đến khi tham gia nhóm Sinh viên Công giáo Phát Diệm, Tuấn mới nhận ra rằng: Đây chính là ngôi nhà thứ hai mà Chúa đã lo liệu.

Làm trưởng nhóm nhóm Sinh viên Công giáo Phát Diệm tại Phùng Khoang, Tuấn bắt đầu dấn thân hơn vào các buổi sinh hoạt, các giờ cầu nguyện, các chương trình văn nghệ và các hoạt động khác.

“Chính các hoạt động đó đã làm cho em trưởng thành, tự tin và năng động hơn rất nhiều” – Tuấn nói. Nhưng có lẽ hoạt động thăm nghĩa trang thai nhi Bến Cốc (Sóc Sơn, Hà Nội) là ấn tượng khó phai trong tâm hồn Tuấn.

“Tháng các linh hồn, cha linh hướng tổ chức cho toàn nhóm đến nghĩa trang Bến Cốc để an táng và cầu nguyện cho các thai nhi bị tước bỏ sự sống khi chưa lọt lòng mẹ”- Tuấn kể.

Tuấn cảm thương cho những người mẹ không may phải mất đứa con trong lòng mình. “Khi nhìn các bạn khâm liệm và chôn cất các thai nhi, nhiều bạn trong nhóm đã không cầm được nước mắt. Em chợt nhận ra rằng: Tôn trọng sự sống, không chỉ của bản thân mà còn của anh chị em mình, của những sinh linh Chúa đã tạo dựng, là một điều hết sức linh thiêng”- Tuấn nói.

Bởi thế, trong những dịp tĩnh tâm vào Mùa Vọng, Mùa Chay do nhóm tổ chức, Tuấn cùng với các bạn càng có thời gian để đào sâu những giá trị của sự sống, của niềm tin và trưởng thành hơn trong cách yêu, cách nhìn nhận những giá trị nhân bản phổ quát.

“Chị, chị không rước lễ à? Chị chưa xưng tội lần đầu à? Hay chị không có đạo?” – tôi giật mình vì hình như đã hơn một năm tôi chưa dọn mình để cho chúa ngự xuống. thảo nào mà tâm hồn tôi chai đá đến thế!”

Nguyễn Thị Thư, Sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội

Chuyến đi lay động tâm hồn

Đối với Nguyễn Thị Thư, sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nhóm Sinh viên Công giáo Phát Diệm lúc đầu cũng không có ấn tượng gì đặc biệt cho đến khi tham gia chương trình thiện nguyện Men Phục sinh 2015.

Trong thánh lễ tại Giáo xứ Kim Trung, Giáo phận Phát Diệm, Thư ngồi cạnh một em thiếu nhi chừng 7-8 tuổi. Thư vẫn nhớ làn da cháy sạm, áo trắng ngả màu và những cử chỉ, nghi thức mà em làm một cách đơn sơ. Mải ngắm những em thiếu nhi khác, Thư giật mình khi được em hỏi: “Chị, chị không rước lễ à? Chị chưa xưng tội lần đầu à? Hay chị không có đạo?”.

Thư giật mình, vì hình như đã hơn một năm Thư chưa dọn mình để cho Chúa ngự xuống. “Thảo nào mà tâm hồn tôi lại chai đá đến thế”.

Với Thư, cuộc gặp gỡ đó chắc hẳn là thánh ý Chúa. Suốt nhiều ngày sau đó, những câu hỏi của em thiếu nhi làm Thư trăn trở. Thư vẫn luôn tự hào là con nhà “đạo gốc”, vẫn tham dự thánh lễ mỗi tuần và cho rằng thế là tròn bổn phận.

Cuối cùng, Thư đã đi xưng tội mà lòng như vỡ òa cảm xúc. “Chao ôi, đứa con hoang đàng là đây mà bao năm nghe Tin mừng tôi mới nhận ra. Vứt bỏ được cái ô đã chắn hết mưa hồng ân của Chúa đổ xuống trên tôi. Giây phút đó mới thực sự là tôi đang sống và sống trong Chúa Ki-tô”- Thư tâm sự.

Cũng trong tâm tình ấy, Trần Lệ Thu, sinh viên năm cuối Học viện Tài chính, chia sẻ: Đến với nhóm Sinh viên Công giáo Phát Diệm, Thu từ một người khô khan và hờ hững, giờ đã biết sốt sắng cầu nguyện, tham dự thánh lễ. “Tôi tự hào nói với mọi người rằng tôi là người Công giáo”- Thu nói.

Sinh viên Công giáo Phát Diệm chôn cất hài nhi trong dịp đến viếng Nghĩa trang Bến Cát, Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Nhóm SVCG Phát Diệm cung cấp

Ngoài những hoạt động ngoại khóa, Thu và các thành viên còn được lắng đọng tâm hồn, thả mình gần hơn với Chúa trong giờ cầu nguyện Taize ý nghĩa, thiêng liêng. Trong những dịp tĩnh tâm tại Đan viện Châu Sơn hay ở Hà Nội, Thu và các bạn còn nhận được những món quà đặc biệt. Đó là những bài huấn từ, những chia sẻ từ chủ chăn của giáo phận, Đức cha Giu-se Nguyễn Năng hay Đức cha Giu-se Ngô Quang Kiệt (nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội), cha đặc trách Luca Phạm Quang Huy.

“Hoàn thiện bản thân, hân hoan theo Chúa, dấn thân phục vụ”, trở thành một trí thức Công giáo đúng nghĩa góp phần làm cho Giáo hội ngày một lớn mạnh và tốt đẹp hơn. Những lời giáo huấn ấy là hành trang giúp chúng em vững tâm hơn trên bước đường đời” – Thu chia sẻ.

Giáo phận nào cũng có nhóm Sinh viên Công giáo
Sinh viên Công giáo đang theo học tại các trường ĐH, CĐ ở Hà Nội chủ yếu đến từ các giáo phận miền Bắc. Để đồng hành với giới trẻ nói chung và sinh viên nói riêng, các giáo phận đều thành lập những nhóm sinh viên Công giáo của mình.
Các nhóm sinh viên Công giáo của các giáo phận hoạt động tích cực như: Bùi Chu, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Bắc Ninh… Do địa bàn Hà Nội khá rộng, các nhóm sinh viên Công giáo này chia thành các nhóm nhỏ theo khu vực sinh hoạt. Chẳng hạn nhóm Phát Diệm gồm năm nhóm nhỏ là: Đại học Công nghiệp, Làng 8, Phùng Khoang, Hoàng Thôn, Cổ Nhuế. Các nhóm nhỏ sinh hoạt mỗi tháng một buổi và quy tụ sinh hoạt chung vào Chúa nhật thứ 3 hằng tháng.