Thánh lễ online: Đủ chuyện vui buồn

Thật ra thánh lễ online có từ lâu lắm rồi. Xưa là "nghe lễ" qua đài Veritas, Vatican, đến khi có internet thì được "xem lễ". Nhưng xem để biết thôi vì không miễn được đến nhà thờ ngày Chúa nhật.

Khi có dịch covid-19, hầu như cả thế giới đều đóng cửa nhà thờ thì thánh lễ online không còn xa lạ. Giáo dân được khuyên hiệp thông qua thánh lễ online.

Giáo phận Phú Cường làm hẳn một video hướng dẫn cách thức dự thánh lễ online sao cho sốt sắng.

Gọi nhau đi dự lễ online

Lên mạng đầy những câu hỏi: Cả nhà ơi hôm nay Lễ Tro bắt đầu lúc mấy giờ nhỉ? Và cũng đầy câu trả lời: Bạn ở đâu? Vào trang của tớ có tường thuật trực tiếp đấy…

Có linh mục còn rao: Hôm nay 18 giờ con dâng lễ, ai có ý gì xin con dâng cho, miễn phí. Vậy là ào ào like, ào ào ghi xin ý lễ. Có trang mời xem lễ trực tuyến Đức cha A, Đức cha B- giảng hay tuyệt vời. Có trang tiếp sóng tận Vatican truyền trực tiếp thánh lễ của Đức Giáo hoàng ban phép lành Urbi et Orbi kèm theo: Có phiên dịch tiếng Việt nhé.

Lớp trẻ chỉ muốn cha nào giảng ngắn, trong vòng một tiếng là kết lễ. Rồi đừng có muộn quá kẻo lại không được xem tiếp mấy bộ phim đang hot.

Nếu bạn vào trang đó còn có lời nhắc liên tục hàng giờ: Còn hai tiếng nữa sẽ có thánh lễ trực tiếp do chính Đức Giáo hoàng Phanxicô chủ sự và ban phép lành Tòa thánh đấy. Nếu bạn có điện thoại cài tin nhắn thì sẽ luôn có tiếng “bip, bíp” nhắc đi lễ online. Vui ra phết.

Bây giờ rất nhiều gia đình có TV thông minh kết nối internet nên hình ảnh rõ nét chứ không phải là xem trên điện thoại di động hay máy tính bảng nữa. Vấn đề là chọn xem giờ lễ nào.

Các cụ có tuổi trong nhà thường dậy sớm muốn xem lễ buổi sáng. Nhưng lũ trẻ thường ngủ dậy muộn nhất là bây giờ không phải đi học, đi làm nên càng dậy muộn hơn. Lớp trung tuổi muốn nghe bài giảng có chiều sâu như của Đức cha Mỹ Tho Phêrô Nguyễn Văn Khảm.

Trước giờ lễ, thày giáo Mai Huy Quang  ở xứ An Thái (Hà Nội) giục cả nhà quần áo chỉnh tề, bố trí có chỗ đứng, quỳ cho cả nhà trước màn hình TV. Trên bàn thờ cũng thắp nến, đặt hoa tươi và đáp lễ cả nhà sốt sắng lắm. Cậu con trai muốn rủ thêm mấy đứa bạn ở chung cư dự lễ cùng nhưng thày Huy gạt đi: Đang giãn cách xã hội, không tụ tập đông người. Sau cách ly hãy gọi.

Ngồi ở Việt Nam dự lễ Đức Giáo hoàng

Chia trí nhất là đang lễ vẫn môt số người like, rồi bình luận lung tung: Ôi cha xứ đẹp trai thế, chẳng bù cho xứ con, cha lụ khụ như cụ già 80. Rồi góp ý: Cha ơi cho camera xuống tý, chỉ thấy mỗi đầu cha thôi. Cái mic rè quá, chẳng nghe thấy gì cả.

Loạn nhất là lúc mất điện, mất wifi là gọi nhau “chuyển nhà thờ”. Đến trang Tòa Giám mục Mỹ Tho mà nghe Đức cha Khảm giảng cho sướng tai…

Nhiều gia đình bài trí không gian dự thánh lễ online một cách trang nghiêm, cung kính. Ảnh: Giaophanvinh.net

Một số nơi có nhà nguyện riêng như Thái Hà hay một số Tòa Giám mục thì không gian nhỏ, ấm cúng vì ít người. Nhưng nếu làm lễ ở nhà thờ thì dù có thông báo không có thánh lễ cộng đoàn, vẫn có người đến dự và cha lại phải quay ra nhắc: Xin quý ông bà đeo khẩu trang vào và ngồi giãn cách ra…

Tất nhiên đi lễ online chỉ có thể rước lễ thiêng liêng. Nhiều người ước ao có nhiều linh mục tận tình như giáo xứ Điền Thôn (Thanh Hóa) đã kiệu Mình Thánh đến tận cổng nhà giáo dân để họ rước lễ.

Nhưng lễ online cũng nhiều niềm vui.

Thứ nhất dễ lựa chọn giờ xem lễ vì từ 4 giờ 30 đến 22 giờ lúc nào cũng tìm được “nhà thờ”.

Thứ hai, chọn được cha chủ sự thánh lễ. Linh mục, giám mục , hồng y và cả Đức Giáo hoàng cũng được. Mà chẳng cần biết tiếng nước ngoài. Nơi nào cũng có người Việt sẵn sàng làm phiên dịch và thuyết minh cho bạn.

Chẳng hạn, xem lễ Đức Phanxicô dâng ở Vatican thì thầy Vũ Tứ Quyết, tu sĩ Dòng Tên đang học thần học ở Roma, ngày nào cũng phục vụ tận tình. Muốn nghe ca đoàn hát hay bài Xuất hành của Hoàng Kim thì vào “Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn”, thậm chí nghe dàn hợp xướng 200 ca viên tận bên Hoa Kỳ hát bài Alleluia trong đêm Phục sinh.

Nhưng xem online mới thấy Việt Nam mình sướng chán. Nhìn Đức Tổng Giám mục Paris Michel Anpetit dâng lễ đêm Phục sinh ở nhà thờ Đức Bà Paris còn phải đội mũ bảo hiểm vì nhà thờ sửa chữa vẫn chưa xong.

Những ngày thế giới nhiều nơi cách ly thì đã có vài chục ca sĩ nổi tiếng hát hợp xướng trên youtube. Người xem có thể thưởng thức câu đối Phục sinh của linh mục Phêrô Nguyễn Hồng Phúc (Phát Diệm): “Virus Corona dịch bệnh, bóng tử thần phủ che toàn thế giới/ Đức Kitô Phục sinh, ngày sống mới tràn ngập địa cầu”.

Tượng Chúa Kitô Vua ở Brazil những ngày Phục sinh cũng khoác lên mình những chiếc áo mới qua đèn chiếu. Lúc thì mang trang phục thầy thuốc để tôn vinh những người ở tuyến đầu chống dịch covid-19, lúc thì mang quốc kỳ các quốc gia có thành tích chống dịch, trong đó có cả quốc kỳ Việt Nam.

Xem lễ online cũng có nhiều thông tin mới qua lởi nguyện cầu giáo dân như 110 linh mục ở Ý, 60 linh mục ở Tây Ban Nha đã qua đời vì covid-19 hay thật sự xúc động với lời cầu nguyện ngẫu hứng của bé Arya Slohem mới 5 tuổi ở Hoa Kỳ, cầu cho các bác sĩ, các nạn nhân của virus corona.

Cách ly nhưng không xa người nghèo
Rõ ràng covid-9 gây khủng hoảng kinh tế, xã hội nên nhiều người thất nghiệp nhất là những người bán vé số, ve chai, hàng rong không thể hành nghề trong những ngày giãn cách xã hội. Cùng với xã hội, nhiều giáo xứ, dòng tu, cá nhân người Công giáo cũng muốn chia sẻ khó khăn với người nghèo.
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn đã hỗ trợ ngày hai bữa ăn trị giá 100 ngàn đồng cho người nghèo trong hai tuần cách ly. 
Một doanh nhân Công giáo ở Phan Rang (Giáo phận Nha Trang) đã từng mở quán cơm 2.000, bây giờ lại có quán bán gạo 1.000 đồng/suất. Anh nói, làm thế người nghèo không tự ái vì họ đi mua chứ không xin.
Giáo xứ Thái Hà (Hà Nội) cũng đã cấp phát hơn 23 tấn gạo, hàng ngàn khẩu trang, chai nước rửa tay cho người nghèo.
Cây ATM gạo của linh mục Dương Hữu Tình (Hải Dương) cũng kịp thời phục vụ bà con nghèo.
Tông đoàn Gioan Phaolo 2 ở Hà Nội cũng quyên góp được 70 triệu đồng ủng hộ giáo dân ở vùng Tây Bắc nơi linh mục Giuse Hoàng Quốc Oai coi sóc sau trận mưa đá cuối tháng 3 vừa qua.
Một số cây ATM gạo cho người nghèo cũng sẽ được khai trương trong thời gian tới như ở giáo xứ Hà Đông (Hà Nội).

TRIẾT GIANG

>> Đi lễ thời kỹ thuật số