Học giả Hoàng Xuân Việt: Quyết định bất ngờ trước ngày thụ phong linh mục

Quyết định "đổi chén thánh" để chuyên tâm viết sách của học giả Hoàng Xuân Việt đúng sai như thế nào chỉ có Chúa biết. Nhưng nếu không có quyết định bất ngờ trước ngày thụ phong linh mục đó thì chúng ta không có học giả Công giáo Hoàng Xuân Việt lừng lẫy trên văn đàn.

Đầu năm 1997, cách đây đúng 23 năm, lần đầu tiên tôi gặp học giả Hoàng Xuân Việt tại nhà riêng ở đường Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình, Sài Gòn. Đó cũng là cơ sở đào tạo mà ông mở ra với tên gọi là Trường Hán Nôm Nguyễn Trãi. Ngoài việc đào tạo Hán Nôm, ông còn mở những lớp về thuật hùng biện, nói trước công chúng và nhất là những kỹ năng mềm để đào tạo con người xã hội.

Căn nhà của học giả Hoàng Xuân Việt chỗ nào cũng để sách, chỉ còn chừa lại lối đi nhỏ.

“Sách này đổi chén thánh”

Được ông tiếp đón và nói chuyện là hân hạnh lớn cho một sinh viên trẻ như tôi. Tôi ấn tượng khi bước vào phòng làm việc của ông. Sách chứa xung quanh chỉ còn hở một lối đi để vào cái bàn ông ngồi viết.

Đó là một cú sốc quá lớn đối với một phó tế đã quyết định chọn sách thay vì chọn chức linh mục.

Cái bàn bureau cũng chứa đầy sách, chỉ còn chừa ra một khoảng trống nhỏ đủ một tờ A3. Sau khi tiếp tôi ngay tại bàn làm việc, ông đưa tôi ra phòng khách, ngồi trên bộ salon cũ kỹ. Trên bàn nước là một tủ kính nhỏ rất đẹp, bên trong có một cuốn sách và một chén thánh dành cho các giáo sĩ khi cử hành thánh lễ với hàng chữ: Sách này đổi chén thánh.

Trước khi gặp ông, tôi đã nghe nhiều người nói về chuyện tu xuất của ông, về chuyện ông đã từng là một đại chủng sinh tại Đại chủng viện Xuân Bích ở Huế. Thế nhưng, hôm ấy tôi mới được ông kể tường tận.

Ngày ấy ông đã là một phó tế và chức linh mục chỉ cách ông có vài ngày. Ông kể rằng khi học tại Đại chủng viện Xuân Bích, ông từng là trưởng ban thần học, người làm phó ban thần học sau này là Đức Giám mục Ba-tô-lô-mê-ô Nguyễn Sơn Lâm, nguyên Giám mục Đà Lạt và Thanh Hóa.

Thầy Hoàng Xuân Việt đã được chọn để chuẩn bị thụ phong linh mục khi mới 27 tuổi và lúc đó đã xuất bản mấy đầu sách. Trước khi thụ phong linh mục vài ngày, bề trên của chủng viện cho mời thầy lên, đưa cho thầy bản thảo cuốn sách và nói: “Thầy không nên xuất bản cuốn sách này, nội dung của nó không xứng hợp với chức linh mục mà thầy sẽ lãnh nhận. Tôi cho thầy ba ngày để suy nghĩ”.

Sau khi suy nghĩ đắn đo trong ba ngày, thầy Việt lên gặp bề trên và đưa ra câu trả lời: “Con chọn sách”.

Cha bề trên nói với thầy đúng một câu: “Kể từ ngày hôm nay, chúng tôi hết trách nhiệm đối với thầy, thầy về bình an”.

Đó là một cú sốc quá lớn đối với một phó tế đã quyết định chọn sách thay vì chọn chức linh mục. Để chuẩn bị ăn mừng chức linh mục cao cả, cả gia đình, dòng họ và giáo xứ quê hương đã sẵn sàng đầy đủ để đón người con ưu tú vinh quy bái tổ sau khi được thụ phong.

Thầy Việt nhớ lại, thầy chỉ kịp báo về gia đình hủy bỏ lễ mở tay để vào BV Saint Paul nằm đúng ba ngày ba đêm và không tiếp xúc với bất kỳ ai. Sau đó, Hoàng Xuân Việt đã bình tâm và bắt đầu một cuộc sống mới với sách vở, chữ nghĩa và thuyết giảng.

Viết sách từ khi còn ở trong chủng viện

Người ta dần dần biết đến Hoàng Xuân Việt là một nhà viết sách và hùng biện có tài. Ngay từ thời ở chủng viện, lúc ông mới 18 tuổi đã bắt đầu viết sách. Những cuốn sách đầu tay ông viết cũng thuộc loại sách học làm người như cuốn: Đức tự chủ, Ngón nghề để luyện tâm, Đức điềm tĩnh…

Trong cuộc đời cầm bút khoảng 60 năm, học giả Hoàng Xuân Việt đã viết khoảng
180 đầu sách, trong đó có nhiều cuốn dày đến hơn 1.000 trang. Một số đầu sách của ông thuộc dạng chuyên môn sâu như triết học, thần học, khoa học, tư tưởng…

Trong vòng khoảng bảy năm học ở đại chủng viện, ông đã viết và xuất bản chín cuốn sách. Sau khi kết thúc đời tu học, ông dấn thân nhiều hơn vào viết và giảng dạy. Ông từng đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Nhân xã học làm người từ năm 1966 đến năm 1975.

Số lượng đầu sách ông xuất bản cứ tăng lên đều đặn mỗi năm. Ngoài việc viết sách, ông tham gia đào tạo ở nhiều lớp khác nhau. Báo chí nhắc đến những buổi thuyết trình của ông thu hút hàng ngàn người tham dự. Hội trường cúp điện, không có micro nhưng giọng ông vẫn sang sảng khi trình bày.

Sau năm 1975, cuộc sống ở miền Nam có nhiều thay đổi, ông chủ yếu viết sách và tham gia giảng dạy ở một vài lớp. Mãi đến những năm 1990, ông bắt đầu tham gia với nhiều hoạt động nổi bật hơn bằng việc mở Trường Hán Nôm Nguyễn Trãi do chính ông làm hiệu trưởng ngay tại tư gia.

Bút tích và cuốn sách Học giả Hoàng Xuân Việt tặng TS Phạm Thanh Duy

Ngoài việc dạy Hán Nôm, trường còn mở nhiều lớp về hùng biện, nói trước công chúng, phụ nữ học, nam giới học… Số lượng học viên đăng ký đông đảo. Học viên của ông đa số là những người trí thức, đã có địa vị nhất định trong xã hội, trong đó có nhiều kỹ sư, bác sĩ, luật sư và rất nhiều tu sĩ thuộc các tôn giáo khác nhau.

Nhiều cơ sở đào tạo mời ông đến giảng dạy, trong đó có cả các dòng tu Công giáo, chùa, thánh thất, tịnh thất,… Mặc dù khi ấy ở độ tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ở bất cứ giảng đường nào, giọng ông vẫn còn sang sảng và lôi cuốn.

TS PHẠM THANH DUY, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM

>> Người tu xuất vẫn bị hắt hủi, miệt thị