Thực hiếm hoi có người như ông N. Ông can đảm đứng giữa cộng đoàn, chung lời kinh tiếng hát trong ngôi thánh đường mà trước đó ông là một trong những linh mục được cả nhà dòng và giáo hữu xứ kính trọng, không chỉ vì tài giảng thuyết mà còn vì những hoạt động xã hội sôi nổi hàng chục năm trước.
Có lẽ vì ông hồi tục một cách chính danh, được chuẩn thuận bởi Đức Giáo hoàng. Sau đó ông lập gia đình cũng có bí tích hôn phối cử hành tại một thánh đường khác.
Thế nhưng vẫn có những thắc mắc là tại sao phải làm lễ cưới ở nơi khác. Phải chăng ông hay nhà dòng chưa thể vượt thoát được não trạng sợ giáo hữu dị nghị, coi như “gương mù gương xấu” cho anh em (!?).
Chúa không đòi món nợ “ăn cơm nhà Chúa”
Bố tôi gọi cụ K. là cậu ruột. Tôi cũng được sống gần cụ một thời gian ngắn. Nghe nói, năm 1950 cụ học ở “trường lý đoán” (đại chủng viện), chỉ 1-2 năm nữa là được chịu chức linh mục.
Đùng một cái, cụ phải lòng một ca viên nhà thờ. Xuất tu, cụ lập gia đình rồi hạ sinh được hai người con gái mà tôi gọi là cô. Ngày di cư, ra tới Hải Phòng thì vợ cụ dắt cô lớn bỏ trốn, mình cụ mang theo cô bé vào Nam.
Ở giáo xứ di cư, cụ sáng tối đi lễ, vẫn chỉnh chu sơ mi trắng bỏ áo trong quần, mang giày da. Cụ kiếm sống bằng nghề dịch sách, dạy ngoại ngữ vì cụ thông thạo năm ngoại ngữ, không kể Latin và Hy Lạp.
Cha xứ rất quý trọng cụ vì từng chung trường lý đoán nhiều năm. Vậy mà khi cha xứ mở trường tư thục đầu tiên của cả vùng, cụ không được mời dạy. Chú tôi có dịp hỏi thì được cha xứ trả lời đại ý là: Mấy ông như cụ vốn đã ăn cơm nhà Đức Chúa Trời, giờ bỏ ra ngoài nặng nợ lắm, vợ con không ra làm sao, cháu chắt sau này cũng thế, cuộc sống bấp bênh, không nên để tham gia vào bất cứ chuyện gì.
Cụ biết chuyện, buồn lắm. Một ngày, cụ lặng lẽ đưa con đi biệt tích. Ông bà, cha mẹ tôi không một ai hay biết tông tích gì của cụ suốt hơn chục năm. Gần đây mới biết cụ đã mất sau mấy năm thui thủi một mình ở Viện dưỡng lão Thị Nghè.
Người con gái lấy chồng cũng cơ cực, nghèo nàn… Riêng mấy người cháu ngoại của cụ thì đã thành danh lớn tại nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học ở Mỹ.
Thời gian đó, cũng gần nhà thờ xứ, cách nhà tôi khoảng dăm chục mét có một gia đình mà tôi không nhớ tên ông chủ. Tôi chỉ nhớ ông cũng từng tu xuất, gia đình di cư sống bằng nghề thợ mộc. Ông thường đánh đàn trong nhà thờ, dạy hát cho các ca viên, trong đó có chị tôi.
Một ngày kia, con trai lớn ông phát chứng bệnh phong. Cha xứ biết, đòi ông phải đưa cả nhà lên khu Bến Sắn. Từ đó nhà thờ không còn tiếng đàn của ông. Tôi cũng không còn được nghe những bài hát lễ tiếng Latin do ông lĩnh xướng. Nhiều người trong giáo xứ lại xôn xao: “Đấy rành rành năm mươi rõ mười. Chúa phạt người tu xuất!”.
Khoảng những năm đầu 1980, có một người chạy xe lam tuyến Ngã tư Bảy Hiền – Bến Thành rất dễ thương, hiền lành, được nhiều người thương quý. Sau mọi người mới biết ông nguyên là linh mục phục vụ ở một giáo phận miền Trung đã xuất tu. Ông mang theo vợ con vào Sài Gòn kiếm sống. Thế là người nọ truyền tai người kia, họ tẩy chay không thèm đi xe ông nữa. Chẳng biết cuộc sống ông sau này ra sao?
Chỉ có nợ miệng thế gian!
Tưởng chỉ có ở Việt Nam dư luận mới khắc nghiệt, thế nhưng những người Việt sống tại Mỹ cũng không gột bỏ được não trạng kết tội người khác. Gia đình tôi khá thân thiết với ông bà cố của ông M., một linh mục chịu chức hơn 10 năm và có tiếng hiền lành, đức độ. Cách đây khoảng năm năm, ông M. bất ngờ bỏ xứ đạo khá lớn ở vùng California.
Ông đưa một cô gái đi sang tận Hawaii sống bằng nghề cắt cỏ và bán nhà hàng, cuộc sống khá chật vật. Ông bà cố vẫn thường xuyên chu cấp, tất nhiên là vì thương con nhưng buồn lắm.
Bà cố bảo từ ngày ông bỏ xứ, ông bà cố không còn dám đi lễ ở nhà thờ trước, dù đây chẳng dính dáng gì tới xứ đạo ông M. từng coi sóc. Hầu hết mọi người đều nhìn ông bà với ánh mắt khinh thường, cứ như ông bà là tòng phạm.
Thậm chí ngày tang lễ của cha cố nghĩa phụ của ông M., cũng là người thân của gia đình, ông bà cũng gọi nói con đừng về. Trước đó cả tuần lễ, các cha linh tông hoặc gốc địa phận đã bắn tiếng rằng nếu ông M. mà về thì tang lễ sẽ mất sự trang trọng, thậm chí làm cha cố buồn. Lý do là vì ông M. là người được cha già cố tin yêu và nhiều kỳ vọng trong việc phục vụ cộng đoàn và cả trong học thuật.
Chú tu xuất, cháu khó lấy vợ Một câu chuyện nghiệt ngã hơn lan tới cả đời con cháu là trường hợp của ông bà thân sinh cha Th., một linh mục tu sĩ dòng D. từng phục vụ tại một cộng đoàn nhỏ ở Tây Nguyên. Sau hơn năm năm trong sứ vụ, cha Th. lặng lẽ rời cộng đoàn, sống chung với một bác sĩ đã hết lòng chăm sóc cha trong thời gian đau nặng. Ông bà cố cư ngụ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thuộc một giáo xứ gần như toàn tòng thuộc Tân Bình, Sài Gòn. Từ ngày cha Th. xuất, hàng khu, hàng xứ thờ ơ, lãnh đạm đã đành, đến lượt gia đình anh lớn của cha Th. đi hỏi cưới vợ cho con trai cũng bị khéo từ chối. Mẹ cô gái còn nói thẳng: Ai lại đi làm thông gia với gia đình có con, có anh làm đến chức cha còn bỏ. Con gái mình lấy nhà họ sớm muộn cũng bị bỏ thôi! |
PHẠM HÙNG NGHỊ