Tu xuất: Những tấm gương toả sáng giữa đời

Có giáo xứ có đến hơn 80% thành viên hội đồng mục vụ thuộc thành phần tu xuất. Nhiều giáo lý viên ở khắp các nơi cũng xuất thân từ các dòng tu, chủng viện...

Tuy vẫn còn những cách nhìn khắt khe, đánh giá phũ phàng, nặng thành kiến đối với những trường hợp tu xuất nhưng tình hình đã không còn quá cực đoan như trước đây.

Những người không tiếp tục đường tu, hầu hết vẫn nhận được sự chia sẻ, cảm thông của các cộng đoàn đã từng gắn bó. Họ được cộng đoàn giáo xứ đón nhận, tạo điều kiện tham gia tích cực các sinh hoạt đoàn thể, đóng góp khả năng từng được đào tạo vào việc chung.

Các cựu chủng sinh Mẫu Tâm Bùi Chu họp mặt, hát lễ bằng tiếng Latin nhân kỷ niệm 62 năm thành lập Chủng viện Mẫu Tâm Bùi Chu. Ảnh: gpbuichu.org

Mỗi người mỗi cảnh chia tay đời tu

Cách đây ngần chục năm, anh Q. đang ở Đại chủng viện Thánh Giuse (Tổng Giáo phận Sài Gòn) bỗng nhiên bị chứng bệnh tim khá nặng, sức khỏe cạn kiệt nhanh sau cuộc đại phẫu. Anh đành chia tay với các cha giáo, các thầy cùng khóa.

Mấy năm sau anh lấy vợ. Anh về nhập xứ nhà vợ ở quận 3, giúp cha xứ là vai cha – anh linh tông đang làm quản xứ tại đây, cùng với các huynh trưởng lo cho đoàn Thiếu nhi Thánh thể.

Cũng vì lý do sức khỏe, anh L. nguyên là chủng sinh ở Huế, bị bệnh chữa chạy lâu không dứt đã xin về nhà rồi lập gia đình. Hai vợ chồng vào Tây Nguyên nuôi bò, làm rẫy. Nhiều năm qua anh luôn là một giáo lý viên năng động, giúp cha xứ lo mấy họ giáo đông người sắc tộc trong vùng Cưm M’gar, Đắk Lắk thuộc Giáo phận Ban Mê Thuột.

Có nhiều cựu tu sĩ làm việc trong các bộ máy, cơ quan công quyền, phát huy được năng lực chuyên môn và thể hiện cách sống, lối sống mẫu mực, không tham ô, tư lợi…

Với vốn học từ chủng viện, trang Facebook của anh trở thành một trang Lời Chúa sống động, giúp nhiều bạn trẻ hiểu biết thêm về Kinh Thánh và Giáo hội.

Chuyện của ông T. xuất tu mang nhiều nét bí hiểm. Trước năm 1975 ông là chủng sinh Giáo hoàng Học viện. Đến khi chuẩn bị lãnh chức phó tế thì bất ngờ ông xin về. Các cha, các thầy và nhất là gia đình ông vô cùng ngạc nhiên về quyết định đầy bất ngờ này. Ông hoàn toàn im lặng trước mọi thắc mắc, nghi ngờ của những người xung quanh.

Hơn chục năm sau khi lập gia đình ông mới thổ lộ với mẹ mình rằng: “Những ngày tĩnh tâm trước khi nhận chức vụ phó tế, con nhận thấy mình bất xứng vì động cơ đi tu của con ngày đó là chỉ muốn được ăn sung mặc sướng, người đời ca tụng”.

Ông làm thợ nhuộm cho một cơ sở dệt nhuộm tư nhân ở Tân Bình, sau đó qua Mỹ định cư tới ngày già và mất. Dịp đám tang ông, nhiều người mới vỡ lẽ thêm rằng từ ngày hồi tục cho tới lúc nhắm mắt qua đời, ông đã âm thầm giúp đỡ nhiều tu sĩ nam, nữ theo đuổi ơn gọi.

Ra đời vẫn giữ vững phẩm chất linh mục

Trong số những người tu xuất có cả những vị đã làm linh mục 5-10 năm. Mà đâu chỉ vài ba người, có trường hợp như cha Ng., Dòng Chúa Cứu Thế, hồi tục với phép chuẩn của Đức Giáo hoàng Phao-lô VI. Về sau, từ thời Đức Gioan Phao- lô II không còn chấp thuận nào nữa thì nhiều vị tự “xé rào”. Đáng chú ý là có những vị là bậc thức giả trong Giáo hội cũng trở về đời sống giáo dân.

Họ âm thầm sống đạo, tiếp tục hoạt động trong các lĩnh vực chuyên môn của mình như nghiên cứu, viết sách về triết học, tham gia viết trên các báo, tạp chí. Nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm của họ được in ấn, phổ biến rộng rãi trong Giáo hội, xã hội, tất cả đều có giá trị.

Có nhiều người làm việc trong các bộ máy, cơ quan công quyền, phát huy được năng lực chuyên môn và thể hiện cách sống, lối sống mẫu mực, không tham ô, tư lợi…

Họp mặt cựu chủng sinh Tiểu chủng viện Thánh Giuse Phú Cường năm 2013.

Có những trường hợp khi chia tay đời sống linh mục gặp không ít khó khăn nhưng vẫn kiên trung với đức tin và cuộc sống mẫu mực. Chẳng hạn như trường hợp cựu linh mục M. Vị này đang là cha quản nhiệm một cộng đoàn Việt Nam ở Mỹ. Sau khi hồi tục, cuộc sống cựu linh mục M. vô vàn khó khăn.

Một giáo phái Tin Lành biết ông từng là linh mục có tài giảng thuyết liền có lời mời. Họ sẵn sàng tiếp nhận ông vào hàng ngũ mục sư với lương bổng cao và cấp nhà cửa để vợ chồng ông chung sống yên ổn. Thế nhưng ông đã nhất mực từ chối, quyết sống trọn đời với đức tin Công giáo.

Mới đây nhất, cuối tháng 6-2016, chính tôi được mời dự lễ và tiệc cưới của một đồng nghiệp Việt Nam tổ chức tại Westminster, California. Vợ anh lại là chỗ có liên hệ gia đình với tôi, là một nữ tu đã khấn trọn thuộc Dòng Mân Côi ở Hoa Kỳ. Chị được nhà dòng cử sang Thái Lan làm việc và nghiên cứu về giáo dục. Chị gặp anh ở Thái Lan và quyết định đi tới hôn nhân.

Với đôi này thì chẳng biết ai “dụ” ai. Tôi cũng nhiều lần thắc mắc, đùa vui với họ như vậy. Mẹ anh cho biết gia đình anh cũng là đạo gốc nhưng chính chị đã mang lại niềm vui sống đạo hơn cho anh cũng như hầu hết các thành viên khác trong gia đình.

Qua cung cách khiêm nhu, đơn sơ và vâng phục của một cựu nữ tu, chị vẫn tỏa sáng giữa mọi người. Chắc chắn con cái anh chị, cháu nội của bà sẽ được hưởng một nền giáo dục đạo đức và nhân bản.

Hai cha con đều là phó tế
Trong tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai hay còn có bản dịch khác mang tên Những con chim ẩn mình chờ chết, tác giả có viết một câu đại ý: Chúa sẽ lấy lại những gì mà người ta đã lấy trộm của Người. Tôi liên tưởng đến một câu chuyện liên quan tới hai người tu xuất, đều là người Việt ở Porland (Oregon, Mỹ).
Anh là chủng sinh ở một đại chủng viện trên núi. Chị là nữ tu, nhà dòng tọa lạc ở chân núi. Qua những lần gặp gỡ tình cờ hay thế nào không rõ, hai người yêu nhau và kết hôn. Thánh lễ hôn phối tổ chức trên nhà nguyện của đại chủng viện. Tất cả các cha, thầy và các nữ tu đều tham dự đông đủ, sốt sắng và cầu chúc hạnh phúc cho hai người.

Người cháu tôi là thành viên ca đoàn hát lễ hôm đó, kể lại đó là một thánh lễ đầy nước mắt của hai người và cộng đoàn vì quá cảm động.
Khoảng 20 năm sau, họ có được duy nhất đứa con trai học giỏi, thông minh. Cậu đứng trước một tương lai đầy hứa hẹn khi có mấy đại học nổi tiếng hàng đầu nước Mỹ tiếp nhận và cấp học bổng toàn phần. Vậy mà cuối cùng cậu con nằng nặc đòi đi tu.

Con vào chủng viện. Bố mẹ lại thỏa thuận để bố trở lại tu làm phó tế vĩnh viễn. Quyết định này của người bố được Đức Tổng Giám mục Porland chấp thuận. Đến một ngày cách đây bảy năm, cả hai cha con đều được nhận chức phó tế.
Tôi nghĩ Chúa đâu có lấy lại gì, mà đã cho thêm họ.

PHẠM HÙNG NGHỊ

>> Người tu xuất vẫn bị hắt hủi, miệt thị