Giai thoại thánh ca: Xin Vâng – bài hát bị các sơ chê

Giai điệu mượt mà, tiết tấu khoan thai, ca từ đơn sơ mà khúc chiết, Xin Vâng là bài thánh ca hầu như không một tín hữu Công giáo nào không từng một lần hát và thuộc lòng. Thậm chí đây còn là bài thánh ca "tủ” của rất nhiều người, nhiều ca đoàn. Ấy thế mà Xin Vâng được ra đời trong một hoàn cảnh… thật là éo le!

Xin Vâng  được các cộng đoàn tín hữu cất lên trong các thánh lễ về Đức Mẹ, các tháng Đức Mẹ. Ảnh: Album của LM Mi Trầm xuất bản nhân kỷ niệm 40 năm linh mục.

Lúc ấy là năm 1976. Chiến tranh kết thúc, tiếng súng cũng lặng yên. Trong hoàn cảnh khó khăn tứ bề sau cuộc chiến, việc tu hành của các thầy, các sơ cũng rơi vào nhiều khó khăn.

Sau một đêm trằn trọc suy tư, liên lỉ cầu nguyện, Linh mục Mai Tính, tức Nhạc sĩ Mi Trầm,  đã “chuyển thể” lời cầu nguyện của mình thành ca khúc thánh ca Xin Vâng dành tặng riêng cho các sơ Mến Thánh Giá khấn tạm, để an ủi các sơ trong lúc khó khăn.

Những tưởng sẽ được cám ơn bằng một buổi tập dượt và đem ra hát trong thánh lễ hôm ấy. Nhưng không! Các sơ đã không thèm hát vì nó hát quá dễ, chả thấy chút hơi hướm âm nhạc thánh gì cả. Linh mục – Nhạc sĩ Mi Trầm đã “trần tình” về số phận của đứa con tinh thần Xin Vâng của mình lần đó như vậy.

Năm ấy, cha Mi Trầm Mai Tính đang làm phó xứ Giáo xứ Hòa Nghĩa, hạt Cam Ranh, Giáo phận Nha Trang và sáng tác Xin Vâng tại đây. Sự “may mắn” đã mỉm cười với vị linh mục trẻ khi ca khúc được cộng đoàn Hòa Nghĩa đón nhận rất nhiệt tình, rồi lan tỏa khắp mọi nơi.

“Tôi không ngờ Xin Vâng được đón nhận đến như vậy, có lẽ bài hát “gặp thời” vì dễ hát, lại “đánh trúng” nhu cầu tín hữu: Phó thác và cậy trông”, Nhạc sĩ  Mi Trầm bộc bạch.

Rồi ngài nhớ lại: Thật tình mà nói, bài Xin Vâng được nhiều nơi biết là nhờ Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế. Các sơ Mến Thánh Giá ở cộng đoàn Hòa Nghĩa đem bài hát về Huế, Đức Tổng thấy ý nghĩa nên thích. Rồi đi đâu Đức cha  cũng hát.

Đến nay, Xin Vâng  đã trở nên quá phổ biến trong các thánh lễ, các cộng đoàn tín hữu, đặc biệt thường được cất lên trong các thánh lễ về Đức Mẹ, các tháng Đức Mẹ. Bài hát đơn sơ và dễ hát đến mức, một đứa trẻ chỉ cần nghe và hát một vài lần đã có thể thuộc lòng.

“Tôi không ngờ Xin Vâng được đón nhận đến như vậy, có lẽ bài hát “gặp thời” vì dễ hát, lại “đánh trúng” nhu cầu tín hữu: Phó thác và cậy trông”

LM – NS Mi Trầm

Riêng phần điệp khúc, được lặp đi lặp lại chỉ có mấy từ và gói gọn chỉ trong hai câu, mà nếu không để ý, nhiều người sẽ rất dễ hát lộn: Xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng Xin Vâng, hôm qua, hôm nay và ngày mai. Xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng Xin Vâng, hôm nay, tương lai và suốt đời.

Nhiều ý kiến cho rằng “Mi Trầm bí lời, viết loanh quanh có mấy ca từ!”, nhưng vị linh mục có giọng hát trầm đặc này giải thích: “Tôi thích lặp đi lặp lại như thế cho rõ chủ đề và giáo dân cũng mau thuộc. Đó là chủ đích của tôi, chứ tôi đặt lời rất dễ, rất nhanh và… ăn vận cho Chúa nữa!”.

Chính giai điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển, tiết tấu trải nhịp khoan thai, và đặc biệt lời ca giản dị nhưng chất chứa một tình cảm nồng nàn đã thôi thúc vị tu sĩ Phan Sinh tên Ruffino. Thầy Ruffino đã quyết định chuyển ngữ tiếng Anh cho bài thánh ca hát về Đức Maria này là Yes, Lord, và được chính thức phát hành rộng rãi cho cộng đoàn tín hữu Công giáo toàn cầu, qua Album song ngữ Guitar song book & CD – Chung Lời Tán Tụng số 23 – Xin Vâng/ Yes, Lord, do Nhà xuất bản Công giáo Hoa Kỳ Oregon Catholic Press ấn hành.

Tâm sự một chút về bí mật của nghệ danh Mi Trầm khi được tôi bất ngờ đặt câu hỏi, vị “cha đẻ” của Xin Vâng/ Yes, Lord từ tốn: “Không chỉ vì tôi có một giọng nam trầm đặc sệt như anh em vẫn thường nói, mà nốt “Mi trầm” còn chất chứa một điều gì đó lẩn khuất vào bóng tối của sự khiêm nhượng. Tôi đang tập sống khiêm nhượng bởi trước Thiên Chúa, tôi thật quá nhỏ bé”.

XUÂN THÁI

>> Tháng dâng hoa, tìm hiểu về dòng nhạc Đức Mẹ