Tuần lễ Laudato Sí về việc chăm sóc trái đất: Cái bánh đức tin bọc lá chuối

Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thông điệp Laudato Si về việc chăm sóc ngôi nhà chung được ban hành, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi cử hành Tuần lễ Laudato Si từ ngày 16 đến 24-5-2020.

Thông điệp Laudato Sí của Đức Thánh cha Phanxicô là mong cộng đồng Trái đất sống niềm tin của mình trong tương quan mới với Thiên Chúa ngang qua tình yêu với các thụ tạo. Đức tin ấy được ví như một cái bánh đức tin bọc bằng lá chuối!

Vài năm gần đây, khi đi mua hàng ở siêu thị, người ta phải thêm một nội dung đối thoại “mơi mới và nho nhỏ” vào lúc trả tiền, ít ra trên nước Đức mà đang tạm trú mấy năm trước.

Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Chúng ta đến trần thế này để làm gì? Chúng ta hoạt động và tranh đấu với mục đích nào? Tại sao Trái đất lại cần chúng ta?”.

Nụ cười và cái túi nylon

Sau khi đã ghi nhập tất cả món hàng cũng như những điều cần thiết khác, cô mậu dịch viên hỏi tôi câu cuối, với ngữ điệu nhẹ nhàng và hiếu khách: “Anh có cần một cái túi đựng không?”.

Nhớ ban đầu lúc mới sang, khi vốn ngôn ngữ chỉ tàm tạm và nhất là đối diện với một người bán hàng lịch sự như vậy, tôi không ngần ngại trả lời “vâng”. Ngay lập tức, thay vì lấy túi đựng cho tôi ngay, cô bấm máy roèn roẹt và kết quả là tôi phải trả thêm 10 xu cho cái túi và được khuyến mãi một nụ cười!

Những lần sau rút kinh nghiệm, tôi phải tự mang ba lô hoặc túi mua hàng, nếu không muốn tính thêm tiền, còn nụ cười thì vẫn được miễn phí. Thỉnh thoảng, có khi quên mang bao bì theo, tôi đành bấm bụng mua chiếc túi nylon lần nữa. Nhưng lần này, không vì cảm giác bị lừa hay tiếc tiền, chỉ len lén và áy náy nhìn bà cụ người Đức đứng sau lưng, một tay chống gậy, tay kia đã thủ sẵn một cái túi vải.

Chuyện buộc phải bỏ tiền mua túi nylon khi đi chợ hay cái hộp giấy đựng thức ăn nhanh chỉ là một trong nhiều biện pháp mà người ta đang cố gắng cắt giảm những vật liệu không cần thiết trong đời sống hằng ngày. Nó chỉ là một trong chuỗi những nỗ lực để thay đổi lối sống, vốn đã bắt đầu đi vào tầm vóc toàn cầu.

Từ những trạm thu ve chai ở các đầu đường, lịch đổ rác đúng giờ và đúng loại theo kỷ luật bất khoan nhượng của người Đức, cái hộp diêm có hai ngăn để đựng… tàn đóm, đến lưu ý đừng giẫm đạp khăn tắm trong các khách sạn là những sáng kiến, vi mô thôi, để dần dần giúp hình thành thái độ mới trong một tương quan điềm đạm hơn với môi sinh.

Cuộc về nguồn với môi sinh

Sau khi trải nghiệm những điều ấy, trong tôi lại nảy sinh một ý tưởng thoang thoảng mùi tự tôn dân tộc: Ừ nhỉ, hóa ra Tây cũng chật vật không kém ta trong chuyện cải thiện bài toán tập quán và môi trường!

Thông điệp Laudato Sí của Đức Thánh cha Phanxicô về việc chăm sóc ngôi nhà chung Trái đất chắc chắn không là tiếng súng phát động cho những sáng kiến về môi trường. Bởi chuyện cái túi nylon đã có từ lâu.

Chỉ khi bạn để thiên nhiên bọc lấy đức tin và lối nhìn về thế giới của bạn, bạn sẽ không “xả rác” ra môi trường xã hội và Giáo hội bằng những tư tưởng “không thể phân hủy được” của con người ích kỷ của mình.

Không kể đến giá trị có tính định hướng về việc đặt vấn đề, cũng như khai mở các chính sách trên nhiều phương diện, bản văn Laudato Sí mang cung điệu trữ tình thiên nhiên này cũng ngấm ngầm đề nghị xây dựng một lối sống năng động và tươi trẻ, nhờ vào việc xây dựng đời sống xã hội hiện đại như là một cuộc “về nguồn với môi sinh”. Về với thiên nhiên để thấy mình trẻ lại!

Mọi phân tích và đặt vấn đề cho dù triệt để đến đâu cũng sẽ chẳng có giá trị nếu nó không làm dấy lên một nhu cầu phải thay đổi, như số 202 của thông điệp đã trình bày:

“Nhiều điều cần phải được định hướng lại nhưng trước tiên nhân loại phải tự thay đổi. Cần có một ý thức về nguồn gốc chung, một sự thuộc về nhau cách hỗ tương và một tương lai được chia sẻ cho mọi người. Ý thức căn bản này giúp hình thành những xác tín mới, những thái độ và lối sống mới”.

Vì thế, để thay cho cái túi nylon giá 10 xu, các siêu thị đã mở chiến dịch tặng túi vải thân thiện với môi trường cho khách hàng. Và dĩ nhiên họ không quên… in biển quảng cáo của hãng mình trên đó, đến độ bây giờ nhà bếp các gia đình đầy túi vải thay vì túi nylon! Giả như họ, một lần nữa, thay được một phần túi vải ấy bằng một vật liệu tự nhiên hơn nữa thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.

Nhớ phiến lá chuối xanh mướt quê nhà

Nghĩ đến đấy lòng tôi chợt nhớ đến phiến lá chuối xanh mướt quê nhà! Tôi không phải là người thích hoài cổ, để cổ động cho quá khứ, vì tuổi thơ thời “quá độ” của tôi lúc ấy cực khổ trần ai. Chỉ nhớ mùa lễ Tết mẹ hấp bánh chưng, gói nem bằng lá, rồi lại tẩn mẩn thay bằng đợt lá mới xanh hơn. Những gói xôi bắp gói bằng lá chuối và xúc bằng bẹ dừa, bó rau thơm cuộn lại bằng lá sen và dây chuối phơi khô, cái tụng đệm bằng cói, gáo nước bằng sọ dừa, cục đường gói bằng lá vông…

Những hình ảnh ấy đi vào ký ức đời thường của tôi đến bây giờ và vẫn còn sống động, đậm đà. Nói ký ức vì những kỷ vật tự nhiên kia chẳng ai giữ được bởi đã tiêu tán vào lòng đất từ thuở nào!

Nếu thông điệp của Đức Thánh cha Phanxicô không gì khác hơn là mong cộng đồng Trái đất sống niềm tin của mình trong tương quan mới với Thiên Chúa ngang qua tình yêu với các thụ tạo, thì đức tin ấy, nếu được ví như làm một chiếc bánh, nhất thiết phải được gói bằng lá chuối. Một cái bánh đức tin bọc bằng lá chuối!

Nhớ mùa lễ tết mẹ hấp bánh chưng, gói nem bằng lá, rồi lại tẩn mẩn thay bằng đợt lá mới xanh hơn.

Một đức tin như vậy sẽ mang hương vị của tự nhiên của đất trời, cây cỏ, nếu bạn ngại sử dụng những phạm trù “vỡ óc” của triết học và lập luận. Chiếc lá gói đức tin ấy không là những đột phá đầy tham vọng của kỹ thuật hay tính toán riêng nhưng sẽ là sự tinh tế khám phá và cộng tác với những “điều có sẵn” trong đời thường, nếu bạn ngại gọi những điều đó là ân sủng.

Những chiếc bánh đức tin ấy không phải được đóng gói bằng những vật liệu cứng nhắc, đại trà và hàng loạt nhưng mời bạn tự tay gói lấy và trở nên thuần thục với thời gian. Khi cái lớp vỏ bọc của đức tin đã cũ, bạn lại gói bằng một ngôn ngữ tự nhiên mới, nếu bạn ngại gọi chúng là những cuộc “cách mạng” tín lý.

Cuối cùng, nếu bạn không được thuyết phục bởi tất cả những điều trên thì ít ra vẫn còn một điều khiến bạn chắc chắn: Chỉ khi bạn để thiên nhiên bọc lấy đức tin và lối nhìn về thế giới của bạn, bạn sẽ không “xả rác” ra môi trường xã hội và Giáo hội bằng những tư tưởng “không thể phân hủy được” của con người ích kỷ của mình.

Đón nhận vẻ đẹp và dấn thân để săn sóc căn nhà chung
Thông điệp Laudato Sí lấy tên từ lời cầu của thánh Phanxicô. Laudato Sí, mí Signore (Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa), trong bài ca của các thụ tạo có nhắc nhớ rằng Trái đất là căn nhà chung của chúng ta, “cũng như người chị chúng ta, chúng ta chia sẻ cuộc sống với chị ấy và như người mẹ tươi đẹp đón nhận chúng ta trong vòng tay của mẹ” (1).
Chính “chúng ta là đất” (Xc St 2,7). Chính thân thể chúng ta được cấu thành nhờ những yếu tố của Trái đất, không khí là yếu tố mang lại cho chúng ta hơi
thở và nước của Trái đất làm cho chúng ta được sống và được bổ dưỡng”(2).

Giờ đây Trái đất bị ngược đãi và cướp phá, đang kêu than và những tiếng than trách của Trái đất đang hiệp với tiếng rên xiết của tất cả những người bị bỏ rơi trên thế giới này. Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi hãy lắng nghe họ, ngài kêu gọi tất cả và từng người, cá nhân, gia đình, tập thể địa phương, quốc gia và cộng đồng quốc tế hãy hoán cải về môi sinh, theo kiểu nói của thánh Gioan Phaolô II, nghĩa là “đổi hướng”, đón nhận vẻ đẹp và trách nhiệm dấn thân để săn sóc căn nhà chung.

LM JOSEPH BÙI QUANG MINH, SJ

>> Khi bục giảng bị sử dụng sai… công năng