Tháng dâng hoa, tìm hiểu về dòng nhạc Đức Mẹ

Âm nhạc Công giáo có chung một đặc tính với vài hình thể âm nhạc trong các Giáo hội Kitô giáo khác, là biểu hiện lòng tôn kính Đức Mẹ không chỉ trong phụng vụ thánh lễ mà còn trong các lễ kỷ niệm và ngày hội.

Qua nhiều thế kỷ, âm nhạc về Đức Mẹ đã lớn dần và phát triển, chứng kiến những thay đổi về đặc điểm của các thời kỳ âm nhạc, từ sự hồi sinh của âm nhạc tôn giáo trong thời Phục hưng, như bản Ave Maria… Virgo Serena (Kính chào Maria… Đức Trinh nữ) của Josquin des Prez.

Đức Mẹ đi thăm người chị họ. Tranh có từ năm 1460, được sưu tầm tại nhà thờ Kremsmünster, Áo.

Đề tài Đức Mẹ trong lịch sử

Một trong những ca điệu cổ xưa nhất về Đức Mẹ Maria được cho là của thánh Ambrosio thành Milano (339- 374). Còn một trong những sáng tác sớm nhất thời Trung đại về Đức Maria là bài thánh ca phổ biến bằng tiếng Latin Salve Regina (Kính chào Nữ vương) của một tu sĩ dòng Biển Đức ở đảo Reichenau (hồ Bodensee hay Constance nằm trên ba nước Đức, Áo và Thụy Sĩ).

Tác phẩm này tồn tại dưới nhiều phiên bản nhạc bình ca. Trong phụng vụ các giờ kinh, ở cuối phần Thánh vụ, người ta hát một trong bốn đối ca về Đức Mẹ. Đó là các bài: Alma Redemptoris Mater (Mẹ Đấng Cứu chuộc), Ave Regina Caelorum (Lạy Nữ vương Thiên đàng), Regina Coeli (Nữ vương Thiên đàng) và Salve Regina (Kính chào Nữ vương). Những bài này được xếp vào hàng “các sáng tạo đẹp nhất thời Trung đại”.

Vào thời Phục hưng, nhà soạn nhạc Giovanni Pierluigi da Palestrina được coi như người có công đầu trong việc hồi phục giá trị của thánh nhạc, giúp cho âm nhạc của Giáo hội Công giáo thoát khỏi ảnh hưởng của nhạc thế tục.

Tiêu biểu cho công lao đó là bộ lễ Đức Giáo hoàng Marcellus. Tuy nhiên, thật thiếu sót nếu không nhắc đến nhiều bộ lễ về Đức Mẹ rất hay của ông như: Missa Salve Regina, Missa Alma Redemptoris, Missa Regina Coeli, Missa de Beata Virgine… Nhiều ca đoàn Việt Nam đã từng hát và cảm nghiệm vẻ đẹp thánh thiện nơi bài thánh ca đa âm Ave Maria của tác giả Tomás Luis de Victoria.

Sau ông ít lâu, vào cuối thời Phục hưng, Monteverdi đã có nhiều sáng tác về Đức Mẹ, trong đó nổi tiếng nhất là Vespro della Beata Verginei (Kinh chiều cho Đức Trinh nữ rất thánh). Người thứ ba trong dòng thánh nhạc đa âm Phục hưng là Orlando di Lasso được coi là người có nhiều sáng tác thể loại Magni cat nhất châu Âu và đã dùng những bài này chống lại cuộc cải tổ tôn giáo (Tin Lành) tại Đức.

Bước sang thời kỳ Baroque, âm nhạc về Đức Maria tuy chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thống Latin nhưng vẫn phát triển được những đặc điểm riêng. Có nhiều bài hát ca ngợi tính thánh thiện đặc biệt của Đức Mẹ và đa số dùng hình thức kinh cầu (litany) để biểu lộ lòng tôn kính Mẹ Maria.

Trong khi ở Đức, Ý và Pháp, các bài ca về Đức Mẹ thường có nội dung nài xin phù hộ cho một thành phố hay vùng miền nào đó thì ở Ba Lan và Hungary, các sáng tác Baroque về Đức Maria lại nhấn mạnh đến việc bảo vệ cho cả quốc gia.

Lúc này bắt đầu xuất hiện những bài thánh ca về Đức Mẹ bằng tiếng bản xứ. Nhạc về Đức Mẹ triển nở khắp châu Âu, đặc biệt những nước không chịu ảnh hưởng của cuộc cải tổ tôn giáo như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp,…

Trong kỷ nguyên Ánh sáng (thế kỷ XVIII) và thời kỳ sau đó, các nhà soạn nhạc kinh điển như Haydn, Mozart và lãng mạn như Schubert, Dvořák đều có những sáng tác giá trị về Đức Mẹ. Mozart đã sáng tác những bộ lễ Latin để tỏ lòng tôn kính Đức Maria, Haydn có hai bộ lễ Maria nổi tiếng là Missa Cellensis in honorem Beatissimae Virginis Mariae (bộ lễ tôn kính Đức Trinh nữ Maria rất thánh) số 3 và số 5. Schubert thì có ca khúc Ave Maria bất hủ. Dvořák có tác phẩm thanh khí nhạc Stabat Mater (Mẹ đứng đó).

Qua nhiều giai đoạn, những sáng tác về Đức Mẹ đã phát triển thành một số thể loại âm nhạc mà nhiều tác giả trên thế giới đã có công hình thành và đóng góp tác phẩm hoặc muốn thử tài năng sáng tác của mình. Ở đây chúng ta bàn đến khía cạnh âm nhạc của hai thể loại nổi tiếng nhất: Magnificat và Stabat Mater.

Bài ca tụng của ông già Simêôn. Tranh của Aert de Gelder

Magnificat – Linh hồn tôi tán dương ngài

Magni cat còn được gọi là bài thánh ca của Đức Maria, thường được hát hay đọc trong phụng vụ Kitô giáo. Đó là một trong tám bài ca vãn (hymn) cổ xưa nhất và có lẽ là bài ca đầu tiên về Đức Mẹ. Bản văn của bài thánh ca này lấy trực tiếp từ Tin Mừng Luca (1, 46-55) thuật lại việc Maria lên tiếng ca ngợi Thiên Chúa và để trả lời người chị họ Elizabeth trong lần Mẹ đến thăm. Từ một bài thánh ca, Magni cat đã trở thành một thể loại âm nhạc với nhiều hình thức khác nhau.

Không chỉ có Giáo hội Công giáo dùng âm nhạc để tỏ lòng tôn kính Đức Maria. Trong thánh nhạc Anh giáo, Magni cat và Nunc dimittis (Giờ đây xin thả tôi tớ Ngài về” (Lc. 2, 29), còn gọi là bài ca của ông già Simêôn) là một phần thường quy của giờ kinh tối.

Người Việt Nam nặng tình mẫu tử nên cũng có nhiều bài ca về Đức Maria trong thánh ca phụng vụ cũng như các bài ca bình dân tôn giáo. Ngày nay âm nhạc về Đức Mẹ là một yếu tố ắt phải có của nhiều cách biểu hiện lòng tôn kính Đức Trinh Nữ trong đạo Công giáo.

Nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng như Thomas Tallis, Ralph Vaughan Williams, John Taverner… viết bộ Mag and Nunc cho hợp xướng a cappella hoặc với organ đệm. Gần đây nhất, năm 2011 nhà soạn nhạc người Anh Clive Strutt (1942) thuộc Giáo hội Chính thống Phục sinh đã cho công diễn bản Magni cat của mình có ca từ vừa tiếng Latin vừa tiếng Anh.

Từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XXI đã có khoảng 250 nhà soạn nhạc từ nhiều nơi trên thế giới đã sáng tác Magni cat với nhiều hình thức, thể loại khác nhau.

Stabat – Mẹ đứng đó

Một thể loại âm nhạc khác cũng được hình thành từ nhiều hình thức của một bài thánh ca, đó là Stabat Mater (Mẹ đứng đau khổ), xuất phát từ một bài thơ ở cuối thế kỷ XII, mô tả Đức Mẹ đứng cạnh thánh giá Chúa Giêsu. Từ đó đến các thế kỷ sau đã có nhiều nhà soạn nhạc Tây Âu sáng tác về đề tài này.

Có lẽ bản Stabat Mater của nhà soạn nhạc Tiệp Khắc Antonín Dvořák được biết đến và trình diễn nhiều nhất và sau đó là bản của Poulenc. Đang khi viết một tác phẩm thế tục, Dvořák đã ngừng lại, dồn hết mọi đau khổ của mình vào để sáng tác Stabat Mater sau cái chết của đứa con còn nhỏ của mình.

Với Poulenc, ông sáng tác Stabat Mater để kỷ niệm cái chết của bạn ông – nghệ sĩ Christian Bérard. Ban đầu, Poulenc định viết một Requiem cho biến cố này nhưng sau khi đi viếng Đức Trinh Nữ Đen tại Rocamadour (Tây Nam nước Pháp), ông đã thay đổi và chọn đề tài về Mẹ sầu bi.

Vivaldi lại xây dựng Stabat Mater cho giọng alto lĩnh xướng và dàn nhạc. Và đến Schubert thì lần đầu tiên Stabat Mater được viết bằng tiếng Đức với cấu trúc đồ sộ: Các giọng lĩnh xướng (soprano, tenor, bass), hợp xướng bốn bè SATB, dàn nhạc giao hưởng trung bình.

Sau ông, Stabat Mater của Oldroyd được viết bằng tiếng Latin và cả tiếng Anh, các Stabat Mater của Szymanowski và Bebenek có ca từ tiếng Ba Lan, sáng tác của Alfeyev sử dụng tiếng Nga.

Việt Nam có nhiều sáng tác về Đức Mẹ
Trong thánh nhạc Việt Nam, có rất nhiều sáng tác về Đức Mẹ của các tác giả tên tuổi mà chúng tôi không thể kể hết trong phạm vi giới hạn của bài này. Tuy nhiên, đa phần chúng thuộc thể loại ca khúc hoặc ca khúc hợp xướng đơn thuần.
Cũng có một số sáng tác được tác giả hoặc người phối khí viết thêm phần đệm theo của một số nhạc cụ. Cũng có sáng tác gọi là trường ca nhưng chỉ dài, lớn về số nhịp.
Để có một tác phẩm mang tính học thuật (cho hợp xướng và dàn nhạc) về Đức Mẹ, cho đến nay dường như chỉ có Bài Ca Truyền Tin của Linh mục Tiến Dũng cho hợp xướng và dàn nhạc.

TS NGUYỄN BÁCH

>> Dâng hoa Đức Mẹ: Phục hồi và cách tân kho báu của tổ tiên