Ngày nay, trong chiều hướng canh tân phụng vụ và công nghiệp đô thị hóa, Pascha (Vượt qua) không còn cái rôm rả của một lễ hội dân gian như xưa nữa.
Dường như chút ngọc ngà mà cha ông mình còn gửi gắm đâu đó trong mảng văn học dân gian của nhà đạo đang bị lãng quên, bị rơi rớt, tựa mùi hoa xoan thoang thoảng năm nào…
Từ một lễ hội xa xưa của người Do Thái
Pascha, theo nguyên nghĩa là Vượt qua, một lễ hội diễn ra vào mùa Xuân, chung cho cả tín đồ Do Thái lẫn các cộng đoàn Ki-tô giáo. Theo đó, hằng năm cứ vào độ trăng tròn mỗi buổi đầu Xuân, người Do Thái có thói quen chọn những con vật đầu đàn, những hoa trái tinh tuyển đầu mùa cùng với bánh không men, làm của lễ tiến dâng, để cảm tạ Thiên Chúa.
Tục lệ trên được lưu truyền nhằm ghi dấu cuộc xuất hành của dân Chúa ra khỏi Ai Cập, thoát xiềng xích nô lệ của tập đoàn Pharaon, băng qua Biển Đỏ để vào miền đất hứa Canaan. Lễ Pascha của người Do Thái khởi đầu từ lúc mặt trời lặn vào buổi chiều ngày 15 tháng Nisan.
Riêng Tuần Thánh của Ki-tô giáo với ý nghĩa khơi gợi những chặng đường thập tự – cứu độ của Chúa được cử hành bằng nhiều nghi thức long trọng và bi tráng: Từ cuộc rước lá, từ việc rửa chân các môn đệ cho đến tiệc chiên, giờ Chúa hấp hối trên đồi Calvaire và kết thúc là mầu nhiệm Phục sinh.
Tuy nhiên, ở mỗi nơi, mỗi thời, tùy theo điều kiện lịch sử, địa dư và phong tục tập quán, lễ Pascha được phong phú và đa dạng hóa, kể cả việc thêm thắt hội nhập một số tình tiết sắc màu đậm đà, sinh động của một lễ hội dân gian.
Chẳng hạn, người theo Chính thống giáo có một tục lệ ăn mừng lễ Phục sinh rất ngộ. Số là, sau phần nghi lễ, người ta làm phép những quả trứng và chia cho mọi người, như là họ được chia sẻ phúc lành của ngày đại lễ.
Sau đó, người ta chúc mừng nhau và cùng nhau đập quả trứng. Khi trứng vỡ, mọi người cùng kêu lên: “Đức Ki-tô đã Phục sinh!”. Những người khác đáp lại: “Người đã sống lại thật”. Người ta cũng thường viết lời chúc mừng trên quả trứng và gửi cho thân hữu.
Lễ hội gắn liền với tính mùa vụ đồng quê
Còn ở Việt Nam ta, một Giáo hội ở Phương Đông trẻ trung, Pascha đúng là một tuần đại phúc, vừa thánh thiêng của một phụng vụ kinh điển (Lễ) lại vừa gần gũi với sinh hoạt mang tính mùa vụ (Hội) của những nhà thờ, xứ đạo nơi làng xã nông nghiệp chân quê.
Thực tế là người bên đạo đã dọn mình để ăn mừng và để sống các ý nghĩa tinh thần ấy ngay từ thứ Tư Lễ Tro, xuyên suốt tới Tuần Thánh và kết thúc ở Chúa nhật lễ kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Hai cột mốc khởi đầu và khép lại ấy được dân gian gọi là Vào mùa và Ra mùa. Chúng mở ra một trình tự lớp lang: Mùa Chay, Mùa Thương Khó, Mùa Phục Sinh và Mùa Thường Niên.
Theo chúng tôi biết thì vào thời điểm lễ lạt này, toàn bộ công việc đồng áng mùa màng như cỏ rả, phân tro, cối cót đã xong; bông lúa ngậm sữa đã chắc, đã mẩy lắm rồi, chỉ còn chờ ra mùa là gặt hái, phơi phóng.
Một khi việc chân tay, phần xác có thư nhàn thong dong thì người ta mới có thể toàn tâm toàn ý mà lo việc phần hồn sốt sắng được. Dễ đến cả mấy trăm năm rồi còn gì.
Thế nhưng, trong tâm tưởng của nhiều thế hệ, mấy ai quên một thời kỷ niệm xa xưa, lễ hội Tuần Thánh – Phục sinh nơi nhà thờ xứ đạo đã nên một phần đời của mình? Nó đã bén rễ rất sâu trong tâm thức với một lịch sử hằng mấy trăm năm, kể từ buổi đầu đón nhận đạo Chúa.
Người ta có thể đọc được cái tâm tình hưng phấn và đạo hạnh ấy của các cộng đoàn tiên khởi, qua lời tự thuật của Giáo sĩ Đắc Lộ, khi Ngài mới đặt chân trở lại vùng đạo cổ Quảng Ngãi vào năm 1644: “Tất cả những gì tôi thấy ở châu Âu đều không cho tôi những tâm tình đạo đức như tôi thấy ở giáo đoàn này… Giáo dân kiên trì thức khuya để dự lễ và khóc lóc rất thảm thương. Phải cứng như đá mới không mủi lòng trong dịp này được” (Hành trình và Truyền giáo, Bản Việt ngữ của Hồng Nhuệ, Tủ sách Đại Kết).
Bầu không khí mùa Thương Khó nhuốm vẻ trang nghiêm bi lụy
Nói về những sinh hoạt, những nghi thức diễn ra từ lễ vào mùa thì nhiều vô kể. Ở đây, trong khuôn khổ một bài viết tản mạn, tôi chỉ xin phép lược thuật đôi ba nét chính đã khắc họa dấu ấn sâu sắc mang tính đức tin văn hóa trong lòng những ai đã từng đến với “lễ” và “hội” này.
Từ chuyện giữ chay, ăn chay, hãm mình, kiêng thịt cho đến chuyện nguyện ngắm, kinh hạt. Thường thì vào các buổi chiều thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu hàng tuần, tùy theo đoàn hội, xứ đạo nào cũng có thói quen dọn mình sám hối và suy niệm chung với nhau bằng cách Ngắm mười lăm sự thương khó Đức Chúa Giê-su mà dân gian quen gọi là Ngắm đứng hay Gẫm lễ đèn.
Bằng luyến láy, ngân nga theo cung giọng bi thương của điệu lâm khốc, văn tế trong nguồn dân nhạc cổ truyền, cuộc khổ nạn cứu chuộc loài người của Chúa Giê-su được từng chức việc đăng đàn, diễn cảm khá điệu nghệ, với sự phụ họa giữ nhịp của trống cái, chiêng, mõ, trống khẩu, nhị, hồ.
Nhiều người nổi tiếng ngắm hay, diễn giỏi, thành cái “nghiệp”, rong ruổi hàng huyện, hàng tổng cả tháng trời. Vừa được xướng danh, lại vừa được thưởng (tiền, gạo, vải) về cho giáp, họ, vợ con vui lây.
Nói chung, bầu không khí mùa Chay, Mùa Thương Khó luôn nhuốm vẻ trang nghiêm bi lụy. Thậm chí cả đến cách bài trí cảnh quan trong nhà thờ cũng ủ dột màu tím rịm. Lễ lạy im bặt tiếng đàn, chuông khánh, hát ca. Chỉ còn nghe phách mộc, mõ tre cùng sênh bát nỉ non và các bài vãn “dâng hạt, đọc đoạn” thống thiết, não nùng.
Tập tục lành thánh và văn hóa này cũng đã có gốc gác từ lâu trong đời sống của các cộng đoàn tiên khởi ở Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài, theo lời kể sau đây của cha Đắc Lộ:
“Chúng tôi không cử hành nghi thức Kinh đêm… Để cho họ khỏi bị thiệt thòi, chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương khó làm 15 đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy niệm một trong mười lăm sự thương khó. Sau mỗi lần như thế thì lại tắt 1 trong 15 ngọn nến sáng. Trong nghi lễ, họ khóc lóc kêu gào và rên rỉ tỏ lòng mến thương những thống khổ và cái chết Chúa Cứu Thế chịu, người lân cận cũng đến nghe” – Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, Bản Việt ngữ của Hồng Nhuệ, Tủ sách Đại Kết.
Bọn trẻ con cứ như sống trong truyện cổ tích
Chúa nhật Lễ Lá, cánh cửa mở vào Tuần Thánh, tường thuật cuộc hành trình vinh quang của Đức Ki-tô lên đền thánh Giê-ru-sa- lem, giữa rừng người và rừng lá ô liu chào đón. Từ chiều hôm áp lễ, người ta phân công nhau đi chặt những tàu lá dừa tươi, rửa sạch, bó lại từng bó, xếp trên bàn lễ vật đặng chờ làm phép và rước chung quanh nhà thờ vào sáng hôm sau.
Lễ xong, ai nấy đều mang về vài lá, gọi là lấy lộc thánh. Người thì cắm lá vào bình hoa trên bàn thờ. Người lại gài lá lên kèo, lên cột hoặc nơi cửa nhà, như một dấu chỉ “xuất nhập bình an”. Tác giả của sáng kiến này chẳng ai khác hơn là Giáo sĩ Đắc Lộ:
“… Mà bởi vì trong khắp nước An Nam không có cây ô liu, chỉ có rất nhiều cây dừa xanh tốt, nên chúng tôi sử dụng lá dừa trong nghi lễ. Không những có rất nhiều giáo dân, mà cả lương dân cũng đến dự nghi lễ làm phép lá. Cả nhà thờ, cả ở ngoài cũng không đủ chứa… Giáo dân sốt sắng giữ lá phép và đem về nhà dùng để xua đuổi tà ma và quỷ ám” – Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài.
Chiều thứ Năm Tuần Thánh có nghi thức Rửa Chân, Làm phép nước (lễ thánh thủy) và ăn tiệc chiên với rau diếp đắng. Con chiên làm bằng xôi nếp thơm, lăn với bột sống, đặt nằm sấp trong chiếc khay gỗ sơn son thếp vàng.
Chủ tế quỳ xuống rửa chân, cắt chiên và chia phần cho 12 chức việc phụ tế. Quá trình trên đây diễn ra theo lời d n và những bài ca vãn do một thầy già lĩnh xướng cầm nhịp.
Thứ Sáu Tuần Thánh, kỷ niệm Chúa chịu chết trên cây thánh giá. Khắp cả nhà thờ, xứ đạo bao trùm một màu tang tóc u buồn. Đỉnh điểm của vở Tuồng Thương Khó đưa cộng đoàn lên những tầng bậc cao nhất về cảm xúc đức tin, mỗi khi tiếp cận với từng xen cảnh não lòng:
Quân dữ lùng bắt Chúa Giê-su; xử án trước tòa Phi-la-tô; Đức Mẹ cùng môn đệ Gioan chết lặng dưới chân thập tự; tháo đanh và táng xác Chúa trong mồ. Người ta liệm xác Chúa trong một cỗ quan tài có lồng kính trong suốt, rước vào hang đá rải đầy nỏ gạo rang, hoa xoan và dầu thơm để mọi người hôn kính. Cứ tuần tự theo đoàn hội tiến vào, trong tiếng nhạc vãn và lời than tiếp tục ngân nga cho đến xế trưa hôm sau.
Riêng bọn trẻ con chúng tôi cứ như sống trong truyện cổ tích, đứa nào đứa nấy may túi ba gang, vạt trong vạt ngoài đầy ắp những thơm tho lộc thánh. Để rồi chuẩn bị vào nghi thức “vọng”, mừng Đại lễ Phục sinh. Đêm hôm ấy, chẳng mấy ai chợp mắt được. Thôn trên xóm dưới, cờ xí rợp trời, người đi như trẩy hội, quần là áo lượt, canh thức đợi giờ Chúa sống lại.
Thế rồi, nhà thờ ồn ã, sáng choang lên những màn trướng, hương hoa, đèn nến, chuông khánh, đàn ca, kèn tây, phường trống, phường trắc và phường bát âm nhất tề rền vang, giục giã. Chưa bao giờ cảnh nhà thờ xứ đạo lại đông vui sầm uất như thế!
Lễ càng lâu, càng trọng vọng, càng sốt sắng. Hình như con chiên nhà đạo mình vẫn nghĩ mộc mạc đơn sơ thế thôi. Lễ xong từng khu họ, từng dâu giáp, từng đoàn hội, nhà nhà, người người trở về mở tiệc ăn mừng tuần đại phúc được thập phần mỹ mãn.
Tại sao quả trứng mang biểu tượng lễ Phục sinh
Theo tạp chí Réponse à Tout, người La Mã kể rằng Simon de Cyrène, ông già vác đỡ thánh giá Chúa Giê-su trên đường lên núi Sọ đã từng làm nghề buôn bán trứng. Sau khi Chúa bị đóng đinh, ông buồn bã trở về, thấy những quả trứng gà ở nhà mình bỗng dưng chuyển thành đủ sắc màu rực rỡ như là cầu vồng trên trời: Đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím.
Về sau, tục lệ này đã hình thành một nghệ thuật dân gian truyền thống với những quy luật và ý nghĩa tượng trưng. Hiện nay bên Âu – Mỹ vẫn thịnh hành một dịch vụ vẽ hình ảnh Chúa, Đức Mẹ và các thánh trên mặt vỏ trứng. Việc đập vỡ quả trứng gợi ý việc mở cửa mồ của Chúa Giê-su Ki-tô.
Quả trứng chỉ sự sống mới. Trong quả trứng sẵn có chất liệu của một sinh thể làm nên con gà nhỏ tí, mới mẻ và sự sống mới bắt đầu khi con gà phá vỏ trứng chui ra ngoài, để góp phần vào thế giới của muôn loài.