Những ca đoàn vang bóng một thời – Bài 5: Vượt Qua: Phát triển thánh ca dân tộc

Vào những năm 1980, lập được ca đoàn đã là chuyện khó, vượt qua chính bản thân mình lại càng khó hơn. Ấy vậy mà, thấm thoát đã hơn ba thập niên, ca đoàn Vượt Qua đã bước đi với Chúa Kitô phục vụ anh em.

Nhạc sĩ Giuse Lê Đức Toàn, Ca trưởng Ca đoàn Vượt Qua, TGP Sài Gòn lần giở từng trang kỷ niệm về quá trình hình thành và phát triển của ca đoàn, do người tiền nhiệm quá cố – Nhạc sĩ Viết Chung, tức Giuse Đỗ Quang Trung – sáng lập.

Nhạc sĩ – Ca trưởng Viết Chung chỉ huy Ca đoàn Vượt Qua vào Noel 1991. Ảnh tư liệu.

Chỉ ra hai album suốt ba mươi năm

Vào ngày đầu năm mới, 1-1-1988, ngày Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, tại Trung tâm Công giáo, Nhạc sĩ Viết Chung cùng những người anh em trong Nhóm ca vang Lời Chúa, đã chính thức khai sinh Ca đoàn Vượt Qua. Đó cũng là ngày truyền thống của ca đoàn.

Lúc bấy giờ, lập ra một ca đoàn không phải là chuyện dễ dàng. Một trong các thủ tục bắt buộc để có được một ca đoàn là số lượng không được vượt quá 20 người. Vì có duyên ra mắt tại Trung tâm Công giáo, nên số ca viên có mặt ngay từ ngày ca đoàn thành lập đã ngót nghét trăm người.

Nhiều thành viên ban đầu của Ca đoàn Vượt Qua là những ca viên kỳ cựu từ nhiều ca đoàn ở các giáo xứ trong Tổng Giáo phận từ trước 1975. Có những ca viên nằm trong đại gia đình hai, ba thế hệ, như gia đình ông bà Mai Như Thịnh. Cũng có những ca viên thuộc vào hàng “thất thập cổ lai hy” tiếng tăm một thời, như cụ Lê Mộng Bảo – cựu Giám đốc Nhà xuất bản Tinh Hoa – lúc ấy đã ngoài 70 tuổi…

Cùng với những người sáng lập chủ chốt như Nhạc sĩ Viết Chung, Nhạc sĩ Lê Đức Toàn, họ đã góp phần làm nên thành công ban đầu của Vượt Qua. Mà ngay từ đầu, cái tên mà họ mặc lấy, như để động viên với nhau rằng: Hãy vượt qua để đồng hành cùng Chúa Kitô.

Ca trưởng Lê Đức Toàn cho biết, mục đích ra đời ban đầu của ca đoàn là để phát hành băng nhạc. Cho nên, ngay sau một năm hoạt động, vào năm 1989 Vượt Qua đã cho ra mắt album thánh ca đầu tiên có tên Tiếng hát giáo đường. Một năm sau đó, dịp Noel năm 1990, Vượt Qua lại cho ra mắt album thứ hai là Noel 90, cũng là album cuối cùng cho đến tận hôm nay. Nhạc sĩ Lê Đức Toàn cười xòa, hé lộ lý do: “Hồi đó hết tiền!”.

Nhạc sĩ Viết Chung, người phát triển thánh ca dân tộc

Ngay từ khi thành lập ca đoàn, Ca trưởng Viết Chung đã xác định mục đích không chỉ là phát hành băng nhạc, mà còn để phát triển thánh ca dân tộc và dân ca hợp xướng. Các bài lý như Lý ngựa ô, Lý con sáo, Lý cây đa, hay ca chèo, quan họ… đều được chuyển hóa thành những bài thánh ca lạ tai qua phần chuyển thể tinh tế, phối khí khéo léo, hòa âm điêu luyện từ âm nhạc ngũ cung sang âm nhạc Tây phương của ca trưởng Viết Chung.

Vì đưa âm nhạc dân tộc vào thánh ca nên các nhạc cụ phối khí trong Vượt Qua là đàn tranh, bầu, nguyệt, sáo, thậm chí hát a capella.

Vào thời những năm 1990, ít ai nghĩ một bài dân ca, một điệu lý dân gian lại có thể ca vang trên thánh đường, hoặc qua các buổi trình diễn hợp xướng cộng đồng lại làm lay động người nghe như vậy.

Đó là các đêm Thi ca Hợp xướng Hàn Mạc Tử – Hải Linh tại rạp Quốc Thanh, đêm Thánh ca tôn vinh Mẹ tại Fatima Bình Triệu, đêm Dân ca Hợp xướng với Dàn nhạc Dân tộc Tiếng hát Quê hương tại Cung văn hóa Lao động, đêm Thánh ca Mẹ và Âm nhạc Dân tộc tại nhà thờ Tân Định, đêm Thơ nhạc Đức ông Xuân Ly Băng tại nhà thờ Nam Hòa, đêm Dân ca Hợp xướng với Dàn nhạc Dân tộc Tiếng hát Quê hương tại Nhà văn hóa Thanh Niên.

Giáo sư Trần Văn Khê, sau khi tham dự chương trình Đêm Dân ca Hợp xướng với Dàn nhạc Dân tộc Tiếng hát Quê hương đã không ngớt lời ngợi khen: “Tôi không nghĩ thánh ca và âm nhạc dân tộc lại có thể quyện vào nhau cách hài hòa và tài tình như thế. Càng không nghĩ âm nhạc dân tộc lại có thể trình diễn bằng hợp xướng!”. Cũng lần ấy, Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, sau buổi diễn cũng tấm tắc: “Được đó!”.

Cố Nhạc sĩ Viết Chung tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn năm 1961. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn – Huế, rồi Viện Đại học Thành Nhân, Sài Gòn. Ông cũng đã đoạt giải thưởng Văn học Nghệ thuật toàn quốc năm 1973 và 1974 với Trường sử ca sông hát (hợp soạn với Nguyễn Tùng) và Hòa tấu khúc giao mùa.

Có lẽ vì vậy mà sau năm 1975, khi chuyển dần sang viết thánh ca, cái chất âm nhạc dân tộc vẫn còn trong máu của người nhạc sĩ tài hoa này. Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Bích, trong Nhân vật Công giáo Việt Nam thế kỷ XVII-XIX-XX đã có một nhận xét tinh tế:

“Sau năm 1975, thế mạnh văn nghệ quần chúng của giới Công giáo là trình diễn hợp xướng, những ca khúc lúc ấy không thể sử dụng cho hợp xướng bốn bè dị giọng, nhạc sĩ Viết Chung đã phối âm những ca khúc ấy để các ca đoàn trình diễn. Nhờ thế mà ngoài những tuyển tập thánh ca, nhạc sĩ Viết Chung còn có những tuyển tập hợp xướng đời”.

Truyền thống thánh ca âm nhạc dân tộc đó vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay dưới bàn tay điều khiển của Ca trưởng Lê Đức Toàn.

Mang tinh thần “Vượt Qua” đến với mọi người

Từ năm 1998, Vượt Qua tham gia hát hợp xướng lần đầu tiên tại Đại hội Thánh Mẫu La Vang ở Quảng Trị và duy trì liên tục mỗi kỳ đại hội cho đến nay.

Ngoài việc hát chính các thánh lễ như đã nói, đến nay ca đoàn vẫn đều đặn tập dượt các bài hợp xướng lớn để chuẩn bị cho các dịp lễ trọng trong năm, như ca trưởng Lê Đức Toàn chia sẻ: “Từ hai đến ba lần trong năm, anh chị em chúng tôi đi hát thánh ca và trình diễn hợp xướng dịp các đại lễ tại các giáo xứ trong và ngoài giáo phận trong cả nước”. Công tác thiện nguyện, ủy lạo cũng là một hoạt động xã hội mà Vượt Qua tham gia liên tục từ năm 1998 đến nay.

Nhạc sĩ – Ca trưởng Lê Đức Toàn với Ca đoàn Vượt Qua.

Nguyên tắc hát thánh ca phụng vụ của Vượt Qua là hát bốn bè dị giọng, hoặc ít nhất có một bài hợp xướng bốn bè trong phụng vụ một thánh lễ Misa. Theo Ca trưởng Lê Đức Toàn: “Không thể hát thánh ca phụng vụ mà chỉ đơn bè hay hai bè đồng giọng thông thường. Nó sẽ mất đi tính hợp xướng của một ca đoàn. Vì là hát phát triển âm nhạc dân tộc, đưa âm nhạc dân tộc vào thánh ca nên các nhạc cụ phối khí trong ca đoàn là đàn tranh, bầu, nguyệt, sáo, thậm chí hát acappella”.

Không chỉ chia sẻ tiếng hát đến nhiều nơi khắp các giáo phận, Vượt Qua cũng giúp và hỗ trợ nhiều giáo xứ của Tổng Giáo phận trong việc tập hát, đào tạo ca trưởng, giúp thành lập và phát triển các ca đoàn. Nhiều ca sĩ Công giáo hiện nay trong và ngoài nước từng có thời gian sinh hoạt cùng Ca đoàn Vượt Qua như: Ngọc Hoàng (Việt Nam), Dương Hoàng (Úc), Tấn Đạt, Trần Ngọc (Hoa Kỳ)…

Rất nhiều ca viên của Vượt Qua nay đang làm ca trưởng của các ca đoàn trong Tổng Giáo phận Sài Gòn. Ca trưởng – Nhạc sĩ Lê Đức Toàn, đến nay vẫn đều đặn làm công việc viết hòa âm cho các bài thánh ca dân tộc, đồng thời vẫn viết các bài thánh ca phụng vụ cho các thánh lễ.

Ông cũng không che giấu ý định tái khởi động việc phát hành album thánh nhạc hợp xướng Tiếng hát giáo đường tiếp theo, vốn bỏ dở từ thời người tiền nhiệm. Còn một việc làm nho nhỏ mà ca trưởng Lê Đức Toàn cùng Vượt Qua đang âm thầm làm từ nhiều năm qua, như món quà tri ân người thầy kính trọng của mình, đó là phối khí và thu âm được 14 album thánh ca cho Linh mục – Nhạc sư Kim Long.

Ca đoàn không có ngôi nhà riêng
Ca đoàn Vượt Qua gần như không có ngôi nhà riêng. Điều này không hẳn đúng nhưng gần như là vậy. Sáng lập tại Trung tâm Công giáo, nhưng hát lễ thì mỗi tháng Vượt Qua chỉ hát một lần vào thánh lễ thứ Năm đầu tháng tại nhà thờ Mai Khôi của tu viện Đa Minh Lyon, số 44 Tú Xương.
Về sau, mỗi thứ Năm hàng tuần, Vượt Qua đều hát tại Mai Khôi. Đến năm 1996, khi người Ca trưởng tài hoa và đáng kính Viết Chung đã về với Chúa, Ca phó Lê Đức Toàn lên thay và quyết định dời về Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn cho đến hôm nay. Mỗi tuần, ca đoàn hát lễ vào hai thánh lễ: thánh lễ 5 giờ 15 chiều Chúa nhật tại nhà thờ Đức Bà và thánh lễ 5 giờ 30 chiều thứ Năm tại nhà thờ Mai Khôi.

XUÂN THÁI

>> Bài 1: Ca đoàn Đắc Lộ Trẻ: Châm ngòi lửa phong trào thánh ca trẻ

>> Bài 2: Trùng Dương: Nửa thế kỷ thăng trầm

>> Bài 3: Ca đoàn trở thành tên bộ lễ Seraphim

>> Bài 4: Hồn Nước – Chuyên nghiệp cả trong đạo, ngoài đời