Từ mô hình nhạc đoàn đến dàn nhạc Công giáo

Gần đây, ở một số giáo xứ, hoạt động khí nhạc được nổi lên mạnh mẽ với các nhóm nhạc, ban nhạc kèn, dàn nhạc... Từ đó, xuất hiện cách gọi “nhạc đoàn” để phân biệt hoạt động khí nhạc với thanh nhạc, vốn được các ca đoàn đảm nhiệm.

Dàn nhạc CTM trong thánh lễ ngân khánh LM Tiến Dũng. Ảnh tư liệu

Có nhiều định nghĩa khác nhau về dàn nhạc theo âm nhạc phương Tây, nhưng nhìn chung, dàn nhạc là một nhóm chơi nhiều nhạc cụ mà trong đó bộ dây chiếm ưu thế. Dàn nhạc CTM (Công Thức Mới) tại Việt Nam cũng dựa trên bộ dây để mang đặc tính của dàn nhạc nhưng lại ưu tiên cho các nhạc cụ “bất thường”.

Những cách hiểu khác nhau về dàn nhạc

Để gọi một nhóm nhiều nhạc công cùng diễn tấu với nhau, âm nhạc phương Tây có nhiều tên gọi như: combo (nhóm nhạc nhỏ), band (ban nhạc), ensemble (nhóm nhạc), orchestra, philharmonic, symphony… Trong đó, tuy orchestra vẫn được gọi trong tiếng Việt là dàn nhạc nhưng hay bị dùng lẫn với philharmonic và symphony. Vậy đâu là sự khác biệt?

Trong toán học, chúng ta biết mọi hình vuông đều là một hình có góc vuông nhưng không phải bất cứ hình có góc vuông nào cũng là một hình vuông. Có thể nói theo cách đó, mọi symphony đều là một orchestra, nhưng không phải orchestra nào cũng là một symphony. Hay mọi philharmonic đều là một symphony nhưng không phải symphony nào cũng là một philharmonic.

Orchestra là một thuật ngữ rộng để gọi một nhóm nhiều nhạc cụ với đặc điểm là bộ dây (violin, viola, cello và double bass) có số lượng chiếm ưu thế. Có hai loại orchestra: chamber (thính phòng, có quy mô nhỏ, khoảng dưới 50 nhạc công) và symphony (giao hưởng, với biên chế lớn, có thể phát triển đến hơn 100 nhạc công).

Trong khi đó, symphony orchestra và philharmonic orchestra gần như tương đương nhau (cùng biên chế, trình tấu cùng loại nhạc lớn như giao hưởng). Cái khác nhau thứ nhất giữa hai thuật ngữ này chỉ mang tính nhận diện. Ví dụ, thành phố New York vừa có Brooklyn Philharmonic, vừa có Brooklyn Symphony.

Điểm khác thứ hai: symphony orchestra là một thuật ngữ chung, mang tính tổng quát, còn philharmonic orchestra luôn luôn được dùng kèm với một tên riêng. Do đó, chúng ta có thể gọi một philharmonic là symphony nhưng không phải symphony nào cũng là philharmonic, mặc dù chúng giống nhau.

Dàn nhạc tại Việt Nam được hình thành từ hình thức nhạc đoàn

Theo tài liệu Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua do Ủy ban Thánh nhạc, Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Với sự đón nhận nồng nhiệt của giáo dân đối với các bài ca, nhạc ngoại lời Việt, các nhạc sĩ Công giáo đã tự tìm hiểu và thử viết những bài thánh ca đầu tiên. Để nâng đỡ và tiếp sức cho nhau, các vị tự quy tụ thành những nhóm, theo từng địa phương, dưới danh nghĩa nhạc đoàn…”.

Nét độc đáo của Dàn nhạc CMT là các nhạc cụ bất thường như recorder, các loại saxophone, guitar điện, xylophone, vibraphone, trống cái, mõ chùa… được sắp xếp để thay thế chứ không bổ sung các nhạc cụ thuộc 4 bộ tiêu chuẩn của một dàn nhạc giao hưởng.

Như vậy, theo truyền thống của thánh nhạc Việt Nam, nhạc đoàn không có liên quan trực tiếp đến các nhạc khí, nhạc cụ. Chúng ta đã từng có những nhạc đoàn truyền thống nổi tiếng như: Lê Bảo Tịnh (Hà Nội), Sao Mai (Bùi Chu), Tiếng Chuông Nam (Thanh Hóa), Á thánh Philipphê Phan Văn Minh (miền Nam). Trong đó, nhạc đoàn Á Thánh Minh chuyên nghiên cứu âm nhạc và phiên dịch những bài thánh ca hợp xướng Latin, Pháp sang tiếng Việt.

Từ hình thức nhạc đoàn, các ca đoàn và ban nhạc, dàn nhạc được hình thành.

Ở đây, chúng ta không bàn đến giới hạn của việc dùng nhạc khí trong phụng vụ như Thánh Giáo hoàng Pio X đã nói trong chương IV của tự sắc Tra le Sollecitudini về thánh nhạc:

“Mặc dù loại nhạc xứng hợp với Giáo hội chỉ là thanh nhạc, nhưng nếu có phần đệm bằng đàn đại phong cầm thì cũng được phép. Các nhạc cụ khác có thể được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt, với những giới hạn cho phép, nhưng luôn phải có chuẩn nhận đặc biệt của đấng bản quyền, căn cứ theo sắc lệnh về các hình thức tôn thờ Thánh thể (Cæremoniale Episcoporum)”.

CTM – Một dàn nhạc Công giáo Việt độc đáo

Để thêm góp phần tạo đầu ra cho việc giáo dục âm nhạc, đồng thời có thêm phương tiện thể hiện những sáng tác của mình, lúc sinh thời, Linh mục – Nhạc sĩ Tiến Dũng đã thành lập Dàn nhạc CTM. Đây là dàn nhạc Công giáo đầu tiên ở miền Nam trước năm 1975 và lúc đó đã trở thành dàn nhạc độc đáo có một không hai ở Việt Nam và trên thế giới.

CTM là chữ viết tắt của Công Thức Mới. Cha Tiến Dũng đã tìm cách thay một số nhạc cụ thông thường trong dàn nhạc giao hưởng bằng những nhạc cụ “bất thường” nhưng có âm sắc tương tự hoặc gần gũi với văn hóa dân tộc hơn để dễ trang bị theo điều kiện kinh tế Việt Nam.

Ngay cả với các dàn nhạc giao hưởng hiện đại, thành phần nhạc cụ cũng dựa chủ yếu trên bốn bộ: Dây, kèn gỗ, kèn đồng, gõ chứ ít dùng những nhạc cụ bất thường. Dàn nhạc CTM có khá nhiều những nhạc cụ bất thường như: recorder, các loại saxophone, guitar điện, xylophone, vibraphone, trống cái, mõ chùa… và vắng những nhạc cụ thông thường của dàn nhạc như: oboe, bassoon, trombone, tuba, cello, timpani.

Dàn nhạc CTM cùng với ca đoàn tổng hợp, LM Tiến Dũng và Đức Giám mục Nguyễn Văn Hòa trong thánh lễ tạ ơn năm 2004.

Như vậy, một trong những nét độc đáo của dàn nhạc CTM là các nhạc cụ bất thường đã được tính toán, sắp xếp để thay thế chứ không bổ sung các nhạc cụ thuộc bốn bộ tiêu chuẩn của một dàn nhạc giao hưởng đã quy ước.

Với những nhạc cụ mình có trong tay, Linh mục – Nhạc sĩ Tiến Dũng đã bỏ nhiều công sức không chỉ trong sáng tác cho Dàn nhạc CTM, mà còn biên soạn lại nhiều tác phẩm kinh điển của Bach, Händel, Haydn, Mozart, Beethoven… để tạo nên những âm sắc mới cho các tác phẩm ấy. Do đó, một nét độc đáo khác của CTM là trình tấu những tác phẩm của chính mình hoặc theo cách riêng dưới đũa chỉ huy của nhiều thế hệ nhạc trưởng như: Lê Hoàng Khứa, Ngọc Kôn, Trần Vương Thạch, Nguyễn Bách…

Đó là việc làm của ông từ những năm đầu của thập niên 1970 mà cho đến nay số người làm được điều này có lẽ chỉ đếm được trên một bàn tay. Việc các nhà soạn nhạc đương đại trên thế giới sử dụng những nhạc cụ ngoài quy ước để tạo nên những hiệu quả dàn nhạc mong muốn không còn gì là mới lạ nữa, nhưng họ vẫn thường dựa trên một cấu hình dàn nhạc quy ước để tạo nên âm sắc và chiều sâu tốt hơn.

Nét lạ và đẹp của CTM mà Linh mục – Nhạc sĩ Tiến Dũng đã dày công theo đuổi đó là chỉ dựa trên bộ dây để mang đặc tính của orchestra và ưu tiên cho các nhạc cụ tuy bất thường nhưng dễ kiếm và phù hợp với hoàn cảnh riêng.

Ra đời từ khoảng 50 năm trước, đến nay có thể sản phẩm từ CTM vẫn còn lạ lẫm, chưa được nhiều người tiếp nhận nhưng một điều không thể chối cãi là tính sáng tạo và tính dân tộc rất cao trong âm nhạc của Linh mục – Nhạc sĩ Tiến Dũng, người đã khai sinh ra một dàn nhạc Công giáo đúng nghĩa và độc đáo.

TS NGUYỄN BÁCH

>> Hát cộng đồng: Vì sao giáo dân không chịu mở miệng?