Những ca đoàn vang bóng một thời – Bài 3: Ca đoàn trở thành tên bộ lễ Seraphim

Ca đoàn Seraphim là nơi được Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa cho thử nghiệm hát bộ lễ Việt Nam đầu tiên do ngài viết. Vì thế ca đoàn cũng vinh dự được Đức cha lấy tên đặt cho bộ lễ.

Một ca đoàn được hình thành là do nhu cầu phụng vụ thánh nhạc và đôi khi do sự đan xen, thúc đẩy của nhiều yếu tố nội tại lẫn bên ngoài. Seraphim, ca đoàn kỳ cựu của nhà thờ Chính tòa Đà Lạt là một gương mặt như thế.

Ca đoàn Seraphim ngày nay.

Muốn tiếng hát phải hay như các thiên thần

Phải đề cập tới bối cảnh lịch sử dẫn tới sự ra đời của Ca đoàn Seraphim trên miền đất mù sương này. Trước biến cố tháng 7-1954, việc hát lễ tại Họ đạo Đà Lạt, tức nhà thờ Chính tòa ngày nay, do các em thiếu nhi, đa phần Pháp kiều, nội trú tại trường Nazaret, dòng Saint Paul đảm trách.

Ngôi thánh đường được khởi công năm 1931, hoàn thành 1942, cùng thời kỳ với việc xây dựng ga xe lửa, trường Lycee Yersin, Nha Địa dư Đông Dương, Viện Pasteur… góp phần định hướng một không gian đô thị ngay từ đầu đã đậm đặc hàm lượng văn hóa, đáp ứng công năng cho giấc mơ biến Đà Lạt thành thủ phủ liên bang Đông Dương của chính quyền thực dân Pháp.

Giấc mơ ấy không lâu sau bị gián đoạn trong lo âu khi đại quân Đức hừng hực tiến chiếm Paris mùa hè năm 1940 và hoàn toàn vỡ vụn khi Hiệp định Genève tháng 7-1954 đưa đến việc triệt thoái quân đội, viên chức và Pháp kiều khỏi Đông Dương. Tại Đà Lạt học sinh nội trú trường Nazaret cũng lục tục trở về Pháp, để lại những nốt lặng không dễ lấp đầy.

Sự cáo chung chế độ thuộc địa kéo theo sự tan rã Hoàng triều cương thổ dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều người Việt trên Cao Nguyên, phần lớn từ miền Bắc và miền Trung vào. Họ cùng nhau góp phần hình thành nên một diện mạo mới.

Nhà thờ luôn là điểm hội tụ những giáo dân ly hương, thanh thiếu niên họ đạo Đà Lạt dần được quy tụ vào các hội đoàn. Nổi bật là Legio Mariea với một Curia Junior cho giới trẻ gồm bốn tiểu đội. Các nhóm này cùng các nhóm khác như Hướng đạo, Thanh niên Công giáo… từng bước thay nhau phụ trách hát lễ, dần dà đưa đến sự hình thành Ca đoàn Seraphim vào năm 1958.

Vì sao có tên Seraphim? Cha Phêrô Trần Bảo Thạch, phó họ đạo giai đoạn ấy, giải thích: “Vì muốn tiếng hát của ca đoàn phải hay như tiếng hát của các thiên thần”. Cũng có thể lý giải thêm vài duyên cớ khác như do nòng cốt thuở ban đầu là tiểu đội Nữ vương các thánh Thiên thần vốn quy tụ nhiều giọng hát đậm đà sắc thái hoặc biết đâu còn tiềm ẩn nỗi luyến nhớ mơ hồ về một dàn đồng ca thiếu niên Pháp trong trẻo, từng bay cao trong thánh đường, nay chìm dần vào hoài niệm.

Ca Đoàn Seraphim là một trong số rất ít ca đoàn đã mạnh dạn sử dụng các phương tiện truyền thông để giới thiệu thánh nhạc đến rộng rãi công chúng.

Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum năm 1960 của Tòa Thánh thiết lập phẩm trật Giáo hội Việt Nam sẽ biến Đà Lạt thành một giáo phận mới và nhà thờ Họ đạo Đà Lạt từ nay thành Nhà thờ Chính tòa. Ca đoàn Seraphim tiếp tục lớn mạnh để rồi có cơ hội được gắn chặt với vài sự kiện khó quên trong nền thánh ca Việt Nam.

Về chuyên môn, giai đoạn này các nhóm hát và ca đoàn được hướng dẫn bởi Linh mục – Nhạc sĩ Rôcô Trần Hữu Linh (Phương Linh) và thầy giáo Nhạc sĩ Khổng Vĩnh Thành. Khoảng năm 1962 – 1963 có thêm ông Nguyễn Đức Lưu, xuất thân từ ca đoàn Hồn Nước lên Đà Lạt làm việc, tham gia cộng tác giúp Seraphim có bước nhảy vọt về kỹ thuật hợp xướng.

Cùng Đức cha Hòa ca đoàn cất cánh

Ngày 17-8-1963, Giáo xứ Chính tòa đón nhận một linh mục còn khá trẻ trở về từ giáo đô, cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa vừa tốt nghiệp tiến sĩ thần học, Đại học Propaganda Fide và cử nhân Thánh nhạc, Học viện Giáo hoàng về Thánh nhạc. Cha được cử làm phó xứ kiêm Hiệu trưởng Trường Trí Đức.

Lương duyên kỳ ngộ bắt đầu từ đây giữa một linh – mục nhạc sĩ tài năng muốn đem hết sở học cống hiến cho nền thánh nhạc non trẻ sau Công đồng.

Cha gọt dũa, nâng tiếng hát Seraphim lên một nấc mới. Khi được Đức giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục tiên khởi giáo phận Đà Lạt, “đặt hàng” cho bộ lễ đầu tiên bằng tiếng Việt theo tinh thần cải tổ của Công đồng Vaticano II, ngay lập tức cha bắt tay vào việc.

Ca đoàn Seraphim được vinh dự hát thử nghiệm, thâu âm vào một cuốn băng cassette để Đức Giám mục, quý cha Ban Giám đốc Giáo hoàng Học viện, Đại học Đà Lạt… phúc khảo. Mọi người đều đồng ý và bộ lễ này được Ca đoàn Seraphim chính thức hát tại nhà thờ Chính tòa Đà Lạt từ năm 1964. Bộ lễ sau đó được Đức Giám mục bản quyền Imprimatur ngày 6-8-1965 rồi nhanh chóng lan tỏa trường tồn đến tận hôm nay. Không chỉ trong nước mà ngay cả mọi chân trời góc bể xa xôi, hễ nơi nào có cộng đoàn Việt Nam là ở đó có Kinh Thương xót, Vinh danh… của bộ lễ Seraphim.

Bìa Thánh ca Seraphim

Trong một bài viết tháng 9-2011 Đức cha Phaolô Hòa kể lại: “Do gợi ý của mấy anh chị ca đoàn, tôi đặt tên tác phẩm này là Bộ lễ Seraphim”. Mùa Phục sinh năm 1965 cũng theo đề nghị của Đức cha Simon Hòa, cha hoàn thành các bài Thương khó và Exsultet (Mừng vui lên) mà đến nay vẫn được sử dụng trong phụng vụ.

Nếu bộ lễ và Ca đoàn Seraphim có chút gì đó ngẫu nhiên thì đến năm 1967 Seraphim đã chứng tỏ tinh thần tiên phong thực sự của mình qua việc thâu âm, phát hành đĩa hát Thánh ca Seraphim 1.

Hợp tuyển này gồm sáu bài hát quen thuộc mùa Giáng sinh do Linh mục – Nhạc sĩ Phaolô Nguyễn Văn Hòa chỉ huy, Linh mục – Nhạc sĩ Rôcô Phương Linh đệm đàn, thu âm bằng máy magnétophone tại gian chính nhà thờ, mang về Sài Gòn cho hãng đĩa Asia (Sóng Nhạc) thực hiện thành đĩa hát 33 tours.

Thành công vang dội đến nỗi năm sau đích thân ông Nguyễn Tất Oanh, Giám đốc Sóng Nhạc lên Đà Lạt tổ chức thâu âm và mua lại bản quyền để tái bản Thánh ca Seraphim 1 đồng thời với việc phát hành Thánh ca Seraphim 2.

Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt là nơi có độ âm vang tuyệt vời mà không phải kiến trúc thánh đường nào cũng có. Chính cha Phaolô, sau này là Giám mục Giáo phận Nha Trang thường nhắc đến cái độ vang kỳ diệu đó mỗi khi có dịp.

Không chỉ thánh nhạc, Seraphim giai đoạn này còn tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực như phát thanh Công giáo, giao lưu văn hóa, thi đấu thể thao, thiện nguyện xã hội… và luôn đạt nhiều kết quả vượt trội.

Ghé xứ sở sương mù nghe Seraphim
Nếu trước đây chỉ có một ca đoàn duy nhất thì quá trình phát triển suốt 40 năm qua đưa đến việc lần lượt hình thành thêm nhiều ca đoàn mới. Có tới sáu ca đoàn phụ trách năm thánh lễ ngày Chúa nhật và chiều thứ Bảy. Mỗi dịp đại lễ ca viên các ca đoàn lại hợp thành ca đoàn giáo xứ. Tuy mỗi ca đoàn ít nhiều có sắc thái riêng nhưng xem ra các yếu tố đặc hữu của miền đất này tạo sự đồng chất không dễ phân biệt.
Nếu ghé thăm nhà thờ Chính tòa Đà Lạt những ngày cuối tuần xin mời bạn tham dự một thánh lễ nơi đây. Khi những nhiễu động thường nhật của bạn và của cả những người hát bỗng nhiên bị bỏ lại sau lưng, rất có thể chúng ta sẽ được chìm đắm vào một biển thanh âm dạt dào nhưng tinh tế là thứ đã làm nên bản sắc cho Seraphim một thời vang bóng.

NGUYỄN ĐÌNH SỸ

> Bài 2: Trùng Dương: Nửa thế kỷ thăng trầm (opens in a new tab)”>>> Bài 2: Trùng Dương: Nửa thế kỷ thăng trầm