Giai thoại thánh ca: Seraphim – Bộ lễ tiếng Việt thành công nhất

Đức cố Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa đã yên nghỉ trong Chúa nhưng với bộ lễ Seraphim, dường như ngài vẫn hiện diện với người Công giáo Việt Nam qua từng thánh lễ.


Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa và Đức cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục GP Nha Trang

Nếu thế giới có các bài thánh ca được nhiều người biết đến như Stille Nacht, Heilige Nacht (Gruber-Mohr), Panis Angelicus (Franck), Ave Maria (Bach- Gounod), Stabat Mater (Pergolesi) thì ở Việt Nam, bộ lễ Seraphim của cố Giám mục Nguyễn Văn Hòa có lẽ là tác phẩm thánh ca được nhiều người Công giáo thuộc và sử dụng nhất. Dù tác giả đã vĩnh viễn ra đi, an nghỉ trong Chúa nhưng dường như vị giám mục nhạc sĩ ấy luôn hiện diện trong từng thánh lễ của người Công giáo Việt Nam.

Đón gió việc Giáo hội cho hát lễ bằng tiếng bản xứ

Với tôi, Đức cha Hòa là hình ảnh của một vị chủ chăn hiền lành, dễ gần gũi. Khi biết tin tôi vừa trình thành công luận án về nhạc hợp xướng miền Nam, ngài đã là người đầu tiên gửi email chúc mừng và nói rất chân thành “có dịp, anh gửi cho tôi một bản copy nhé”.

Qua một vài email tiếp theo với ngài, tôi được biết về hoàn cảnh ra đời của bộ lễ Việt Nam thành công nhất, đáp ứng yêu cầu “giúp giáo dân tham gia tích cực vào các nghi lễ phụng vụ” của Hiến chế Phụng vụ mà Công đồng Vaticano II công bố không lâu trước đó.

Bộ lễ Seraphim không chỉ phổ biến nhiều trong thánh nhạc Việt Nam nhưng còn hấp dẫn các nhạc sĩ, nhà âm nhạc học thế giới, trong đó có Bernard Rikkert de Koe ở TP Utrecht (Hà Lan), một nghệ sĩ organ nổi tiếng thế giới. Ông đã xin phép để viết bản đệm đàn cho các phần trong bộ lễ này.

“Sắp tới Giáo hội sẽ cho hát lễ bằng tiếng bản xứ, cha liệu đặt nhạc cho tôi Kinh Thương Xót, Vinh Danh…”, lời đặt hàng của Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Đà Lạt lúc bấy giờ, khoảng cuối năm 1963. Không phải cái lạnh của phố núi làm vị linh mục trẻ 32 tuổi – một cử nhân thánh nhạc tốt nghiệp ở Roma mới về nước run, mà cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà đang run trước nhiệm vụ quá khó khăn.

Khó khăn đầu tiên cho cha Hòa là dùng bản văn nào để dệt nhạc vì lúc đó chỉ mới có bản văn không chính thức do Nhà Xuất bản Hiện Tại, Sài Gòn tái bản năm 1962. Tuy nhiên, sau hội nghị thường niên của các giám mục Việt Nam năm 1964 được tổ chức tại Sài Gòn ít lâu, cha Hòa đã nhận được bản dịch phần Thường lễ do Ủy ban Phụng tự toàn quốc thực hiện.

Với nhiệt huyết và cảm hứng của một nhạc sĩ được nuôi dưỡng, học tập trong môi trường nhạc bình ca, ngài không cảm thấy khó sáng tác như suy nghĩ ban đầu mà viết liền một mạch, không gián đoạn. Nhưng để hoàn tất, cha Hòa phải sửa đôi chỗ theo bản dịch mới cập nhật từ Sài Gòn gửi đến.

Bộ lễ mang tên một ca đoàn

Vào thời đó, nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt có ca đoàn Seraphim hát rất hay, nổi tiếng cả nước với những đĩa than 331/2 thu các bài thánh ca và ca khúc hợp xướng của Hải Linh như Hang Bê-lem, Đà Lạt trăng mờ… Khi sáng tác xong bộ lễ Việt của mình, cha Hòa đã nhờ một số anh chị trong ca đoàn này thu vào băng cassette. Do đó bộ lễ được đặt tên là Seraphim.

Đức cha Hiền, một số cha trong Giáo hoàng Học viện Pio X và vài cha ở những nơi khác của Đà Lạt khi nghe băng cassette này đã không có góp ý gì và đồng ý cho sử dụng.

Cha Ngà cho phổ biến đầu tiên tại nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt từ năm 1964. Giáo dân ở đây đã nhanh chóng thuộc bộ lễ có giai điệu vừa gần gũi với thang âm truyền thống Việt Nam, vừa thánh thiện của cung hát bình ca. Từ đó bộ lễ Seraphim nhanh chóng được phổ biến và đón nhận rộng rãi đến ngày nay, với một số thay đổi nhỏ theo bản dịch năm 2005 của Hội đồng Giám mục Việt Nam và vài chỗ chỉnh sửa về việc ngân dài ở cuối những câu nhạc cho phù hợp hơn.

TS NGUYỄN BÁCH

>> Linh mục – Nhạc sĩ Ân Đức và bài Dấu ấn tình yêu viết trên nông trường Củ Chi