Nuôi dưỡng ơn gọi trong môi trường giúp lễ

Có một câu chuyện thật hay về cậu bé Dominic Savio (1842-1857). Chưa đủ sáu tuổi mà cậu đã khao khát được làm công việc giúp lễ cho cha xứ. Sau này cậu bé được phong thánh.

Savio rất sung sướng khi được cha mẹ và cha xứ đồng ý cho cậu giúp lễ. Một buổi sáng mùa Đông có tuyết rơi, người coi cửa ra mở cửa nhà thờ đã phải bỡ ngỡ khi thấy cậu bé giúp lễ tí hon đang quỳ ngoài cửa cầu nguyện…

Vì câu chuyện trên mà hầu hết các nhóm giúp lễ (hoặc còn gọi là nhóm lễ sinh hay nhóm thiếu nhi cung thánh) ở các nhà thờ tại Việt Nam đều nhận Savio làm thánh bổn mạng, như để nhắc nhở các em giúp lễ phải phục vụ với tinh thần hi sinh, đơn sơ, cầu nguyện như thánh nhân. Ngoài ra, việc tham gia nhóm giúp lễ cũng là bước đầu nuôi dưỡng ơn gọi nơi nhiều em từ độ tuổi thiếu niên.

Việc tham gia nhóm giúp lễ cũng là bước đầu nuôi dưỡng ơn thiên triệu. Ảnh minh họa: Phạm Tân

Mấy ai giúp lễ mà không ăn vụng… bánh lễ

Một buổi chiều mùa Hè năm tôi 10 tuổi, ba tôi đến trường đón tôi về như thường lệ. Hôm nay không giống như ngày thường vì chiều nay là buổi giúp lễ đầu tiên của tôi. Tôi đã được anh trưởng nhóm giúp lễ và người bạn giúp lễ cùng tập dượt rất kỹ lưỡng nhưng vẫn rất run. Thánh lễ chiều hôm đó diễn ra và mọi sự tốt đẹp.

Thời gian sau đó thật vui mỗi khi đi lễ. Trước thánh lễ có giờ đọc kinh phụng vụ của cộng đoàn thì các thành viên nhóm giúp lễ phải vô nhà thờ cùng đọc kinh chung, chứ không được chơi thoải mái như thường lệ ở sân lớn trước cửa nhà thờ. Các buổi họp nhóm mỗi tuần thì không khí lúc nào cũng ồn ào, vui vẻ.

Thế nhưng chợt nhớ lại thì từ hồi tham gia nhóm giúp lễ thì bản thân tôi bắt đầu học rất nhiều… tính xấu chứ không còn ngây thơ như trước. Như nhiều lần tôi đã cùng một anh bạn ăn vụng bánh lễ, hay trộm rượu lễ uống thử cho biết, đi đứng trong nhà thờ thì không còn nghiêm trang như trước mà cứ như nhà mình vậy…

Những chuyện tiêu cực như thế thì kể hoài không hết, và có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. Như có anh bạn giúp lễ tại một nhà thờ ở Dốc Mơ, Gia Kiệm kể là có lần bắt được con chim nhỏ. Anh ta mang đi lấy nến trong phòng áo lễ nướng ăn và còn trộm rượu lễ ngồi nhậu nữa, sau đó tệ hơn là lấy… nước xá xị đổ vô bình rượu lễ bù lại số rượu đã trộm. Còn nhiều tật xấu khác của dân giúp lễ mà xét tội thì không nhỏ chút nào.

Trưởng nhóm giúp lễ nên là người đang có ơn gọi thiên triệu

Ở các giáo xứ, đoàn thiếu nhi Thánh Thể là nguồn cung cấp thành viên, là các em thiếu niên cho hai nhóm nhỏ là ca đoàn thiếu nhi và nhóm giúp lễ. Trưởng nhóm giúp lễ thường là các anh lớn đã tham gia giúp lễ lâu năm.

Thư 1994 của Bộ Bí tích và Phụng tự nhắc nhở: “Luôn luôn rất thích hợp là theo truyền thống cao thượng dùng con trai giúp lễ. Điều này dẫn tới việc bảo đảm phát triển các ơn gọi linh mục”.

LM Edward McNamara, Giáo sư Phụng vụ tại Đại học Giáo hoàng Regina Apostolorum

Nhưng các anh này vẫn ở độ tuổi thanh niên, tuổi teen dễ “nổi loạn”, tâm lý không ổn định, nên kéo theo văn hóa nhóm giúp lễ không duy trì được cung cách nghiêm trang, không toát lên vẻ đẹp của những con người gần cung thánh, gần bàn thờ nhất.

Vị trí trưởng nhóm giúp lễ nên trao cho một thanh niên đang theo ơn gọi, hoặc một tu sĩ nam hoặc nữ đang hoạt động thường trực ở giáo xứ, hoặc một người lớn tuổi có kinh nghiệm về giáo dục để hướng dẫn cung cách đi đứng, ứng xử cho các em.

Những buổi họp nhóm mỗi tuần không chỉ có phân công giúp lễ cho các em mà còn thêm nhiều phút rút kinh nghiệm từ những thiếu sót, những sự cố ngoài ý muốn trên cung thánh, hay học hỏi từ những bạn có biểu hiện tốt lành như đi lễ sớm vào nhà thờ cầu nguyện, không phản ứng gây chia trí khi có ruồi bu muỗi đậu…

Với những điều mong muốn như trên, tôi mong rằng các nhà thờ sẽ có nhóm giúp lễ thành thục các nghi thức phụng vụ, toát lên vẻ thánh thiện để cộng đoàn dâng lễ sốt sắng hơn, bình an hơn.

Nữ giúp lễ có thể làm nam chia trí (?!)
Vì sự quậy phá của các em nam mà nhiều nhà thờ chọn các em nữ bổ sung vào nhóm giúp lễ. Từ thập niên 90, nhiều nhà thờ ở Sài Gòn đã cho các em nữ giúp lễ. Có nơi quy định các em nữ để tóc tém để trông gọn gàng hơn trên cung thánh.
Cũng thời gian này thì tôi có nghe nói có nhà thờ ở Đà Lạt chỉ cho các em nữ giúp lễ thôi, thậm chí vẫn giúp lễ khi đã là thiếu nữ. Dĩ nhiên là khi có các em nữ tham gia giúp lễ thì các điều tiêu cực nêu trên hoàn toàn không xảy ra.
Kinh Ăn Năn Tội có câu “Con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng . Amen”, nên theo thiển ý của tôi, việc thiếu nữ đi qua đi lại trên cung thánh là điều nên tránh đi như một dịp tội, làm cớ vấp phạm cho phái nam tham dự thánh lễ bên dưới. Các em nữ khi đã qua tuổi 12 thì nên phục vụ ở các vị trí khác như hát ca đoàn, dạy giáo lý, cắm bông… hoặc vẫn có thể ở lại nhóm giúp lễ với công việc quản lý và đào tạo các em nhỏ tuổi hơn.

LINH TRIỀU

>> Bảo tồn văn hoá Công giáo – Bài 1: Xây cho “nở mặt nở mày” với thiên hạ