Những ca đoàn vang bóng một thời – Bài 4: Hồn Nước – Chuyên nghiệp cả trong đạo, ngoài đời

Hồn Nước là một trong số rất ít ban hợp xướng Việt Nam phát hành sản phẩm dưới dạng cả băng cassette lẫn băng cối. Ca đoàn còn góp phần đưa thể loại hợp xướng đề tài văn học dân gian Việt Nam đến gần công chúng hơn.

Tuy đã quên nhiều thứ, nhưng cũng có một số sự kiện dù đã diễn ra từ lâu nhưng không bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi. Ngày còn bé, sau khi đi lễ sáng Chúa nhật đầu tháng 11 với gia đình tại nhà thờ Huyện Sỹ về, ngang công viên trước tòa Đô chánh Sài Gòn, tôi chứng kiến một đám rất đông người như biểu tình nhưng khác ở chỗ không có tiếng hô hào, gào thét mà nghe vang lên bài thánh ca qua tiếng hát của mọi người có mặt tại đó: “Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam, trời u ám chiến tranh điêu tàn…”.

Tôi nghe ba mẹ nói với nhau: “Đảo chánh rồi!”. Vài năm sau, khi vào đệ tử viện Lasan, được tập những bài thánh ca hợp xướng, tôi mới biết rằng tác giả bài hát mà tôi nghe dân chúng hát vang năm đó chính là một trong những cánh chim đầu đàn của thánh ca Việt Nam: Nhạc sĩ Hải Linh.

Ca đoàn Hồn Nước cùng với nhạc sĩ Hải Linh năm 1972. Ảnh tư liệu

Ca đoàn không tập hát trong… nhà thờ

Trở về nước sau một thời gian du học tại Pháp, ngoài việc tham gia giảng dạy bộ môn hợp ca cho Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, phát triển nhạc đoàn Sao Mai cùng với Linh mục – Nhạc sĩ Vũ Đình Trác, Hải Linh còn thành lập một ban hợp xướng, thường được gọi là Ca đoàn Hồn Nước.

Tuy gọi là ca đoàn, nhưng Hồn Nước lại ra mắt khán thính giả Sài Gòn một cách long trọng tại rạp Olympic nhân mùa Giáng sinh, đúng vào ngày 23-12-1957. Thật ra nửa năm trước, ca đoàn này đã có buổi ra mắt không chính thức tại một rạp hát nhân ngày phát phần thưởng của Trường Nguyễn Bá Tòng (nay là Trường Bùi Thị Xuân, Quận 3).

Sau đó, vào năm 1958, tại Thảo cầm viên Sài Gòn, Hồn Nước đã có buổi diễn chung với ban nhạc hòa tấu New York của Nhạc trưởng Sherman. Trong lần trình diễn này, bản hợp xướng Đà Lạt trăng mờ đã vang lên và được nhiều người Sài Gòn biết đến.

Đến năm 1959, tại Đại hội Thánh mẫu Toàn quốc ở Sài Gòn, có sự hiện diện của Đức Hồng y Agagianian, đặc sứ của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII và nhiều giám mục Á châu, ca đoàn Hồn Nước dưới sự điều khiển của ca trưởng Hải Linh đã đảm nhận phần hát trong thánh lễ trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.

“Hồn Nước là một trong những ca đoàn đã góp phần rất lớn trong việc tôn vinh Thiên Chúa, giới thiệu một phong cách hát thánh ca thật có hồn”.

Theo Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua, Ủy ban Thánh nhạc – HĐGM VN.

Có thể nói đây là một dàn hợp xướng đầu tiên của Việt Nam trình diễn đầy tính nghệ thuật, góp phần vào không chỉ cho thánh nhạc mà còn cho nghệ thuật hợp xướng của đất nước. Một ca đoàn nhưng lại ra mắt ở rạp hát và không tập hát tại nhà thờ mà ở trường Nguyễn Bá Tòng vào mỗi Chúa nhật.

Năm 1961, Hồn Nước có một giai đoạn im ắng vì người sáng lập rời quê hương sang định cư tại Hoa Kỳ cùng với gia đình. Tám năm sau, Nhạc sĩ Hải Linh quay trở về Việt Nam như “một quyết định khôn ngoan và hợp lý, không còn lựa chọn nào khác” (theo Nhạc sĩ Nhị Long, một học trò rất thân cận với Nhạc sĩ Hải Linh).

Cũng theo Nhạc sĩ Nhị Long, “Tôi còn nhớ rất rõ vào một buổi trưa năm 1970, sau khi dạy ở Lasan Taberd về nhà thờ Mạc-ti-nho, đang dựng xe để vào phòng nghỉ ăn trưa thì cha Hoàng Kim từ trên lầu nói vọng xuống thật lớn với vẻ thật phấn khởi: Nhị Long ơi, Hải Linh đã về tới Sài Gòn này rồi”.

Tất nhiên, một trong những công việc đầu tiên của ông là củng cố lại ca đoàn Hồn Nước.

Năm 1971, vào ngày lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ, ca đoàn Hồn Nước lại một lần nữa ghi dấu ấn khó quên khi xuất hiện trong đại hội Thánh nhạc Toàn quốc lần đầu tiên, do hai linh mục là Nhạc sư Tiến Dũng và Nhạc sĩ Gioan Nguyễn Văn Minh tổ chức tại hội trường lớn của trường Lasan Taberd.

Với sự kết hợp cùng cả trăm ca viên của ban hợp xướng liên tu sĩ, gồm các đại chủng sinh Sài Gòn, đại diện các dòng tu nam – nữ, ca đoàn Hồn Nước đã trình diễn tác phẩm Công giáo xuất sắc của Hải Linh: Giáo trường ca Ave Maria.

Hồn Nước gắn liền với tên tuổi ca trưởng Hải Linh

Những năm sau đó đến trước khi ngừng hoạt động vào tháng 4-1975, ca đoàn Hồn Nước vẫn hoạt động như một trong khá ít ban hợp xướng của Việt Nam có tính chuyên môn cao, dưới sự dẫn dắt của một ca nhạc trưởng được đào tạo chính quy, không chỉ có tài chỉ huy mà còn là một nhạc sĩ có những sáng tác thánh nhạc cũng như thế tục xuất sắc.

Ca đoàn Hồn Nước gắn liền với tên tuổi ca trưởng Hải Linh như một thực thể. Với những tác phẩm của Hải Linh như Đà Lạt trăng mờ, Thằng Bờm, Cóc quân, Lòng mẹ (chỉ dùng một phần ca từ của Nhạc sĩ Y Vân), Duyên kỳ ngộ,… ca đoàn Hồn Nước trở thành ban hợp xướng Công giáo đầu tiên không chỉ hát nhạc nhà thờ mà còn góp phần đưa thể loại hợp xướng với đề tài văn học dân gian đậm chất Việt Nam đến với công chúng trong cũng như ngoài Công giáo.

Mặt trước hộp băng Một giờ hợp ca số 1 của Hồn Nước. Ảnh tư liệu

Hoạt động nghệ thuật của Hồn Nước còn rất cập nhật và hiện đại. Từ năm 1965, băng cassette mới được phổ biến trên thế giới. Vậy mà vào năm 1973, ca đoàn Hồn Nước đã cho ra đời băng cassette đầu tiên mang tên Một giờ hợp ca số 1.

Sản phẩm âm nhạc này được thu âm vào băng cối (hay băng ma-nhê – bande magnétique) và cả băng cassette. Qua đó, người nghe không chỉ được thưởng thức bốn bản thánh ca hợp xướng mà còn cả bốn ca khúc hợp xướng thế tục “đậm tính dân tộc, đầy tràn hồn nước”.

Đến năm 1974, Một giờ hợp ca số 2 ra đời với hứa hẹn sẽ có số 3, số 4. Đáng tiếc là dự án này đã phải dừng lại. Hai sản phẩm này của Hồn Nước đều được thực hiện với loại băng cassette thời lượng 60 phút.

Tuy ngừng hoạt động kể từ sau năm 1975, nhưng tinh thần quê hương của ca đoàn Hồn Nước và Ca trưởng Hải Linh vẫn được duy trì trong các thế hệ học trò của ông. Đặc biệt là sự ra đời của ca đoàn Quê Hương của Linh mục – Nhạc sĩ Xuân Thảo (một trong những học trò xuất sắc của Nhạc sĩ Hải Linh). Ca đoàn này vẫn còn hoạt động mạnh mẽ cho đến ngày nay.

Có thể nói, các ca đoàn Hồn Nước, Seraphim là trong số rất ít ban hợp xướng Việt Nam đầu tiên có sản phẩm âm nhạc được phát hành ở dạng băng này. Tuổi thiếu niên của tôi qua đi không chỉ trong thế giới nhạc trẻ của Sài Gòn trước năm 1975 mà còn gắn liền với các đĩa nhựa của ca đoàn Seraphim, những bài thánh ca vào đời của ban Alleluia (Dòng Chúa Cứu Thế) và băng cassette Một giờ hợp ca của ca đoàn Hồn Nước.

Khó khăn khi đi tìm nhân sự
Khi đi tìm nhân sự ban đầu cho ca đoàn Hồn Nước, Nhạc sĩ Hải Linh đã định sử dụng các chủng sinh thuộc Tiểu Chủng viện Phanxicô Bùi Chu di cư (cạnh nhà thờ Huyện Sỹ). Nhưng còn bè nữ thì sao? Vào thời điểm này, sự kiện các thành viên nam – nữ cùng hát trong một ca đoàn chưa được xem là bình thường. Cuối cùng, các ca viên đầu tiên của Hồn Nước đều là người bên ngoài nhà tu.
Nhưng nếu trong lần ra mắt, thành viên nữ là vấn đề khó khăn về nhân sự, thì trong lần tái hợp vào năm 1970 Ca trưởng Hải Linh có rất nhiều cơ hội để lựa chọn. Trong thời gian đầu khi về lại Việt Nam, ông được Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi (Chí Hòa) dành cho một nơi ở tạm thời tại Trường Mân Côi gần đó. Và thật may mắn khi nhạc sĩ được phép tuyển chọn 30 em trong số 300 em nữ sinh dự tu để bổ sung cho Hồn Nước.

NGUYỄN BÁCH

>> Bài 1: Ca đoàn Đắc Lộ Trẻ: Châm ngòi lửa phong trào thánh ca trẻ

>> Bài 2: Trùng Dương: Nửa thế kỷ thăng trầm

>> Bài 3: Ca đoàn trở thành tên bộ lễ Seraphim