Đạo Phục sinh, con đường đưa tới sự sống

Đạo chúng ta là đạo Phục sinh, chết đi và sống lại, chết cho tội lỗi và sống theo Chúa.

Đạo Phục sinh là một kiểu nói mới được phục hồi từ ít lâu nay, để diễn tả một thực tại vô cùng phong phú bấy lâu bị chìm sâu trong kho tàng truyền thống của Hội Thánh.

Kiểu nói này đã được Hiến chế Phụng vụ của Công đồng Vaticano II làm cho sống lại, để phơi bày ra ánh sáng địa vị chính yếu của mầu nhiệm phục sinh trong đời sống Ki-tô hữu.

Đạo Phục sinh cũng là đạo thanh luyện con người qua con đường đau khổ để tiến tới vinh quang

Đạo Phục sinh là đạo xoay quanh cái chết và sự sống lại

Hiến chế Phụng vụ viết: “Sự nghiệp cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Chúa Cha cách hoàn toàn là do Đức Ki-tô đã chính thức hoàn thành, nhờ mầu nhiệm Phục sinh qua cái chết, sự sống lại và lên trời của Người. Khi chết, Người đã phá hủy cái chết của chúng ta và khi sống lại, Người đã phục hồi sự sống cho chúng ta”. (HCPV số 5).

Theo đó, ta thấy đạo Phục sinh là đạo tập trung quanh Đức Ki-tô, dựa vào cái chết ô nhục và sự sống lại vinh hiển của Người. Ô nhục và vinh hiển là hai thực tại trái ngược nhau. Thế mà hai thực tại đó lại qui tụ nơi Đức Ki-tô.

Người đã chịu đau khổ và được vinh quang, đã chết và đã sống lại: “Đức Ki-tô đã chẳng phải chịu đau khổ để bước vào vinh quang ư? (Lc 24,26). “Con người phải chết và ngày thứ ba sống lại” (Mc 8,21 ; 9,31, 10,24).

Vì thế, đạo Phục sinh cũng là đạo thanh luyện con người qua con đường đau khổ để tiến tới vinh quang. Đó chính là niềm vui, nguồn hy vọng và sự phấn khởi cho mọi tín hữu, vì như Thánh Phao-lô nói: “Nếu Đức Ki-tô đã không sống lại thì lời giảng của chúng tôi và đức tin của anh em cũng trống rỗng… Nếu chỉ vì đời này mà đặt hy vọng nơi Đức Ki- tô thì chúng ta là những kẻ khốn nạn nhất trong loài người” (1 Cr 15,13-19).

Như vậy, biến cố Đức Giê-su chịu chết và sống lại là trung tâm điểm của cuộc đời Ki-tô hữu và đạo Phục sinh là đạo xoay quanh hệ điểm cái chết và sự sống lại của Người.

Hàng tuần, ngày Chúa nhật, tín hữu tham dự thánh lễ là họ công bố cuộc chiến thắng của Đức Ki-tô trên cái chết và sự tội

Ta cần nhớ lại cuộc xuất hành của dân Israel qua Biển Đỏ (Xh 14,15-30) tiến vào Đất Hứa và đặt tương quan giữa cuộc thoát ly Ai Cập với Phép Rửa mới hiểu được ý nghĩa thâm thúy của việc Đức Ki-tô sống lại.

Chúa sống lại để giải thoát các tín hữu cũng như xưa đã giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập. Người đã đem con người từ bóng tối ra ánh sáng, từ cái chết đến sự sống (1 Ga 3,14).

Tín hữu đã chết với Đức Ki-tô khi chịu Phép Rửa. Đó là chết cho thế gian (1 Ga 2,16), cho tội lỗi và những đam mê bất chính (Rm 6,12) đồng thời cũng là sống lại với Người (Cl 2,12; Rm 6,4). Phép Rửa là con đường cứu sống cho những người tin Chúa, nhờ đó, họ thoát cảnh nô lệ tội lỗi, sống đời tự do của con cái Thiên Chúa.

Nhờ đâu mà được như thế? Thưa chính là nhờ cái chết và sự sống lại của Đức Ki-tô. Bởi đó, nguồn mạch ơn cứu độ phát sinh từ thánh giá phục sinh của Người. Thánh giá và phục sinh không thể tách biệt nhau. Đó là hai mặt của một mầu nhiệm duy nhất là mầu nhiệm phục sinh.

Hàng tuần, ngày Chúa nhật, tín hữu tham dự thánh lễ là họ công bố cuộc chiến thắng của Đức Ki-tô trên cái chết và sự tội, ngày tưởng niệm cuộc sống lại vinh hiển của Người.

Hàng năm khi vào Mùa Chay, để chuẩn bị mừng lễ Phục sinh là chúng ta chuẩn bị họp mừng ngày giải thoát và chiến thắng của chính mình, nhờ công ơn cứu chuộc của Chúa Giê-su.

Sau này, khi được đi đón Người ngự đến trong vinh quang là lúc thân xác yếu hèn của chúng ta được mặc lấy thân xác vinh hiển để tiến vào vương quốc của Người (Rm 8,22; Pl 3,10.20). Lúc ấy, chúng ta được sống cuộc đời vô tận, ở đó rộn rã tiếng vui ca không cùng (Mt 26,29; Lc 12,16).

Sống đạo vì hiểu biết và mến Chúa chứ không phải vì sợ hãi

Chung qui, cuộc đời của tín hữu trước sau vẫn là hướng về mầu nhiệm Phục sinh, vì ơn cứu độ và phúc trường sinh tùy thuộc ở đó. Đối với mỗi người, Thiên Chúa có một chương trình và dự định riêng. Chương trình đó là ai nấy nhận biết Thiên Chúa và Đấng mà Người đã sai đến thế gian để được sống muôn đời (Ga 17,3).

Chúng ta có một sự nghiệp phải hoàn thành. Sự nghiệp đó là chiếm lãnh cho kỳ được Nước Thiên Chúa mà Chúa đã hứa cho những ai trung thành và tuân giữ lời Người (Mt 8,44). Nếu lơ là công việc đó là chúng ta làm mất ý nghĩa và lạc xa cùng đích của đời mình. Mà muốn thực hiện công trình này, tất nhiên không thể không sống mầu nhiệm Phục sinh.

Vì thế, đạo của chúng ta phải là đạo chết đi và sống lại song hành với nhau trong cuộc đời: Chết cho tội lỗi và sống theo Chúa, sống đạo vì hiểu biết và mến Chúa chứ không phải vì sợ hãi hay bị ép buộc.

Cuối cùng, lời nhắn nhủ sau đây của Thánh Phao-lô sẽ phác họa cho chúng ta một mẫu đạo phục sinh để thực hiện:

“Anh em đã trỗi dậy từ cõi chết cùng với Đức Ki-tô nên anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.

Thật vậy, anh em đã chết với Đức Ki-tô và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống mới của chúng ta xuất hiện, anh em cũng sẽ được xuất hiện với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,1-4).

LM AN-RÊ ĐỖ XUÂN QUẾ, OP

>> Cây Thánh giá và chiếc xe đạp của tuyển thủ Út tâm