50 năm Công đồng Vaticano II

Hơn 50 năm đã qua nhưng giáo lý và tinh thần của Công đồng vẫn tồn tại và tiếp tục gây ảnh hưởng trên đời sống của Hội Thánh.

Năm nay cũng là năm nhiều nơi trên thế giới tổ chức kỷ niệm long trọng sự kiện này để rút ra những bài học, hầu làm cho tư tưởng của Công đồng thêm thấm đượm và sâu sắc.

Ngày khai mạc Công đồng ở Quảng trường thánh Phê-rô. Ảnh tư liệu

Sức mạnh cho tương lai Hội Thánh

Hội đồng Giám mục Pháp đã họp tại Lộ Đức hai ngày 24 và 25-3-2012 để mừng kỷ niệm sự kiện lẫy lừng này. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI cũng đã gửi điện chúc mừng. Trong lời chúc mừng, ngài viết: “Công đồng Vaticano II đã là và còn là một dấu hiệu đích thực của Chúa cho thời đại chúng ta. Nếu chúng ta biết đọc và đón nhận dấu hiệu ấy theo truyền thống của Hội Thánh và dưới sự hướng dẫn chắc chắn của huấn quyền thì Công đồng sẽ luôn luôn trở thành một sức mạnh lớn lao cho tương lai của Hội Thánh” (La Documentaton Catholique ngày 5.5.2012).

2.386 nghị phụ hiện diện trong buổi khai mạc trong số 2.778 vị, gồm các thượng phụ, bề trên dòng tu cao cấp được mời tham dự. Các vị đến từ 136 quốc gia. Tính theo tỉ lệ thì Âu châu chiếm 38%, Mỹ châu 31%, Phi châu 10%, Á châu và Úc châu 21%.

Thật vậy, Công đồng là kho tàng mênh mông chứa đựng những giá trị tinh thần về nhiều mặt cho mọi người khai thác, tuy mức độ thâm nhập các tư tưởng chưa đồng đều nơi mỗi người và mỗi Hội Thánh địa phương. Vì thế, linh mục Gilles Routhier đã đặt câu hỏi trongbài “50 ans après VaticanII, quereste-t-il à mettre en oeuvre? ” (Còn lại tác phẩm gì sau 50 năm Vaticano II ?). Theo tác giả, còn phải vận dụng hai việc chính yếu là tìm hiểu cho thật kỹ Công đồng và tìm cách khai thác triệt để gia tài phong phú do Công đồng để lại.

Những trực giác chỉ đạo của Công đồng liên quan đến thái độ, cung cách hành xử, lề lối thực hành và cách thức tổ chức vẫn còn sức hướng dẫn Hội Thánh. Chẳng những Hội Thánh chưa hút cạn được nhựa sống của Công đồng mà trái lại, vẫn còn phải nghiên cứu, học hỏi để tìm cách áp dụng. Vì vậy, việc học hỏi Công đồng là luôn luôn cần thiết cho mỗi người và mọi người, nếu không muốn để phí một công trình tư t ưởngđồ sộ và vô cùng quý giá này.

Những ai đã sống và theo dõi các diễn biến của Công đồng 50 năm về trước, hẳn còn nhớ bầu khí hào hùng của thời kỳ đó, qua các bài tường thuật trên báo chí và các bài bình luận, ghi chép của linh mục Antoine Wenger, chủ nhiệm nhật báo La Croix cũng như của đại thần học gia Yves Congar.

Quả thật, Công đồng Vaticano II vừa gần mà lại vừa xa như có người nói. Gần vì tư tưởng của Công đồng vẫn còn đây ở giữa chúng ta trong các hiến chế, sắc lệnh và xa vì cách chúng ta đã 50 năm. Gần đối với những người còn năng sử dụng Công đồng, còn xa đối với những người đã quên hay chưa hoặc ít được nghe nói đến.

Sự kiện quan trọng nhất thế kỷ

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện vĩ đại này, xin được nhắc lại sơ qua mấy điểm chính yếu của Công đồng.

Công đồng Vaticano II là sự kiện quan trọng nhất thế kỷ của Hội Thánh Công giáo. Qua biến cố này, Hội Thánh tìm cách thích nghi với thế giới hiện đại sau hai thế kỷ xem ra như đối nghịch và hững hờ với nó.

Ngày 11-10-1962, hơn 2.300 giám mục và hồng y xếp thành đám rước long trọng tiến vào đền thờ thánh Phê-rô ở Rô-ma để cử hành lễ khai mạc Công đồng. Hàng trăm vị đại diện các Hội Thánh ngoài Công giáo được mời tới tham dự. Lúc đầu Đức Giáo hoàng Gio-an XXIII dự kiến Công đồng sẽ diễn ra chừng năm hay sáu tháng nhưng cuối cùng đã kéo dài từ 1962-1965 qua bốn khóa họp. Trong những khóa họp này, các nghị phụ đã cứu xét về nguồn mạch đức tin, về phụng vụ, tự do tôn giáo và tương quan với các tôn giáo khác. Các ngài đã dựa vào công trình soạn thảo của 500 chuyên viên thần học do Đức Gio-an XXIII kêu mời, trong đó có những vị sau này làm giáo hoàng như Đức cha Karol Wojtyla (tức Gio-an Phao-lô II) và linh mục giáo sư thần học Joseph Ratzinger (tức Biển Đức XVI).

Khi mở đầu khóa thứ nhất vào tháng 10 – 1962, các nghị phụ thấy rằng các tài liệu bàn thảo đã được Giáo triều Rô-ma soạn thảo từ 1959-1962. Hai Hồng y Achille Liénart, Giám mục Lille và Joseph Frings, Tổng Giám mục Cologne cho thế là không ổn nên đề nghị xem xét lại. Ý kiến được Đức Gio-an XXIII ưng thuận và cả hội trường vỗ tay tán thành.

Thế là từ đây những hiến chế nổi tiếng lần lượt theo nhau ra đời. Trước hết là Sacrosanctum Concilium (Công đồng thiêng thánh) bàn về phụng vụ. Tiếp theo là Gaudium et spes (Vui mừng và hy vọng) nói về tương quan giữa Hội Thánh và thế gian, Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân) về Hội Thánh là dân Thiên Chúa, Dei verbum (Lời của Thiên Chúa) về lời Chúa, trọng tâm của đời sống Ki- tô hữu.

Ngoài ra còn nhiều bản văn khác như Dignitatis humanae (Phẩm giá con người) và Nostra aetate (Thời đại chúng ta) công bố những nguyên tắc về tự do tôn giáo và liên lạc với các tôn giáo khác.

487 chuyên viên thần học được mời làm cố vấn cho các giám mục trong các khóa họp Công đồng.

Đổi mới trong tinh thần thế tục

50 năm sau, Công đồng Vaticano II vẫn còn là vấn đề được bàn luận. Nỗ lực cập nhật do Đức Giáo hoàng Gio-an XXIII khởi xướng nay được Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI tiếp nối trong tinh thần kế tục nối liền với dĩ vãng, nơi những giá trị truyền thống, mà việc từ từ phục hồi bình ca và cung cách sùng mộ bí tích Thánh Thể là những bằng chứng.

Các hiến chế, sắc lệnh của Công đồng Vaticano II là toàn bộ hệ thống tư tưởng kiệt xuất, gắn liền, ăn ý với nhau và là công trình tập thể của nhiều bộ óc vĩ đại của cả một thời. Công trình này là để cho hội Thánh rao giảng, khai thác và áp dụng. Công đồng tuy đã qua nhưng nội dung vẫn chưa được khai thác hết và chắc hẳn sẽ còn lưu truyền mãi cho đến các thế hệ mai sau.

Tiếc rằng ở Việt Nam, Công đồng chưa được biết đến bao nhiêu, một phần vì những năm chiến tranh đất nước bị chia đôi, một phần vì sách báo, tài liệu về Công đồng bằng tiếng Việt Nam còn rất ít. Có chăng thì cũng chỉ mới được phổ biến hạn chế qua bản dịch Công đồng của Giáo hoàng Học viện Pio X năm1969-1970.

Phải chi bên cạnh những nhà thờ nguy nga đồ sộ, những trung tâm hành hương, những trung tâm mục vụ, những nhà truyền thống hay trung tâm hội nghị và yến tiệc lại có những bộ tài liệu Công đồng được sửa chữa và in ấn lại rồi phổ biến như từng triệu cuốn Kinh Thánh đủ kích cỡ đã được xuất bản từ mấy năm qua thì tốt đẹp và lợi ích biết bao!