Theo dấu chân Thánh Mát-thêu Gẫm

Ngày nhỏ hay đi ngang nhà thờ Huyện Sỹ, tôi cứ ngỡ bức tượng trước nhà thờ là tượng ông Huyện Sỹ. Khi lớn lên tôi mới biết đó là tượng của thánh Mát-thêu Lê Văn Gẫm. Đến tận bây giờ mới có dịp đặt chân về nơi thánh được sinh ra và lớn lên.

Làng Long Đại, huyện Gò Công, tỉnh Biên Hòa nơi quê thánh Gẫm nay đã thuộc phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP.HCM. Từ trung tâm thành phố ra đây chỉ vẻn vẹn 20km. Nằm giữa rạch Gò Công và rạch Trao Trảo, cả một vùng đất xanh um, trù phú với những đồng lúa màu mỡ, những vườn cây ăn quả um tùm bóng mát.

Dù chỉ cách đường vành đai không xa, thời gian có thay đổi, cuộc sống hiện đại đã khiến nơi đây thêm đông dân, nhà ngói nhà lầu mọc thêm lên nhưng vẫn chưa đủ đô thị hóa nơi đây, cả một vùng vẫn giữ được vẻ thanh bình, yên ả của làng quê Nam Bộ.

Bàn đá nơi Thánh Gẫm thọ hình. Ảnh: PTG

Gò Công đất lành chim đậu

Gọi tên Gò Công là do ở nơi đây xưa kia có một gò đất cao, chim công thường đến đậu và xuống tắm ở bến rạch. Ban đầu gọi là rạch Sỏi vì nước trong vắt, đáy toàn sỏi. Còn rạch Trao Trảo là nơi rất nhiều chim trao trảo quanh đó. Người dân quần tụ về sinh sống bởi đất lành chim đậu.

Anh Đặng Văn Tân, con trai ông Mười Thôi là hậu duệ đời thứ sáu của Thánh Gẫm, dẫn tôi đi theo những con đường đất quanh co, hai bên mương rạch chằng chịt với lục bình để tìm về mảnh đất xưa phát tích. Ngôi nhà của gia đình thánh Gẫm không còn nhưng nghĩa trang của dòng họ vẫn còn trên một gò đất cao.

Mấy chục ngôi mộ nằm san sát nhau, mới cũ đủ hết, khoảng gần chục ngôi mộ cổ xây đá ong vẫn còn. Anh Tân cho biết đây chỉ là gò đất bình thường, không thuộc sở hữu gia đình. Sau khi thánh Gẫm tử vì đạo, dân trong vùng gọi đây là đất thánh nên cũng chỉ có dòng họ anh chôn cất ở đây, không có người ngoài.

Nhìn chiếc gông thánh Gẫm phải mang, chúng ta có thể cảm nhận được nỗi đau thể xác mà ngài đã phải gánh chịu một thời gian dài như nỗi đau của Chúa. Chỉ tiếc là tấm thẻ bài ghi án đã bị thất lạc từ lâu.

Cách hơn 100 m gần nghĩa trang là nền đất cũ của nhà thờ Gò Công ngày xưa, giờ cỏ mọc đầy, dân quanh vùng không ai trồng cấy trên đất này mà cứ để nguyên trạng như vậy. Đây là ngôi nhà thờ cũ bằng tre lá mà khi còn sống, thánh Gẫm thường lại cầu nguyện và xưng tội. Đây cũng là nơi ông nhận chức ông quản để lo cho các em nhỏ trong họ đạo.

Về sau, đất bên đây gọi là Bưng sáu xã, thuộc vùng oanh kích tự do nên giáo dân di tản qua bên kia kênh Gò Công, xây nên nhà thờ mới như hiện nay và sau này đổi tên lại thành nhà thờ Thánh Gẫm.

Cách nền nhà thờ cũ chừng 300 m là kênh Gò Công, với bến thuyền xưa trước đây gọi là bến Thánh giá, vì có cắm một cây thánh giá làm dấu để ghe thuyền đi qua biết đến nhà thờ Gò Công.

Bến thuyền này cũng là nơi thánh Gẫm cho thuyền ra đi lần cuối trong chuyến đi định mệnh năm 1846. Bờ đất cao vọt trên hàng dừa nước xung quanh, bởi cả vùng nhô hẳn lên mặt nước nên ngày xưa nơi đây gọi là “cái rốn”, nước mặn không lên tới mà nước lụt cũng vô can dù năm 1951, cả Biên Hòa và Tân Vạn đều bị lụt lớn.

Ngày xưa khi thánh Gẫm bị án tử, gia đình sợ bị tội lây nên phải rời bỏ quê hương, có người phải đổi họ, chạy lên Lái Thiêu, xuống Sài Gòn, đến chừng yên yên mới trở về. Một số đi làm ăn xa, phụ nữ lấy chồng về quê chồng… cũng tản mát bớt. Thế nhưng hậu duệ của Thánh Gẫm vẫn còn sống ở trong làng, vẫn còn đó gia đình con cháu của các ông Mười Thôi và Hai Tốt, tính ra cũng vài chục người.

Mỗi năm đến ngày mất thánh Gẫm, con cháu ở xa vẫn về rất đông. Noi gương thánh, nhiều người đã quyết định theo con đường phụng sự Chúa. Trong đó hơn cả là Đức Tổng Giám mục Phê-rô Nguyễn Văn Tốt, Sứ thần Tòa thánh tại Sri Lanka hiện nay.

Bản thân anh Tân hiện làm phó ngoại vụ, vợ anh là trưởng ban Bác ái giáo xứ. Hai vợ chồng ngoài việc chăm sóc khu du lịch dã ngoại trên phần đất tổ tiên, họ dành hết thời gian cho việc chung giáo xứ.

Ngôi đền tử đạo giữa trung tâm thành phố

Ở ngay giữa trung tâm Sài Gòn, trên đường Nguyễn Trãi chỉ cách ngã sáu Phù Đổng 80 m, giữa con phố đầy các cửa hiệu, hàng quán cao tầng buôn bán nhộn nhịp có một công trình kiến trúc nhỏ lặng lẽ, đấy là di tích tử đạo của thánh Gẫm. Xưa kia là dãy bán bánh tráng của chợ Cây Da Còm (địa danh dựa theo một cây da lớn, bị trốc gốc ở đây).

Ngày 11-5-1847, nơi đây trở thành pháp trường Cây Da Còm. Đây chính là nơi Thánh Gẫm bước lên đoạn đầu đài chịu án chém cho việc dùng thuyền buôn chở Giám mục Lefèbvre, cha Duclos và ba chủng sinh về Sài Gòn trong thời gian cấm đạo của nhà Nguyễn.

Nhà thờ tại Giáo xứ Thánh Gẫm. Ảnh: PTG

Sau khi Thánh Gẫm bị xử trảm, gia đình Thánh Gẫm đã tìm cách mua lại hơn 3.000 m2 đất nơi pháp trường để giữ lại làm di tích và đất thánh cho dòng họ. Sau năm 1940 bắt đầu xây nhà mồ, đây cũng là nơi đặt mộ của hai vợ chồng ông Phao-lô Lê Văn Bằng, em của Thánh Gẫm.

Phía trước nhà mồ, chỗ cọc trói hành hình thánh tử đạo năm xưa nay đặt một bia đá lớn hình tháp, ghi chữ Latin và chữ Hán kể lại công trạng Thánh Gẫm.

Sau khi bị chém, gia đình đã bằng mọi cách xin chuộc chiếc gông và chiếc thẻ bài bản án. Ban đầu gông được chôn theo Thánh Gẫm, sau này cải táng mang về cất tại Đại chủng viện Sài Gòn, đến năm 1960 được mang về đặt tại nhà mồ. Gông làm bằng gỗ mù u loại tốt, dài 2m, vẫn còn các thanh sắt trói tay và kẹp cổ. Thánh Gẫm đã phải mang chiếc gông này suốt 11 tháng bị giam cho đến khi nhận án tử.

Theo thời gian và sự đô thị hóa, đền Thánh Gẫm bị thu hẹp lại, sau đã được chỉnh trang đẹp để tiện cho việc thăm viếng, khấn nguyện và dâng thánh lễ. Hậu duệ của ông Bằng xưa nay lo việc trông coi đền, dù vậy bên Giáo xứ Chợ Đũi vẫn cắt cử người tình nguyện mỗi ngày đến giúp trông coi như để bày tỏ lòng tôn kính với thánh tử đạo.

Khách là người nước ngoài cũng nhiều, họ đã đọc tư liệu trước hoặc sau khi thăm nhà thờ Huyện Sỹ rồi tiện đường ghé vào thăm viếng. Đền Thánh Gẫm xưa kia bên Giáo xứ Chợ Đũi có người mất vẫn mang qua đây chôn cất, bây giờ với những gia đình khó khăn khi có người thân qua đời, đền Thánh Gẫm là nơi cho họ đặt quan tài phúng viếng. Mảnh đất thấm máu thánh nhân xưa kia, nay vẫn giúp ích cho những người cơ nhỡ lỡ vận lúc lâm chung.

Anh ĐẶNG VĂN TÂN, hậu duệ thánh Gẫm
Chúng tôi luôn tự hào và hãnh diện về truyền thống dòng họ
Khi tôi được tám tuổi, tôi bắt đầu được nghe bà và mẹ kể về thánh Gẫm. Lớn lên tôi dần tìm hiểu thêm tài liệu và càng cảm phục ngài. Gần đây một số nhà thờ chọn thánh Gẫm làm thánh bổn mạng, có mời đại diện dòng họ đến tham dự lễ. Chúng tôi luôn tự hào và hãnh diện về truyền thống dòng họ và nguyện luôn làm hết sức mình với việc đạo.