Tín hữu với “văn hoá” bao thư

LTS: Là một công dân, chuyện đưa bao thư trong làm ăn, kinh doanh đã đụng đến nhiều vấn đề đạo đức và pháp luật. Vậy người tín hữu ứng xử với vấn đề này thế nào? Đồng Hành nêu vấn đề này để cùng mổ xẻ, nhìn nhận dưới nhiều góc độ.

Gần 20 năm hành nghề luật sư, tôi nhận thấy có nhiều người nghĩ rằng việc đưa “phong bì” cho một ai đó để họ làm cho mình một việc gì đó là một điều đương nhiên, “chuyện thường ở huyện” và không phải bàn cãi.

Không đưa, không tồn tại trong môi trường kinh doanh

Có lần tôi được mời giao lưu với một tổ chức doanh nhân. Với tư cách là một luật sư, trong bài phát biểu, tôi cho rằng chúng ta không nên sử dụng “văn hóa” phong bì trong công việc kinh doanh cũng như trong cuộc sống hằng ngày, vì đây là một hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức con người. Muốn tạo nên một phong cách doanh nhân thì chúng ta không nên làm điều đó.

Sau khi tôi nói, hầu như mọi người đều có phản ứng. Một vài người còn phản ứng một cách gay gắt và cho rằng điều tôi nói là một sự hoang đường vì ai cũng làm, nếu không làm sẽ khó tồn tại trong môi trường kinh doanh hiện nay. Có người còn cho “văn hóa” phong bì là một cơ hội để làm ăn.

Để tranh luận về vấn đề này, tôi chứng minh cho các doanh nhân thấy rằng có những doanh nghiệp họ không hề sử dụng phong bì mà vẫn thành công, vẫn giàu, thậm chí họ rất giàu nữa là khác.

Đó là những doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Họ cũng là người đang làm ăn sinh sống trong môi trường như chúng ta nhưng không đưa hối lộ. Đơn giản vì ở họ có một văn hóa khác, văn hóa không phong bì.

Tôi từng được nghe một người bạn là nhà báo, anh ấy kể với tôi rằng, ông tổng biên tập của anh ấy bị cảnh sát giao thông thổi phạt khi vi phạm. Ông ấy móc tiền ra đóng phạt theo đúng quy định mà không một lời xin xỏ hay đưa “phong bì”. Với tư cách là tổng biên tập của một tờ báo lớn, ông ấy chỉ cần đưa thẻ nhà báo và xin đi thì tôi tin chắc cảnh sát giao thông sẽ cho đi. Tuy nhiên, ông đã không làm điều đó. Đơn giản vì ông ấy vốn sống liêm chính.

Nhận phong bì cũng giống như hành vi trộm cắp

Sau buổi giao lưu đó, đã có một số doanh nhân đồng cảm với tôi và cho rằng cần xem lại, từ trước tới nay ít có ai nói về vấn đề này nên chúng ta cứ làm theo thói quen.

Trong một lần khác, tôi tiếp xúc với một số em sinh viên luật mới ra trường. Khi tôi đề cập đến việc chạy án và “văn hóa” phong bì thì dường như em nào cũng cho rằng không nên. Các bạn cho rằng ai cũng làm điều đó thì liệu còn công lý không?

Một điều sai trái nhưng tất cả mọi người đều làm, đến một lúc nào đó nó trở thành đúng và nếu ai không làm giống vậy thì người đó bị xem như làm điều sai trái.

LS Hoàng Cao Sang

Đối với người dân bình thường, khi nói về vấn đề “văn hóa” phong bì thì một số không phản ứng gì, vì họ cho rằng đó là điều đương nhiên số khác phản đối quyết liệt.

Vậy người Công giáo chúng ta hành xử như thế nào về vấn đề “văn hóa” phong bì?

Theo pháp luật Việt Nam thì nhận “phong bì” là một hành vi nhận hối lộ, người đưa và người nhận đều vi phạm. Nếu số tiền đưa và nhận từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải đi tù. Và các bạn đưa phong bì là các bạn đã bước một chân đến cửa nhà tù rồi.

Ở những xã hội văn minh họ cho rằng nhận “phong bì” (hối lộ) như là hành vi trộm cắp, còn người đưa như một kẻ đồng phạm, vừa có tội vừa bị khinh bỉ.

Nhìn từ góc độ của người Công giáo, hành vi đưa phong bì là một hành vi trái với đạo đức, lương tâm con người, trái với đức công bằng. Người Công giáo chúng ta không “vì người ta làm” mà làm. Đó là con đường Chúa Giê-su đã chọn.

LM FX TRẦN HỒNG LINH, Chánh xứ Thọ Thành, GP Ban Mê Thuột:
“Chạy” là đánh cắp cơ hội của những người có khả năng
Ở một xã hội công bình người ta đề cao những yếu tố chân thật, minh bạch. Vừa là một công dân vừa là giáo dân thì những yếu tố này càng cần đề cao hơn.
Sẽ không có đức công bằng với những ai “chạy” việc bằng bao thư. Làm như vậy là họ đang cạnh tranh không đàng hoàng với người khác, đánh cắp cơ hội của những con người có khả năng thật sự.
Một môi trường tốt và một con người tốt phải cạnh tranh với nhau bằng chính năng lực, chứ không phải bằng… bao thư. Tôi khuyến khích các bạn trẻ biết khám phá, nhìn nhận khả năng bản thân, nếu chưa tốt thì cố gắng rèn luyện, học hỏi. Nếu tốt rồi thì tiếp tục phát huy.

Ông LÊ LINH DUY, Tổng Giám đốc Công ty Đông Bắc Á:
Phí bôi trơn là khoản thưởng thêm
Các công ty nước ngoài khi đầu tư ra quốc gia khác buộc phải cam kết không đưa, nhận hối lộ ở địa phương hoặc tại quốc gia bên ngoài dù với bất kỳ mục đích hay hoàn cảnh nào. Đưa, nhận hối lộ được định nghĩa rất cụ thể và có cơ chế giám sát chặt chẽ. Hình thức hối lộ bị cấm bao gồm tiền, tài sản có giá trị, các cam kết về lợi ích hay ngay cả lời mời tham gia các sự kiện giải trí, du lịch…
Tuy nhiên, khái niệm bôi trơn được xem xét trong trường hợp không gây ra xung đột lợi ích. Nghĩa là số tiền bôi trơn phải không đáng kể và mục đích không nhằm để được hưởng ưu tiên hay ưu đãi so với các trường hợp cùng hoàn cảnh. Phí bôi trơn là khoản thưởng thêm cho những cán bộ cố gắng hoàn thành tốt công việc cho đương sự ngoài thời gian quy định thông thường mà họ được giao.

Ông LÊ NGUYỄN LÊ VI, chủ hệ thống Trường Liên cấp Hoa Sen, Ninh Thuận:
Kinh doanh không bao thư mang lại sự thanh thản
Trải qua nhiều ngành nghề, từ xăng dầu, khách sạn, đến lĩnh vực giáo dục, triết lý kinh doanh của tôi đều nhất quán một điều là nói không với bao thư.
Khi đã xác định cách làm việc này, ngay từ đầu doanh nghiệp phải đi lên bằng thực lực của mình, phải minh bạch từ thực tế kinh doanh cho đến sổ sách chứng từ. Có những tình huống doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng chỉ vì sơ xuất, sổ sách không rõ ràng nên dễ bị“đập”. Đây là chuyện tình ngay lý gian, chân thật không chưa đủ mà còn phải giỏi nghiệp vụ nữa.
Quả thật, kinh doanh không bao thư rất khó nhưng nó mang lại cho ta sự bình yên, thanh thản.

Ông NGUYỄN VĂN QUỞN, Giám đốc Cty TNHH Nhạc cụ Lê Quân:
Thành một thói quen không còn ngại ngùng
Dân gian thường nói: Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn! Nó đã thành một thói quen không còn ngại ngùng và “rộng” đến mức khó có thể diễn đạt được đó là tích cực hay tiêu cực. Bởi lẽ có nhiều chuyện, phong bì lại là một cách để giải quyết “tốt” nhiều gút mắc trong cuộc sống. Cưới hỏi, lễ lộc, quà cáp, cám ơn, tết nhất, sinh nhật,… Khó mà tìm được định nghĩa chuẩn xác về nó.