Phục sinh: Cuộc tạo thành mới

Phục sinh là đích điểm của hai tôn giáo lớn Ki-tô giáo và Phật giáo. Phục sinh là cuộc sáng tạo mới, cuộc tạo thành mới, cả vũ trụ cũng được phục hồi.

Phật giáo Đại thừa, luôn luôn nhắc nhớ mình qua thần chú Bát nhã tâm kinh hàng ngày đọc tụng: Vượt qua! Vượt qua đi! Vượt qua đến bờ bên kia đi! Gate! Gate! Paragate!

Đêm thánh canh thức Phục sinh, Ki-tô giáo tưng bừng với ngọn lửa mới, tuyên đọc bài Sáng thế về vũ trụ đẹp tươi, nhưng rồi bài Xuất hành tráng ca Vượt qua Biển Đỏ. Dân Thiên Chúa mang thân nô lệ, nay lũ lượt kéo nhau đi, dưới cột mây, dưới cột lửa, hân hoan băng qua Biển Đỏ nước dựng đứng như hai bức tường thành.

Bất kỳ ai dìm mình trong nước Thanh Tẩy, đều là dìm mình trong cái Chết và Phục sinh của Thầy

Cuộc Vượt Qua uy dũng và hân hoan này, sẽ được Thầy Giê-su thể hiện trọn vẹn, khi Thầy trỗi dậy từ cõi chết. Từ nay, bất kỳ ai dìm mình trong nước Thanh Tẩy, đều là dìm mình trong cái Chết và Phục sinh của Thầy, trở nên tạo vật mới, Con Người mới, Con Người của Phục sinh.

Phục sinh là cuộc sáng tạo mới, cuộc tạo thành mới. Không những mỗi cá nhân được sáng tạo lại, mà cả vũ trụ cũng được phục hồi. Tứ đại, bốn yếu tố làm nên vũ trụ, đất, nước, lửa, gió, tràn trụa trong đêm canh thức Phục sinh.

Đức tin Ki-tô giáo cho rằng ngay đến thân tâm vô thường giả hợp này rồi cũng sống lại! Thôi thì để biết kính trọng chính mình, kính trọng con người, kể cả thân xác của họ. Thân xác cũng sống lại, vì cả vũ trụ đều được tái tạo phục hồi trong ngày cánh chung!

Phật giáo thì cho rằng cuộc Phục sinh phải là sự thể hiện một tâm thức mới, một tâm hồn mới. Giác ngộ hoặc kiến tánh chính là sống một tinh thần mới, trong một con người hoàn toàn mới, giữa một vũ trụ cũng hoàn toàn mới. Khi đó, người mới sống thật, sống sâu xa trọn vẹn, trong trí huệ vô ngần và từ bi vô tận.

Ngày nào cũng nao nức cho một cuộc đổi đời, một cuộc sinh lại! Mỗi ngày, “truyền phép” xong, cả cộng đoàn hô lên: Con tuyên xưng Chúa đã chết! Con tuyên xưng Chúa đã sống lại! Lòng lại thấy chẳng có điều gì khác để sống trên đời! Lết lê mãi con người cũ càng ọp ẹp này, buồn cười quá!

Chẳng phải ham trường sinh bất tử, mà là làm sao để sống trọn con người thật của mình, làm sao thể hiện chiều sâu thể tánh của mình. Tận kỳ tính! Sống đến tận căn nguồn bản tính! Sống đến tận cùng, uống cho tới cặn con người thật, là sống ra Không. Không, có nghĩa là chẳng vướng mắc vào bất cứ ai và bất cứ điều gì, kể cả chính mình.

Nhưng vì thế, Không, có nghĩa là chết đi, và cũng vì thế nữa, Không là thực sự sống lại, thành con người hoàn toàn mới, “bay” vào một thế giới chẳng còn sinh diệt, chẳng còn không gian thời gian. Thế giới của thể tánh chân tâm hằng hữu trong mình.

Mấy chục năm, run rẩy đợi chờ một cuộc “tuyệt hậu tái tô”, chết đi và sống lại. Mấy chục năm, đợi chờ một cuộc sinh lại, đợi chờ được hoá ra Không! Lật ngược lại tất cả đi! Con người của Phục sinh ơi! Phóng mình lao mình vào đáy nội tâm của mình đi! Phóng mình vào hố sâu vũ trụ đi! Nổ tung và nở bung con người cũ kỹ và mọi thứ cũ kỹ của mình đi! Giê-su Phục sinh ơi, xin thể hiện cuộc Paramita Phục sinh trọn vẹn của Thầy, nơi con đi!

LM GIUSE ĐẶNG SAN, OP

>> Đạo Phục sinh, con đường đưa tới sự sống