Những bộ lễ hội nhập văn hoá bản địa

Việc hội nhập văn hóa trong phụng vụ, thể hiện qua bộ lễ là yếu tố không thể thiếu để gắn kết người Tây Nguyên với buôn làng, với nếp sống tôn giáo và với Thiên Chúa toàn năng.

Trong truyền thống âm nhạc Tây âu, các nhà soạn nhạc đều lấy thể loại Missa (bộ lễ) làm tiêu chuẩn thể hiện nghệ thuật đỉnh cao của họ. Trước Công đồng Vaticano II, bản văn sử dụng trong các sáng tác bộ lễ luôn là tiếng Latin. Đúng một thế kỷ trước đó, nhà soạn nhạc lừng danh Johannes Brahms đã sáng tác Bộ Lễ cầu hồn Đức (Ein deutsches Requiem). Đây là bộ lễ Công giáo đầu tiên có ca từ bằng tiếng bản xứ. Tuy vậy quy mô lớn của nó gồm bảy chương, với hợp xướng và dàn nhạc, dài hơn 70 phút không thể dùng trong phụng vụ.

Cũng vào khoảng thời gian của bộ lễ cầu hồn Đức, tại Việt Nam, việc loan báo Tin Mừng cho dân tộc thiểu số trên vùng đất Tây Nguyên đã bắt đầu. Từ đó nảy sinh những hạt giống đầu tiên để hình thành các thánh lễ được cử hành bằng tiếng địa phương, trong đó bộ lễ bằng tiếng bản địa được quan tâm trước tiên.


Cha Phaolô Lê Đức Huân tác giả bộ lễ Ơ Kơnràñ Yàng (Lạy Chúa) với giáo dân người K’Ho.

Viết bộ lễ như nhật ký truyền giáo

“Giáo hội được sai đến với mọi dân tộc, thuộc mọi nơi, và mọi thời của nhân loại”.


Công đồng Vaticano II, Gaudium et Spes, 58§3

Năm 1963, trở về Việt Nam sau khi tham dự với vai trò Nghị phụ trong Công đồng Vaticano II, Đức Giám mục Nguyễn Văn Hiền đã yêu cầu cha Nguyễn Văn Hòa (sau này là Giám mục Nguyễn Văn Hòa, Giáo phận Nha Trang) khởi soạn bộ lễ tiếng Việt chính thức đầu tiên. Đó là bộ lễ Seraphim.

Không chỉ dừng lại ở một bộ lễ, tinh thần âm nhạc và văn hóa bản địa này còn được Đức cha Hòa tiếp nối trong các sáng tác như Bài thương khó (Passio) và Exsultet (Mừng vui lên). Có thể nói, ca đoàn Seraphim Đà Lạt đã gắn liền với bộ lễ hội nhập văn hóa bản địa đầu tiên của Việt Nam, ít nhất là ở miền Nam.

Người kế tiếp cũng đi theo con đường hội nhập văn hóa địa phương phải kể đến là cha Phaolô Lê Đức Huân, nguyên Chánh xứ Chính tòa Đà Lạt. Từ năm 11 tuổi, thầy Lê Đức Huân đã sống với cha xứ trong các buôn làng của người dân tộc K’Ho, Lâm Đồng.

Sau khi học xong chủng viện, thầy Huân đi giúp xứ, rồi lại quay về chủng viện dạy các chủng sinh. Nhưng vì nhu cầu của người dân tộc vùng Bảo Lộc cần hơn nên thầy Huân lại được điều về xứ đạo ngày trước để giúp cho việc truyền giáo.

Năm 1972 thầy Huân chịu chức linh mục. Đó cũng là thời xảy ra biến cố Mùa hè đỏ lửa, gần 12 ngàn người dân tộc X’tiêng di cư từ Bình Long, Bình Phước lên Bảo Lộc. Cùng với khoảng 2.000 người dân tộc K’Ho bản địa, họ không có người chăm sóc tinh thần, không có linh mục đồng hành.

Các linh mục ở Bảo Lộc đã xin Đức Giám mục Đà Lạt cho cha Phaolô Lê Đức Huân về đây coi sóc. Cha về truyền giáo tại các làng Djirai, M’rồng, B’Keh, sống cuộc đời thừa sai, gắn bó với đồng bào dân tộc. Sau thời gian 21 năm sống truyền giáo ở đây cha được thuyên chuyển sang giáo xứ khác, giáo xứ B’Sumrăc, có 2.000 người K’Ho và sống 13 năm tại giáo xứ này. Bằng ấy thời gian đã giúp cha Lê Đức Huân không chỉ sống chứng tá đức tin mà còn hòa nhập khá sâu sắc với người dân tộc K’Ho.

Cha cũng ý thức rõ hơn bao giờ hết việc “rao giảng Tin Mừng phù hợp với văn hóa người nghe” theo tinh thần của Công đồng Vaticano II và ngày càng thấm nhu cầu sử dụng các yếu tố văn hóa địa phương để giao tiếp và truyền giáo.

Bộ lễ Ơ Kơnràñ Yàng được Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (nay là Hồng Y Tổng Giám mục) cấp imprimatur vào năm 2008.
Có hơn 50 bộ lễ bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ bản địa khác như Jrai, Sơ-đăng, đặc biệt bộ lễ bằng tiếng Bahnar của các thầy Ngip, thầy Hun được dùng nhiều từ lâu ở Tây Nguyên.

Nhờ đó, bộ lễ Ơ Kơnràñ Yàng (Lạy Chúa) bằng tiếng K’Ho được cha Huân sáng tác như ghi lại nhật ký truyền giáo của riêng mình để chia sẻ với mọi người. Tác phẩm này cha viết rất nhanh, kịp sử dụng trong thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ B’Sumrăc vào năm 2003.

Gắn kết người Tây Nguyên với buôn làng, với Thiên Chúa

Đến nay đã có một số tác giả sáng tác bộ lễ có liên quan đến văn hóa K’Ho. Tác giả Hải Ánh đã soạn hai bộ lễ tiếng Việt trên giai điệu âm hưởng nhạc của người K’Ho. Bên cạnh đó có hai bộ lễ khác bằng tiếng K’Ho của các tác giả Linh mục Nguyễn Mạnh Tuyên (Trung tâm Mục vụ Giáo phận Đà Lạt) và linh mục Trần Văn Khoa.

Các bộ lễ này ít nhiều còn mang đặc điểm âm nhạc châu Âu (về quãng nhạc và đường nét giai điệu) hoặc châu Phi (về tiết tấu) và thường có nhiều chỗ không rõ dấu giọng (khác biệt giữa ca từ và quãng nhạc), vì vậy dễ gây ra sự hiểu sai lệch ý nghĩa (ví dụ, YÀNG mà lại hát thành YÁNG).

Bộ lễ Ơ Kơnràñ Yàng của cha Huân thoát được khỏi những giới hạn đó để trở nên hội nhập sâu sắc với văn hóa K’Ho. Không chỉ gồm các phần thông thường của một bộ lễ (Dăn sơnđàc – Xin thương xót, Gơklŏ – Vinh Danh, Niăm-goh! Niăm-goh! Niăm-goh! – Thánh! Thánh! Thánh!, Ơ Belàt- kòn Yàng dê – Lạy Chiên Thiên Chúa) mà bộ lễ này còn có cả những câu chào, chúc và đối thoại giữa chủ tế với cộng đoàn bằng tiếng K’Ho như: Hơ jơ-nau đơs Kơnràñ dê (Đó là Lời Chúa), Ưn-ngài Yàng (Tạ ơn Chúa) đến Kinh Lạy Cha (Ơ Bàp Bol Kòn)…

Nhờ việc hội nhập văn hóa bản địa trong phụng vụ, các sắc tộc khác nhau ngày càng xác tín sống đức tin mạnh mẽ hơn. Trong ảnh: Một thánh lễ rất sống động của đồng bào K’Ho tại họ đạo Đưng K’nớ, Lạc Dương, Lâm Đồng.

Theo tinh thần của Hiến chế về phụng vụ thánh, đây là những phần cần phải ưu tiên hát để nhấn mạnh đến sự tham dự tích cực và sống động của cộng đoàn. Chính vì vậy, nhiều nhà thờ ở Giáo phận Đà Lạt đã sử dụng bộ lễ này trong các thánh lễ cho người sắc tộc, có kèm thêm những nét văn hóa bản địa như cồng chiêng, bộ gõ, động tác tập thể theo nhịp điệu giã gạo sinh động, nồng thắm…

Nhờ việc hội nhập văn hóa bản địa trong phụng vụ, người dân thuộc các sắc tộc khác nhau của Việt Nam ngày càng xác tín nơi Thiên Chúa và sống đức tin mạnh mẽ hơn với Đấng mà họ tôn thờ.

Không những thế còn tạo nên sự gắn kết giữa các sắc tộc với nhau. Rất cần có và phát triển những bộ lễ như Ơ Kơnràñ Yàng của cha Phaolô Lê Đức Huân cho các sắc tộc anh em khác. Để hội nhập văn hóa bản địa có hiệu quả, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã chỉ cho chúng ta một cách: “Tôi nhìn vào mắt các bạn bằng chính mắt tôi. Tôi đặt lòng mình bên cạnh lòng các bạn”.

Ngày 11-10-1962, khi Đức Giáo hoàng Gioan XXIII loan báo triệu tập Công đồng, mọi người đã ngạc nhiên vì hầu như không ai chờ đón hay nghĩ tới sự kiện trọng đại đó. “Ad gentes” (Đến các dân tộc) – Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc truyền giáo bên ngoài Giáo hội, nhất là qua việc hình thành các cộng đoàn ở giáo hội địa phương.
Chỉ sau một thời gian ngắn, Công giáo đã có những thay đổi nhanh chóng trong phụng vụ, thần học, sự hiểu biết về quyền bính và thừa tác vụ của Giáo hội, các cộng đoàn tu cũng như đời sống giáo xứ, thậm chí trong nền văn hóa riêng của mình. Từ đó, khái niệm “Hội nhập văn hóa bản địa” được hình thành để nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo vào lòng các dân tộc trên thế giới.
Công đồng đã mở rộng cửa để các dân tộc phát huy nền thần học địa phương, diễn tả và tuyên xưng đức tin một cách phù hợp với những yếu tố lịch sử, tôn giáo, văn hóa, xã hội của dân tộc mình. Với Hiến chế về Phụng vụ thánh (Sacrosanctum Concilium), đặc biệt ở phần 7, mục 112 – 121, việc khai thác truyền thống âm nhạc riêng ở các vùng truyền giáo được đặc biệt khuyến khích.

NGUYỄN BÁCH

>> Khi linh mục cất tiếng ca trong phụng vụ