Thực ra linh mục hay phó tế hát Tin Mừng trong phụng vụ thánh lễ bằng tiếng Việt là việc chưa thông dụng tại các nhà thờ ở Việt Nam, mặc dù Quy chế tổng quát sách lễ Roma ở số 19 đã nêu bật “tầm quan trọng của việc sử dụng ca hát trong các cuộc cử hành, cách riêng cử hành Thánh Thể”.
Hát Tin Mừng
Tôi không thể quên thời gian học hòa âm với Linh mục – Nhạc sư Tiến Dũng. Chúng tôi được ngài soạn cho mẫu đọc Lời Chúa theo cung giọng bình ca và mẫu hát Tin Mừng theo như thời xưa các linh mục thường hát “E-van” bằng tiếng Latin.
Khi đó, với vai trò của một phó tế trong nhiều năm, tôi có cơ hội hát Tin Mừng vào những dịp được mời giúp lễ đó đây. Sau này khi đã thụ phong linh mục, cũng có những dịp tôi hát Tin Mừng trong thánh lễ.
Có lần, trong một thánh lễ do Đức Tổng Giám mục Têpha-nô Nguyễn Như Thể chủ tế, tôi hát Tin Mừng và đức cha cho biết là rất hài lòng, đồng thời xin tôi viết lại cho ngài bài Tin Mừng có nốt nhạc.
Dĩ nhiên, khi hát vị chủ tế hay phó tế rất cần thể hiện với tất cả “nghệ thuật thánh” và với cả tâm hồn, để có thể giúp cộng đoàn cảm nhận được Lời hằng sống của Chúa và cùng với bài giảng của linh mục, giúp họ sống Tin Mừng của Chúa trên mọi nẻo đường cuộc sống (Quy chế tổng quát sách lễ Rô-ma số 9).
Trong nhiều dịp đại lễ cử hành tại quảng trường thánh Phêrô ở Roma, chúng ta vẫn được nghe những hình thức hát phụng vụ này bằng tiếng Latin hay tiếng Ý. Chúng tôi cũng đã từng được nghe tại nhiều nhà thờ ở Hoa Kỳ, một số linh mục khi cử hành thánh lễ đã hát trọn vẹn Kinh Tạ ơn, từ kinh Tiền tụng cho đến lời Truyền phép và các phần còn lại.
Tin Mừng và đức cha cho biết là rất hài lòng, đồng thời xin tôi viết lại cho ngài bài Tin Mừng có nốt nhạc.
Tuy thánh lễ có hơi kéo dài nhưng nhiều giáo dân cho nhận xét là họ dễ dàng nâng tâm hồn lên với Chúa hơn, khi chủ tế hát trong phụng vụ thánh lễ, dĩ nhiên là các ngài cần phải “hát tốt” như lời của thánh Âu-tinh: “Chanter bien c’est prier deux fois” để giúp cộng đoàn “cầu nguyện gấp đôi”.
Về việc hát Tin Mừng hoặc các phần khác trong thánh lễ chỉ mới là những thử nghiệm. Ủy ban Phụng tự hay Ban Thánh nhạc chưa có quy định hay hướng dẫn nào. Có thể trong tương lai cách thức cầu nguyện này sẽ không còn xa lạ với giáo dân Việt Nam nữa.
“Xin cha đừng hát”
Thực ra nhiều linh mục khi dâng thánh lễ không hát Tin Mừng nhưng trong lúc giảng Lời Chúa, các ngài thường minh họa bằng một bài hát, hoặc do chính mình sáng tác, hoặc mượn của một tác giả khác.
Tại Ai-len vào năm 2014, linh mục Ray Kelly, trong bài giảng thánh lễ hôn phối đã hát tặng cô dâu chú rể bài Halleluijah. Cha đã bất đắc dĩ trở nên một ca sĩ nổi tiếng vì video clip được tung lên mạng với rất nhiều lượt truy cập.
Cha cũng được ghi nhận là đã đem đến cho nhiều người sự cảm phục về chất giọng đẹp và nhất là bầu khí ấm áp cùng sống động cho việc cử hành phụng vụ, chứ hoàn toàn không có chút nào mang tính trình diễn.
Riêng tôi cũng như một số linh mục tại Việt Nam rất thích minh họa Lời Chúa bằng một bài hát nhỏ, đặc biệt khi dâng lễ cho thiếu nhi.
Tuy nhiên, tôi không quên lần đầu tiên đến dâng lễ cho một cộng đoàn nữ tu Việt Nam ở Hoa Kỳ. Trước khi ra bàn thờ, tôi được một sơ nhắc nhở: “Cha giảng lễ nhưng xin cha đừng hát bài nào nhá. Có mấy linh mục đến đây dâng lễ, trong khi giảng lần nào cũng hát, mà các ngài hát càng làm chúng con chia trí”.
Đó chỉ là ý kiến tại một cộng đoàn nữ tu, nhưng qua lời nhắc nhở này, tôi biết mình phải thận trọng hơn khi minh họa Lời Chúa bằng việc ca hát. Hát ngoài phụng vụ như trong buổi tĩnh tâm hay giờ giáo lý, có thể dùng cây đàn guitar phụ họa để cho bài chia sẻ thêm sống động là sáng kiến hay cho những vị giảng thuyết có khả năng đàn hát.
Còn việc hát trong phụng vụ dù là khi giảng lễ, tuy là điều Giáo hội khuyến khích nhưng vì là nghệ thuật thánh nên theo tôi, phải thể hiện thế nào cho có được tác dụng tốt, nghĩa là thực sự mang lại lợi ích thiêng liêng cho cộng đoàn.
LM VINH SƠN NGUYÊN HOÀ, SSS