Những nhà thờ cổ có khá nhiều ở nước ta thuộc các giáo phận như Bùi Chu, Phát Diệm, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng… Chúng mang dấu ấn lịch sử và giá trị nghệ thuật không thể chối cãi. Nhưng tiếc thay, một số trong những nhà thờ đó đang có nguy cơ bị đập bỏ, xây mới.
Công sức của tổ tiên
Cách đây mấy chục năm, khi chiến tranh kết thúc chưa được bao lâu, đã có người nhìn thấy nguy cơ này trong bài viết “Một tình trạng đáng báo động. Mức báo động ở chỗ nhiều nhà thờ cổ có giá trị lịch sử và kiến trúc bị tháo dỡ, phá đổ để xây nhà thờ mới.
Người ta muốn xây vĩ đại hơn, hoành tráng hơn cho “nở mặt nở mày” với thiên hạ. Nếu là nhà thờ lâu năm bị xuống cấp, hư hại nhiều không còn dùng được nữa thì phá đi xây lại là hợp lý. Đằng này có những nhà thờ cũ, còn dùng được nhưng người ta vẫn cứ phá đi để xây cái mới.
Việc phá đi xây mới đó bất kể hình dáng bên ngoài và nghệ thuật bên trong – nơi là một công trình chạm trổ sơn son thếp vàng, dấu vết huy hoàng của một thời kỳ kiến trúc tôn giáo thông dụng ở Việt Nam.
Những nhà thờ như vậy, thiết tưởng chỉ cần cơi nới, gia cố, tân trang để bảo tồn nghệ thuật kiến trúc và ý nghĩa tôn giáo là được, nhưng nhiều nơi theo trào lưu thời đại cứ muốn “được mới nới cũ”. Ở đây, cần lưu tâm đến ý thức về giá trị lịch sử của công trình hơn những gì khác.
Những công trình ấy là công sức của biết bao vị tiền bối, đã gầy dựng nên cho các thế hệ mai sau. Vì thế, để tưởng nhớ và ghi ơn tiền nhân, những người ở thế hệ sau không nên vội xóa bỏ công sức của tổ tiên.
Đó là lý do khiến thế hệ sau cần phải hết mực đắn đo thận trọng trong việc đập bỏ cái cũ để xây cái mới. Nhiều người đã tỏ ra rất bức xúc và hối tiếc, khi thấy nhiều nhà thờ cổ ở nơi này nơi khác bị phá đi để xây những cơ sở mới.
Đành rằng phải xây cất để mở mang cho hợp với xu hướng thời đại, nhưng thiết nghĩ, quan trọng hơn là làm sao duy trì được cảm quan đối với nghệ thuật và lòng hiếu nghĩa đối với tiền nhân.
Cần hỏi xem xây để làm gì?
Không phải hễ có tiền hay kiếm được tiền là xây mà cần hỏi xem tại sao xây, xây để làm gì, có cần thiết không. Đồng thời cần đánh giá, việc xây đó liệu có gây bất lợi cho những người nghèo, người không phải là Công giáo hay không. Thậm chí cần xét tới mục đích có phải xây chỉ để khoe mẽ và lấy tiếng khen hay không.
Nhận thức được giá trị kiến trúc của nơi thờ phượng, tác giả Nguyễn Hồng Dương trong cuốn Nhà thờ Công giáo Việt Nam (Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, 2003) đã có những lời lẽ như sau:
“Sự hiện diện của các cơ sở thờ tự Công giáo đã làm cho nghệ thuật kiến trúc Việt Nam đa dạng. Qua những ngôi nhà thờ này, chúng ta không chỉ biết về một loại hình kiến trúc cơ sở thờ tự Công giáo mà còn biết được sự tài ba khéo léo của ông cha ta, bởi hầu hết các thánh đường đều thấm đượm công sức, nhiều khi cả xương máu của người Việt.
Nhà thờ Công giáo mang phong cách Á Đông là thể hiện sự sáng tạo trong nghệ thuật kiến trúc Việt Nam. Đó là những di sản lịch sử văn hóa quí giá của cha ông ta cần được trân trọng gìn giữ.
Nơi nhà thờ Công giáo còn lưu giữ những tranh ảnh, tượng về Chúa, về Đức Maria, về các thánh, lưu giữ những điêu khắc trên các chất liệu khác nhau do ông cha ta tác tạo. Những nhà nghiên cứu về nghệ thuật tranh tượng, điêu khắc Việt Nam không thể không nghiên cứu nó”.
Những lời lẽ trên đây là một sự xác quyết về giá trị kiến trúc của nhà thờ Công giáo, đặc biệt những nhà thờ cổ có giá trị nghệ thuật cao và lịch sử lâu đời. Những lời này đáng cho người Công giáo lưu tâm để tỏ lòng trân trọng đối với các nhà thờ cổ.
LM ANRÊ ĐỖ XUÂN QUẾ, OP
Nhiều nhà thờ cổ khác ở Việt Nam cũng đang gặp nguy hiểm Chia sẻ trên Báo Tuổi Trẻ, ông Martin Rama, người đã có nhiều nỗ lực cùng các chuyên gia lên tiếng bảo vệ di sản Nhà thờ Chính toà Bùi Chu, nói: Không chỉ Bùi Chu, nhiều nhà thờ cổ khác ở Việt Nam cũng đang gặp nguy hiểm bởi làn sóng phá cũ xây mới cần được chính quyền, các linh mục và người dân Việt Nam quan tâm giải cứu chúng. Trong hành trình bảo vệ các nhà thờ cổ còn lại, Bùi Chu có lẽ sẽ luôn được nhớ đến như một vị tử đạo. |