Bảo tồn văn hoá Công giáo – Bài 3: Đau xót nhìn cổ vật nhà thờ chảy máu

Thật đau xót khi những món cổ vật cả trăm năm tuổi ở nhiều giáo xứ rơi vào tay dân buôn đồ cổ. Các đấng bản quyền thì bận rộn nhiều việc quá nên chưa chú trọng đến việc bảo tồn văn hóa. Còn các cha xứ thì có phần xem nhẹ.

Bộ hai Thiên Thần cầm giá nến cao 3 m bằng gỗ nguyên khối chạm trổ tinh xảo. Hiện nay hai bức tượng này đang được đặt ở cung thánh Nhà thờ Tân Sa Châu, Sài Gòn. Ảnh: HMH

1.

Nhiều nhà thờ có bàn thờ, nhà tạm, mặt nhật, các bức tượng kiệu rước do các nghệ nhân chạm trổ, sơn son thếp vàng rất đẹp. Thế nhưng sau này những đồ thờ tự này dần bị thay thế hết. Giáo dân ngày nay chạy theo mốt, thích tượng làm bằng thạch cao, men, nhôm, hoặc composite rồi sơn lòe loẹt lên. Họ thích xi măng, đá rửa, gạch men Trung Quốc… Còn tượng gỗ, tòa chầu, bàn thờ sơn son thếp vàng bỏ đi hết…

Xuất phát từ những thị hiếu như trên, dân buôn đồ cổ thu gom hết. Những đồ cổ đó nhà thờ bán ra rất rẻ, nhưng dân buôn đồ cổ thu lại và bán ra rất đắt. Trước đây có người đưa bức chạm bằng gỗ, trên có viết chữ Latin thếp vàng. Nhà thờ nào đó thanh lý chỉ vài trăm nghìn đồng. Nhưng khi chuộc lại, tôi phải bỏ ra cả ngàn đô la Mỹ.

Sau này tôi đã tặng lại cho nhà truyền thống Giáo phận Hải Phòng. Đức cha Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên cũng rất chú trọng vấn đề bảo tồn nên tôi tặng để ngài lưu giữ.

Chính vì quý mến sự quan tâm đến văn hóa của Đức cha nên tôi cũng tặng mấy cái tủ áo lễ cổ mà tôi tình cờ mua được. Những chiếc tủ này nếu tôi không mua thì sợ chúng sẽ biến mất, nhưng mua lại thì cái nào giá cũng gần chục triệu đồng. Mua thì không có tiền, mà không mua thì rất đau xót khi nhìn thấy những đồ cổ của nhà thờ bị chảy máu.

Ngoài ra, trước đây tôi còn sưu tập được một chiếc kiệu kỳ an (kiệu Thánh Thể) cổ. Chiếc kiệu đã hơn 100 tuổi mà còn lành lặn nguyên xi. Lúc bấy giờ tôi mua hết 33 triệu đồng. Mặc dù tôi đã ra tay “cứu” kiệu khỏi tay giới buôn đồ cổ, thế nhưng quá trình trưng bày thì kiệu lại “bị” chuyển hết nơi này tới nơi khác. Bây giờ chiếc kiệu đang ở đâu, thực tình tôi cũng không được biết. Đồ vật mình khổ công “cứu” mà cuối cùng cũng bị hư hao dần, thất lạc thì nói gì những đồ cổ khác!

Lại kể chuyện, cách đây chừng hai năm, tôi mua bộ hai Thiên Thần cầm giá nến cao 3 m bằng gỗ nguyên khối chạm trổ tinh xảo. Bộ hai Thiên Thần cầm giá nến này một xứ đạo nào đó bỏ đi, dân buôn đồ cổ mua lại. Họ đem tới chỗ tôi, tôi phải chuộc lại với giá 70 triệu đồng. Nhìn đường nét của hai bức tượng này tôi đoán có thể tác giả điêu khắc là ông Phó Gia.

Phải nói thẳng, lỗi để thất lạc những vật phẩm thờ tự, lỗ hổng trong việc bảo tồn văn hóa vật thể Công giáo chính là ở các đấng chủ chăn đã lơ là không coi trọng các giá trị văn hóa. Quyền quyết định những thay đổi này nằm ở tầng lớp linh mục là chủ yếu, chứ ở trên các Đức Giám mục không chủ trương như thế.

2.

Nhà truyền thống là nơi bảo tồn văn hóa phi vật thể Công giáo của giáo phận. Thế nhưng hiện nay rất ít giáo phận, giáo xứ có nhà truyền thống. Tổng Giáo phận Sài Gòn cũng thành lập nhà truyền thống, nhưng hầu như không phát huy được bao nhiêu.

Việc quy hoạch phòng truyền thống thiếu tính ổn định, cứ chuyển qua chuyển lại, sửa chữa… Do vậy, các vật phẩm bảo quản không được tốt. Lúc Tổng Giáo phận mới thành lập phòng truyền thống, có tổ chức trưng bày bộ sưu tập đèn Ánh sáng muôn dân của tôi bao gồm 1.000 chiếc đèn. Khách nước ngoài rất thích vào xem bộ đèn. Sau này, phòng truyền thống lại được trưng dụng ngăn ra làm văn phòng. Thế là bộ đèn cái thì bể, cái thì lăn lóc. Tôi phải thu hồi lại, đóng thùng cất vào kho.

Vấn đề sưu tập và bảo tồn sách cổ cũng ít được quan tâm. Trước đây có cha Nguyễn Hưng (đã qua đời) quan tâm đến các thư tịch cổ. Ngài cất công đi ra Bắc, sang tận Pháp sưu tầm những cuốn sách Hán – Nôm cổ. Hiện nay bộ sách này đang được lưu tại phòng truyền thống Tổng Giáo phận. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là kho sách đến giờ rất ít người tìm hiểu khai thác.

Gần đây có một chuyện bị vuột mất mà tôi rất tiếc. Đó là việc nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đồng ý hiến toàn bộ kho tư liệu nghiên cứu của ông lại cho Tổng Giáo phận Sài Gòn. Tôi có mặt trong buổi ký kết cùng với Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn, cha Tổng đại diện Huỳnh Công Minh.

Điều kiện mà cụ Nguyễn Đình Đầu đưa ra là xin có một phòng để lưu trữ và khai thác làm việc. Cuối cùng không biết do đâu, kho tài liệu này vuột mất.

3.

Trong vụ phá nhà thờ Trà Cổ ở Quảng Ninh, tôi có hỏi Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Giáo phận Hải Phòng, ngài nói nhà thờ gốc bằng gỗ lâu lắm rồi, chịu lực bằng những cột lim. Hồi chiến tranh biên giới đã hư hỏng nặng và từng sửa lại. Bây giờ chỉ còn cây tháp là vững chắc một chút. Nguyên ngôi nhà thờ nhìn dáng bên ngoài như vậy nhưng bên trong đã xuống cấp. Ngày xưa xây bằng vữa, vôi chứ không phải là xi măng cốt sắt… Đức cha cho biết đã đến lúc cần phải xây lại rồi. Giáo dân trong xứ cũng đồng lòng với cha xứ việc xây mới, nới rộng ra.

Thôi thì riêng nhà thờ Trà Cổ dù tiếc cũng đành phải vậy. Không phải Đức cha, cha xứ không quan tâm chuyện bảo tồn mà các ngài đã cố hết sức nhưng không còn cách nào khác là phải đập để xây mới. Thế nhưng còn nhiều ngôi nhà thờ khác gắn với lịch sử khi cha ông lập làng, lập xứ. Do vậy, theo tôi nếu có điều kiện thì nên giữ lại ngôi nhà thờ cũ, xây ngôi nhà thờ mới trong khuôn viên thì quá tốt.

Tôi còn nhớ một kinh nghiệm về tu sửa nhà thờ vào khoảng những năm 1960. Khi ấy gia đình tôi làm việc tại sở cao su Vườn Ngô (Trảng Bom, Đồng Nai). Trong sở cao su có ngôi nhà thờ Vườn Ngô do Pháp xây và họ cũng chính là chủ đồn điền. Khi ấy, cha già Phúc muốn nới rộng hai cánh đầu thánh giá ra.

Cha mới bắt tay sửa thì chủ đồn điền biết và họ can thiệp liền. Họ đề nghị để họ mời kỹ sư bên Pháp sang. Họ nghiên cứu tham khảo ý muốn của bên nhà thờ như thế nào rồi đưa ra phương án thiết kế mở rộng, chứ không cho cha xứ mở rộng tùy tiện.

Yêu cầu của họ là tính toán mở rộng phải phù hợp với thiết kế cũ cũng như đảm bảo các yếu tố về kỹ thuật. Điều này khác hoàn toàn với người Việt Nam mình, cứ thích mở rộng là đập và chắp vá!

Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết giới thiệu về chiếc bàn thờ cổ trong gia đình Công giáo được cha sưu tập. Ảnh: HMH

Tôi đã từng về thăm nhà thờ Ninh Cường, Giáo phận Bùi Chu. Ninh Cường là ngôi nhà thờ rất lớn. Có thể nói về thiết kế, về tính dân tộc chỉ sau nhà thờ Phát Diệm. Dàn gỗ, cột kèo không thể chê được. Những chiếc đấu bằng đá ở chân cột nhà thờ cao cỡ 1m. Bộ cột thì sơn son rất đẹp. Trước nhà thờ còn có cả cái hồ rất hợp phong thủy. Tuy nhiên, sau này nhà thờ cũng qua các đợt sửa chữa, kiến trúc trở nên chắp vá, chỉ có bộ giữa thì còn giữ được tương đối.

Nhà thờ thứ hai mà việc sửa chữa khiến tôi ngạc nhiên và buồn đó là nhà thờ Domaine De Marie ở Đà Lạt. Về thiết kế tổng quan thì vẫn còn y nguyên. Thế nhưng cung thánh thì đã sửa lại hết, nhìn không còn phù hợp với tổng thể.

Đó là hai ví dụ cho thấy việc các giáo xứ tự sửa mà không tham khảo các nhà chuyên môn, các kiến trúc sư có kinh nghiệm. Còn nhiều nơi khác cũng đang làm kiểu này.

Cổ vật cất tiếng nói truyền giáo
Những hiện vật văn hóa là những dấu chứng rất tuyệt vời, có thể dùng để truyền giáo. Có một thầy Dòng Chúa Cứu Thế ở bên Trung Quốc âm thầm học hành, làm việc. Thầy ấy sang Việt Nam, nghe, biết tôi có nhiều đồ cổ nên tới xem. Thầy nài nỉ tôi để lại cho mấy bức tượng cổ.
Tôi hỏi mua lại làm gì. Thầy cho biết: “Công việc của chúng con thường tiếp xúc với các sinh viên. Chúng con có một phòng trưng bày nho nhỏ, người Trung Hoa rất thích cổ vật vì vậy sinh viên tới xem rất đông”.
Thầy cho biết rằng trong khi trưng bày cổ vật thì cũng trưng bày ảnh tượng cổ, kết hợp hướng dẫn thuyết minh cho sinh viên. Qua hoạt động này cũng đã truyền giáo rất hiệu quả. Trong hoàn cảnh khó khăn thì đây là phương thức truyền giáo hiệu quả: Truyền giáo bằng cổ vật.

LM GIUSE NGUYỄN HỮU TRIẾT, Trưởng ban Mục vụ Văn hoá, TGP Sài Gòn

>> Bài 1: Xây cho nở mặt nở mày với thiên hạ

>> Bài 2: Cha sau giải toả công trình của cha trước