Những ngôi nhà thờ mang giá trị văn hoá

Từ Âu sang Á không thiếu những ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ, trầm mặc cổ kính khiến khách hành hương nao lòng.

Các thánh đường tại Âu châu đẹp, cổ kính nhưng lượng giáo dân đến sinh hoạt ngày càng thưa thớt. Tạ ơn Chúa, tại Việt Nam không chỉ vào các dịp lễ lớn hay ngày Chúa nhật, mà còn vào mọi ngày trong tuần, cả sáng, chiều và ban trưa, những lời kinh tiếng hát vẫn vang lên trong những ngôi thánh đường đây đó để ngợi khen chúc tụng tình thương của Chúa.

Tại một số nước Âu châu

Đi hành hương nước Ý, ngoài rất nhiều đại thánh đường rải rác khắp các thành phố, du khách thường được tham quan bốn đại Vương cung Thánh đường (Basiliques Majeures) nổi tiếng của Giáo hội Công giáo tại Roma. Như thường gọi, đó là Đền thánh Phêrô, Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, Đền thờ thánh Gioan Latêranô và nhà thờ Đức Bà cả.

Nhà thờ Đức Bà Paris lúc chưa bị cháy.

Pháp, một quốc gia ngay từ thế kỷ II đã được mệnh danh là “trưởng nữ của Giáo hội Công giáo” (fille aînée de l’Eglise). Trong lịch sử, nước Pháp đã từng cung cấp cho Giáo hội rất nhiều vị thánh và các nhà truyền giáo. Vào những thời kỳ hậu Kitô giáo cũng như vào thời Trung cổ, rất nhiều thánh đường được xây lên vì nhu cầu mục vụ bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo, có khi cũng là những vị hoàng đế hay chức sắc trong Giáo hội Pháp.

Thế nhưng sau này nhìn vào thống kê, từ giáo dân cho tới linh mục, tu sĩ, cũng như trẻ em được rửa tội hay các đôi hôn phối cử hành tại nhà thờ, con số giảm xuống ngày càng nhiều. Riêng con số linh mục giáo phận, vào năm 1965 có tới 46.100 vị, nhưng đến năm 2015 chỉ còn 11.908 linh mục.

Ở Pháp hiện nay rất nhiều Vương cung Thánh đường, nhà thờ hay tu viện chỉ còn là những di tích lịch sử văn hóa, những viện bảo tàng, hoặc những điểm đến cho khách hành hương hay du lịch.

Nhà thờ Đức Bà Paris mà những ai đọc cuốn tiểu thuyết của Victor Hugo đều biết, được xây dựng từ cuối thế kỷ XII cho đến giữa thế kỷ XIV mới hoàn thành.

Vào ngày 15 tháng 4 năm 2019, một đám cháy đã bùng phát trên mái nhà Nhà thờ Đức Bà Paris. Chóp nhà thờ và mái bị sập, bên trong và các bức tường của nhà thờ bị thiệt hại đáng kể. Hiện nay nhà thờ đang trong quá trình trùng tu, dự kiến năm năm mới hoàn thành.

Nhà thờ Sacré Coeur (Thánh Tâm) được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, trên ngọn đồi Montmartre cũng rất nổi tiếng ở Paris đối với khách du lịch nước Pháp và cả trong thi ca. Đến hành hương tại Lộ Đức, ai cũng viếng thánh đường được chính Đức Mẹ, khi hiện ra với thánh Bernadette, đã nói lên ý muốn xây dựng để dân chúng khắp nơi tìm đến tôn kính và cầu nguyện với Mẹ. Ngôi thánh đường này được khánh thành vào ngày 25 tháng 3 năm 1958.

Tại Á châu

Trừ Phi Luật Tân thì hầu hết các nước tại Á châu có số phần trăm theo Công giáo rất ít. Thế nhưng, hầu như quốc gia nào cũng có những ngôi thánh đường lớn và nổi tiếng. Chúng ta không thể không biết đến rất nhiều Vương cung Thánh đường tại Ấn Độ, Phi Luật Tân… Riêng tại thành phố Chennai – Ấn Độ, có ngôi thánh đường được xây từ thế kỷ XVI, trên mộ của thánh Tôma Tông đồ.

Vương cung Thánh đường thánh Tôma ở Ấn Độ.

Ngay cả như Trung Quốc, vẫn có một Vương cung Thánh đường lừng danh. Người Trung Hoa sống tại Việt Nam vẫn hướng về Xà Sơn, một địa danh của thành phố Thượng Hải – Trung Quốc, là nơi có ngôi thánh đường dành để tôn kính Đức Mẹ, được các vị Thừa sai Paris xây từ năm 1871.

Vương cung Thánh đường Xà Sơn, Trung Quốc

Tại Việt Nam

Tuy người Công giáo tại Việt Nam chỉ có khoảng 6%, trong khi Giáo hội đã trải nhiều thời kỳ cấm cách và khó khăn, nhưng các ngôi nhà thờ lớn nhỏ, qua từng năm tháng vẫn được xây lên rất nhiều và ở khắp nơi. Giáo phận nào cũng có Vương cung Thánh đường hay Nhà thờ chính tòa với những lối kiến trúc độc đáo riêng.

Nhà thờ Bùi Chu đang trong những ngày tháo dỡ.

Các phương tiện thông tin ở Việt Nam có nêu ra “Top 5 nhà thờ cổ trên 100 năm được biết đến nhiều nhất”. Đó là nhà thờ đá Sapa ở Lào Cai, nhà thờ lớn Hà Nội, nhà thờ Phú Nhai ở Nam Định, nhà thờ đá Phát Diệm ở Ninh Bình và nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Thế nhưng, còn rất nhiều nhà thờ khác nữa ở Việt Nam có giá trị nghệ thuật và cổ xưa cũng không kém. Riêng ở Nam Định, báo điện tử Vnexpress, ngày 2 tháng 12 năm 2014 đã giới thiệu 10 ngôi nhà thờ cổ và đẹp, trong đó lâu đời hơn cả, là nhà thờ Chính tòa Giáo phận Bùi Chu (1884).

Rất tiếc là Nhà thờ Chính toà Bùi Chu đang bị tháo dỡ để thay thế bằng ngôi nhà thờ mới hoàn toàn.

Nhà thờ Bác Trạch, Giáo phận Thái Bình.

Tại Việt Nam, cũng có nhiều nhà thờ không cổ, nhưng được coi là “nguy nga tráng lệ bậc nhất”, như nhà thờ Bác Trạch thuộc Giáo phận Thái Bình. Ngôi thánh đường này chỉ mới khánh thành vào tháng 10 năm 2013.

Nhà thờ Phong Lâm, Bùi Chu, nơi tôi đang làm việc mục vụ mấy năm trước, cũng có lối kiến trúc độc đáo. Mặc dù chỉ mới hoàn thành vào năm 2006, nhưng ai đến tham quan cũng cho rằng đây là một nhà thờ cổ, vì đậm nét Á Đông và những hoa văn cầu kỳ tinh xảo.

Nhà thờ Phong Lâm, Bùi Chu

LM VINH SƠN NGUYÊN HOÀ, SSS

>> Bảo tồn văn hoá Công giáo – Bài 1: Xây cho “nở mặt nở mày” với thiên hạ

>> Bảo tồn văn hoá Công giáo – Bài 2: Cha sau “giải toả” công trình của cha trước

>> Bảo tồn văn hoá Công giáo – Bài 3: Đau xót nhìn cổ vật nhà thờ chảy máu