Vị Giám mục nhặt rác

Mỗi dịp lễ Mẹ Sầu bi Măng Đen, người ta lại thấy một vị giám Giám mục tóc bạc cúi mình nhặt từng cọng rác, vỏ kẹo bỏ vào thùng rác. Đó là Đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên Giám mục Giáo phận Kontum.

Không biết từ khi nào, nó gọi ngài bằng hai tiếng thân thương ấy: “Ông ngoại”. Và cũng chẳng biết từ khi nào, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh trở thành “ông ngoại, ông nội” của đám trẻ Giáo phận Kontum và là người cha hiền lành, giàu tình yêu thương với đoàn con cái đông đúc của núi rừng Tây Nguyên như chính khẩu hiệu giám mục của người: “Cha chúng con”.

Hình ảnh vị cha chung của giáo phận nhặt rác như thế này đã trở nên quen thuộc vào mỗi dịp lễ Đức Mẹ Măng Đen. Ảnh: TN

Thao thức về văn hóa, giáo dục

Rời Sài Gòn, ngoại về với núi rừng Tây Nguyên từ năm 1968, rồi lao vào công cuộc truyền giáo trên xứ Thượng vốn dĩ rất nghèo nàn: Nghèo cả ơn gọi linh mục lẫn vật chất.

Ngoại tất bật với công việc giáo xứ, giáo họ, rồi sau này là cả một giáo phận trải dài trên hai tỉnh: Kontum và Gia Lai. Người ta biết đến ngài là một vị chủ chăn tốt lành, luôn bênh vực người thấp cổ bé họng.

Mấy ai biết, có những ước mơ, thao thức nho nhỏ mà từ khi về với núi rừng, ngoại phải gác lại, để làm nhiệm vụ cao cả hơn đó là làm cho Nước Chúa được rộng khắp trên xứ Cao Nguyên này.

“Cha ông của chúng ta trong đức tin đã sáng nghĩ ra chữ Quốc ngữ để cho con cháu chuyển tải sứ điệp Tin Mừng. Thế nhưng chúng ta chưa biết tận dụng gia sản quý báu ấy”.

Ngoại không biết sáng tác nhạc, không biết làm thơ, nhưng ngoại rất quý các nhà thơ, nhạc sĩ, càng quý hơn những nghệ sĩ Công giáo. Với ngoại, những người đó đang loan báo Tin Mừng nước Chúa qua ngòi bút của mình.

Ở đêm thơ Kinh Trong Sương tại Sài Gòn vào ngày 28-3-2008, ngài đã chia sẻ tâm tình: “Tôi nhận biết tầm quan trọng và ảnh hưởng rất lớn của thơ văn và âm nhạc, của anh chị em giới sáng tác nói chung và cách riêng là giới sáng tác Công giáo. Bản chất người Ki-tô hữu là được sai đi để rao giảng tình yêu thương không những qua đời sống phục vụ mà còn qua cả sứ điệp bằng lời.

Trong những diễn tả bằng lời thì những lời thơ, dòng văn hay ý nhạc có sức truyền tải rất đặc biệt. Vì thế tôi cám ơn và rất xúc động khi nhìn thấy anh em rất tha thiết với vấn đề này và đang hy sinh nhiều cho vấn đề này”.

Thời còn là chủng sinh, ngoại đã từng gầy dựng nhiều nhóm văn hóa Công giáo với mục đích phục vụ Giáo hội. Đức cha Micae còn đau đáu về vấn đề chữ Quốc ngữ. Ngoại thường nhắc đi nhắc lại mỗi khi có dịp tham dự những buổi sinh hoạt thơ văn trong, ngoài giáo phận:

“Cha ông của chúng ta trong đức tin đã sáng nghĩ ra chữ Quốc ngữ để cho con cháu chuyển tải sứ điệp Tin Mừng. Thế nhưng chúng ta chưa biết tận dụng gia sản quý báu ấy. Đang khi đó những anh em khác đã tận dụng.

Tiếc là vì không biết đến Thiên Chúa, các tác phẩm của họ nhiều khi không chuyển tải được lòng khoan dung và tinh thần phục vụ mà lại chuyển tải một sức mạnh nào đó làm tan nát cõi lòng, làm hoen ố con tim của tuổi trẻ. Chúng ta phải cố gắng làm giàu nén bạc mà ông cha ta để lại, đó là chữ Quốc ngữ”.

Đức cha cũng rất chú trọng đến việc học. Mỗi lần có dịp đi cùng ngoại, ngoại hay bảo nó “Ráng học nghen con!”. Mỗi dịp khai giảng năm học mới, ngoại lại viết tâm thư gởi học sinh, sinh viên toàn giáo phận, hướng cho các em phải học như thế nào để xứng đáng là con cái Chúa, để tôn vinh Chúa.

Đi đến bất cứ nơi đâu, vị giám mục của núi rừng Tây Nguyên cũng khuyên các bậc cha mẹ, phải lo cho con em mình học đến nơi đến chốn. Hơn ai hết, ngài biết giá trị của việc học, ngài nói:

“Nhờ công ơn cha mẹ tôi, cho anh em chúng tôi đi học, nên bây giờ tôi mới có thể đứng đây nói với anh chị em”.

Học để “không bị người khác lừa mình và mình không đi lừa người khác”.

Ở tuổi ngót tám mươi, ngoại vẫn còn học, học những gì mình chưa biết, học để kịp với thời đại, để hiểu hơn về giới trẻ ngày nay, để hòa mình vào chúng, hướng chúng đến những điều tốt đẹp nhất.

Vị giám mục có nhiều biệt danh

Năm 2012, trong buổi sinh hoạt với anh em văn nghệ sĩ Công giáo tại Giáo phận Qui Nhơn, Nhà thơ Lê Hồng Bảo đã giới thiệu Đức cha Micae là vị giám mục có nhiều biệt danh nhất Việt Nam. Những biệt danh ấy không hẳn người ta đặt cho ngài, vị giám mục già trên Tây Nguyên, chỉ để cho vui hay trêu chọc. Mỗi biệt danh của ngài gắn liền với một hành động, việc làm đẹp của ngài.

Khó có thể tìm gặp Đức cha ở Toà Giám mục.

Giám mục không tòa: Khó có thể tìm được Đức cha Micae ở Tòa Giám mục Kontum, dù Tòa Giám mục là nơi ở và làm việc của ngài. Ai muốn gặp Đức cha, dù thân thiết cũng phải báo trước, bởi hiếm khi ngài ở tòa.

Đức cha thường ở các buôn hay những nơi khó khăn nhất của giáo phận, đến và ở lại với những con người, những mảnh đời, để lắng nghe nhịp sống của họ và cảm thông sẻ chia. Ngài nói ngài không có hộ khẩu thường trú, vì “đường là nhà, xe là giường, khách sạn là máy bay”.

Ngoại đi thật nhiều, đi thật nhanh, ghé chỗ này một chút, chỗ kia một chút, thăm viếng một vài người, để hiểu thêm tình hình hiện tại của xứ đạo. Nhớ một lần về Qui Nhơn, ngài bảo ngài sẽ đón nó ở An Khê lúc 8 giờ 30 sáng nhưng nó chờ tới quá trưa ngài mới tới.

Sau này nó mới biết, từ Tòa Giám mục xuống An Khê, phải qua khoảng chừng sáu hay bảy giáo xứ ở dọc đường và ngài đã dừng lại để thăm các mục tử ở những nơi đó. Ngoại đi nhiều, trong và ngoài nước. Đôi khi nó lo lo bởi nó biết Ngoại chẳng khỏe mạnh lắm lắm như người ta, ngài đeo máy trợ tim lâu rồi!

Giám mục của người nghèo: Kontum là một giáo phận nghèo với hơn ba trăm ngàn giáo dân mà đa số là người thiểu số Jrai, Bahnar, Xê Đăng… Ở cương vị chủ chăn, hơn thế nữa, là một người cha, người ông của một đại gia đình, Đức cha Micae rất quan tâm đến người nghèo trong giáo phận.

Ngài đến với những người nghèo, chia sẻ những khó khăn họ gặp phải. Bởi vậy, ở Kontum này, người ta không mấy xa lạ một vị giám mục hay “vi hành” trên chiếc xe cũ kỹ lấm đầy bụi đất, đến với các buôn làng.

Và cũng vì vậy, người ta cũng sẽ dễ dàng nhận ra, chiếc xe của vị giám mục Kontum giữa những chiếc xe hơi bóng loáng khác: Chiếc xe cũ kỹ, đầy bụi đất, màu đất đặc trưng của Tây Nguyên.

Giám mục nhặt rác: Ngoại đã bắt chước Chúa Giê-su làm gương cho tất thảy con cái trong giáo phận. “Anh em gọi thầy là thầy, là Chúa. Điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.

Mỗi dịp đại lễ Đức Mẹ Măng Đen, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước một vị giám mục cao niên, cúi xuống nhặt từng vỏ kẹo bị vứt ra đường, cho vào thùng rác. Ở cương vị của một giám mục, thật khó để cúi xuống nhặt từng vỏ kẹo, từng tàn thuốc lá mà người ta dùng xong vứt bừa bãi. Vậy mà ngài đã làm.

Ngài làm việc đó không phải để làm kiểu cho người ta chụp hình mà để làm gương cho con cái: Giám mục nhặt rác cho anh chị em được thì anh chị em cũng phải biết nhặt rác lên mà bỏ vào thùng, ít ra là giữ môi trường sạch đẹp.

Giám mục… đốt nhà: Ở vùng đất truyền giáo này, chuyện xây nhà nguyện, cách riêng là vùng dân tộc thiểu số, gặp phải khó khăn trăm bề. Để xây được nhà nguyện mới, buộc phải phá nhà nguyện cũ. Nhưng nhà nguyện đã được dâng hiến cho Thiên Chúa nên không ai dám phá.

Vì thế, sau khi hoàn thành Giáo xứ Tea Long, một giáo xứ của người Xê Đăng, theo lời cam kết, Đức cha Micae giương cao ngọn đuốc châm lửa vào nhà nguyện cũ như một lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa. Ngọn lửa thể hiện ý chí kiên trung sắt đá của một đức tin vững vàng chấp nhận đau thương.

Bây giờ ngoại đã nghỉ hưu. Giáo phận đã có chủ chăn mới, một vị giám mục hiền lành và khiêm nhường. Thế nhưng Đức cha Micae vẫn làm việc không ngừng nghỉ, làm một cách thầm lặng nhất.

Một con người vĩ đại không phải họ làm những điều vĩ đại mà họ đã làm những điều tầm thường nhất bởi tất cả lòng yêu mến tha nhân. Và Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh là một người như thế.

Đức cha Micae còn là một giám mục quý ơn gọi. Ngài đã vun đắp nhiều cho ơn gọi tận hiến trong giáo phận. Ngài đi đến đâu, cũng kêu gọi các dòng tu lên phục vụ trên cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên. Có lẽ vì thế mà hiện tại mà có nhiều dòng tu hiện diện ở Giáo phận Kontum.

TÂM NGỌC

>> Đức cha Nguyễn Văn Bản: Cộng đoàn là nơi thanh lọc thánh ca