“Một lần cũng lâu rồi, tôi đi cùng với mấy sơ từ Sài Gòn đến thăm Đan viện Châu Sơn, Lâm Đồng. Được trở lại thăm chốn cũ, biết bao cảm xúc tràn về. Từ phòng khách đan viện nhìn ra phía núi khi xưa vẫn hằng ngày đi chăn bò, tôi chợt ngẫu hứng hát: Con cứ ngỡ rằng núi Thái Sơn không bao giờ ngã xuống… Tôi hát mà chẳng hiểu mình vừa hát cái gì, rồi vội ghi vào mảnh giấy theo thói quen. Trước đó, thân phụ của tôi vừa qua đời…”.
Nữ tu Maria Vô nhiễm Nguyễn Thị Hương Lan, tức Nhạc sĩ Trầm Hương, Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa (FMSR), đã chia sẻ cảm xúc về giây phút xuất thần sáng tác bài thánh ca Khi Thái Sơn ngả bóng cuối trời. Bài hát làm rung động biết bao con tim yêu âm nhạc thánh, nhất là những tâm hồn đang tan vỡ vì mất đi đấng sinh thành.
Đậm chất thánh, ngoài phụng vụ
Con cứ ngỡ rằng núi Thái Sơn không bao giờ ngã xuống.
Con cứ ngỡ rằng bàn tay Cha mãi mãi bên con.
Nhưng hôm nay bóng dáng Cha đã khuất xa rồi, núi Thái Sơn ngả bóng cuối trời
Con ở lại với nỗi đơn côi gọi thầm tên Cha. Cha ơi! Cha hỡi…
Ca từ không cầu kỳ, bóng bẩy nhưng là những tâm sự đầy tràn yêu thương, chất chứa tấm lòng của người con tưởng nhớ về đấng sinh thành, dưỡng dục mình đã khuất sau buổi hoàng hôn của cuộc đời.
Không đẹp sao được khi đó là lời tâm tình đầy thánh thiện của người con thảo dành cho cha, cho mẹ. Thế nhưng Khi Thái Sơn ngả bóng cuối trời không phải là bài thánh ca phụng vụ, nghĩa là không hát trong thánh lễ Misa. Đây là bản nhạc thánh ngoại phụng vụ, được hát “Ad libitum” (tùy chọn kết lễ an táng-cầu hồn, hát cộng đoàn ngoài thánh lễ, sinh hoạt cầu nguyện gia đình…), được tác viết ở cung La thứ để “Nhìn dòng nhạc cho nó đẹp và để bớt những dòng kẻ phụ” – lời Nhạc sĩ Trầm Hương.
Lời tự sự thổn thức con tim
Bản nhạc được viết một mạch, không phiên khúc, điệp khúc nhưng đầy triết lý, tự sự, đánh động vào tâm can những ai đang khuất cha, nhớ mẹ.
Nam ca sĩ có chất giọng trầm ấm, truyền cảm Gia Ân là người thu âm đầu tiên bản Khi Thái Sơn ngả bóng cuối trời cùng với nữ ca sĩ Mai Ly. Sau đó, nhiều ca sĩ Công giáo khác cũng tìm đến nhạc sĩ Sr. Trầm Hương để chia sẻ sự đồng cảm với tác giả.
Phần lớn các bài thánh ca của nhạc sĩ Trầm Hương được viết trong lúc thảnh thơi khi đi chăn bò trên triền núi.
Đó là ca sĩ Phi Nguyễn, ca sĩ Phan Đinh Tùng (hát trong album của tác giả phát hành), LM Nguyễn Sang. Chính sự rung động tình cảm mãnh liệt của bài thánh ca về đạo hiếu ngoại phụng vụ ấy, lần đầu tiên nó được cất lên bởi một tu sĩ Phật giáo – Đại đức Thích Thiện Mỹ, trụ trì chùa Viên Giác, Đồng Nai. Rồi sau đó đại đức đã cho thu âm vào album của mình, mà theo một Phật tử của ngài, “mỗi lần nghe thầy hát xong, lần nào con cũng khóc…”.
Nhận xét về bài thánh ca làm lay động lòng người này, nhạc sĩ Trầm Hương đã khiêm hạ: “Thỉnh thoảng sơ cũng có vào YouTube để nhìn “những đứa con tinh thần” của mình, xem chúng được đón nhận như thế nào. Và thật nó quá lòng sơ mong ước. Sơ không mong được biết đến tên tuổi, cũng không mong nhận tác quyền. Bởi vì Chúa đã cho sơ tất cả một cách nhưng không”.
Bắt đầu viết nhạc từ năm 1972, lúc đó nữ tu Hương Lan 23 tuổi và chưa qua trường lớp hòa âm, sáng tác nào. Từ năm 1975, cùng với các chị em, sơ Lan được chuyển đến Đan viện Châu Sơn, Đơn Dương (Lâm Đồng).
Phần lớn các bài thánh ca của sơ Trầm Hương được viết trong lúc thảnh thơi khi đi chăn bò trên triền núi. Châu Sơn với núi cao, cỏ xanh, trời rộng khiến tâm hồn bình an hạnh phúc, chừng như đã thấy được cõi vô biên… Rồi một buổi chiều tà thanh thản trên sân thượng tu viện, thấy xa xa có cái gì đó như những sợi khói nhẹ vương, tựa làn hương trầm lảng bay lên cõi trời cao, chợt thầm nghĩ: “Mình sẽ là Trầm Hương”. Tác giả Khi Thái Sơn ngả bóng cuối trời đã tâm sự về bút danh Trầm Hương của mình như vậy.
XUÂN THÁI