Có nên nói ra mặt trái của các đấng?

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Một lời bao biện còn tệ hơn cả một lời dối trá, vì lời bao biện là một lời dối trá được bảo vệ”.

Năm 2009, Đài Phát thanh Chân Lý Á châu có phát hai bản tin. Đó là bản tin về cuộc khủng hoảng tại một giáo xứ thuộc Tổng Giáo phận Brisbane, Australia.

Nội dung nói về Linh mục Kennedy tại Úc “đã có những thái độ đi ngược lại với các tín điều, nghi thức phụng vụ và giáo huấn của Giáo hội Công giáo. Mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng Linh mục Kennedy vẫn không thay đổi thái độ. Linh mục vẫn tiếp tục những điều dễ gây tranh luận và ngộ nhận trong giáo đoàn”.

Linh mục tuy là người được lãnh nhận bảy chức thánh nhưng các ngài vẫn là con người với những yếu đuối mong manh của thân phận làm người.

Bản tin thứ hai chuyển tải những thông tin về việc “các hãng truyền thông trên thế giới đã đưa ra ánh sáng những chi tiết về cuộc sống “hai mặt” và sự thiếu minh bạch trong vấn đề tài chánh của Linh mục Maciel, sáng lập viên Hội đạo binh Chúa Kitô và Hội Giáo dân “Vương quốc Chúa Kitô”.

Ngay sau đó có thính giả đã gửi thư về đài đặt vấn đề có nên phát sóng rộng rãi nội dung như thế không, vì người Việt muốn nghe những điều tốt đẹp của các đấng, muốn tốt khoe xấu che…?

Thực ra, khi công khai, minh bạch những vấn đề tiêu cực trong một tập thể, một cá nhân hay một cộng đoàn với tinh thần xây dựng, không mạ lỵ mạt sát cá nhân là điều rất lành mạnh.

Một người trưởng thành, một xã hội quân bình và văn minh phải có đủ can đảm và khiêm tốn để đón nhận. Sự thật vẫn là sự thật, chúng hiện hữu một cách độc lập, bất chấp thái độ nhìn nhận của chúng ta.

Ngày 12 tháng 3 năm 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cùng toàn thể chức sắc của Giáo hội Công giáo, tại quảng trường Thánh Phêrô, đã công khai xưng thú bảy loại tội của Giáo hội trong suốt 2000 năm qua trước toàn thể đám đông tụ hội ở quảng trường.

Nếu chỉ biết im lặng và làm ngơ, không muốn nghe những chuyện gây gương mù gương xấu của giám mục, linh mục thì làm sao Giáo hội có cơ hội nhận ra những lỗi lầm của mình để xin lỗi và sửa đổi?

Trong hoàn cảnh sống mới, người giáo hữu không thể là những con cừu ngoan ngoãn tôn thờ hình ảnh các linh mục như người độc quyền ban phát chân lý và có ơn bất khả ngộ.

Và quả là không đúng khi chúng ta cứ thích nghe những điều tốt đẹp, tròn trịa, tốt lành về đời sống của các linh mục, tu sĩ và cho rằng việc phổ biến rộng rãi “những chuyện gây gương mù gương xấu của giám mục, linh mục” khiến cho các giáo dân sẽ “nhìn các linh mục, giám mục với ánh mắt nghi ngờ”?

Thiết nghĩ Công đồng Vaticano II đã mang lại nhiều sức sống mới cho Giáo hội, rất tích cực và sinh động, đặc biệt là đối với giáo dân. Người giáo hữu ngày nay được giáo dục một đức tin trưởng thành và có khả năng tư duy độc lập. Vì thế, họ có thể bình tâm giữ đạo cho dù có nhìn thấy những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong hàng ngũ các giáo sĩ.

Vì xét cho cùng họ hiểu rằng, linh mục tuy là người được lãnh nhận bảy chức thánh, nhưng các ngài vẫn là con người với những yếu đuối mong manh, vẫn tồn tại trong lòng những tham sân si của thân phận làm người.

Một cách nào đó, chính hiện tượng sùng bái cá nhân, kính mến thái quá của giáo dân đã đóng khung đời sống các vị chủ chăn và khiến các vị ấy không dám sống thật với chính mình.

Lời kêu gọi “hãy bảo vệ các linh mục của chúng ta” là một lời kêu gọi đúng. Thế nhưng bảo vệ không có nghĩa là cố tình im lặng, che đậy những lỗi lầm nếu có của các ngài.

ĐIỀN PHƯƠNG THẢO

>> Chàng nhạc sĩ bỏ phố lên rừng lập Làng Cù Lần