Đọc những tin tức về Đức Giáo hoàng Phanxicô, Ngài xuất hiện khắp nơi, đến với mọi thành phần từ những người nghèo khó, vô gia cư, đến những phạm nhân đang thụ án nơi ngục tù. Ngài xúc động ôm hôn người có khuôn mặt dị dạng, người mà ai thấy cũng hãi sợ. Ngài vui vẻ, hồn nhiên bồng ẵm trẻ thơ trong các cuộc triều yết chung, mặc cho trẻ leo lên giảng đài, chễm chệ ngồi vào ghế dành riêng…
Có những vị chủ chăn ở gần, nhưng tấm lòng cách biệt
Trong lòng tin, Ngài đúng là hiện thân, là gương mặt Đức Giêsu giữa thế giới. Một Đức Giêsu đến với những con người tội lỗi, những người bị khinh chê bỏ rơi, những người đau khổ trước ốm liệt, cái chết của người thân… như được tường thuật trong các sách Tin Mừng.
Nhưng Đức Phanxicô đang ở xa chúng ta. Những giáo hữu dân Việt Nam chỉ một số rất ít đã được may mắn đến, nhìn thấy hoặc đã gặp Ngài.
Còn ngay bên cạnh, gần lắm là các đấng bậc chủ chăn, là linh mục quản xứ, giám mục giáo phận… nhưng vẫn có một khoảng cách khá xa, cách biệt.
Thực tế, đã có nhiều linh mục khi về nhậm xứ đã đi thăm hỏi các gia đình trong xứ, tạo nên những cảm tình tốt đẹp ban đầu. Nhưng rồi chỉ sau vài ba tháng khi có việc cần gặp, “cha chẳng còn nhớ con là ai” (!?).
Tội nghiệp cho người giáo hữu, vốn gắn bó kinh lễ thường ngày nơi xứ đạo. Còn đối với những “con chiên ghẻ, lạnh” vì ít sinh hoạt giáo xứ do điều kiện khách quan, hoặc do có những đụng chạm nhất định, ý kiến khác biệt thì cha sở nhiều khi không thèm nhìn mặt, chưa kể gây nhiều khó khăn cho gia đình khi có việc hiếu, hỷ…
Thử hỏi có mấy ai mừng kỷ niệm ngân khánh, kim khánh, thậm chí ngọc khánh hay hơn thế nữa, hoặc khi nằm xuống, được cha sở đến chúc mừng hay thăm viếng ủi an gia đình? Có đó, nhưng ít lắm.
Thực tế, cách đây không lâu, ở một xứ đạo nọ có cụ bà gần trăm tuổi qua đời, gia đình xin cha sở đến cử hành nghi thức tẫn liệm vì con trai lớn của cụ về chưa kịp nhưng bị ông mắng. Đến khi biết cụ là mẹ của một linh mục thừa sai ở giáo phận khác, cha xứ mới vội vàng đến, còn trách nhà hiếu sao ở đây đã lâu mà cha không biết bà cố (!)
Câu chuyện Đức cha dừng xe khi thấy cờ tang
Nhưng cũng có trường hợp, nhiều gia đình bất ngờ được đón tiếp đức giám mục giáo phận khi ngài bước vào thắp hương cầu nguyện cho thân nhân mới qua đời, chia buồn an ủi tang quyến. Đó là câu chuyện mà giáo dân tại Giáo phận Ban Mê Thuột truyền tụng về đấng chủ chăn của mình. Mọi người rất cảm kích Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản.
Ngài có một thói quen là khi đang trên đường đi, hễ thấy cờ tang Ngài sẽ ghé vào viếng, không cần biết đó là ai, giàu hay nghèo. Ngài còn nhân dịp đó hỏi thăm công ăn việc làm, cuộc sống của các thành viên trong nhà. Ai cũng ghi nhớ hình ảnh nhân hậu của Ngài và nói với nhau: “Ngài đã thể hiện yêu thương của chủ chăn đối với đoàn chiên”.
Cách đây bốn năm, trong một chuyến “Tây du”, tôi đã có mặt ở Nice, sau thánh lễ mừng kỷ niệm 30 năm hôn phối của vợ chồng một người bạn (chỉ là chủ một quán ăn nhỏ). Hai vợ chồng ấy, trưa về đã bất ngờ thấy và biết Đức Giám mục, cha sở nhà thờ Notre Dame De Nice ôm hoa và cả một chai rượu đến chúc mừng.
Vị Giám mục này cũng đã tự tay viết lời chúc mừng kỷ niệm 60 năm hôn phối cho bố mẹ người bạn này ở Việt Nam, khi được cha sở thông báo (vì người bạn đến xin lễ cầu nguyện cho bố mẹ).
THẠCH PHÙNG