Người làm giấy “thông hành” cho nhung nai

Người dân xứ đạo Châu Sơn, Giáo phận Ban Mê Thuột, vốn nổi tiếng với nghề nuôi nai lấy nhung. Gặp nhau tại vùng đất đầy nắng gió này, Lê Linh Duy đã dẫn dắt chúng tôi đi ngược về câu chuyện truyền thống của xứ đạo anh.

Xuất thân từ một xứ đạo thuần nông ở Ban Mê Thuột, sau khi tốt nghiệp ngành ngoại ngữ, lập một công ty chuyên về dịch thuật, ai cũng tưởng Lê Linh Duy đã đoạn tuyệt khỏi cái gốc nông dân mà gia đình anh mang nặng bao đời nay. Vậy mà đùng một cái anh đóng cửa công ty cũ, lập ra công ty mới để trở về với nông nghiệp, làm nhung nai.

“Muốn giàu nuôi nai, lai rai nuôi thỏ”

Xứ đạo Châu Sơn, Giáo phận Ban Mê Thuột, chỉ cách trung tâm Thành phố Buôn Ma Thuột chừng 3 km. Như bao làng quê khác ở vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên, người Châu Sơn cũng trồng cà phê, tiêu… Chàng trai Lê Linh Duy đã xuất thân từ đây, ra đi ôm giấc mộng phố thị.

Trang trại nuôi nai gần 500 con của Lê Linh Duy được nuôi và chăm sóc đúng quy trình. Ảnh:HMH

Thế nhưng dường như những hình ảnh người nông dân thôn quê quanh năm cần mẫn với ruộng đồng cứ đeo bám suy nghĩ của Duy. Rồi anh quyết định làm một cú lội ngược dòng, bất chấp dòng nước mắt ngăn cản của vợ con, bất chấp bạn bè bảo “đồ khùng”.

Từ quyết định này, hàng loạt ý tưởng làm thương hiệu cho những sản vật địa phương ra đời. Những món dân dã xưa kia chỉ an phận ở chợ quê, nay qua bàn tay Lê Linh Duy đã chễm chệ nằm trong siêu thị.

Trước khi bắt tay vào làm nhung nai, Lê Linh Duy đã rất thành công với các sản vật địa phương qua thương hiệu Tam Nông như gà ác Tam Nông, Măng tre Tam Nông, Măng lưỡi lợn Tam Nông, Chuối rừng Tam Nông…

Tại sao bỗng dưng Duy lại bẻ lái sang nhung nai? Để trả lời câu hỏi này, Duy dẫn dắt chúng tôi đi ngược về câu chuyện truyền thống của xứ đạo của anh. Trồng cà phê đương nhiên là công việc của người dân Buôn Ma Thuột nhưng nuôi nai là nghề gia truyền của riêng xứ Châu Sơn.

“Đầu tiên tôi quyết định bỏ hết chuyện làm kinh doanh, lương tháng vài ngàn USD để về quê nuôi gà ác. Đồng thời tiếp cận các nguồn sản phẩm khác, xây dựng thương hiệu. Lúc đó cha mẹ không nhìn mặt, vợ con giận hờn nhưng tôi thuyết phục mãi mới được”.

LÊ LINH DUY

Theo anh Duy, người dân ở Châu Sơn là Công giáo toàn tòng gốc Hà Tĩnh. Nhiều gia đình di cư từ Hương Sơn, Hà Tĩnh vào từ những năm 1954. Những thế hệ trước khi còn ở quê gốc ngoài nghề nông còn có nghề tay trái là nuôi hươu lấy nhung.

Khi di cư vào Buôn Ma Thuột, họ nhớ con hươu ở làng quê xưa lắm. Nhưng ở miền đất mới này kiếm con hươu thật không dễ. Từ đó họ suy nghĩ tìm phương cách thay thế. Con nai rừng là lựa chọn lý tưởng nhất nên từ đó họ bắt đầu thuần dưỡng chúng để nuôi lấy nhung.

Các cụ tìm gặp những ông thầy lang Tàu để hỏi. Họ nói giá trị dinh dưỡng của nhung nai hay hươu đều ngang nhau và giá như nhau. Từ đó nghề nuôi nai nơi quê hương mới bắt đầu.

Cứ thế nghề nuôi nai phát triển, có gia đình truyền nghề từ đời cha cho con. Cứ thế, xứ đạo Châu Sơn nổi tiếng với truyền thống nuôi nai lấy nhung suốt 70 năm qua.

Nhiều gia đình đã trở thành triệu phú nhờ nuôi nai và chính con nai đã dẫn dắt rất nhiều lứa con cháu của họ bước vào giảng đường đại học. Đến nỗi về Châu Sơn bạn sẽ nghe người ta truyền tụng nhau câu châm ngôn: “Muốn Giàu nuôi nai, lai rai nuôi thỏ”. Tới Lê Linh Duy là thế hệ thứ ba tiếp nối truyền thống nuôi nai kể từ khi người dân di cư đến vùng này lập trại.

Đưa nai xuống phố

Vài năm gần đây bỗng dưng giá nhung giảm mạnh do sự nở rộ của các loại thực phẩm chức năng. Dẫu vậy người dân Châu Sơn vẫn không bỏ nghề gia truyền của mình. Cũng thời điểm này Lê Linh Duy vào cuộc để hiện thực hóa những điều anh trăn trở bấy lâu nay. Bắt đầu từ năm 2014, anh đi lên đi xuống giữa Sài Gòn – Ban Mê Thuột như con thoi để bắt tay vào việc “chuẩn hóa” con nai.

Sau gần ba năm Lê Linh Duy đầu tư công sức, con nai đã có thêm được tấm giấy thông hành để đi về các siêu thị và xuất ngoại. Ảnh nhân vật cung cấp

Theo anh Duy, ở đây khí hậu rất tốt để nuôi nai nhưng sản phẩm quá nghèo nàn. Cả gần thế kỷ nay người dân chỉ cắt nhung nai rồi bán chứ không bào chế. Hồi chưa có tủ lạnh thì họ chỉ biết cắt ngâm rượu, mà ngâm không đúng bài bản cũng không làm nên giá trị của nhung. Không ngâm rượu thì cũng chỉ biết sấy khô hoặc đem bán cho tiệm thuốc Bắc.

Với kinh nghiệm đã làm quy trình cho những sản vật trước đây, Duy cố gắng xây dựng nghề nuôi nai thành một quy trình khoa học. Anh đã tập trung đầu tư trang trại gần 500 con nai với quy hoạch vùng trồng cỏ sạch.

Trại nai của anh có bác sĩ thú y theo dõi định kỳ. Anh cũng đang tiến hành nghiên cứu tìm ra những phương án mới nuôi nai sao cho hiệu quả hơn cách làm truyền thống từ trước đến nay.

“Làm trại nuôi thường thì được, thế nhưng để có những sản phẩm thương hiệu, đạt được hàng loạt quy chuẩn từ kiểm tra chất lượng, an toàn thì cực khó. Thế nhưng quyết tâm làm rồi cũng được”, anh Duy tâm sự.

Công ty Đông Bắc Á, nơi Lê Linh Duy làm Tổng giám đốc, đã quyết định đầu tư, nghiên cứu công nghệ đưa nhung nai vào chế biến thực phẩm. Công ty đã thành công trong việc sản xuất nhung nai ngâm mật ong đóng lọ, nhung nai sấy khô mang thương hiệu Nhung Việt. Tất cả đều theo tiêu chuẩn khắt khe của Bộ Y tế. Từ đây con nai đã có thêm được tấm giấy thông hành để đi về các siêu thị ở các đô thị lớn và xuất ngoại.

Sắp tới đây, khi đã ổn định về quy hoạch nuôi và đa dạng hóa sản phẩm, anh Duy còn mong muốn đưa đàn nai của mình vào kết hợp khai thác du lịch. “Tôi sẽ phối hợp với các tour du lịch đến Buôn Ma Thuột để tham quan làng nai và có thể tổ chức cho du khách quan sát quy trình cắt nhung nai trực tiếp tại làng” – anh tâm sự.

Sau bao năm ấp ủ, hiện nay Công ty Đông Bắc Á ra mắt các sản phẩm nhung nai mang thương hiệu Nhung Việt tại TP.HCM. Đây là kết quả tìm tòi và quyết tâm làm bằng được của Lê Linh Duy.

Cầm hộp nhung nai trên tay, Duy rưng rưng như đã trả được món nợ với xứ đạo quê hương. Những người nuôi nai quê anh từ đây cũng bớt được phần nào nỗi lo đầu ra của con nai.

Hiện nay vùng nuôi nai lớn nhất là New Zealand, sau đó đến Úc, Canada và Nga. Và hầu như ở các nước này không nuôi hươu mà 90% là họ nuôi nai.
Thực tế các viện nghiên cứu thế giới cho rằng chất lượng nhung của con nai và hươu là như nhau. Bằng chứng cho thấy trên thế giới đa số đều nuôi nai lấy nhung. Sản phẩm ở các quốc gia này khá phong phú, đa dạng.
Ở Liên Xô 30 năm về trước người ta đã chiết ra nước nhung nai để tiêm vào tĩnh mạch cho các vận động viên điền kinh. Đây không thuộc dạng chất kích thích và thực sự không gây béo như nhiều người lầm tưởng nhưng nó có sức đề kháng và giúp cơ thể hồi sinh một cách thần kỳ.
LÊ LINH DUY, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Đông Bắc Á

HOÀNG MẠNH HÀ

>> Cậu bé tự kỷ khởi nghiệp