Cậu bé tự kỷ khởi nghiệp

Sinh ra trong một gia đình Công giáo thuộc Giáo xứ Thánh Tâm, Giáo phận Kon Tum, số phận của Trần Huy Khoa ngay từ khi còn bé đã kém may mắn vì mắc phải căn bệnh tự kỷ. Đến tận năm 10 tuổi, cậu vẫn không thể phân biệt được đâu là cái muỗng ăn cơm...

“Đổ bỏ hàng trăm tấn gạo, tinh bột ngũ cốc, thiệt hại đến gần 10 tỉ đồng, cộng với sự mất niềm tin, cho rằng dự án phi thực tế và dần bỏ đi, tôi mệt mỏi đến mức bị bệnh mất trí, không thể nhớ nổi tên của người bạn thân”.

Đó là chia sẻ của anh Trần Huy Khoa, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học Bio Sun, nhân vật đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu và phát triển thành công bốn chủng đông trùng hạ thảo quý hiếm, cậu bé tự kỷ ngày nào.

Chính niềm tin vào Chúa, vào đạo đã giúp Khoa khởi nghiệp công việc hiện tại của mình. Ảnh do nhân vật cung cấp

Đi đến ước mơ với cú lội ngược dòng

Sau rất nhiều lần hẹn gặp không thành do Khoa đang khá bận rộn với công việc nghiên cứu và kinh doanh của mình, cuối cùng tôi cũng đã hẹn được Khoa trong buổi tối muộn ở Sài Gòn. Hiện anh là giáo dân của Giáo xứ Tân Định, Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Lúc còn bé, ngồi học trong lớp Khoa chỉ ngơ ngác, thất thần cười một mình, mơ mộng về những điều không tưởng…

Tôi không thấy vẻ mệt mỏi sau một ngày dài làm việc và nghiên cứu. Khoa vẫn với phong thái hào hứng và nụ cười tràn đầy năng lượng trên môi.

Nếu như nhà bác học nổi tiếng Thomas Edison đã từng bị thầy giáo của mình chế giễu ông là một cậu bé ngu dốt và điên khùng, thì tuổi thơ của Trần Huy Khoa cũng đầy sự chế giễu, dè bỉu của mọi người xung quanh bởi họ cho rằng đứa trẻ tự kỷ này rồi cũng sẽ chẳng làm nên trò trống gì cả.

Thế nhưng cũng ít ai biết rằng ẩn sâu trong vỏ bọc khù khờ của cậu là ước mơ trở thành một bác sĩ để kiếm được thật nhiều tiền, xây một ngôi nhà thật lớn với những tiện nghi cao cấp cho gia đình mình. Và hơn hết cậu bé luôn nhắc đến hai chữ phụng sự!

Năm 13 tuổi, Khoa được cậu ruột đưa vào Sài Gòn nuôi nấng, dạy dỗ. Khoa đã dần thay đổi và ý thức được cuộc sống mới của mình, vừa đi học vừa đi làm thêm đủ nghề để phụ giúp cậu. Lúc đó Khoa chỉ có một ý nghĩ đơn giản, cậu phải học để trở thành bác sĩ.

Anh Trần Huy Khoa đến chăm sóc trẻ em tại các mái ấm. Ảnh do nhân vật cung cấp

Tuy nhiên, ước mơ của Khoa bị ngưng lại vì thi trượt Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Chán nản, tẻ nhạt và vô vị, đó là khoảng thời gian mà Khoa dường như đã mất đi động lực.

Sau đó, anh quyết định tham gia các hoạt động từ thiện như chăm sóc bệnh nhân HIV, ung thư hay những người nằm liệt giường… Thấy được sức khỏe của họ có tiến triển, Khoa như lấy lại được tinh thần khi phát hiện ra lý tưởng phụng sự xã hội và con người.

Ý tưởng kinh doanh đến từ những người đau khổ

Khoa chia sẻ: “Chính niềm tin vào Chúa, vào đạo đã giúp Khoa khởi nghiệp công việc hiện tại của mình”. Anh có một trung tâm nghiên cứu về công nghệ sinh học. Trung tâm hình thành từ quá trình Khoa tham gia thiện nguyện chăm sóc các bệnh nhân HIV, bệnh nhân ung thư và người già neo đơn.

Chính những lần tận mắt chứng kiến cảnh người bệnh đang quằn quại chiến đấu với bệnh tật và sinh tử, Khoa có một trăn trở là mình phải làm nghề liên quan đến sức khỏe, hay chính xác hơn là đi tìm một giải pháp nào đó để hạn chế căn bệnh ung thư ở Việt Nam. Đó là tiếng nói mà Khoa nghĩ rằng trong sâu thẳm tâm hồn, Chúa có một tiếng mời gọi để mình đi theo lý tưởng phục vụ.

Từ đó ý tưởng kinh doanh đầu tiên được nhen nhóm. Khoa cùng nhóm bạn đã nghiên cứu ra một loại thuốc trị bệnh cho cây trồng, thay thế các loại thuốc hóa học trị bệnh cho cây trồng nhằm giảm ung thư ở Việt Nam.

Nguyên liệu chính của loại thuốc trị bệnh cho cây trồng này được làm từ gạo, dịch chiết từ vỏ tôm, cua. Điều này đối với Khoa không đơn thuần là việc kinh doanh mà hơn hết nó phải mang tinh thần vì cộng đồng, tức là bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, sinh thái.

Bản thân Khoa nhận thấy đây cũng chính là điều giúp Khoa thực hiện hoài bão, sứ mệnh mà anh ao ước từ nhỏ khi còn được học trong trường dòng của các sơ Mến Thánh Giá.

Hãy cho đi tất cả những giá trị mình có

Cho đến nay, tất cả công việc nghiên cứu và kinh doanh của Khoa đang hướng đến giá trị lõi mà Khoa đã đặt ra, đó là nghiên cứu ra các sản phẩm phục vụ cho môi trường sống. Sau khoảng thời gian dài tập trung nghiên cứu, gần đây Khoa đã nghiên cứu thành công thuốc trị bệnh cho thủy sản và làm sạch nguồn nước nuôi trồng một cách an toàn, nhờ sử dụng công nghệ sinh học enzym của vi sinh vật kết hợp với dịch chiết của vỏ tôm, cua để đưa về dạng nano với tên khoa học là nano chitosan.

Sản phẩm này thay thế được cho các chất hóa học mà người nuôi trồng sử dụng để trị bệnh cho tôm, cá hoặc xử lý nước. Đây cũng là khát vọng lớn mà Khoa đã làm được.

Hơn tám năm Khoa luôn trăn trở là làm cách nào để có thể giúp đỡ cho những bệnh nhân ung thư, làm sao để chăm sóc sức khỏe cho chính người thân của mình. Chính trong những chuyến đi làm công tác xã hội, Khoa được gần gũi với việc chăm sóc bệnh nhân ung thư.

Rồi mỗi lần về nhà nhìn mẹ ngày càng suy yếu, ra ngoài nhìn những bệnh nhân đau đớn chống chọi với căn bệnh của mình lại làm Khoa khao khát hơn nữa, càng có động lực hơn nữa để tìm ra được giải pháp, để báo hiếu mẹ và giúp những bệnh nhân ung thư.

Nhìn những bệnh nhân đau đớn chống chọi với căn bệnh làm Khoa khao khát hơn nữa, càng có động lực hơn nữa đi tìm giải pháp.

Ngưng câu chuyện một chút, Khoa ngậm ngùi: “Cách đây khoảng ba năm khi mình đã nghiên cứu, nuôi cấy thành công dược liệu quý đông trùng hạ thảo và đây là công thức mà công nghệ của các nước trên thế giới đang làm. Lúc đó hạnh phúc lắm, cứ tưởng như có thể đưa dòng sản phẩm này ra thị trường ngay được. Thế nhưng đó lại là lúc mình suy ngẫm và e ngại nó sẽ để lại những di chứng về sau”.

Thế là Khoa lại quyết định mạo hiểm thêm lần nữa, đó là nuôi cấy đông trùng hạ thảo trên môi trường dinh dưỡng hoàn toàn tự nhiên (yến sào, gạo huyết rồng, dịch chiết trái cây). Khi ấy anh vẫn biết rằng có thể sẽ gặp nhiều thử thách và có thể thất bại hoàn toàn với công trình nghiên cứu này.

Khi tôi hỏi Khoa không sợ thất bại, không sợ phải bước lại những bước chân đầu tiên sao, Khoa chỉ cười và nói: “Rất sợ. Tôi đã mất 5-6 năm để nghiên cứu ra sản phẩm. Trong quá trình nghiên cứu gặp phải rất nhiều thất bại.

Có lúc mình như đứng giữa ngã ba đường vì số tiền 4-5 tỉ đồng đã ra đi, thậm chí trong công ty chỉ còn vài chục triệu đồng để duy trì hoạt động. Bản thân tôi phải đi đến lựa chọn bỏ cuộc hoặc tiếp tục nghiên cứu.

Lúc đó thật sự tôi muốn bỏ cuộc nhưng trong sâu thẳm có một tiếng nói cứ thôi thúc mình không được bỏ cuộc. Vậy là mình lại tiếp tục giấc mơ còn đang dang dở”.

Khoa đã trải qua những giai đoạn mất ăn, mất ngủ thậm chí là khủng hoảng lớn về tinh thần cũng như đức tin. Thật may, đến giai đoạn không còn gì để mất thì Khoa thành công. Anh cảm nhận được Chúa đã nâng mình lên bằng cánh tay hồng ân của Người.

Giá trị cho cộng đồng phải hơn giá trị nhận về
“Đạo Công giáo đã dạy Khoa rất nhiều về yêu thương và phục vụ con người bằng chính tình yêu và đạo đức của mình.
Đạo đức ở đây là mình phải ý thức được công việc kinh doanh, phải uy tín và đặt lợi ích của khách hàng lên trên lợi ích của bản thân và giá trị cho cộng đồng phải hơn giá trị mình nhận về.
Điều này đã giúp Khoa rất nhiều trong việc vững tin bước tiếp trên con đường nghiên cứu các dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.